Mọi người đang khá xôn xao về vụ việc một "cô giáo" vẫn luôn đem bằng IELTS 8.0 để gây dựng uy tín, nay lộ ra điểm thành phần và điểm overall chưa bao giờ vượt đầu 7. Hàng loạt những livestream, video giới thiệu khóa học bạn đều dùng điểm IELTS giả để chiêu mộ học viên.  
Ảnh cô giáo chia sẻ trên trang cá nhân. Cô đã bị tố sửa bảng điểm lên thành 7.5 Writing và 8.0 Speaking dù thực tế chỉ đạt điểm 6.5. Nguồn ảnh: Kenh14
Là một người cũng làm trong mảng giáo dục, Phương thấy đây là một case có thể nhìn từ 3 góc độ: giáo dục, kinh doanh và cá nhân.

1. Về giáo dục

Chưa cần xét đến yếu tố năng lực, chuyên môn, yếu tố đầu tiên cần xét đến khi làm bất cứ việc gì là mục đích, mục tiêu khi làm điều đó. Và mình tin với người làm trong ngành giáo dục, mục đích phải là truyền đạt kiến thức cho người học và mục tiêu là giúp người học nâng cao kiến thức, kĩ năng, phẩm chất, v.v 
Con người phải là nền tảng trong mọi hoạt động giáo dục.  Thế nhưng bạn được nhắc đến trong câu chuyên lại không coi học viên làm trung tâm. Nếu bạn ấy coi họ là yếu tố quan trọng nhất, bạn đã trau dồi thêm kiến thức để đủ trình độ giúp họ chứ không phải lừa dối họ.
Vì sao hiện giờ có cả một Nhóm Facebook cả ngàn người đề tên là nạn nhân của bạn ấy? Đơn giản vì người Việt Nam mình vốn rất hiếu học, chúng ta được dạy từ nhỏ phải hết mực nghe lời thầy cô, chúng ta thấy cha mẹ mình tin tưởng và kính trọng thầy cô của mình. Vì vậy Phương nghĩ những bạn học viên kia vì họ thiếu kiến thức, họ không biết cách học nên mới phải nhờ đến các trung tâm, họ đặt niềm tin vào những tấm bằng giả, nên họ cảm thấy bị phụ lòng tin khủng khiếp. Đến bản thân còn không tự nhận thức được bản chất của nghề và tôn trọng chính công việc của mình, Phương nghĩ bạn chưa đủ điều kiện dạy ai cả   

2. Về kinh doanh

 Đây quả sự là một sự làm ăn manh mún và những pha xử lí truyền thông khó hiểu.  
Khi làn sóng các công ty đa quốc gia tràn vào Việt Nam trong những năm gần đây, cũng như những hoạt động hội nhập của chính phủ mở ra rất nhiều cơ hội việc làm tốt, nhưng đòi hỏi trình độ lao động, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ tốt. Thêm vào đó mức sống của người Việt đã dần được cải thiện, cho phép họ đầu tư vào giáo dục. Cộng thêm việc nhiều cơ sở giáo dục chấp nhận những tấm bằng chuẩn hóa như IELTS, TOEFL vào quy trình tuyển sinh, tấy cả khiến cho nhu cầu học ngoại ngữ, học chứng chỉ tăng cao hơn bao giờ hết.  
Mình mừng vì người Việt có ý thức học ngoại ngữ, mừng hơn vì các thầy cô giáo dạy ngoại ngữ có thêm thu nhập chứ không như thời bao cấp ngày xưa. Thế nhưng lợi dụng nhu cầu của người học mà làm bậy cũng nhiều không kém. Những scandal đạo nhái giáo trình, dạy chán thu phí cao, đầu ra không đảm bảo, v.v nhan nhản. "Cô giáo" bằng IELTS giả cũng là một trong số đó. Chỉ là bạn khéo léo và nhạy bén hơn về mặt kinh doanh nên may mắn che mắt được dư luận trong một thời gian dài. 
Thị trường Việt Nam có thể còn sơ khai, khách hàng còn bỡ ngỡ, nhưng không có nghĩa bạn có thể làm tiền dựa trên sự giả dối vì ở đâu việc làm sai trái cũng sớm bị đào thải, chưa kể đến ngành kinh doanh được trọng vọng nhưng cũng rất nhạy cảm như kinh doanh giáo dục.  
Thật kì lạ khi một người làm kinh doanh đã lâu lại có cách xử lí kì lạ như bạn ấy: tấn công hội đồng thi và tấn công những người bàn về hành động của mình. Một là để đi dập từng ý kiến tiêu cực về bạn thì chắc... không xuể. Hai là chiếc kim đã lòi khỏi bọc, xin lỗi và thành thật là cách duy nhất để được tha thứ. Chừng nào bạn còn phản kháng, người ta sẽ vẫn có lí do để bàn tán.  Nếu mô hình kinh doanh của bạn trở thành một case study, nó sẽ là case study bài học lớn mà mọi người làm kinh doanh nên tránh.

3. Về người đi học

 Xin các bạn trước khi đặt niềm tin vào một trung tâm thì hãy tỉnh táo cân nhắc kỹ.  Mọi người theo dõi Phương lâu chắc có biết đến sự vụ năm xưa Phương "máu lửa" vay gia đình, người yêu cũ cả chục triệu đi học tiếng Anh. Nơi học của Phương đều là những trung tâm có tiếng, nhiều thầy cô và các bạn đã review tốt và Phương đã học thử mới quyết định đầu tư. Và dù đắt thì mình hoàn toàn yên tâm. 
Mọi người trước khi gửi gắm tiền bạc của gia đình vào bất cứ đâu, cũng nên hình thành một loạt những biện pháp để kiểm tra chất lượng. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc học về cơ bản là việc cá nhân, thầy cô mình dù sao cũng chỉ là người hướng dẫn. 
Phương thấy trên các diễn đàn bắt đầu có hiện tượng đòi thầy cô chứng minh trình độ, biến tướng này cũng không hay chút nào vì nó đi ngược lại với truyền thống của dân tộc mình. Vậy nên cũng đừng để những gương xấu lừa đảo ảnh hưởng tâm lí rồi do không tiến bộ vì bản thân chưa cố gắng, lại quay ra nghi ngờ thầy cô mình nhé.
Hy vọng sẽ không còn những trường hợp lừa dối về trình độ người dạy như thế này nữa.
Chúc các bạn sớm tìm được một trung tâm tiếng Anh tốt để theo học nhé!

Thân ái,
Phương Clark.