Nhân ngày đại lễ Phật đản-VESAK và đồng thời là một ngày nghỉ cuối tuần, mình muốn chia sẻ một chút về góc nhìn, quan điểm của bản thân với Phật giáo như một mối nhân duyên trong hơn 6 năm vừa qua. Và chủ đề mình lựa chọn là về "Trí huệ"-một yếu tố nằm trong ba trụ cột chính hình thành nên con đường dẫn đến sự giác ngộ (Bát chánh đạo) bao gồm: trụ cột Trí tuệ, trụ cột Đạo đức và trụ cột Thiền định.
Trước tiên cần phải nói rằng chỉ có con người mới có Tri thức, Trí tuệ và Trí huệ, tất cả các loài động vật khác đều không có. Tri thức, Trí tuệ và Trí huệ là ba cấp độ khác nhau của con người. Tri thức tích luỹ được từ trường lớp, từ sách vở,... Trí tuệ hấp thụ được từ cuộc sống, từ thất bại, từ thành công,... Trí huệ là cái ở bên trong của con người, được tích luỹ, được hấp thụ và được giác ngộ qua nhiều kiếp sống.
Nói như vậy để thấy rằng cách tiếp cận của Phật gíao với Trí tuệ là một cách tiếp cận rất khác, thậm chí có phần chối bỏ thứ lý trí theo quan niệm thông thường-thứ mà đôi khi chỉ khiến người ta dẫn đến phiền não và bế tắc. Đức Phật xem việc hiểu được luật nhân-duyên, cách thức mà cỗ máy nhân quả vận hành, phải dùng một hình thức cao hơn lý trí thông thường, là thứ lý trí đi kèm với trực giác, người gọi đó là trí huệ. Nhiều lần trong lúc đối đáp hay giảng đạo, đức Phật lựa chọn sự im lặng và vô ngôn để mô tả chân lý, chỉ những người có trí huệ mới nhận thức được chân lý đó.
Trí huệ là sự phát triển cao cấp của Trí tuệ đi kèm với sự chế ngự của Tâm trí và gia tăng Định tâm. Trí huệ là cái ở bên trong của con người, được tích luỹ, được hấp thụ và được giác ngộ qua nhiều kiếp sống. Trí huệ là một trạng thái của Tâm thức. Cũng qua đó khẳng định pháp môn duy nhất mà Đức Phật cho rằng có thể đưa con người ta đến với sự Giác ngộ là tu tập dựa trên cả ba trụ cột Trí tuệ, Đạo đức và Thiền định mà nếu thiếu đi một trong ba trụ cột đó thì con đường đến với sự Giác ngộ sẽ không hề dễ dàng.
Chúc mọi người một mùa VESAK an lành trong chính niệm!