PHÂN TÍCH "CẢNH NGÀY HÈ" CỦA NGUYỄN TRÃI
Thiên nhiên từ lâu đã trở thành một đề tài muôn thuở trong thơ ca, bởi khung cảnh núi non trùng điệp, sông xanh nước biếc chưa bao...
Thiên nhiên từ lâu đã trở thành một đề tài muôn thuở trong thơ ca, bởi khung cảnh núi non trùng điệp, sông xanh nước biếc chưa bao giờ ngừng mê đắm tâm hồn người nghệ sĩ. Nhà văn, nhà thơ nào cũng ấp ủ trong mình một trái tim yêu thiên nhiên tha thiết, xưa như thế và nay vẫn vậy. Họ cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả giác quan trên cơ thể, vào từng khoảng không gian, thời gian khác nhau... Có khi họ say cảnh vào một ngày xuân ấm áp, đôi lúc họ lại thả lòng vào một cơn gió chiều thu... Còn mùa hè với cái nắng chói chang, gay gắt lại không mấy được ưa chuộng trên ngòi bút của người thi sĩ, song cái không mấy ưa chuộng đó lại không bao gồm Nguyễn Trãi. Bài thơ số 43 trong chùm thơ Bảo kính cảnh giới của ông chính là một minh chứng.
Tác phẩm Cảnh ngày hè với thể thơ thất ngôn Đường luật xen lục ngôn đã phác hoạ nên bức tranh ngày hè tuyệt đẹp đã hiện lên thật vi diệu dưới ngòi bút của Ức Trai tiên sinh. Bởi không những võ mà cả văn của ông đều mạnh như vũ bão và sắc như gươm đao...chẳng trách Nguyễn Trãi lại họa nên được một bức tranh ngày hè rực rỡ và sống động đến thế. Bài thơ đó được Nguyễn Trãi chấp bút trong những tháng ngày từ quan về ở ẩn ở Côn Sơn. Những tháng ngày an nhàn, thảnh thơi đó được cô đọng trong sáu chữ đầu của bài thơ:
"Rồi hóng mát thuở ngày trường"
Mở đầu bài thơ sao lại nhẹ nhàng và chậm rãi đến thế. "Rồi" được mở đầu như toát lên sự nhàn rỗi của nhà thơ nhưng đó chỉ là cách nói bởi chẳng lúc nào ông cảm thấy nhàn rỗi cả thì ra ngôn nhàn mà tâm bất nhàn. Nguyễn Trãi bỏ lại thế sự, để trở về với chốn lâm tuyền, giữ trọn tâm hồn một màu thanh thản. Người xưa có câu: "Thời gian là vàng bạc", dành cả "ngày trường" chỉ để hóng mát, ngắm cảnh có thế mới thấy được trong trái tim người anh hùng Nguyễn Trãi luôn chất chứa một tình yêu thiên nhiên tha thiết đến mực nào. Chẳng phải mùa hè trong đời thực luôn nóng bức, oi ả với cái nắng như thiêu như đốt, song sao mùa hè trong thơ Nguyễn Trãi lại có vẻ như mát mẻ đến lạ kì, từ "hóng mát" đã bộc lộ trọn vẹn điều đó. Chỉ với hai chữ giản đơn đã đánh tan ấn tượng về một ngày hè đầy nóng nực, bực bội trong lòng độc giả, thay vào đó là một thứ vô cùng mát mẻ với sức sống căn tràn không bao giờ vơi cạn. Lần đầu nghe câu thơ thực mang một vẻ nhàn nhã, ung dung nhưng dứt câu bằng một thanh bằng lại khiến cho lòng người dậy nên một nỗi buồn miên man khó tả. Liệu đây có thật sự là cái an nhàn, sung sướng, thảnh thơi hay chính là một tiếng thở dài khe khẽ bật ra từ tâm hồn người thi sĩ?
Năm 1428, sau khi quét sạch giặc thù, Nguyễn Trãi hăm hở bắt tay vào xây dựng đất nước, nhưng ở đời mấy ai học được chữ "ngờ", ông bị nghi oan, bị bắt giam, sau tuy được tha tội nhưng lại không còn được tin cậy và trọng dụng như trước. Ông buồn bã ẩn về Côn Sơn quê nhà, từ đó trong cuộc đời đầy bận bịu của ông mới có được những khoảng thời gian rỗi rãi để đọc sách, ngắm cảnh, làm thơ. Hỡi ôi đây là cái hoàn cảnh bất đắc dĩ mà người quân tử phải chịu, có khát khao, hoài bão lớn lao cũng phải chôn vùi. Muốn giữ cho tâm hồn mình trong sạch, muốn quên đi hoàn cảnh thực tại đáng buồn, ông chỉ còn biết lấy cảnh làm vui và thiên nhiên cũng chẳng thể từ chối ông về điều đó:
"Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương."
Hòe – một trong những thức cây tiêu biểu cho những ngày hè oi ả. Nằm dưới tán hòe xum xuê, ẩn mình khỏi cái nắng chói chang, ngắm nhìn những chiếc lá thắm màu xanh biếc "đùn đùn", đưa vào một từ láy tượng hình, tác giả cảm tưởng như sắc xanh của tán lá ấy cứ không ngừng xòe rộng, không ngừng "giương" lên, tỏa ra như một chiếc ô bao bọc, chở che lấy tất thảy: sân nhà, vườn tược...khỏi cái nắng hè thiêu đốt bằng thứ sức sống mãnh liệt đang sôi sục, dâng trào hết lớp này đến lớp khác. Lại đưa mắt nhìn về phía hiên nhà, nhà thơ bắt gặp hình ảnh hoa lựu đang khoe sắc đỏ. Nếu hòe là thức cây tiêu biểu thì hoa lựu cũng chính là loài hoa của mùa hè. Như Nguyễn Du về sau cũng từng viết trong tập "Đoạn trường tân thanh":
"Dưới trăng khuyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông."
Màu đỏ đầy nóng bỏng, cháy rực luôn là một đặc trưng của những ngày hè, kết hợp với động từ "phun" và sáng tạo qua nhịp thơ 3/4 của Nguyễn Trãi khiến người đọc có cảm giác một nguồn sống mãnh liệt cứ không ngừng tuôn ra, trào ra trong từng câu chữ, thêm tô điểm cho một bức tranh ngày hè đầy rực rỡ, nổi bật với sức sống căn tràn. Hơn thế nữa, sắc đỏ ở đây không đơn thuần chỉ là màu hoa lựu chóng nở chóng tàn mà thứ tuôn ra, trào ra mãnh liệt chẳng bao giờ vơi cạn ấy chính là tấm lòng son sắt, là lời thề tận trung, một lòng vì dân vì nước luôn cháy bỏng trong tâm hồn Nguyễn Trãi. Một con người có tâm hồn cao đẹp đến thế, chẳng trách từng vần thơ xuôi ra theo ngòi bút của ông lại gợi hình và gợi cảm đến vậy. Trong thơ có cảnh, phong cảnh nên thơ quả xứng với bốn chữ "thi trung hữu họa". Song bấy nhiêu thôi là đã đủ, liệu bức tranh ngày hè chỉ có mỗi cảnh sắc sẽ thật sự xứng với lời khen: vô cùng rực rỡ và sống động? Tất nhiên là không, vẫn chưa đủ, chưa đủ với độc giả và cả người thi sĩ khi ông đã dành cả một ngày dài chỉ để cảm nhận thế giới xung quanh. Tiếp tục kết hợp các giác quan của mình, nhà thơ một lần nữa múa bút, tạo thêm một nét chấm phá vào bức tranh ngày hè bằng hương sen ngào ngạt. Một lần nữa chuyển dời tầm mắt từ hiên nhà xuống phía ao, Nguyễn Trãi bắt gặp một hồ sen đầy thơ mộng, hương sen lan tỏa ngập tràn trong không gian vươn vít bên cánh mũi nhà thơ, thêm cánh sen hồng nhuận lại càng khiến ông thêm phần ngây ngất. Lại là nhịp thơ 3/4 đầy sáng tạo, từ "tiễn" được Nguyễn Trãi khéo léo sử dụng, hương sen tiễn đưa ngào ngạt, thơm ngát không chỉ gói gọn trong khuôn viên nhà tác giả mà còn lan tỏa khắp chốn làng quê như một tín hiệu cho mùa hè đã đến. Những đóa sen hồng bừng nở đầy sức sống, đua nhau tỏa hương, khoe sắc dưới cái nắng hè khiến cả bức tranh bỗng chốc toát lên một vẻ thanh cao, thoát tục. Tựa như tâm hồn của người anh hùng Nguyễn Trãi cao quý và đáng kính vô cùng, là hương thơm ngát ra từ hoa sen hay tỏa ra từ chính lí tưởng sống cao đẹp của tác giả, dành trọn một đời vì giang sơn xã tắc.
Một bức tranh ngày hè tràn ngập những sắc màu đặc trưng và cả những động từ mạnh được Ức Trai tiên sinh vận dụng vô cùng tinh tế đã hoà quyện vào bức tranh mùa hè trong tâm hồn độc giả một nguồn sống căn đầy, sinh động và muôn phần rực rỡ. Vẫn chưa dừng ở đó, nếu bức tranh ngày hè đã thêm phần sống động khi đủ đầy hương sắc thì những âm thanh cùng sắc thái cuộc sống của con người sẽ càng thêm tô điểm cho bức tranh ngày một rõ nét, chân thực:
"Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương."
Để miêu tả cuộc sống sinh hoạt của con người, tại sao Nguyễn Trãi lại chẳng chọn chốn phồn đô hoa lệ, cao sang mà lại đưa vào bài thơ Thất ngôn bát cú một khu chợ cá đầy bình dị, mộc mạc? Một khu chợ xô bồ, đông đúc, tấp nập quả chẳng kém gì nơi kinh thành song con người nơi đó chỉ là những người dân bình dị, chất phác không một chút quyền quý cao sang, có lẽ cũng vì lí do đó mà bầu không khí nơi đây tự nhiên hơn hẳn. Nguyễn Trãi nghe được điều đó qua tiếng "lao xao" từ xa vọng lại, lao xao nhưng không ồn ào đặc trưng cho làng chài, cho dấu hiệu của sự sống, cho cuộc sống đời thường bình yên, giản dị... Đây là một điểm nhấn nổi bật cho bức tranh ngày hè. Hơn thế nữa, nếu đã lắng nghe mùa hè thì thi sĩ nào có thể bỏ sót tiếng ve – âm vang đặc trưng cho ngày hè oi ả. Thứ âm thanh quen thuộc ấy, rót vào tai tác giả, tựa như một bản giao hưởng nhộn nhịp, lúc inh ỏi, lúc trầm bổng vang lên trong không trung. Bằng biện pháp đảo ngữ tiếng ve được ví tựa như tiếng đàn cầm đang ngân lên cao mãi, vang lên xa mãi tưởng chừng chẳng bao giờ ngừng lại... "Cầm ve" vọng cả về lầu tịch dương, hòa vào ánh chiều tà với những gam màu cam đỏ đan xen, phủ trùm lên không gian một màu huyền ảo. Trời chiều, ánh mặt trời khuất dần như một hồi chuông báo rằng một ngày đã kết thúc, hoạt động của vạn vật như tĩnh lại, chậm dần theo sự uể oải của thời gian, gam màu buồn ôm lấy cả vùng trời khiến lòng người càng thêm u sầu, bi lụy song tất cả đã thay đổi khi tiếng ve rộn ràng, sôi động được thổi lên. Tiếng đàn ve đã đánh tan đi cái sầu muộn không tên mà sắc trời chiều mang lại, thứ âm thanh của tự nhiên này tinh tế đến nỗi, diệu kì đến mức Nguyễn Trãi phải nghiêng tai và lắng nghe một cách thận trọng, ông không muốn bỏ sót một âm điệu nào dẫu có là một nốt cao hay một quãng trầm xao xuyến.
Quả là một sự giao cảm mạnh mẽ và tinh tế, Nguyễn Trãi kết hợp hài hoà mọi giác quan và dùng cả tâm hồn để cảm nhận một cách trọn vẹn nhất vẻ đẹp từ thiên nhiên và cuộc sống con người. Ông dùng đôi mắt tinh tế của người nghệ sĩ để cảm nhận được màu xanh của lá hoè, màu đỏ của hoa thạch lựu, dùng khứu giác để hít đầy hương sen thơm ngát, dùng đôi tai của mình đón nhận âm thanh lao xao của chợ cá từ xa vọng lại kết hợp cùng sự liên tưởng độc đáo ông cảm nhận tiếng ve như tiếng đàn cầm vang vọng trong không trung. Và đấy, xuyên suốt bài thơ mới thấu được Nguyễn Trãi mang một trái tim giàu lòng yêu thiên nhiên mãnh liệt, niềm yêu đời, yêu cuộc sống cháy bỏng, vui tươi. Dù là hè nhưng không nóng, dẫu là chiều nhưng không hề buồn.
Lạc quan như vậy, yêu đời như vậy có lẽ chính là nguyên do Nguyễn Trãi dầu có bị triều đình lạnh nhạt, không còn thời, không đủ thế để trực tiếp chăm lo cho nhân dân nhưng tấm lòng ông vẫn đêm ngày gần gũi, gắn bó với nhân dân, không khắc nào rời xa họ:
"Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương."
Nếu từ đầu đến giờ bài thơ chỉ tập trung miêu tả vẻ đẹp cảnh ngày hè thì đến hai câu kết, mạch thơ bỗng đột ngột chuyển đổi, không còn khung cảnh thiên nhiên, cuộc sống tươi đẹp, thơ mộng nào nữa mà là bức tranh chứa hoài bão mơ ước trong trái tim ắp đầy lòng ưu ái với dân với nước của tác giả. Ông khát khao có chiếc đàn của vua Ngu Thuấn để gảy nên khúc hát Nam Phong ca ngợi khung cảnh thiên hạ thái bình, cầu mưa thuận gió hòa để nhà nhà no đủ, muôn dân ấm no hạnh phúc. Câu cuối cùng, mỗi tiếng mỗi từ như khép lại bài thơ bằng tư tưởng nhân dân, một tư tưởng vô cùng mới mẻ và tiến bộ của Nguyễn Trãi. Đây cũng là một nét đặc trưng cho thơ Nguyễn Trãi
"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo."
Nguyễn Trãi với tư tưởng của dân đã đi trước thời đại, mở ra một con đường mới, một lí tưởng mới, tác động mạnh mẽ đến văn học đời sau: lấy dân làm gốc, quan tâm lo lắng hết mực cho cuộc sống của nhân dân... Ông lấy vua Nghiêu, vua Thuấn làm gương báu răn mình, bộc lộ một chí hướng và khát vọng cao cả, mong muốn được cả đời cống hiến, mang tất cả tài trí và sức lực của mình đẻ thực hành tư tưởng nhân nghĩa yêu nước, thương dân. Một con người vĩ đại đến thế, chẳng trách vua Lê Thánh Tông từng đặt cho ông "Ức Trai nhân thượng quan khuê thảo" tức lòng Ức Trai sáng như sao khuê. Câu lục ngôn cuối cùng với nhịp 3/3 đã thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài thơ, khát khao chỉ mãi là khao khát, người anh hùng thất thế chẳng còn cơ hội nghìn vàng thực hiện hoài bão lớn lao, chỉ biết đè nén chúng lại trong lòng, không ngừng nung nấu, chờ đợi một ngày rồi khát vọng sẽ thành hiện thực.
Có thể nói, điểm kết thúc của bài thơ "Cảnh ngày hè" lại không phải bức tranh ngày hè sống động, điểm dừng của hồn thơ ấy không phải ở thiên nhiên, tạo vật mà chính ở con người, ở nhân dân. Cô đọng điều tác giả hằng mong mỏi, tâm niệm suốt đời, tâm hồn ông không phút nào ngơi nghỉ. Thân nhàn nhưng tâm chưa bao giờ nhàn, luôn khát khao đem tài trí thực hành tư tưởng thân dân và đó cũng chính là tư tưởng chủ đạo của bài thơ.
Qua sự khéo léo sử dụng thể thơ Đường luật sáng tạo chen vào những câu thơ lục ngôn, kết hợp sử dụng thành công hệ thống từ láy, từ cổ cùng những biện pháp tu từ độc đáo đã họa nên bức tranh ngày hè vô cùng sinh động và rực rỡ, ẩn sau đó hai tư tưởng vô cùng cao đẹp trong tâm hồn người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi yêu nước, thương dân là tình yêu thiên nhiên và tư tưởng yêu nước thương dân luôn rạo rực. Tôi tin chắc rằng dẫu thời thế có đổi thay, thời gian, không gian có chuyển dời, cái tên Nguyễn Trãi vẫn sẽ mãi lưu danh sử sách, vẫn mãi được nhắc đến với lòng tôn kính và ngưỡng mộ vô bờ của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất