Nỗi lo âu về địa vị - vấn đề xã hội hay một sự thật hiển nhiên? (Review sách)
Nỗi lo âu về địa vị, một vấn đề luôn hiện hữu trong mọi xã hội, mọi tầng lớp, mọi thời kì lịch sử. Chỉ khác là người ta có thừa nhận rằng nó là một phần tác động đến cuộc sống, sự nghiệp và cũng là động lực cho lối sống của họ hay không.
Nỗi lo âu về địa vị, một vấn đề chắc hẳn là luôn luôn hiện hữu trong mọi xã hội, mọi tầng lớp, mọi thời kì lịch sử. Chỉ khác là trong những tầng lớp ấy, người ta có thừa nhận rằng nó là một phần tác động đến cuộc sống, sự nghiệp và cũng là động lực cho lối sống của họ hay không. Cùng mình luận bàn một chút về vấn đề xã hội này, thông qua cuốn sách cùng tên của tác giả Alain de Botton.

Nói sơ qua về cuốn sách, nó được mua để kỉ niệm nhân dịp bạn gái mình ra trường. Một suy nghĩ đơn giản cho món quà chỉ là để đánh dấu cột mốc từ một sinh viên trở thành người đi làm, một người trẻ mới bước vào thị trường lao động. Hiển nhiên thì tiêu đề của cuốn sách là rất phù hợp. Mình chọn luôn mà không cần xem qua nhiều review. Tuy nhiên, nó đã nằm ở tủ sách của chúng mình suốt nhiều nằm. Nguyên nhân một phần bởi vì cuốn sách khó đọc (đối với chúng mình lúc bấy giờ), một phần bởi sự trì hoãn và cách tiếp cận theo phương pháp atomic habits (mỗi ngày 1 trang sách) không phù hợp cho một cuốn sách khó đọc như vậy. Cho đến tận bây giờ, khi đang gặp phải những khủng hoảng ở độ tuổi 30, mình mới một lần nữa nhìn lại tiêu đề của quyển sách và quyết tâm đọc đến cùng.
Quay về nội dung cuốn sách:
Đây là một cuốn sách tương đối khó đọc, mang nhiều hàm ý triết học và sự đúc kết kiến thức khổng lồ xuyên suốt chiều dài lịch sử nhân loại, từ các sự kiện lịch sử, đến tôn giáo, và nghệ thuật.
Đó sẽ là lời review ngắn gọn nhất của mình về "Nỗi lo âu về địa vị" của Alain de Botton. Dù vậy, mình cũng xin chắt lọc một số điểm nổi bật mà mình chú ý trong giai đoạn đọc nửa sau của cuốn sách, đồng thời đưa ra quan điểm cá nhân về chúng.
1- Địa vị, hay vị trí trong xã hội, là thứ mà biết bao nhiêu người, thuộc biết bao thế hệ, đã và đang hướng tới, như là một thước đo cho sự thành công của cả đời người.
Well, ít nhất thì đó không phải là mục tiêu của tất cả xã hội. Nhưng tệ hơn là:
2- Có những giai đoạn trong lịch sử, địa vị là cái mác được gắn cố định cho mỗi người ngay từ khi sinh ra. Nhiều người không cần cố gắng gì cũng đã có sẵn những tài sản, quyền thế và “uy tín”; trong khi số khác cho dù có phấn đấu cả đời cũng không thoát khỏi kiếp nô lệ, hoặc khá hơn một chút là cuộc sống nông dân vất vả.
Điều này gợi cho mình về hệ thống phân biệt đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ, đã có từ hàng nghìn năm và đến nay cũng chưa thể xoá bỏ hoàn toàn. Thật kì lạ là trong xã hội hiện đại ngày nay, ở một đất nước đông dân nhất thế giới lại vẫn tồn tại sự phân biệt kinh khủng đó.
3- Xã hội ngày nay, người ta lại phân chia địa vị phần nhiều dựa vào tài sản, hay nói cách khác là khả năng làm giàu (tạm bỏ qua quyền lực của giới cầm quyền, bởi họ ít nhiều cũng đều sẽ hướng đến việc tích luỹ tài sản). Và ở đây, tiền bạc có thể đi kèm với quyền lực, hoặc quyền lực sẽ đi theo sau đó. Còn những người nghèo, vốn là đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội, lại bị gắn thêm một cái mác thấp hèn - “loser”, chỉ bởi họ không có khả năng kiếm tiền, hoặc được cho là không có chí hướng phấn đấu.
Một sự thật phũ phàng mà chắc hẳn ai cũng đều nhận ra. Bây giờ, nếu một ai đó tài giỏi xuất chúng, lựa chọn nói không với tiền tài, danh vọng mà chỉ tập trung giúp ích cho xã hội, ắt sẽ được khen ngợi hết mực và được cho là cực kì dũng cảm. Dễ hiểu thôi, bởi vì họ là số ít, rất ít trong xã hội này.
4- Sức mạnh của truyền thông - khiến cho con người khao khát có được những thứ mà họ không thực sự cần đến, mong muốn đạt được vị trí mà họ chưa hề nghĩ tới trước đó. Để rồi sau cùng họ trở thành nô lệ của đồng tiền, của vật chất (sách lấy ví dụ về người Anh Điêng).

Với một người đi theo con đường Minimalism, tôi luôn cố gắng tiếp cận tới những vật chất, thành tựu theo hướng nhu cầu, rồi mới đến mong muốn, và sau đó là chọn cách bình thản đón nhận nó, như một lẽ đương nhiên (hay nói cách khác là giảm kì vọng vào nó).
5- Khoảng cách của một người xuất chúng- với một người bần cùng dưới đáy của xã hội dù lớn đến đâu, khi đặt trong một thứ hùng vĩ (như là thiên nhiên, sự đổ nát - biểu thị sự vô hạn về thời gian, vũ trụ rộng lớn…) cũng trở nên nhỏ bé vô cùng.
6- Cái chết - Mọi vật chất, địa vị, sự trọng vọng cũng đều không thể mang theo khi chết đi.
Có lẽ ý của tác giả đang hàm ý nói về những người “xấu”, hay những người dành cả đời mình để phấn đấu cho địa vị phù phiếm, thì đến lúc chết cũng sẽ không được nhớ đến. Những gì người ta nhớ về bạn là khi còn sống, bạn là người như thế nào, có những phẩm chất gì, đóng góp gì cho cộng đồng... Với những phẩm chất tốt đẹp thì kể cả những người có địa vị thấp cũng vẫn sẽ được nhớ đến.
7- Người Bohemian - Đại diện cho chủ nghĩa tự do phóng túng, là những cá nhân sinh ra để đả kích vào cái hệ thống thứ bậc địa vị trong xã hội. Trong số họ cũng có những người xuất chúng, nhưng họ coi thường địa vị.
Tiếc là, dù được miêu tả là theo chủ nghĩa siêu thực, thì nhiều người Bohemian vẫn chọn cách tự tử để kết thúc một cuộc đời nhằm phản đối hoặc trốn tránh những định kiến mình đấu tranh. Cho nên, cá nhân tôi sẽ không hoàn toàn đồng tình với cách làm của người Bohemian từ trong quá khứ cho đến nay.
Đó là những gì mà mình đúc kết lại trong cuốn sách "Nội lo âu về địa vị". So với một người cá nhân nhỏ bé đang đi làm và trong độ tuổi khủng hoảng, cuốn sách còn nói về những vấn đề hơn thế. Tuy nhiên, nó cũng rất đáng để chúng ta đọc và suy ngẫm, từ đó lựa chọn cho mình một con đường phù hợp, để không phải "sống hoài, sống phí" (trích lời cố TBT Nguyễn Phú Trọng).
Cá nhân mình cũng đã chọn lối sống bỏ qua những thứ phù phiếm của địa vị xã hội, vị trí cao trong công việc. Thay vào đó tập trung vào những thứ thuộc về bản chất con người mình, đó là gia đình, sự tự do, sự trải nghiệm và quan tâm đến những người yếu thế hơn mình. Lối sống này được mình định hình ngay từ những năm mới ra trường, và giờ đây càng được củng cố hơn sau khi đọc xong cuốn sách.
I'm just a guy...

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này