CÁ CÓ KHÁT NƯỚC KHÔNG? 🐠🐠🐠
Okay, mình biết là mới nhìn vào thì đây sẽ là một câu hỏi có phần hơi ngu ngốc, nhưng mà có khi nào các bạn thắc mắc điều đó chưa?...
Okay, mình biết là mới nhìn vào thì đây sẽ là một câu hỏi có phần hơi ngu ngốc, nhưng mà có khi nào các bạn thắc mắc điều đó chưa? Cá sống trong nước, nhưng mà nếu vậy thì nó có khát nước không? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng giải đáp câu hỏi "ngu ngục" này nhé!
Nhưng mà đầu tiên, chúng ta phải định nghĩa xem "khát nước" là gì cái đã! Khát nước là tình trạng mà cơ thể chúng ta thiếu nước, mà nước thì lại rất quan trọng, nó duy trì hoạt động sống, là dung môi quan trọng và có mặt trong rất nhiều phản ứng hóa sinh xảy ra trong cơ thể chúng ta,...v.v, vì vậy, khi thiếu nước, cơ thể sẽ bắt chúng ta bổ sung nước. Nhưng mà cá lại sống trong nước mà? Mắc mớ gì nó thiếu nước??? À, cái này thì lại còn tùy vào môi trường sống của nó nữa! Có rất nhiều loài cá trên thế giới và chúng sống trong nhiều môi trường khác nhau, từ nước ngọt đến nước lợ, hay thậm chí là nước mặn, hay thậm chí là trong suốt vòng đời, chúng di chuyển qua lại nhiều môi trường khác nhau.
Đối với cá nước ngọt, nồng độ những ion và muối khoáng trong cơ thể chúng cao hơn môi trường bên ngoài, hay có thể nói rằng, cơ thể cá nước ngọt đang ở trong môi trường nhược trương, cho nên theo lẽ tự nhiên, nước sẽ đi vào cơ thể chúng. Nhưng mà nếu để nước đi vào như vậy thì nồng độ các muối khoáng và ion trong cơ thể chúng sẽ giảm, chức năng của cơ thể cá nước ngọt sẽ bị rối loạn, thế nên qua hàng triệu năm tiến hóa, cơ thể của cá nước ngọt đã phát triển cơ chế giữ lại những muối khoáng thu thập được từ môi trường nước và từ thức ăn, đồng thời, thải ra nước thặng dư để ổn định môi trường trong cơ thể, bộ phận chính đảm nhiệm việc này chính là thận, và vì thế nên thường thì cá nước ngọt tiểu rất nhiều, và nước tiểu chúng rất loãng. Từ những điều trên, ta có thể kết luận rằng ở điều kiện sống bình thường thì cá nước ngọt không bị khát nước, nhưng nếu bị quăng vào một môi trường có nồng độ muối cao hơn một chút so với môi trường nước ngọt thì chúng sẽ bắt đầu điều chỉnh lại hệ thống cơ quan trong cơ thể và bắt đầu có hiện tượng khát nước, hoạt động lọc của thận cũng giảm đi, còn nếu ở trong môi trường nước có nồng độ muối quá cao so với nước ngọt (từ nước lợ có độ mặn thấp đến nước mặn) thì chúng sẽ... chết trước khi kịp khát nước vì rối loạn chức năng thận và quá tải muối, gọi nôm na là "cháy thận".
Ngược lại với cá nước ngọt, cá nước mặn thì lại sống trong môi trường ưu trương, xung quanh cá toàn là muối eiii, cơ thể cá đang bị đuối eiii, thiếu nước thì ngắm nải chuối eiii, nên cá tự tiến hóa luôn eiii... Để đào thải bớt muối và giữ lại nước, cá biển có thể lọc bỏ một phần muối vào cơ thể chúng thông qua mang, lượng muối còn lại thì được lọc bởi thận, trái ngược với cá nước ngọt, những bộ phận đảm nhiệm chức năng đào thải nước dư và giữ lại khoáng trong thận của cá biển phát triển rất kém, có khi là tiêu biến hẳn, thế nên nước tiểu của cá biển rất ít nhưng nồng độ muối khoáng trong đấy cực kỳ đặc. Dù có cơ chế giữ nước và thải muối nhưng cơ chế đấy cũng không giúp cá biển giữ 100% lượng nước ở trong cơ thể, vì thông qua các hoạt động sống, lượng nước ấy cũng từ từ mất đi, vì vậy, cơ thể chúng yêu cầu phải được nạp nước liên tục, lọc bỏ bớt một lượng lớn muối để trở thành nước có thể sử dụng được, vì vậy, cá biển sẽ có hiện tượng khát nước. Tương tự cá nước ngọt, nếu chúng bị quăng vào một môi trường nước quá "nhạt" các cơ quan trong cơ thể chúng rối loạn chức năng vì nồng độ muối sẽ trở nên quá thấp vì cơ chế thải muối, giữ nước của thận cá, cuối cùng, nếu như nồng độ muối khoáng và ion trong cơ thể giảm quá ngưỡng chịu đựng của cá thì chúng sẽ ngủm củ tỏi, gọi nôm na là bị "ngộ độc nước ngọt".
Nhưng mà bên cạnh những loài cá chỉ sống được ở 1 môi trường nhất định như kiểu "hoặc nước ngọt, hoặc nước mặn" hay cá hẹp muối (stenohaline), chúng ta có những loài cá có thể sống được ở nhiều môi trường với nồng độ muối khoáng khác nhau, đấy chính là những loài cá rộng muối (euryhaline). Vậy chúng có khát nước không? Có, và không! Cá rộng muối có một số đặc điểm khá thú vị, thận của chúng sẽ phát triển theo hướng gần giống với nhóm cá hẹp muối, tùy theo môi trường mà chúng dành phần lớn thời gian trong vòng đời để sinh sống, đối với những loài có thể sống ở cả 3 môi trường ngọt, lợ, mặn, thận của chúng sẽ phát triển gần giống cá nước ngọt, nhưng lại có thể điều khiển được khả năng lọc muối khoáng và nước của thận dựa vào môi trường đang sống, vậy nên chúng ta có thể xếp một cách khái quát theo mức độ phát triển của thận ở các nhóm cá theo thứ tự giảm dần như sau: cá nước ngọt> cá rộng muối> cá rộng muối sống chủ yếu ở nước ngọt và nước lợ có độ mặn thấp> cá rộng muối sống ở nước lợ có độ mặn cao và nước mặn> cá nước mặn, tuy nhiên, mọi thứ luôn có ngoại lệ nên cách sắp xếp này chỉ là tương đối. Đặc điểm của nhóm cá rộng muối này vừa có thể giống cá nước ngọt, vừa có thể giống cá nước mặn, vừa ở giữa vì về cơ bản, chúng có thể tự điều chỉnh cơ chế thẩm thấu của cơ thể, vậy nên có thể kết luận rằng chúng có lúc khát nước, lại có lúc không khát nước.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn có thể giải đáp được câu hỏi tưởng chừng ngu ngốc nhưng lại khá phức tạp kia. Chúc các bạn có một buổi tối vui vẻ. Peace!
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất