[Mythbooster]-X2: Những nghệ sĩ kỳ tài, hay trò đùa dai của chủng loài ngoài Trái Đất ?!?!
Part 1: Một đường cong cong... ---------- Nguồn: Nazca Lines null en.wikipedia.org The UnMuseum - The Lines...
Part 1: Một đường cong cong...
----------
Nguồn:
Ảnh: Từ Internet.
----------
Nằm cách thủ đô Lima - Peru khoảng 400km về phía nam, trên vùng bình nguyên Nazca khô cằn và hẻo lánh là một khu vực có diện tích khoảng 450km vuông, với chằng chịt những hình vẽ khổng lồ nằm san sát nhau. Những đường thẳng hoàn hảo chạy song song hoặc cắt nhau, cùng với những đường cong nuột nà tạo thành vô số những hình vẽ kỳ bí trên mặt đất. Quần thể này bao gồm hơn 800 đường thẳng; khoảng 300 hình vẽ các dạng hình học đơn giản: hình tam giác, hình chữ nhật hoặc xoắn ốc; và 70 hình vẽ các loài động - thực vật đa dạng như chim ruồi, khỉ, nhền nhện, bồ nông, cây cỏ và hoa... Trong số đó còn có một vài hình vẽ con người và cả những ký hiệu, biểu tượng lạ lùng khó hiểu khác.
Tất cả các hình vẽ đều có kích thước khá lớn. Đơn cử như hình chim diệc (the Heron) có chiều dài gần 300m, hoặc hình vẽ đại bàng (the Condor) đạt tới độ dài 135m. Một hình vẽ đường thẳng thậm chí còn chạy dài 15km suốt dọc khu vực này. Với kích thước khủng như vậy, dễ hiểu rằng các hình vẽ này chỉ có thể được quan sát thấy toàn bộ từ trên cao.
Theo giới khảo cổ, các hình vẽ ở Nazca có niên đại sớm nhất vào khoảng năm 500 hoặc 200 T.C.N, trong đó các hình vẽ chim thú đã xuất hiện trước, và trong khoảng thời gian 500 năm tiếp theo sau đó, các hình dạng hình học mới được tạo ra. Các hình vẽ có lẽ đã được phát hiện ra từ khá lâu, ít nhất là vào đầu thế kỷ XVI. Bằng chứng là chúng đã từng được nhắc đến như những "bảng chỉ đường" khổng lồ, trong quyển sách viết vào năm 1533 của Pedro Cieza de Léon - Nhà thám hiểm Tây Ban Nha và cũng là người biên sử cho Peru. Năm 1927, nhà khảo cổ học người Peru, Toribio Mejia Xesspe đã vô tình phát hiện ra một số hình vẽ thuộc quần thể này khi ông đang đi bộ dọc theo một triền đồi gần đó. Thế nhưng phải đến vài năm sau, nhờ vào sự phát hiện của các hành khách trên một chuyến bay dân sự, người ta mới thấy được hết quy mô của quần thể các hình vẽ này. Đến cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, chúng đã thu hút được sự chú ý của đông đảo các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực từ khắp nơi trên thế giới.
Điều khiến người ta ngạc nhiên hơn cả, là các hình vẽ đường thẳng với một đầu có dạng hình thang - khiến chúng ta liên tưởng đến đường băng của các sân bay hiện đại. Liệu các hình vẽ này có dính líu gì đến Người ngoài hành tinh - một chủ đề khá hot vào thời điểm đó, hay không ?
Các hình vẽ được tạo nên từ các đường kẻ khá nông, chỉ sâu khoảng độ 10 - 15cm. Bề mặt của vùng hoang mạc Peru vốn được bao phủ bởi lớp đá cuội giàu oxit sắt. Qua thời gian dài nằm lộ thiên, lớp đá này đã khoác lên cảnh vật trơ trọi của vùng bình nguyên Nazca một màu gỉ đồng đỏ sậm đặc trưng. Tuy nhiên, bên dưới lớp sỏi này lại là lớp đất nền sáng màu hoàn toàn tương phản, thế nên chỉ cần cạo bỏ một ít lớp phủ bề mặt, các đường kẻ sẽ hiện lên vô cùng rõ nét, cứ như dùng phấn trắng viết trên bảng đen vậy. Thế nhưng, chúng đã được tạo nên bởi ai, và bằng cách thức nào ?
Giả thiết về sự can dự của những "người giúp sức" thuộc nền văn minh ngoài Trái Đất của Erich von Daniken, được nêu ra trong quyển Chariots of the Gods xuất bản năm 1968 nhanh chóng bị loại bỏ không thương tiếc. Mặc dù có kích thước lớn, nhưng đa số các hình vẽ hoàn toàn có thể được quan sát thấy toàn bộ từ các ngọn đồi bao quanh khu vực. Hơn nữa, bề mặt gồm đá sỏi rời rạc và nền đất mềm của vùng sa mạc Nazca hoàn toàn không hề phù hợp cho việc cất hoặc hạ cánh của các "phi thuyền vũ trụ". Nhưng biết đâu chừng, các hình vẽ này đã được tạo ra sau khi các "nhà thông thái trán dồ" rời đi, như một lời khẩn cầu người Trời hãy quay trở lại ?! Ừ, biết đâu đấy...
Việc tìm thấy những cọc gỗ và lỗ chôn cọc tại điểm cuối của các đường kẻ đã cùng lúc đưa ra câu trả lời cho cả hai câu hỏi. Xác định niên đại đồng vị carbon phóng xạ cho thấy các cọc gỗ này xuất hiện cùng thời với các hình vẽ, đồng thời cũng thuộc vào giai đoạn tồn tại và phát triển rực rỡ nhất của nền văn minh Nazca. Vậy thì tác giả của chúng, không ai khác chính là những cư dân Nazca bản địa. Điều này càng được cũng cố khi giới khảo cổ khai quật được nhiều di vật đồ gốm có những họa tiết trang trí tương tự với các hình vẽ. Các bình gốm này được tìm thấy tại khu vực thành cổ Cahuachi, nằm về phía nam của quần thể các hình vẽ. Việc nghiên cứu các di chỉ khảo cổ tại khu vực thành cổ đã đem đến nhiều hiểu biết mới về đời sống và sinh hoạt của người Nazca, cũng như việc tạo ra các hình vẽ bí ẩn.
Vấn đề thứ hai, là về cách thức tạo nên những đường kẻ thẳng tắp và chính xác với kích thước và quy mô lớn. Thực ra chúng không hề quá phức tạp, ngay cả trong điều kiện công cụ và kỹ thuật thô sơ thời kỳ đó. Chỉ với một nhóm nhỏ và các cọc gỗ, bằng việc ngắm thẳng hàng 2 cọc đầu-cuối để xác định các điểm nằm giữa, việc tạo nên các hình vẽ dài hàng trăm mét có thể hoàn thành chỉ nội trong một vài ngày. Rất có thể các hình vẽ có kích thước lớn đã được tạo ra bằng cách phóng chiếu tỉ lệ theo phương pháp kẻ ô vuông đơn giản ngay trên mặt đất mà không cần đến bất kỳ sự hỗ trợ từ trên không nào. Thậm chí nếu cần, thì bằng những vật liệu có sẵn, các cư dân Nazca cổ hoàn toàn có thể chế tạo nên những khí cầu để phục vụ cho việc giám sát thi công - như cái mà nhà nghiên cứu Jim Woodman đã tạo ra để chứng minh cho giả thiết của mình. Dẫu vậy, người ta không hề tìm thấy vết tích hay bằng chứng nào cho sự tồn tại của những khí cầu này.
Cấu tạo địa chất đặc biệt đã biến vùng sa mạc Nazca thành một bảng vẽ khổng lồ, nơi những "nghệ sĩ" có thể thỏa sức sáng tạo ra những bức vẽ hoành tráng. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu đặc biệt khắc nghiệt, cực kỳ khô hạn và hiếm gió đã tạo nên điều kiện vô cùng lý tưởng để bảo quản các "tác phẩm" này nguyên vẹn suốt nhiều thế kỷ, như cố tình để lại một sự đánh đố cho người đời sau.
Thế nhưng một câu hỏi khác, quan trọng hơn lại tiếp tục được đặt ra: Động cơ của các bạn khi tạo ra những hình vẽ này là gì, hỡi những cư dân Nazca ?
Rất nhiều giả thiết đã được đặt ra, đa số đều có liên quan đến các niềm tin và nghi thức tôn giáo của cư dân Nazca cổ. Một trường phái trong số các giả thiết về tôn giáo cho rằng chúng được tạo ra nhằm mục đích thờ phượng các vị thần ngự ngoài vũ trụ. Người ta đồ rằng các hình vẽ thể hiện chu trình tái sinh của thần Mặt trời. Luận điểm cho giả thiết này dựa trên sự thẳng hàng của một số đường thẳng với vị trí của Mặt trời vào ngày Đông chí, hoặc sự trùng hợp của việc tạo thành một số hình vẽ vào đúng thời điểm của các đợt nhật thực toàn phần. Một trường phái khác cho rằng các hình vẽ là nơi người Nazca thực hiện các nghi thức thờ phụng và cầu đảo các vị thần của núi non, để xin các thần ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Tony Morrison - nhà thám hiểm người Anh, bằng việc nghiên cứu tập tục của cư dân thuộc các nền văn minh dọc theo dãy Andes, đã chỉ ra tín ngưỡng thờ tự liên quan đến các ngôi đền (đơn giản chỉ là một đống đá nhỏ) và những "con đường tâm linh" nối giữa chúng.
Johan Reinhard, chuyên gia về nhân chủng và văn hóa học thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia bổ sung rằng, người dân Bolivia có tục vừa đi vừa nhảy múa dọc theo những đường thẳng nối giữa các ngôi đền, vừa lẩm rẩm cầu nguyện để xin các thần ban mưa. Điều tương tự có lẽ đã diễn ra ở Nazca. Reinhard cũng nhấn mạnh, biểu tượng hình xoắn ốc được sử dụng rất phổ biến trong tín ngưỡng của các nền văn minh Andes, và hình ảnh các loài vật được vẽ ở Nazca cũng có sự liên quan đến mưa và nguồn nước - một nhân tố sống còn đối với những cư dân của vùng sa mạc khô cằn. Ví dụ như hình nhền nhện là dấu hiệu của mưa, còn hình chim ruồi biểu trưng cho sự màu mỡ và sinh sôi.
Một giả thiết khác mang hơi hướng nửa khoa học - nửa thần bí, do Carl Munck đề xướng. Ông chỉ ra sự "trùng hợp ngẫu nhiên" của tọa độ các hình vẽ trong mối tương quan với vị trí của Kim tự tháp lớn ở Giza - Ai Cập. "Sự trùng hợp" này, theo ông là dựa trên một "hệ Ma trận số học" được áp dụng toàn cầu, hay còn gọi là hệ thống số học thần thánh (Gematrian Numbers). Ông đưa ra nhiều bằng chứng về "những con số thần thánh" trong rất nhiều nền văn minh và tôn giáo, bao gồm cả Kinh Thánh. "Hệ số học thần thánh" đã được con người sử dụng rất rộng rãi trong việc cân đong đo đếm và kiến trúc xây dựng ngay từ thời xa xưa, điển hình là trong các công trình thuộc đế chế Hy Lạp, Ai Cập, Ba Tư, Babylon và cả La Mã. Ông cũng tin rằng các hằng số mà con người hiện sử dụng ngày nay, ví dụ như số pi và radian, hệ đo góc 360 độ, hệ thập phân và cách chia 12 giờ - 60 phút - 60 giây... cũng thuộc những "con số thần thánh" này.
Lại có giả thiết cho rằng đây là một loại lịch thiên văn hoặc chiêm tinh nào đó, hay cũng có thể là bản đồ của các mạch nước ngầm. Giả thiết về một công cụ thiên văn đã từng được chấp nhận khá rộng rãi, tuy nhiên về sau, kết quả phân tích trên máy tính lại không đưa ra một con số khả quan cho lắm. Mặc dù hình vẽ nhền nhện và khỉ có nhiều mối tương quan với vị trí các ngôi sao thuộc chòm sao Lạp Hộ (Orion) và Đại Hùng (Ursa Mayor), nhưng chúng chỉ là một số rất nhỏ trong hàng trăm hình vẽ khác ở Nazca. Giả thiết này được đưa ra bởi Maria Reiche - nhà toán học và khảo cổ học người Đức, người đã có hơn 40 năm cống hiến cho việc giải mã những bí ẩn của các hình vẽ Nazca. Bà thậm chí đã chuyển đến sống hẳn trong một ngôi nhà nhỏ gần khu vực sa mạc để tiện cho việc nghiên cứu, cũng như bảo vệ hiện trạng của các hình vẽ khỏi các du khách tò mò nghịch ngợm, cho đến tận khi qua đời ở tuổi 95. Bà được an táng tại chính vùng đất mà bà vô cùng say mê, và được Hiệp hội Địa lý Quốc gia trao tặng giải thưởng danh dự cho những nỗ lực của mình.
Khoan. Bí ẩn chưa ngừng lại ở đó ! Cũng trong khu vực La Tiza thuộc sa mạc Nazca, người ta còn tìm thấy 8 bộ hài cốt không đầu - dường như các nghi lễ tôn giáo của người Nazca còn bao gồm cả tiết mục hiến tế người sống. Các bộ hài cốt được chôn cất trong tư thế ngồi, phần hộp sọ đã biến mất, bên cạnh là một hủ gốm vẽ hình đầu người với 3 mắt. Đúng là người Nazca có tục cắt đầu kẻ thù trong chiến tranh để làm chiến lợi phẩm. Nhưng kết quả phân tích ADN lại cho thấy các bộ hài cốt này thuộc về chính những cư dân Nazca. Thế nên, cùng với vị trí mai táng, nó chỉ có thể được giải thích như là nghi thức hiến tế vì mục đích tôn giáo. Việc hiến tế người sống, như đã biết, thường liên quan đến các nghi lễ cầu xin thần linh ban phước. Nếu thế thì, những bộ hài cốt không đầu này hẳn phải có dính líu đến các hình vẽ ngoài kia. Nhân tiện, liệu chúng có liên quan gì đến những hộp sọ Paracas bí ẩn không ?
(Nếu có thời gian, mình sẽ thực hiện một bài viết riêng về hộp sọ Paracas và một số bí ẩn khảo cổ khác)
Các hình vẽ ở Nazca, dù đã gần 90 năm kể từ lần đầu tiên được phát hiện, dường như vẫn chứa đựng nhiều điều bí ẩn đối với giới nghiên cứu. Vào khoảng giữa năm 2014, khi đang bay qua vùng sa mạc Nazca sau một trận bão cát lớn, phi công người Peru Eduardo Herrán Gómez de la Torre (tên dài khiếp :v) đã tìm thấy một số hình vẽ mới, hoàn toàn chưa từng được nhìn thấy trước đó. Các hình vẽ mà Torre phát hiện bao gồm hình vẽ con rắn dài khoảng 60m; một vài đường zíc-zắc; hình một con chim và một con lạc đà (có lẽ là lạc đà Llama).
Gần đây hơn, vào đầu năm 2016, một nhóm nghiên cứu Nhật Bản dẫn đầu bởi Masato Sakai thuộc Đại học Yamagata và Jorge Olano đã tiếp tục phát hiện thêm một hình vẽ mới khác, nằm cách quần thể chính ở Nazca chỉ khoảng 16km. Hình vẽ có chiều dài 30m, dường như diễn tả một sinh vật với khá nhiều chân đang... lè lưỡi. Nhóm nghiên cứu cho rằng đây có thể là một sinh vật tưởng tượng, hoặc một sinh vật thần thoại của người Nazca.
Các hình vẽ ở Nazca thực ra không phải là trường hợp duy nhất cho các phác đồ bí ẩn trên mặt đất. Chỉ xét riêng ở Peru và khu vực Nam Mỹ, thì còn có hàng tá những hình vẽ tương tự khác. Ví dụ như hình vẽ Chân nến khổng lồ trên sườn núi Andes thuộc vùng bờ biển Pisco của Peru, hình vẽ Người khổng lồ Atacama ở Chile, hay các hình vẽ vòng tròn, xoắn ốc, chim đại bàng và chiến binh ở vùng núi Sierra Pintada (The Painted Mountain) ở Tây Ban Nha.
Tạm thời, hãy cứ tin rằng con người là một loài có khả năng sáng tạo vô hạn, và đủ tài giỏi để tạo nên những câu đố thách thức trí tuệ của lớp hậu bối. Hãy cứ tin là như vậy đi...
----------
Méo.
...
Khoan. Chưa hết đâu, hãy đợi đấy !
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất