Về quê ngày Tết: Nhìn lại 2020
Cổng Giếng làng Yên Thái Con đường về làng Bưởi quê tôi ngày Tết bao giờ cũng đầy ắp những kỷ niệm. Càng lớn tôi lại càng thấy,...
Con đường về làng Bưởi quê tôi ngày Tết bao giờ cũng đầy ắp những kỷ niệm.
Càng lớn tôi lại càng thấy, hai chữ "về quê" chưa bao giờ chỉ đơn thuần có nghĩa là đặt chân về làng. Nó còn có nghĩa là thăm lại những điều xưa cũ. Đó có thể là những kỷ niệm trẻ thơ, những điều mình từng thề thốt, hay những lần mình đã làm tổn thương một ai đó.
Làng Bưởi vốn không phải là nơi cha sinh mẹ đẻ của tôi. Ngày tôi ra đời, bố mẹ đã rời làng để xây dựng cuộc sống mới ở nơi khác. Nhưng đó lại là nơi duy nhất tôi cảm thấy có một mối liên hệ khăng khít như chính ngôi nhà của mình. Sau gần ba chục năm, làng vẫn thế. Dẫu biết rằng sự thay đổi là cần thiết và không thể tránh khỏi, nhưng tôi luôn mừng thầm vì làng Bưởi gần như không mấy thay đổi. Vẫn những con ngõ chật hẹp, vẫn cánh cổng sắt vào nhà bà ngoại, vẫn gốc đa giữa hàng nơi bầy tôi thơ bé từng ngồi giữa ban trưa ăn hộp sữa chua nhà ông Học.
Làng Bưởi vẫn tồn tại cho chính nó, nhưng với tôi, sự hiện diện của nó còn là một biểu tượng cho quá khứ, và cho tất cả những gì tôi đã trải qua để trở thành tôi của hôm nay.
***
Tôi có thể coi là một người khá nhạy cảm với ngôn từ. Tôi thường hiểu (hoặc là tự suy diễn) những ẩn ý mà người ta lồng ghép vào những lời mà họ nói. Tôi nhớ về một con người không phải qua gương mặt, cử chỉ, mà là qua những điều mà họ nói. Cũng vì vậy mà tôi nhớ những điều mà người khác nói ra rất lâu.
Với tôi, ngôn từ nói ra cũng như người tình. Có gan thổ lộ thì cũng phải có gan đứng cùng với nó qua sóng gió thời gian. Nếu thấy không còn tin vào nó nữa, thì cũng phải biết gọi điện mà chia tay cho đàng hoàng, chứ đừng để mặc nó héo hon gầy mòn mà chết lúc nào không biết. Ngôn từ với tôi là một sự ám ảnh. Tôi vẫn nhớ rõ những điều to lớn mà tôi đã từng mạnh mồm tuyên bố từ tận tấm bé cho đến bây giờ. Chúng như những người tình mà tôi đã từng say đắm, những thứ mà đã từng là một phần con người của tôi. Tất nhiên là có nhiều điều tôi từng nói ra và bây giờ tôi không còn tin vào nữa, nhưng tôi luôn cố gắng nói lời chia tay với chúng: bằng cách đối diện với sự thật rằng mình đã lớn lên, đã thay đổi. Tốt hơn là giả vờ rằng mình chỉ đang cần thêm thời gian, hay là do dòng đời xô đẩy.
Tôi từng nói rằng mỗi đời người nên chọn lấy cho mình một điều để làm kim chỉ nam cho cuộc sống, để làm ngọn đèn hải đăng soi đường mỗi khi mình lạc lối. Với tôi, đó là hai chữ "chân thành." Tôi không ham vật chất hay địa vị. Không màng cả trí tuệ. Vì tri thức thì cũng hay đấy, nhưng có mấy khi nó nói cho ta biết cách ta phải hành xử trước thế giới này? Tôi chỉ mong mình sống sao cho đúng với cái tâm thế của một con người—cái gì cũng vừa đủ để bảo vệ những người mình thân thiết, hay chí ít là không làm hại đến họ. May mắn với tôi là vợ tôi cũng đồng cảm với điều đó. Có lẽ đó cũng là một phần mà chúng tôi đến được với nhau. Vợ chồng tôi thường bảo nhau rằng với những niềm tin như thế, chúng mình chắc sẽ chẳng bao giờ giàu được nổi. Nhưng cái gì cũng có giá của nó, và chúng tôi đặt ra rõ những điều mà chúng tôi sẽ không bao giờ đem ra để đánh đổi.
Mỗi năm trôi qua khi nhìn lại, tôi đều nhắc nhở bản thân mình không được quên hai chữ ấy, và cảm thấy một chút tự hào vì mình vẫn có thể giữ được nó trong tâm khảm.
***
Con đường vào nhà ông bà tôi đi qua một khu chợ. Có một thời gian ngày xưa gia đình tôi ở nhờ nhà ông bà trong lúc nhà tôi đang được sửa sang lại. Đợt đó, sáng nào bà tôi cũng dẫn tôi cùng đứa cháu họ, kém tôi có hai tuổi, ra chợ ăn trứng vịt lộn (và tất nhiên là phải ăn hết quả trứng rồi mới được sang hàng bên ăn tào phớ.) Ngày Tết, chợ vắng hoe. Nhưng những vật dụng thường thấy trong các phiên chợ hàng ngày thì vẫn còn nguyên vẹn ở đó. Chẳng có ai ở làng Bưởi nghĩ đến chuyện lấy đồ của ai bao giờ. Đứa bé trên vai tôi lần đầu được đi qua những mảnh kỷ niệm tuổi thơ của bố nó, mở to đôi mắt tò mò mà nhìn ngắm mọi vật xung quanh. Lắm khi tôi thấy ghen tỵ với nó.
Con gái đầu lòng của vợ chồng tôi là một cô nhóc hoạt bát và luôn tràn đầy năng lượng. Nó học cái gì cũng rất nhanh mà chẳng cần ai phải tác động đến: từ học lẫy, đến học bò, và bây giờ đang là vịn vào tường mà đứng dậy.
Có người khuyên chúng tôi cho con đi học tiếng Anh từ sớm. Tôi chỉ cười trừ. Tiếng Anh của tôi về cơ bản cũng không phải hạng xoàng, vì tôi đã từng làm việc từ xa gần hai năm với người nước ngoài. Nhưng một trong những điều từng khiến tôi hối tiếc nhất, đó là niềm tự hào về khả năng ngoại ngữ của mình, trong khi tiếng mẹ đẻ thì chẳng tử tế nổi cái chính tả. Tôi muốn con gái mình lớn lên trước hết phải thạo tiếng Việt, hiểu được tầm quan trọng của nó, và thấy hết những vẻ đẹp mà những giá trị trong lời ăn tiếng nói của những người đồng hương của mình, trước khi nó nghĩ đến chuyện học ngoại ngữ. Cứ thuộc được Nam Quốc Sơn Hà, cứ yêu được thơ của Hồ Xuân Hương, cứ nhớ được về mâm cỗ ngày Tết với bánh chưng bánh giầy đã, rồi tính.
Một ai đó có thể sẽ tự hào khoe rằng con mình tuổi còn nhỏ mà tiếng Anh đã bắn như gió. Nhưng với tôi, chuyện đó chẳng có gì là quan trọng nếu như nó không thể nói chuyện cho tử tế được với những người thân của mình. Tôi không muốn con của mình lớn lên "bắn tiếng Anh như gió"—xong một điều lại "Jesus", hai điều lại quay ra chê bôi tiếng mẹ đẻ mình là sến sẩm, là khó diễn tả, là thiếu chặt chẽ, hay là do Cộng Sản dựng lên để mị dân và chống lại những giá trị văn minh của phương Tây, v.v. như tôi đã từng làm.
Ai cũng muốn mình là người nhìn xa trông rộng, nhưng liệu có mấy ai nghĩ đến chuyện nhìn sâu vào bên trong? Nhìn sâu vào những thứ vốn vẫn luôn tồn tại trong mình nhưng bản thân đã quên mất.
***
Tôi sinh sống ở Hà Nội, làng Bưởi quê tôi cũng là một ngôi làng ở Hà Nội, vì thế nên tôi không chỉ về quê vào mỗi dịp Tết. Nhưng dù là vậy, tôi luôn cảm thấy mình thật sự may mắn vì kể cả có là như vậy, con đường về quê với tôi lúc nào cũng mang đến những cảm giác khác hẳn so với những gì mà sự xô bồ của đất Hà thành đem lại.
Nếu bạn nghĩ rằng những con đường kẹt cứng xe cộ với tiếng còi inh ỏi, những dãy nhà cửa kinh doanh bề bộn, những toà nhà sang trọng chen chúc, hay những phố đi bộ, những nhà thờ lớn, mới là khuôn mặt của Hà Nội, thì để tôi nhắn nhủ với bạn rằng bạn đã nhầm. Hà Nội thật sự nằm trên khuôn mặt những con người hết sức bình thường, sống những cuộc sống hết sức bình thường, trong những con ngõ hay con hẻm hết sức bình thường. Đó là những chiếc ghế nhựa của quán chè đầu ngõ đã bán mấy chục năm nay. Đó là một ngôi nhà nhỏ với cánh cửa sắt kéo hoen gỉ, ngay bên trong có một tấm gương và một chiếc ghế gỗ phục vụ cho việc cắt tóc, nhưng ông thợ thì còn đang bận đi làm điếu thuốc lào. Hay đó là mấy bà cụ già ngồi hóng mát ở gốc cây đa.
Hà Nội thực chẳng thể được định danh bởi những thứ "landmark" hào nhoáng, mà nó nằm len lỏi trong những ngóc ngách bình dị và vô danh. Bạn bước chân vào những nơi như làng Yên Thái, như là ngõ Quỳnh, hay là như khu tập thể văn công quân đội Mai Dịch, nơi mà những âm thanh huyên náo của đường phố không thể chạm tới, nơi mà chỉ có tiếng gà gáy ban trưa dội vào những tấm cửa sổ cũ lấm lem màu sơn mòng két, bạn mới thực sự có thể cảm nhận được sự hiện diện của Hà Nội.
Là một người con của Hà Nội, những điều đó với tôi cũng quan trọng giống như ly cà phê mỗi sáng. Nó khiến tôi tỉnh táo và không quên mất mình là ai.
***
Mấy ngày Tết bận rộn việc nhà cửa, việc tiếp khách, rồi trông con, tôi cũng không để dành ra được quá nhiều thời gian rảnh. Bạn biết những lúc đó tôi làm gì không? Cày hết một loạt những bài phỏng vấn từ trước đến nay của Sơn Tùng M-TP, chỉ bởi vì chẳng may Youtube giới thiệu cho tôi.
Tùng thực sự là một chàng trai khiến tôi phải nể phục. Không phải vì Music, Tài năng hay là Phong cách, cũng chẳng phải vì kiếm tiền giỏi, mà là vì cậu ta thực sự biết-mình. Tôi nghe cậu ta say mê kể chuyện về niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc của mình, về kỷ niệm những năm tháng đầu tiên làm nhạc với lũ bạn cùng lớp và chiếc máy tính cùi bắp triệu bạc, và về những cảm xúc chân thực nhất khi lần đầu bước chân lên thành phố để theo đuổi âm nhạc. Cảm nhận của tôi là Tùng không phải là một người suy nghĩ quá phức tạp trong chuyện làm ăn, nhưng lại là một người dành rất nhiều suy tư cho chính bản thân mình và những người quan trọng xung quanh. Cậu ta biết mình-là-ai, và quan trọng hơn là mình-không-phải-là-ai. Chứ hồi bằng tuổi Tùng trong những câu chuyện mà cậu ta kể, tôi luôn nghĩ tôi là cái vung của địa cầu, cái rốn của vũ trụ. Hoặc là tôi biết tất cả mọi thứ, hoặc là tôi cảm thấy thứ đó không quan trọng để mà phải biết. Nhu cầu của tôi, tâm tư của tôi, nỗi đau của tôi, tất cả đều là quan trọng nhất. Fuck everything and everyone else.
Với tôi, những điều đó về Tùng là dấu hiệu cho thấy một chàng trai thực sự trưởng thành. Tôi cảm nhận ở chàng trai này một sự chân thành, điều mà tôi luôn hằng hướng đến, dù cho tôi vẫn còn lâu lắm mới đạt đến tầm cỡ của Tùng. Những người sống khôn khéo và toan tính ở thời đại này thì nhiều rồi, và tôi thì không cổ suý cho việc suy nghĩ đơn giản, nhưng có mấy người đủ khôn khéo để biết toan tính thế nào là vừa đủ?
Sau tất cả những điều đó, tôi cảm nhận một sự tôn trọng rất lớn dành cho chàng trai Thái Bình kém tôi một tuổi nhưng hơn tôi cả cái đầu này. Không biết việc quý mến Sơn Tùng, nhưng lại không phải vì âm nhạc của cậu ta, liệu có khiến tôi trở thành một Sky không?
***
Một trong những niềm vui thú đầu năm của tôi, đó là tìm lại những tác phẩm vĩ đại đối với bản thân mình. Một cuốn sách, một bộ phim, một tựa game. Những thứ như thế không nhiều, nhưng cũng không đến nỗi quá hiếm để phải đi tìm cả một đời người không thấy.
Với tôi, một tác phẩm vĩ đại là một tác phẩm sâu sắc, với thật nhiều những tầng lớp ý nghĩa, đến mức ta cảm thấy như nó biết lớn lên cùng với bản thân mình. Mỗi lần trở lại là một lần chúng ta được hiểu thêm những điều mà nó muốn truyền tải. Kiểu như ngày bé chỉ hiểu rằng ôi cái tình yêu giữa hai nhân vật chính kia sao mà tréo ngoe đến thế—đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi. Lớn lên một chút, lại thấy câu chuyện ấy không hẳn là câu chuyện về tình yêu, mà còn là về bản lĩnh con người, dấn thân dù biết trước mặt là khó khăn và đau khổ. Lớn thêm chút nữa, lại thấy đó là câu chuyện về những sự đối lập đen trắng, âm dương, tả hữu—trong hình hài, cử chỉ, hành động, lời ăn tiếng nói, và niềm tin của mỗi con người cũng như của xã hội, tạo nên một khuôn mẫu hiển hiện ở khắp nơi.
Càng lớn lại càng thấy, việc đọc, việc học những thứ mới, khó thì cũng khó thật đấy, nhưng chẳng thể khó bằng việc học lại những thứ mình đã biết. Học lại để hiểu nó nhiều hơn, để thấy được sự sâu sắc của nó bên ngoài những thứ nhãn mác như "giáo điều" hay "cổ hủ." Nó yêu cầu ta phải biết đối diện với quá khứ và chấp nhận con người thật của chính mình. Nhiều người cứ vỗ ngực tự xưng là biết nhiều, là "trên thông thiên văn dưới tường địa lý", nhưng riêng chỉ có biết-mình là chịu trận.
Đã lâu rồi tôi không còn hứng thú với cái gọi là "cam kết năm mới" (New Year's Resolution). Có thể bạn không tin, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không muốn cố gắng. Chỉ có điều là với tôi bây giờ, với mỗi năm trôi qua, tôi chỉ cần biết rằng tôi chưa đánh mất chính mình. Thế là đủ.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất