Như đã giới thiệu ở Phần 1, một trong bốn chức năng sẽ phát triển vượt trội hơn các chức năng còn lại. Chức năng này được gọi là chức năng chính yếu (primary) hay cao cấp (superior), được chúng ta sử dụng một cách tự động; bởi vì nó mang lại sự thoải mái và tự nhiên nhất, cũng như những phần thưởng nhất định cho chúng ta. Jung viết:
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, do những hoàn cảnh bất lợi nói chung, việc phát triển tất cả các chức năng cùng một lúc là một điều bất khả thi. Yêu cầu của xã hội buộc chúng ta phải tự chủ động để hòa nhập. Theo bản năng tự nhiên, ta sẽ luôn áp dụng chức năng thiên phú của mình trước nhất - chức năng mà ta được trang bị tốt nhất, hoặc chức năng mang lại cho ta thành công lớn trong xã hội. Điều này xảy ra một cách rất thường xuyên, và theo quy luật chung, chức năng ưa thích này sẽ trở thành chức năng được phát triển nhiều nhất. Tùy vào năng lực khám phá ở mỗi người mà nó sẽ được hoàn thiện ở mức độ khác nhau – chính điều này tạo nên sự đa dạng của các loại hình tâm lý. Và như một hệ quả của sự phát triển tập trung này, các chức năng còn lại trở nên chậm-phát-triển (retarded) là điều tất yếu.
Cụm từ chậm-phát-triển ở đây đơn thuần chỉ sự bỏ mặc hoặc không được phát triển tốt. Trong thực tế, chỉ trừ trường hợp cực đoan nhất khiến cho các chức năng khác bị bỏ mặc hoàn toàn, còn thông thường sẽ có một chức năng thứ-hai (đôi khi có cả chức năng thứ-ba) cùng chịu sự ảnh hưởng của ý thức với chức năng chính yếu.
Chúng ta dĩ nhiên có thể ý thức được về nội dung hoặc sản phẩm liên kết với từng chức năng. Ví dụ, tôi có thể biết được tôi đang suy nghĩ gì mà không cần phải có một chức năng tư duy chính yếu; và tôi có thể cho biết sự khác nhau giữa một cái bàn và một cái chai mà không cần phải có một chức năng tri giác cao cấp. Nhưng theo Jung, chúng ta chỉ có thể nói đến ý thức của một chức năng “khi nó được sử dụng dưới sự kiểm soát của ý chí, đồng thời nguyên lý tự trị của nó phải là một quyết định dựa trên sự định hướng của ý thức”:
Dựa trên thực nghiệm, chủ quyền tuyệt đối [về ý thức] luôn thuộc về một chức năng đơn lẻ, và chỉ có thể thuộc về chức năng duy nhất này, bởi vì sự can thiệp một cách độc lập và tương đương [về ý thức] của một chức năng khác sẽ tạo nên một định hướng khác hẳn; điều này sẽ phần nào đó gây mâu thuẫn cho chức năng tiên quyết kia. Thêm vào đó, để tạo điều kiện thiết yếu cho quá trình thích nghi của ý thức luôn đạt được những mục tiêu rõ ràng và không mơ hồ, sự hiện diện của một chức năng thứ hai có quyền lực tương đương bị loại trừ một cách hiển nhiên. Chức năng này, vì thế, chỉ có tầm quan trọng thứ hai; không giống như chức năng chính, một yếu tố hoàn toàn đáng tin và quyết đoán, nó đóng vai trò như một chức năng phụ trợ (auxiliary) hoặc bổ sung (complementary).
Trong thực tế, tính duy lý hoặc phi lý của chức năng phụ trợ sẽ luôn mang tính chất khác với chức năng chính yếu. Ví dụ, cảm tính sẽ không thể là chức năng phụ trợ nếu chức năng chính yếu là tư duy và ngược lại, vì cả hai đều mang tính duy lý hay đều là chức năng xét đoán:
Tư duy, nếu đó là tư duy thực sự và đúng theo nguyên lý riêng của nó, sẽ phải khống chế cảm tính một cách chặt chẽ. Dĩ nhiên, điều này không phủ nhận có những cá nhân sở hữu tư duy và cảm tính ở cùng mức độ - cả hai cùng chịu sự tác động của ý thức ở mức độ ngang nhau. Nhưng ta sẽ không thể phân định loại hình cho những trường hợp này, vì ở cả tư duy lẫn cảm tính của họ, chẳng có cái nào được phát triển cả.

Chúng ta có những hệ quả sau:
  • Chức năng thứ cấp (secondary) này luôn mang tính chất [duy lý hoặc phi lý] khác với, nhưng không phải là đối lập với, chức năng chính yếu; thế nên một trong hai chức năng phi lý có thể phụ trợ cho một trong hai chức năng duy lý, và ngược lại.
  • Nếu tri giác là chức năng chính yếu thì trực giác không thể là chức năng phụ trợ và ngược lại. Bởi vì, để chức năng tri giác hoạt động hiệu quả, đòi hỏi ta phải tập trung sự tri nhận của các giác quan ra thế giới thực tại bên ngoài. Điều này không đồng thời tương thích với trực giác - ‘giác quan’ dùng để tri nhận những gì đang xảy ra bên trong thế giới nội tâm.
Do đó tư duy và trực giác, hoặc tư duy và tri giác có thể dễ dàng kết hợp với nhau, vì tính chất của trực giác và tri giác về cơ bản không đối nghịch với chức năng tư duy. Thật vậy, bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều này trong mô tả chi tiết của các loại hình sau này; trực giác và tri giác, cả hai đều là các chức năng phi lý của sự tri nhận, sẽ rất hữu ích cho các xét đoán mang tính duy lý của chức năng tư duy.
Tương tự, cảm tính sẽ được hỗ trợ bởi trực giác hoặc tri giác; trực giác được hỗ trợ bởi tư duy hoặc cảm tính; và tri giác cũng sẽ được hỗ trợ bởi tư duy hoặc cảm tính.
Hệ quả của sự kết hợp này là những bức tranh rất quen thuộc, ví dụ, tư duy thực tiễn sẽ liên hợp với tri giác; tư duy lý luận sẽ thúc đẩy trực giác; trực giác về nghệ thuật sẽ lựa chọn và trình bày những hình ảnh với sự trợ giúp của hệ giá trị đến từ cảm tính; trực giác về triết lý sẽ hệ thống hóa tầm nhìn thành một tư tưởng toàn diện thông qua phương diện của một trí tuệ mạnh mẽ, …
----------
[Phần tiếp theo]
----------
[Nguồn tham khảo]
Personality Types: Jung's Model of Typology by Daryl Sharp (1987)
Psychological Types by Carl Jung (1921) | Translation by H. Godwyn Baynes (1923)