“Hồi xưa người cha nào cũng sẽ động viên con mình lên đường thôi. Nhưng nó chết rồi thì giờ gia đình chỉ mong được đón về dù là chút xương tàn của nó. Có phải chết không biết ở đâu đâu. Nó nằm ngay ở Gạc Ma. Cứ để lâu thì tan hết còn đâu. Lắm lúc tôi hỏi tại sao giữa mình với Trung Quốc giờ không mâu thuẫn nữa mà họ lại không cho trục vớt hài cốt con tôi”.
Nước mắt đã rơi rất nhiều trong ngày giỗ 26 năm liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm. Những giọt nước mắt của người vợ mất chồng, nước mắt của những đứa con mất cha, đau thương đấy mà tự hào đấy. Năm nay, bên di ảnh liệt sĩ, có thêm một bức biểu tượng Tổ quốc ghi công bằng pha lê, bên trong, có một giọt gen của người năm xưa ngã xuống bên bãi Gạc Ma. Và dường như, còn có một đĩa khoai luộc.
Bức tranh Long Cung nơi góc nhà
Ngày ấy, khi người lính Nguyễn Minh Tâm, một kỹ sư xây dựng, theo tàu của Trung đoàn 83 Công binh Hải quân ra Gạc Ma, đứa con nhỏ nhất của anh, Nguyễn Thu Huế mới chỉ một tuổi rưỡi.“Nhà tôi đi suốt cả năm không về. Định cuối năm về phép thì có lệnh báo động…”- người vợ nói, tiếng rất xa như thể vọng về từ thổn thức.
Bức thư cuối cùng trước khi ra đảo, người lính viết vào ngày mùng 9 Tết, viết cho con gái lớn, khi đó cũng chỉ mới đang tập đánh vần.Hôm đó là một ngày thứ hai. Cô giáo Phan Thị Quý, còn nhớ rõ cái cảm giác “từ trên đỉnh cao rơi xuống giếng lạnh” khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc danh sách các thủy thủ mất tích sau trận chiến giữ đảo. “Nhà tôi ở số thứ tự 53”. Nghe đến tên anh, cô không còn đứng vững được nữa. Những người hàng xóm láng giềng chạy sang an ủi là còn có mấy người bị Trung Quốc bắt, “biết đâu đấy”, rằng đừng có quá lo mà nhỡ anh ấy còn đang ở đâu đó lại nóng ruột. Nhưng cô Quý nói cô linh cảm thấy tai họa. Cả bầu trời như đang sập đổ trước mặt. Và sau đó, là cái cảm giác mất mát.Gì nhỉ. Một người lính hy sinh vì tổ quốc. Và phía sau anh, còn mẹ già, còn vợ dại, còn hai con thơ.
Nước mắt vòng quanh, cô giáo Quý chỉ vào người con gái thứ hai, vừa từ Hà Nội về giỗ cha: “Cái Huế. Khi đó nó còn bé quá. Nó có biết gì đâu mà. Ai cho gì chỉ biết vui vẻ nhận ăn. Ra đường đón xe, nhìn thấy cái xe nào cũng reo lên xe của bố, xe của bố. Tôi nghe tiếng con trẻ hồn nhiên mà lòng đau như dao cứa.
Nhiều năm sau đó, cô giáo Quý và hai con gái mới được nghe kể lại, rằng chồng họ, cha họ đã xung phong ra đảo. Anh Phòng, Chính trị viên bảo khi đơn vị “lấy tinh thần xung phong”, anh Tâm là người đầu tiên giơ tay. Anh ấy là đảng viên. Còn bác Thông đảo phó thì nói anh Tâm nhanh nhẹn, vui vẻ lắm. Đi, còn động viên anh em trẻ “cứ đi với tao. Có sao tao lo”.Người lính ấy đã đi mãi không về.
Kỷ vật mà anh để lại không nhiều: Chiếc đài nhỏ cũ kỹ, chiếc đồng hồ và một tấm huy chương.Cuộc chiến ấy, sự hy sinh ấy cô giáo Quý chỉ được biết qua câu chuyện của những người đồng đội của anh Tâm.
Nhưng có một cuộc chiến khác sau lũy tre làng mà chính những người vợ như cô bất đắc dĩ phải trở thành một chiến sĩ.“Tôi nuôi con trong đau thương và vất vả. Các cháu đau ốm luôn”. Lương giáo viên bấy giờ chỉ 55 ngàn đồng. Gạo toàn gạo kho, mốc, nửa khoai nửa gạo, nửa gạo nửa bo bo.Cô giáo Quý, vừa làm một người thầy ngày ngày đứng lớp, vừa như một người cha “Đong thóc say giã, làm hàng sáo. Khâu nón. Nấu rượu. Mò cua, bắt ốc. Thuê vườn trồng rau lợn bán. Xin cấy khoán trả thóc”.
Và vẫn là một người mẹ “một tay ru con lớn ngủ, một tay chăm con bé ốm”.“10 giờ đêm hai mẹ con dắt nhau đi đặt đó ngoài ngòi. 5 giờ sáng mẹ dưới bùn, con trên bờ dốc mót được con gì ăn con đó. Minh Hà quá nhỏ, vừa đi vừa ngủ gật, vừa ngủ gật vừa vấp ngã”.Căn nhà cũ vẫn còn đó. Như một cái hang. Cao chạm trán. Dây điện đến giờ vẫn chằng chịt trên trần.Từ sau sự hy sinh của người chồng liệt sĩ, người phụ nữ kiên cường ấy đã không bao giờ cho phép bản thân khóc trước mặt con mình.
Cho đến năm 2009.“Tôi vào trung đoàn 83 hai lần- lời cô Quý- Việc nhà tôi hy sinh vì đất nước cũng coi như đã hoàn thành. Nhưng sau lũy tre làng còn mẹ già, con dại, còn cả những người vợ như tôi nữa. Nguyện vọng của gia đình chỉ là làm sao đưa hài cốt chồng về mới yên tâm. Chơ vơ nơi biển xa thế này đau xót lắm”. Ở góc nhà, người phụ nữ đoái chồng treo một bức tranh Long Cung, hướng về phía đông nam, để tưởng nhớ chồng còn đâu đó ngoài Trường Sa, cũng là để mong cho người đã khuất ở nơi xa được siêu thoát.Không biết là vì lời khẩn cầu của người vợ hay nỗi lòng của những người con, đến năm 2009, mẹ con cô Quý lại khóc hết nước mắt khi được báo tin đã tìm lại được chút ít hài cốt của chồng, của cha.“Gia đình không dám mở tiểu ra nữa. Dẫu sao thì cha đã trở về với đất mẹ”- Minh Hà, giờ cũng đã trở thành một cô giáo nói. Cô, cũng như mẹ, được an ủi rât lớn khi sau hơn 20 năm được đón cha trở về.
Nỗi khắc khoải 26 năm
Nhưng không phải gia đình liệt sĩ nào cũng có được niềm an ủi ấy.
Cách đó 40 km, ở Đông Hưng, chứng rối loạn tiền đình, bắt đầu xuất hiện ngay sau ngày 14.3.1988 vẫn chưa thôi hành hạ người lính già Nguyễn Văn Mạo.Từ bộ binh tháng 2.1961. Qua Hải quân. Rồi về quân chủng phòng không. Từ Cầu Bạn, Hàm Rồng, Ngã ba Đồng Lộc đến bến Phà Linh Cảm. Người lính dày dạn trận mạc từng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng đó giờ già nua tiều tụy sau cái chết của đứa con trai: Liệt sỹ Nguyễn Văn Phương.
Cũng đúng vào ngày 14.3.1988. Cũng vẫn là Gạc Ma.“Thằng Phương đã có giấy báo nhập học. Lúc ấy, tôi phục viên về làm chủ tịch xã. Nhưng nhà nghèo quá. 4h chiều một ngày năm 1986, có giấy báo sáng mai phải có mặt ở huyện đội để nhập trường quân sự Hà Tây. Mẹ nó chạy đi bán được 20kg thóc để lấy tiền thì vào đúng ngày đổi tiền.
Tôi hôm đó trực ở Ủy ban. Nhà không có một xu nào. Nó lỡ việc nhập trường vì nhà nghèo và ngay tháng sau thì ra nhập hải quân”.Hôm Phương đi, chính người cha Chủ tịch đưa tiễn anh, vô tư đấm con một phát vào vai thay lời động viên, thay cả những lời dặn dò.
Và đến giờ, người cha già vẫn còn giữ cả hai tờ giấy. Giấy báo nhập học ông cầm bên tay phải. Giấy gọi nhập ngũ cầm bên tay trái.Dường như ai đó trong chúng tôi có một cử chỉ tiếc nuối.
Người cha già nua, ốm yếu nhưng mẫn cảm nhận ngay thấy điều đó. “Không. Gia đình không tự trách mình nghèo. Em nó hy sinh vì đất nước thì có gì đâu mà hối tiếc”- giọng ông bình thản lạ lùng.Cầm trên tay lá thư đứa con trai ngoan ngoãn học giỏi viết vào ngày 6.3.1988, ông bảo: “Nhiều người xem thư nói nó viết gở. Rằng sao lại nói là đừng viết thư cho nó nữa. Rằng con không viết trả lời đâu. Tôi không tin. Chỉ là nó không muốn cha mẹ phải bận lòng khi ra đảo thôi”.Thư người cha nhận được 2 hôm thì nghe tin con mình hy sinh.
Sáng ngày 14.3.1988, ông Mạo, bấy giờ là chủ tịch xã lội bộ xuống các thôn đôn đốc đồng bào đi kinh tế mới. Về đến ngõ, ông vấp liên tục. Nhìn những giọt nước mắt của vợ. Nom thấy sự ái ngại trên khuôn mặt hàng xóm láng giềng bấy giờ đã sang kín sân, ông như muốn khuỵu xuống, mắt nổ hoa và đầu đau như búa bổ.Người mẹ liệt sĩ, lưng còng sát đất rón rén đi ra từ sau tấm ri đô. “Bữa đó tôi đang ở ngoài giếng, nghe Đài đọc đúng tên con mình mà chết lặng”.
Chiều đó các ban ngành đoàn thể đến thăm nhưng bà không muốn tiếp. Không muốn tin rằng con mình sẽ không bao giờ về nữa.“Bố thì dúm 3 lạng gạo vào cái khăn, quần sắn đến gối, đến từng nhà động viên bà con “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Anh trai nó thì bộ đội Quảng Ninh, cũng đánh nhau với Trung Quốc- Bà kể đến đây thì bật khóc- Bây giờ, cứ nhắc đến em nó là cũng 2-3 đêm không ngủ được. Đau lắm anh ạ. Như cắt ruột cắt gan ra vậy”.Ít lâu sau đó người cha xin nghỉ Chủ tịch. Nỗi đau thương khiến ông liên tục sốc với những cơn cao huyết áp và rối loạn tiền đình.Giờ đây, 2 người già đau khổ sống với nhau dưới một mái nhà gạch được những người đồng đội của con mình ở vùng 4 Hải quân, giúp đỡ.Và nỗi ám ảnh trong cái lưng còng vì đau thần kinh liên sườn của người mẹ là sự nghèo khó.Nghèo khó đến mức 26 năm trước không có một xu cho con đi học. Nghèo khó đến mức 26 năm sau, 2 vợ chồng, mỗi ngày “tốn hai chục bạc tiền thuốc” đang chật vật để tồn tại khi những đứa con “đứa lấy chồng, đứa rời quân ngũ về đi xách vữa”cũng chật vật không kém.
Còn người cha. “Hồi xưa người cha nào cũng sẽ động viên con mình lên đường thôi. Nhưng nó chết rồi thì giờ gia đình chỉ mong được đón về dù là chút xương tàn của nó. Có phải chết không biết ở đâu đâu. Nó nằm ngay ở Gạc Ma. Cứ để lâu thì tan hết còn đâu. Lắm lúc tôi hỏi tại sao giữa mình với Trung Quốc giờ không mâu thuẫn nữa mà họ lại không cho trục vớt hài cốt con tôi”.Đến khi chúng tôi xin phép rời đi, người mẹ vẫn cố gắng lê tấm lưng còng ra đến cổng để nói với theo rằng: “Tôi đau khổ lắm. Có đợt các anh đến lấy máu làm AND gì đó, nhưng nhà tôi lại “không trúng”. Nguyên một dãy mộ Mê Linh này chỉ có mỗi mộ của thằng Phương dù có tên, có bia nhưng không có cốt. Thế là làm sao?!”.Chúng tôi đã vội vàng bỏ đi như chạy trốn những câu hỏi của người mẹ.
                NƯỚC MẮT MẸ  
Khắc khoải chờ chồng- một chiến sĩ Điện Biên. Đau thương với một con hy sinh ở Khe Sanh, một con hy sinh đâu đó trên đất Quảng Nam, một con hy sinh ở Gạc Ma…Tôi đã tự hỏi lòng mình rằng điều gì đã khiến những bà mẹ Việt có thể hy sinh đến thế, có thể chịu đựng kiên cường đến như vậy.
Tháng 3 năm nay, tôi không còn được gặp bà nữa. Chỉ biết là Mẹ ra đi không hề thanh thản khi cả 3 đứa con liệt sĩ xác thân vẫn còn ở đâu đó ngoài biển khơi, trong rừng thẳm.
Nỗi đau lòng Mẹ
 Căn nhà nhỏ. Mảnh sân nhỏ. Căn bếp nhỏ. Nhỏ đến còm cõi. Đơn  sơ. Và khiêm nhường. Có cảm giác cái gì cũng nhỏ bé và khiêm tốn trong ngôi nhà của mẹ  Hà Thị Vạo trên mảnh đất Lê Hồ, Hà Nam.
Nếu có gì đó lớn lao, hẳn cũng không phải là tấm bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hay những tấm bằng tổ quốc ghi công hay huân huy chương treo kín những bức tường. Liệt Trần Văn Uống hy sinh ở chiến trường Quảng Nam năm 1968. Liệt sĩ Trần Văn Uộng hy sinh năm 1968 ở Làng Vây, Khe Sanh. Liệt sĩ Trần Văn Bảy, hy sinh ngày 14.3.1988 ở Gạc Ma.
Thắp một nén nhang, và dõi theo liên tiếp những tấm bằng tổ quốc ghi công, tôi như đang thấy thấm đẫm nỗi đau lòng mẹ.
“Chú Bảy đi là thẳng một mạch, bước chân đi là không được về nhà một ngày một phút nào”- người anh, một nông dân lam lũ ngay cả trong cái dáng ngồi bắt đầu câu chuyện.Khuôn mặt liệt sĩ trẻ măng. Năm đó, anh tình nguyện nhập ngũ. Gia đình có cha là chiến sĩ Điện Biên, 2 anh liệt sĩ, xã đã kiên quyết không cho đi. Người thanh niên trẻ đã xuống tận huyện, gặp Chủ tịch, bấy giờ là “bác” Trịnh Quốc Ý để nằng nặc xin đi bằng được.Lá thư cuối cùng gửi về cho mẹ, người chiến sĩ năm ấy đã hứa là sẽ mang san hô từ biển Trường Sa về biếu mẹ.
Người anh thứ, Trần Văn Thu, thương binh hạng 2/4 tại mặt trận Vị Xuyên năm “tám tư”, giờ là Phó CA xã nhớ lại. Hôm Bảy lên đường, anh Thu cũng trở về từ quân y viện. Hai anh em lai nhau ra ga Đồng Đăng trên chiếc xe đạp cà tàng vừa đi vừa lắp xích của bố. Bảy vui lắm, vừa đi vừa kể chuyện cười. “Mà anh em đàn ông con trai với nhau cũng chẳng nói gì nhiều”. Trước lúc ra đảo, Bảy thư về nói sẽ qua lấy hàng ở Hải Phòng. Linh tính thế nào cả tôi và anh Thịnh đều đã xuống Hải Phòng thăm em.Nhá nhem tối thì ba anh em gặp nhau trên tàu. Bảy đã đen đi nhiều. Rắn rỏi hơn, chững trạc hơn trong bộ hải quân, áo yếm dãi thủy thủ. 3 anh em ăn cũng với nhau một bữa tối. Ngủ cùng với nhau một đêm. Bảy hồn nhiên lắm, chỉ kể toàn chuyện biển. Không ngờ, đó là bữa tối cuối cùng. Không ngờ đó là đêm cuối cùng. Không ngờ đó là lần cuối cùng.
Con sẽ theo chân chú Bảy
 Trần Văn Thu bật khóc. Khóc như cái hồi anh ôm đồng đội trên chốt Vị Xuyên. Khóc như cái ngày này 26 năm về trước gia đình anh thêm một lần tang tóc.
Lần thứ ba trong cuộc đời của mẹ.6h30 chiều 14.3 Đài Tiếng nói Việt Nam đã đọc một danh sách “dài dằng dặc” những người lính trận vong. “Tôi với anh Thịnh cũng ngồi ở cái ghế này. Bồn chồn kinh khủng”. Và rồi chiếc chén trên tay rơi vỡ tan tành khi cái tên Trần Văn Bảy được đọc lên.
Anh bỏ cơm. Anh vùi đầu vào đống chăn trong buồng. Người vợ hỏi làm sao. Và anh bảo “Em tao chết rồi”.“
Sao nghe đài rồi bỏ cơm. Hình như các cụ cũng linh tính”- lời anh Thu. Tới 7h30 tối thì “đau thương đè lên nhau”. Khi ấy, mẹ Vạo lẩn thẩn đi ra ngoài sân. “Thôi, thế là mất nó rồi”. Dường như khi quá đau thương thì người ta không còn khóc được nữa.
Điều gì? Điều gì đã khiến những người mẹ có thể chịu đựng được ngần đó nỗi đau?Người mẹ ấy, trong suốt hơn 20 năm, gặp ai, đoàn nào về cũng chỉ nói cảm ơn. Và sau 2 tiếng cảm ơn là nhắc tới “nắm xương của con tôi”. Người mẹ ấy, trước lúc đi về cõi vĩnh hằng vẫn nắm tay 2 đứa con giai trăng trối “Phải tìm em về”. Và người mẹ ấy, đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn không hề thanh thản, vẫn ân hận rằng chưa tìm được thân xác con.Ở nghĩa trang Lê Hồ cách đó không xa, 3 ngôi mộ, 2 anh em nằm thẳng hàng, hướng về kỳ đài.
Và người mẹ ấy trước lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn được con cháu dìu tới đó thắp hương, dẫu đó chỉ là những ngôi mộ gió.Nhưng bi thương không che lấp được sự hào hùng dưới mái nhà tranh bé nhỏ nghèo nàn này.Cháu trai cụ Vạo, Trần Văn Tiến, trước lúc lên đường đã đến nắm tay bà và bảo thế này: “Con sẽ theo chân chú Bảy”. Bà không nói. Chỉ dàn dụa nước mắt nắm chặt tay đứa cháu đích tôn.
Tiến cũng gia nhập hải quân. Cũng lữ 125- đoàn tàu không số. Và một lần nào đó, qua Gạc Ma, anh đã thả xuống cùng biển của tổ quốc một đóa hoa.Hôm chúng tôi đến, chúng tôi gặp một người anh em khác của Tiến, con trai của thương binh Trần Văn Thu là Trần Văn Hùng. Cậu sinh viên ngường ngượng, không giải thích vì lẽ gì đã chọn thi vào ĐH Hàng hải. Khoa lái tàu.Biển đảo, với người mẹ anh hùng chưa từng biết mùi vị của biển, là mất mát, nhưng cũng là niềm tự hào trong chính nỗi đau thương. Nơi đó, tổ quốc chính là máu thịt của những đứa con.Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Trường Sa, hay biển đảo tổ quốc, với những đứa cháu của người liệt sĩ năm xưa gần như là máu thịt, là cảm giác hào hùng trong chính sự hy sinh, dẫu có khi chính họ có khi cũng chẳng bao giờ có ý định định danh điều đó.
Tác giả: Đào Tuấn