Vào năm 1990, sau khi hoàn thành sứ mệnh chính và đang rời khỏi Hệ Mặt Trời, NASA điều khiển tàu Voyager 1 quay ngược máy ảnh và chụp một bức cuối cùng về Trái Đất qua một khoảng không gian rộng lớn, theo yêu cầu của nhà thiên văn Carl Sagan, như một phần của loạt bài chân dung gia đình Hệ Mặt Trời.
Trong bức ảnh mang tính biểu tượng này, kích thước biểu kiến của Trái Đất chỉ khoảng một pixel. Hành tinh xanh của chúng ta xuất hiện như một hạt bụi nhỏ bé trong một biển không gian mênh mông, giữa các dải ánh sáng mặt trời, phản chiếu bởi máy ảnh.
Pale Blue Dot Revisited, 2020
Cụm từ Pale Blue Dot được chính Sagan đặt ra khi ông suy ngẫm về tầm quan trọng lớn hơn của bức ảnh. Trong quyển sách cùng tên, xuất bản năm 1994, ông viết:
“Hãy nhìn lại dấu chấm ấy. Đấy chính là nơi này đây. Đấy là nhà. Đấy là chúng ta. Trên đấy có tất cả những người bạn yêu, bạn biết, bạn từng nghe nói tới, cả những con người từng tồn tại, từng sống trọn vẹn cuộc đời của họ nữa. Sự tổng hòa niềm vui và khổ đau của chúng ta, hàng ngàn tôn giáo tín ngưỡng, ý thức hệ, học thuyết kinh tế, tất cả thợ săn và thợ rèn, tất cả người hùng và kẻ hèn, tất cả nhà sáng lập và kẻ phá hoại nền văn minh, tất cả vị vua và thường dân, tất cả đôi trẻ đang yêu, tất cả người mẹ và người cha, đứa trẻ đầy triển vọng, nhà phát minh và nhà thám hiểm, tất cả giáo viên sáng ngời đạo đức, tất cả chính trị gia tham nhũng, tất cả “siêu sao”, tất cả “lãnh đạo tối cao”, tất cả vị thánh và kẻ tội đồ trong lịch sử loài người chúng ta đều sống trên đấy - trên một hạt bụi lơ lửng giữa vệt nắng.
Trái Đất là một sân khấu rất nhỏ trong một vũ đài vũ trụ rộng lớn. Hãy nghĩ về những dòng sông máu được đổ đầy dưới tay của tất cả những vị tướng và hoàng đế, để rồi khoác lên mình vinh quang và chiến thắng, họ có thể trở thành những bá chủ nhất thời của một phần dấu chấm. Hãy nghĩ về sự tàn khốc vô tận mà cư dân ở góc này của chấm nhỏ giáng xuống những cư dân giống họ đến mức khó có thể phân biệt được ở góc khác, về mức độ hiểu lầm thường xuyên của họ, về việc họ háo hức sát hại nhau thế nào, về lòng căm thù sục sôi của họ.
Sự giả tạo của chúng ta, sự tự huyễn về tầm quan trọng của bản thân chúng ta, sự ảo tưởng rằng chúng ta có một vị thế đặc quyền trong Vũ trụ, bị thách thức bởi điểm sáng nhạt này. Hành tinh của chúng ta chỉ là một đốm nhỏ lẻ loi, bao trùm xung quanh là bóng tối vũ trụ rộng lớn. Mặc cho sự mù mờ của chúng ta trong vũ trụ bao la này, không hề có một dấu hiệu nào cho thấy sẽ có sự giúp đỡ đến từ một nơi nào đó, để cứu rỗi chúng ta khỏi chính mình.
Cho đến nay, Trái Đất là thế giới duy nhất có sự sống mà chúng ta biết. Không một nơi nào khác, ít nhất là trong tương lai gần, mà loài người chúng ta có thể di cư đến. Đến thăm thì được, chứ định cư thì chưa đâu. Dù muốn hay không, thì Trái Đất vẫn là điểm tựa của chúng ta ở thời điểm hiện tại.
Người ta nói thiên văn học là một trải nghiệm khiêm nhường và bồi dưỡng tâm tính. Có lẽ không có minh chứng nào về sự tự phụ ngu xuẩn của loài người tốt hơn hình ảnh xa xôi về thế giới nhỏ bé của chúng ta. Đối với tôi, nó nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta về việc đối xử tử tế với nhau hơn, để giữ gìn và trân trọng chấm xanh nhạt, ngôi nhà duy nhất mà chúng ta biết.”
----------
Just insert some feel for it :)
The Great Wide Open by Lights & Motion