Nuôi mèo để làm gì?
Tháng 12 năm 2020, mình đón em mèo đầu tiên về nhà. Và từ đó, mình biết bản thân có thể yêu một ai đó, một điều gì đó, hoàn toàn, vô...
Tháng 12 năm 2020, mình đón em mèo đầu tiên về nhà. Và từ đó, mình biết bản thân có thể yêu một ai đó, một điều gì đó, hoàn toàn, vô điều kiện, không mong được hồi đáp.
Ngày đầu tiên đến nhà mình, em chỉ to hơn nắm tay một chút, lông xù bông, mắt kèm nhèm bám đầy bụi. Mình kiếm được một hộp đựng giày bằng bìa, trải một chiếc áo thun vào đó cho em nằm, sau khi lấy đoạn ruy băng vàng buộc tạm em ở cửa nhà, mình và anh ny vội phi xe đến cửa hàng chó mèo gần đấy, mua cho em một túi sữa bột và bịch cát ị. Về đến cổng, thấy em nằm ngoan trong hộp, nghển cổ lên keo meo một cái thật nhẹ, trái tim mình lúc ấy chợt biết thế nào là “yêu em từ cái nhìn đầu tiên”.
Hơn một năm sau kể từ ngày đó, nhà mình đang có 7 em mèo, và chuẩn bị đón thêm đứa thứ 8. Nếu như không bị giới hạn bởi không gian và số tiền kha khá mà hàng tháng phải chi trả cho hạt, pate, cát,… và 100 thứ quần áo, đồ chơi, mình nghĩ mình muốn nuôi cả một làng mèo. Những em mèo đủ màu, đủ loài, đủ tính cách, đủ kiểu yêu thương.
Bác mình bảo: “Tao chúa ghét mèo. Rụng lông đầy nhà. Quẩn chân vướng víu. Nuôi chó còn trông được nhà, nuôi gà còn lấy được thịt, nuôi mèo chỉ tổ rước việc vào người”. Bác mình, và nhiều người khác cũng nghĩ vậy, có lẽ bởi chưa từng trải qua cảm giác con tim bị tan chảy chỉ bởi một cái dụi đầu đầy lông mềm mịn.
Mình đi làm xa, một hai tuần mới về nhà một lần. Mỗi lần về, điều đầu tiên mình làm sau khi bỏ balo xuống là đi quanh tìm mấy em mèo xem chúng nó đang ở góc nào. Lúc thì trong hộp bìa ở góc bếp, khi thì trốn dưới gầm ghế nô nhau, lúc khác lại chạy hồng hộc từ dưới vườn về ngay khi nghe tiếng gọi “meo meo”, trên người vẫn bám đầy cỏ may. Nhưng thích nhất là cảm giác ngay khi mở cửa nhà, mấy em tỉnh khỏi giấc ngủ ấm trên chiếc ghế dài, lười biếng bước lại về phía mình, quẩn quẩn chân, ngửi ngửi thấy mùi quen thuộc, rồi nhảy phắt vào lòng, chen chen nhau cho đủ chỗ, rồi lại tiếp tục giấc mơ còn dang dở. Những lúc ấy, mọi chuyện khác đều bớt quan trọng đi, mình sẵn sàng ngồi yên cả tiếng sau đấy để ôm lũ nheo nhóc này.
Sáng ngủ dậy, trước cả khi đánh răng, mình sẽ xuống nhà mở cửa lồng rồi cho chúng nó thêm ít hạt, pha một bát sữa nóng, ôm ấp vuốt ve từng đứa một. Vừa nhìn thấy mình, đứa nào cũng nheo nhéo đòi mở cửa, đòi ăn. Cảm giác cả một đêm bị nhốt trong chuồng chắc bí bách lắm, dù cái chuồng mà mình đã sắm cũng không phải nhỏ, chỉ là cảm thấy chúng nó như lũ trẻ con, đứa nào cũng thích chạy nhảy tung tăng, chẳng mấy đứa thích ngồi một chỗ, nhất là với mèo – một loài sống về đêm, và ngủ nhiều vào ban ngày, ngược lại với người.
Từ hồi có nhà mới, nhà mình nuôi mèo trong nhà luôn, nên chúng nó cũng quấn người hơn hẳn. Ăn cơm thì quẩn quanh dưới chân, chờ được một vài miếng thịt gà, phải là thịt, không phải da, không phải mỡ. Ăn no tròn bụng xong là rủ nhau ra góc nhà rửa mặt, có hôm còn liếm lông cho nhau rõ là tình cảm. Sạch sẽ rồi thì leo lên lòng mình, mẹ mình hoặc em mình, cuộn tròn xem ti vi rồi ngủ lúc nào không biết. Mèo không nói được như người, muốn gì, cần gì cũng chỉ biết meo meo, thế nên lúc nào mình cũng muốn mấy em được thoải mái nhất, được rong chơi, lăn lộn trong đám cỏ, gặm hoa, đuổi bướm, được ấm áp, được ăn no.
Nuôi mèo giống như theo đuổi crush, dù đơn phương nhưng lúc nào cũng nhiệt thành, crush làm gì cũng thấy đáng yêu, và dù chỉ là một chút hồi đáp quan tâm, thậm chí là trong vô thức cũng đều khiến mình rung rinh và tình nguyện tiếp tục yêu thương vô điều kiện. Mèo không trông được nhà, lại càng không phải thú nuôi để lấy thịt, nhưng mèo là chuyên gia tâm lý tuyệt vời, sẵn sàng lắng nghe và xoa dịu bất cứ con tim nào đang mệt mỏi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất