Vùng đất linh hồn hay Sprited away là bộ phim hoạt hình kinh điển của Nhật Bản, là câu chuyện về một vùng đất kì lạ, nơi tồn tại những sinh vật huyền bí song song với thế giới loài người; và ở đó, cô bé loài người Chihiro đã phải ký hợp đồng lao động với Yubaba- một mụ phù thủy xấu xa để được làm việc tại nhà tắm công cộng, nhằm tìm cơ hội cùng gia đình trốn thoát khỏi vùng đất này.
Bối cảnh của bộ phim, các nhân vật, các sự kiện đều không có thật. Nhưng chúng mình chợt nghĩ, nếu Vùng đất linh hồn thuộc lãnh thổ Việt Nam, và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam hiện hành thì sao? Và đó là lý do bài viết này ra đời. Với bài viết này, chúng mình tập trung phân tích các quan hệ lao động trong phim, mà cụ thể là quan hệ lao động của Yubaba và các nhân viên của bà ta dưới góc nhìn pháp lý. Xem chừng, nếu Vùng đất linh hồn chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam hiện hành, bà ta chắc chắn sẽ bị truy tố bởi rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động của mình.
Căn cứ Bộ luật lao động 2015, Yubaba đã có các hành vi vi phạm pháp luật như:
- Cưỡng bức lao động
- Phân biệt đối xử trong lao động'
- Sử dụng lao động vị thành niên
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người lao động
Với từng đó hành vi, Yubaba nên lo lắng việc sẽ bị thanh tra Sở Lao động- thương binh và xã hội để mắt là vừa. Nhưng rõ ràng Yubaba là một nhân vật giả tưởng, bối cảnh phim cũng là giả tưởng, nên có lẽ người duy nhất lo lắng ở đây là chúng mình- những người tin rằng Yubaba vẫn tồn tại ở ngoài xã hội, với nhiều hình dạng khác nhau nhưng mang chung một cái tên là “người sử dụng lao động”.
---
1. Về quan hệ pháp luật lao động trong phim 
Ở đây, chúng mình muốn tập trung đến quan hệ pháp luật của Yubaba và từng người làm thuê ở nhà tắm công cộng của bà ta, đó là Haku, Sen (Chihiro), Rin và các lao động khác.
Yubaba, một bà phù thủy già nhưng minh mẫn và láu cá, là chủ một nhà tắm công cộng hoạt động nhằm kiếm lợi nhuận là tiền bạc và hiện vật, có thể ví như chủ doanh nghiệp trong thế giới hiện đại. Bà ta chính là người thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo một hợp đồng lao động bằng phép thuật. Trong các quan hệ pháp luật lao động này, bà ta là “người sử dụng lao động”. 
Các nhân vật như Haku- tay sai của Yubaba, hay là quản lý cấp cao của khách sạn, Sen (Chihiro), Rin,... đều là những người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Những người này đều có quan hệ pháp luật lao động với Yubaba, và họ là “người lao động” trong quan hệ pháp luật lao động của họ. 
2. Cưỡng bức lao động 
Vấn đề đầu tiên trong quan hệ pháp luật lao động của Yubaba với các nhân viên của mụ đó là họ đều bị cưỡng bức lao động. 
Khoản 7 Điều 3 Bộ luật lao động 2019 có giải thích thuật ngữ cưỡng bức lao động là việc sử dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để ép buộc người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ. Theo đó, chủ thể thực hiện hành vi này có thể là bất kì cá nhân nào, nhưng thường những người thực hiện hành vi cưỡng bức lao động là người sử dụng lao động, với mong muốn lạm dụng sức lao động của người lao động để thực hiện những hoạt động quá với những công việc đã được giao kết. 
Cưỡng bức lao động là hành vi bị cấm, được quy định tại Điều 8 Bộ luật lao động 2019 về Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động. 
Với hành vi cưỡng bức lao động, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân, doanh nghiệp cưỡng bức lao động có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 
Hình phạt cho hành vi này được quy định tại Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, hành vi cưỡng bức lao động bị xử phạt hành chính vài Điều 297 Bộ luật hình sự 2015 về Tội cưỡng bức lao động. Với xử phạt hành chính, hành vi này có thể bị xử phạt từ 50 triệu đến 180 triệu đồng. Với xử lý hình sự, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm và các hình phạt bổ sung khác. 
Quay lại với câu chuyện của Yubaba và những người lao động trong nhà tắm công cộng của bà ta. Để ép buộc các nhân viên của mình làm việc lâu dài, không có ngày nghỉ và không được kết thúc hợp đồng đúng hạn, Yubaba đã sử dụng một thủ đoạn tinh vi, đó là dùng phép thuật để cướp lấy tên của người lao động, khiến họ quên mình là ai và phải làm việc cho bà ta suốt đời. Tương tự với nhiều người sử dụng lao động láu cá hiện nay dùng thủ đoạn giữ các giấy tờ tùy thân để lừa đảo, ép buộc người lao động làm việc cho mình, đây là hành vi trục lợi cho bản thân và xâm phạm đến quyền tự do lựa chọn nơi làm việc của các cá nhân, là hành vi trái ngược với cả đạo đức và pháp luật.
Yubaba không chỉ thực hiện hành vi cưỡng bức lao động với một người (là Chihiro) mà bà ta thực hiện hành vi này với tất cả những nhân viên của mình, việc cưỡng bức lao động của bà ta kéo dài nhiều năm, thậm chí là hết đời người lao động. Thậm chí, các bằng chứng trong phim cho thấy việc cưỡng bức lao động của Yubaba thậm chí còn gây tổn thương cho rất nhiều nhân viên (như là Haku, sau khi làm nhiệm vụ cho mụ ta đã bị tổn thương khắp cơ thể, hay một nhân viên ếch đã bị Vô diện nuốt chửng suýt chết); tuy vậy không có bất kì giám định y khoa nào hay bất kì báo cáo nào cho thấy đã có người thiệt mạng hoặc đo lường số % tổn thương, nên cho đến hiện tại, Yubaba có thể bị truy tố với tội danh cưỡng bức lao động, với tính chất hành vi có tổ chức, căn cứ tại điểm a khoản 2 điều 297 Bộ luật hình sự và áp dụng tình tiết tăng nặng do hành vi của bà ta là hành vi phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai. Như vậy, Yubaba có thể bị phạt tù từ 03- 07 năm hoặc có thể nhiều hơn theo phán quyết của tòa án. 
3. Phân biệt đối xử trong lao động 
Pháp luật quy định phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính,... của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp của cá nhân. Có thể hiểu đơn giản hơn, phân biệt đối xử lao động là có những hành vi thiên vị hoặc vùi dập hoặc tước đi cơ hội của đối tượng nào đó vì lý do không chính đáng, gây ra bất bình đẳng trong lao động. 
Trong Vùng đất linh hồn đã tồn tại một phân cảnh đắt giá cho thấy việc Yubaba là một kẻ vô cùng phân biệt đối xử, cố tình vùi dập lao động là con người.
Khi Chihiro đến xin làm việc tại nhà tắm công cộng, mụ Yubaba đã nói: “Sao ta phải nhận đứa con gái vô dụng như người’ và “con người không được phép bén mảng đến nhà tắm của ta”. Điều này cho thấy quan niệm bài xích con người của Yubaba. Không chỉ như vậy, khi bắt buộc phải nhận Chihiro vào làm việc, Yubaba cũng luôn giao cho Chihiro những công việc được coi là khó khăn và kinh khủng nhất, chỉ bởi vì cô bé là con người. Chèn ép một lao động, đối xử tệ và bất công với họ chỉ vì dòng máu và sắc tộc là điều điển hình nhất mà một người phân biệt đối xử lao  có thể làm. Trong thế giới hiện tại, nếu một chủ doanh nghiệp nói rằng”người da đen không được phép bén mảng đến doanh nghiệp của tôi”, chắc chắn người đó sẽ bị khiếu nại. 
Căn cứ khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, hành vi phân biệt đối xử trong lao động của Yubaba có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng cho hành vi phân biệt lao động nêu trên.
4. Sử dụng lao động vị thành niên
Lao động vị thành niên được quy định là người lao động chưa đủ 18 tuổi, được chia làm các mốc như người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi và người chưa đủ 13 tuổi.
Pháp luật lao động Việt Nam quy định, muốn sử dụng lao động dưới 13 tuổi cần phải có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là cấp tỉnh) chính là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, ngoài ra các công việc chỉ được liên quan đến thể dục, thể thao và nghệ thuật nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi, và thời gian làm việc trong ngày không được quá 04 giờ và không được quá 20 giờ trong 01 tuần. Nghiêm cấm việc sử dụng người lao động chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm.
Trong quá trình vận hành nhà tắm công cộng của Yubaba, bà ta đã sử dụng lao động vị thành niên khi ký hợp đồng với Chihiro (theo các thông tin được đưa ra, Chihiro là một đứa trẻ từ 10 đến 13 tuổi). Mặc dù có một số bào chữa cho hành vi của Yubaba, rằng bà ta vướng lời nguyền phải nhận bất kì ai đến xin việc, tuy vậy trong số các lao động dưới sự quản lý của Yubaba còn rất nhiều lao động vị thành niên, và chúng ta không thể chắc chắn liệu Yubaba có bị ép buộc phải nhận họ vào làm việc hay không. Ở đây, chúng mình sẽ đặt giả định Yubaba cố tình sử dụng lao động vị thành niên và cùng xem trong trường hợp đó thì bà ta sẽ bị xử lý như thế nào nhé!
Thứ nhất, Yubaba ký hợp đồng lao động với trẻ vị thành niên mà không có sự xác nhận hay cho phép của người giám hộ hoặc cơ quan chức năng. Đây là hành vi làm trái với luật khi pháp luật yêu cầu khi sử dụng lao động dưới 13 tuổi cần có sự cho phép bằng văn bản của cơ quan chức năng. Đây chính xác là sự bất hợp pháp chúng ta luôn quan tâm tới.
Thứ hai, Yubaba luôn yêu cầu Chihiro làm việc nặng nhọc và gần như là suốt ngày dài, cả vào buổi đêm khi Vô Diện và Thần Sông yêu cầu phục vụ, Chihiro cũng phải là người thực hiện tắm rửa cho hai vị linh vật này. Có thể thấy, Chihiro không chỉ làm việc quá 4 tiếng 1 ngày, mà có khi còn lên tới 20 tiếng một ngày! Hành vi này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ vị thành niên, mà còn xâm phạm đến quyền được chăm sóc và phát triển của trẻ em- quyền được pháp luật Việt Nam bảo hộ và đề cao. 
Căn cứ Điều 28 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Yubaba có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 15.000.000 đồng với các hành vi vi phạm như: sử dụng lao động dưới 13 tuổi bất hợp pháp; để người lao động chưa thành niên dưới 13 tuổi (là Chihiro làm) việc quá 20 tiếng một ngày; sắp xếp, sử dụng người dưới 15 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm. 
Tuy vậy, nếu Yubaba bị ép buộc phải nhận lao động vị thành niên vào làm việc, vấn đề pháp lý có thể thay đổi và diễn biến theo một chiều hướng khác.
5. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người lao động 
Điều 6 Bộ luật lao động 2019 quy định người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động. Pháp luật Việt Nam luôn hướng tới bảo vệ các quyền cơ bản cho người lao động, vậy nên bất kì hành vi xâm phạm danh dự và nhân phẩm người lao động nào cũng đều phải chịu xử lý theo pháp luật.
Bất kì cá nhân nào xúc phạm danh dự và nhân phẩm người khác sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng căn cứ Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội;... 
Có thể thấy, Yubaba không chỉ có những lời nói xâm phạm danh dự của Chihiro, mà còn nói những lời thậm tệ và chửi rủa các nhân viên Ếch và những người phụ nữ làm việc cho mình. Như vậy, với tất cả bằng chứng ghi lại sự độc địa của Yubaba trong phim, bà ta có thể bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với hành vi xúc phạm danh dự và nhân phẩm người khác. 
Có thể nói, nếu Yubaba và vùng đất linh hồn chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam hiện hành, Yubaba chắc chắn sẽ bị xử phạt hành chính một số tiền khổng lồ và có thể bị xử lý hình sự với tất cả hành vi phạm pháp bà ta đã làm.
Dù vậy, chúng ta đều biết Yubaba là một nhân vật không có thực, được tác giả dựng lên như một lời lên án những kẻ tự nhận là người sử dụng lao động nhưng thực chất luôn tìm cách bóc lột và lợi dụng người khác. Chúng mình mong rằng qua bài viết này, các bạn đọc của Lock sẽ có thêm những hiểu biết về các hành vi vi phạm pháp luật lao động, cũng như luôn tỉnh táo để bảo vệ quyền lợi bản thân.
---
Lock the door là kênh thông tin bàn luận về các vấn đề xã hội dưới góc nhìn chính trị, pháp lý có nghiên cứu.
Theo dõi chúng mình tại:Facebook: https://www.facebook.com/lockthedooropenyourmind/