Một thế giới để mơ, một thế giới để sống, một thế giới để quên, một thế giới để an nghỉ....
==========
Tối ngày 30 tụt mood thê thảm, tâm trạng buồn chán kéo dài qua cả ngày mồng 1. Thật là một điều không hay xíu nào trong những ngày Tết, với một dự cảm của một năm mới không được khởi sắc cho lắm. Không chấp nhận số phận, mình tìm tới những phương cách chữa trị tâm hồn: Game - Nhạc - Phim.
Thiên hà rộng lớn của Starcraft không giúp được gì nhiều. Cốt truyện tuyệt vời, gameplay đỉnh cao nhưng Starcraft chỉ càng làm mình cô đơn. Vì thiên hà Koprulu bao la quá, vĩ đại quá, vô hình trung nó lại trở thành điều khiêu khích với mình - một đứa trẻ 18 tuổi, thèm khát sự khám phá, khát khao những cuộc phiêu lưu và những thế giới kì ảo - thần tiên. Nhưng lại bị gói bọc trong 4 bức tường với một con chó vện hơi hướng "nội tâm". 

Đọc thêm:

Âm nhạc - thứ thần dược cho tâm hồn, gọn lẹ và đầy cảm xúc. Nhưng rốt cuộc lại mò vào "Endlessness" của RSM, bài này được chọn làm nhạc nền cho omen trailer Final Fantasy XV. Noctis một mình chạy xe, không có bạn bè, chỉ có mình anh và lũ lính Nifleheim... kéo theo đó là hàng series nhạc soundtrack của Valiant Heart, Intouchables.... Thành ra tự nhiên thấy trống trải khôn tả với list nhạc mồng 1 của mình, mà cũng chả hiểu sao hôm ấy toàn mở nhạc Emotional mới chán chứ!
Phim ảnh - một phương thức đòi hỏi thời gian và cả sự may rủi bởi một bộ phim không hợp gu, không hợp hoàn cảnh hoặc không đủ tri thức để hiểu có thể khiến mọi thứ trở nên tệ hơn. Với mong muốn được phiêu lưu trong một thế giới giả tưởng tuyệt vời nào đó, mình liền tìm kiếm với từ khóa "Fantasy movie". Quả là một sự tình cờ! Pan's Labyrinth xuất hiện sau vài cú click chuột. Hoàn toàn xa lạ, một bộ phim của Tây Ban Nha chứ không phải Mỹ, từ một ông đạo diễn Mexico tên lạ hoắc nhưng Pan's Labyrinth may thay đã thành công khi kích thích trí tò mò của mình. Gì nhỉ? Poster của một con quái đầu dê hơi nham nhở, một cô bé ngây thơ trong một khung cảnh tối tăm quen thuộc của dòng phim "Dark fantasy" và con IMDB 8.1. Tuy 2 giờ phim không thực sự cải thiện cảm xúc là bao nhưng đổi lại là hàng dòng suy ngẫm, những đồng cảm và thiết tha với Ofelia và vương quốc giả tưởng của cô bé, hơn tất cả là hình ảnh của một phần bản thân trong bộ phim, tạo nên những dòng xúc cảm lạ kì.....


Đọc thêm:

============
Pan's Labyrinth (tạm dịch: Mê cung thần nông) là bộ phim giả tưởng tối (dark fantasy) của Tây Ban Nha. Bối cảnh của phim được đặt vào thời điểm 5 năm sau cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936- 1939) tức năm 1944. Lúc này phe phát xít đứng đầu là tên độc tài Francis Franco đã chiến thắng và đang củng cố nền cai trị của mình bằng việc khủng bố và thủ tiêu các lực lượng du kích chống đối. Ofelia, một cô bé có cha là người thợ may qua đời trong chiến tranh cùng mẹ mình chuyển đến nơi ở mới là một doanh trại chỉ huy bởi người chồng mới của mẹ Ofelia - Vidal, một tên phát xít tàn bạo. Tại đây, Ofelia phát hiện ra một mê cung dẫn tới một thế giới diệu kì mà ở đó cô là công chúa đã đi lạc của vương quốc dưới lòng đất. Nhưng để có thể quay trở về với vua cha và mẫu hậu của mình, cô phải hoàn thành 3 thử thách để chứng minh tâm hồn mình không bị vấy bẩn bởi thế giới trên mặt đất.
Mạch phim là sự hòa quyện, đan xen của hai dòng nội dung chính: 1 là thế giới diệu kì của cô bé Ofelia với hành trình giải quyết những thử thách của thần nông, cũng là một hành trình để khám phá chính bản thân cô bé. Dòng nội dung thứ hai là cuộc chiến giữa phe phát xít cùng những người du kích trong rừng. Xoay quanh đó là những nhân vật Bác sĩ Ferreiro, cô giúp việc Mercedes, mẹ của Ofelia - Carmen....
Đầu tiên, ta nói về thế giới thực tại nơi Ofelia đang sống hay nói đúng hơn là đang phải chịu đựng. 
Do mang thai con của Vidal - Một đại tá phát xít nên Ofelia cùng mẹ - Carmen được đưa về sống ở một dinh thự tại một thị trấn phía Bắc Tây Ban Nha. Tại đây, cô phát hiện ra một mê cung cổ và tình cờ gặp được cô hầu gái hiền dịu - Mercedes. Ngoài ra, còn có người bác sĩ tận tuy Ferreiro - được Vidal thuê riêng để chăm sóc cho Carmen - một phụ nữ yếu đuối nhưng hiền hậu.
Vidal - Tên phát xít tàn nhẫn, một người chồng gia trưởng và cũng là một người cha dượng khắc nghiệt. Có thể nói, Vidal chính là hạt nhân cho mọi xung đột trong phim. Hắn khắc nghiệt đến mù quáng, không ngần ngại tàn sát khi chưa có bằng chứng rõ ràng. Hắn khó chịu khi người khác không tuần lệnh hắn. Hắn nhúng tay, và thao túng tất cả, sắp đặt mọi thứ theo ý hắn và những ai kháng cự đều sẽ phải lãnh hậu quả. Rõ ràng, Vidal là một nhân vật quá điển hình cho bộ máy phát xít: Giáo điều, khắc nghiệt, tàn nhẫn.
Nhân vật Vidal đo diễn viên Sergi López thủ vai.
Xung quanh Vidal cũng là một bộ máy quân phiệt với vài chục lính răm rắp lệnh, mục sư, thị trưởng, quân nhân, cựu quân nhân,.... Nhưng tách rời khỏi bức ảnh tập thể phát xít ấy là bác sĩ Ferreiro. Trái ngược với những kẻ khác, bác sĩ không răm rắp tuân lệnh Vidal, vì cái thiện, bác sĩ sẵn sàng giúp đỡ những người du kích trong rừng sâu. Để cho người lính du kích chết đi thanh thản, không đau đớn ông không ngại chống lệnh Vidal để cho người lính ấy một giấc ngủ vĩnh hằng, bình yên. Ông chữa trị bằng trái tim, nghe theo lương tâm của mình chứ không phải bằng bất cứ mệnh lệnh nào.
Tuân lệnh là thứ dành cho những người nghe lời mà không cần thắc mắc. Thứ đó chỉ có ông mới làm được thôi, Đại úy! - Dr. Ferreiro
Bác sĩ đối diện với cái chết một cách bình thản, như thể đã tiên đoán được nó. Cũng dễ hiểu thôi! Chống lệnh một tay hiếu sát, tàn nhẫn như Vidal thì cái kết cũng là điều dễ đoán. Nhưng cách ông đối diện với nó mới thực sự đáng nể. Sau khi bị bắn, bác sĩ vẫn bước tiếp, bước cho tới khi không còn bước được nữa, ông tháo kính, khẽ day mắt như chuẩn bị nghỉ ngơi sau một cuộc hành trình dài, và rồi ông ngã xuống.....
Người bác sĩ khẽ day mắt mệt mỏi...
Đối nghịch với thực tại tàn nhẫn, là thế giới nhỏ bé diệu kì của Ofelia. 
Ở thế giới ấy, cô gái nhỏ bé trở thành công chúa Moana của vương quốc dưới lòng đất. Được tôn kính như một thiên thần nhỏ, được bảo hộ dưới vòng tay của Thần nông (Pan), được yêu mến bởi các Tiểu tiên nhỏ bé. Trái với thế giới thực nơi cô bị đe dọa bởi bạo lực và bị đè nén bởi sự độc đoán. 
Nhưng cô có 3 nhiệm vụ phải hoàn thành. 3 nhiệm vụ để giúp cô công chúa có thể trở về quê hương, nơi chốn mà cô thuộc về, nơi phụ hoàng, mẫu hậu của cô đang đợi chờ. Đầu tiên, Cô bé phải đối mặt với một con ếch khổng lồ, gớm ghiếc, lởm chởm để lấy chiếc chìa khóa mở ra chiếc hộp bí mật. Tiếp theo, cô phải vượt qua một quái vật hình người không mắt, chuyên ăn thịt trẻ con để lấy con dao thần kì. Và cuối cùng là đối mặt với chính tham vọng của bản thân, khi lựa chọn giữa việc dùng máu của em trai mình để mở cánh cửa trở về vương quốc cũng là một thử thách về lòng nhân từ và đức hy sinh của cô bé.









3 thử thách của Ofelia
Hai dòng nội dung ấy dẫn tới 2 cảnh kết: Một Ofelia nhỏ bé, hấp hối, thấm đẫm máu tươi của chính mình trên tay cô Mercedes long lanh nước mắt và một công chúa Moanna lúc này đã trở về cùng với phụ hoàng và mẫu thân, trở thành người cai trị thông thái của vương quốc, được thần dân mến yêu như một món quà cho lòng nhân hậu của mình.
Có thể thấy rằng, Pan’s Labyrinth là câu chuyện về một thực tại bất hạnh, đau khổ và đầy bạo lực. Ở đó, người ta mong muốn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn và vì thế giới tốt đẹp ấy, họ phải đấu tranh, phải chiến đấu, phải hy sinh như những người lính du kích chống phát xít để giành lấy tự do. Còn với Ofelia, em thoát khỏi thực tại bạo tàn ấy bằng cách riêng của mình, em trốn trong một thế giới riêng. Một thế giới mà chỉ em mới có thể thấy được, chạm được. Nơi ấy không có bạo lực, tàn sát hay lừa lọc, chuyên quyền. Nơi ấy có những điều thần kì trong các câu truyện cổ tích mà em thường đọc, có phép lạ, có những người yêu thương em, tôn kính em, bảo vệ em. 
Và cuối cùng, với sự dũng cảm, sự thật thà thơ ngây cùng lòng nhân hậu, cô bé đã trở về với vương quốc của mình, trở về với phụ hoàng và mẫu thân, với Thần nông và với những thần dân yêu quý cô..... Nhưng thế giới ấy liệu có phải đích đến thực sự của Ofelia? Khi những gì ở lại, chỉ còn cô hầu gái Mercesdes bên cơ thể Ofelia bé nhỏ trong nền cảnh đen tối, xám xịt và một bên là cô gái xinh xắn trong bộ xiêm y lộng lẫy dưới sự tráng lệ, tươi sáng của cung điện dưới lòng đất. Bên nào là thực? Bên nào là ảo? 








Câu truyện của Ofelia làm mình nhớ tới một bộ phim kỳ ảo - giả tưởng khác của đạo diễn Zack Snyder, đó là Sucker Punch. Để chống lại thực tại nghiệt ngã, (mẹ và em bị bố dượng giết, còn bản thân bị bắt vào nhà thương điên do sự vu oan của lão bố dượng) Baby Doll - nhân vật chính của phim đã tự tưởng tượng ra một thế giới khác. Nơi thế giới thực, Baby Doll không đủ sức mạnh chống lại những gã đàn ông tàn bạo với những phương cách chữa trị vô nhân tính. Cô buộc phải nhờ cậy thế giới tinh thần, thế giới bên trong. Ở thế giới đó, cô có sức mạnh, có những đồng đội đồng hành cùng mình để chiến đấu chống lại những thực thể tàn bạo: Rồng, kẻ thù bên kia chiến tuyến, những tên Samurai khổng lồ... tất cả đều là hiện thân cho những tên trùm sỏ ác độc tại nhà thương điên. Thế giới ấy được chính bộ não giàu trí tưởng tượng và khát vọng tự do của Baby Doll tạo nên dựa trên những trải nghiệm khắc nghiệt mà cô phải chịu đựng nơi địa ngục trần gian. Nhà thương điên được trí tưởng tượng của Baby Doll cải biến thành một vũ trường. "Đại gia" mà các cô phải thu hút lại chính là tay bác sĩ vô nhân tính chuyên đi tẩy não bệnh nhân. Các cô gái trong bệnh viện có số phận như Baby Doll được cô coi như những người chị em, có sức mạnh, có ước mơ, có lòng yêu thương, đồng cảm và tinh thần đoàn kết. Cuộc hành trình giải thoát khỏi nhà thương được trí tưởng tượng của Baby Doll biến thành những nhiệm vụ đầy thử thách cam go khi chiến đấu với rồng, với samurai, với kẻ thù,....

Khi thế giới thực quá khắc nghiệt, khi người ta không đủ sức mạnh hay quyền lực để chống lại thế giới thực ấy thì họ phải tìm đến một thế giới khác. Một thế giới mà ở nơi đó, họ mạnh mẽ hơn, nơi họ có thể trở thành một thứ gì đó to lớn và vĩ đại, nơi họ có tầm ảnh hưởng và được ghi nhận. Thế giới ấy sẽ trở thành điểm tựa tinh thần, thành pháo đài để họ đồn trú mỗi khi thế giới thực trở nên quá khắc nghiệt với họ, bảo vệ họ khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Mặt khác, thế giới ấy cũng cho họ động lực để tiếp tục chiến đấu, để đi lên. Trí tưởng tượng lúc này không chỉ đơn thuần là trí tưởng tượng, nó còn là một phương cách để con người ta có niềm tin hơn trong cuộc sống. Nhưng mặt trái của thế giới ấy chính là lúc người ta quá lạm dụng nó, quá tin tưởng vào nó, họ tự sẽ tách mình rời hoàn toàn khỏi thế giới thực và chìm đắm trong ảo vọng hư vô. Khi ấy, con người bị cầm tù trong thế giới ảo vọng của chính mình, không còn can hệ với thế giới thực, không còn là chính họ nữa....
Ofelia có lẽ cũng như vậy, em đồn trú trong thế giới nhỏ diệu kì của chính mình, em vui thích và an lành bên nó. Nhưng em không xa rời thực tại, không mù quáng. Em đã không bất chấp máu của người em trai vô tội để trở về vương quốc. Chính trái tim nhân hậu vô bờ bến đã giúp cho Ofelia không bị lu mờ bởi ảo vọng của mình. Ở cảnh cuối, có thể trong thế giới hiện thực, Ofelia đã không còn. Nhưng em đã đến được thế giới của mình, thế giới em mong ước, mơ tưởng. Nơi em được công nhận, được đề cao. Song, cái giá để em đến được thế giới ấy vẫn là quá đắt. Em xứng đáng được yêu thương, được sống hạnh phúc bên cha mẹ mình, được tận hưởng hòa bình và được thưởng thức những điều kì diệu ngay cả trong thế giới thực...... 
Nhưng ít ra, ta vẫn có thể hy vọng rằng, Ofelia đã đến được với thể giới mà em mơ ước....
Pan's Labryinth không hẳn là một bộ phim Fantasy đích thực, bộ phim thiên về phê phán hiện thực và đề cao các giá trị nhân đạo hơn là việc khắc họa một thế giới kì ảo giả tưởng vĩ đại như Middle Earth hay Narnia. Không đạt được mục tiêu ban đầu khi xem phim là để phiêu lưu thế giới giả tưởng. Song, Pan's Labyrinth cho mình nhiều thứ hơn thế. Và rốt cuộc đến hôm mồng 2, tâm trạng cũng không cải thiện là mấy. Nhưng... Well! Who care? Khi một phần con người của mình đã được đưa lên phim... =))))
===========
P.D.A - Phong Dé Avgvstvs
Hoàng tộc Julia - Claudia
Quan chấp chính tối cao nước Cộng hòa La Mã
Thống chế quân đội La Mã