Có những chuyến đi đã thay đổi nhận thức của mình mãi mãi...
Ngay đêm mùng một năm Canh Tý, mình có cơ hội đến với Ai Cập. Một vùng đất huyền thoại trong con mắt của tất cả người hâm mộ, yêu thích tìm hiểu sự bí ẩn của Vũ trụ, đặc biệt với những ai là "fan" ruột của Nhà Giả Kim. Mình cũng không ngoại lệ, mặc cho những định kiến sợ hãi của người thân mình ngăn cản bao nhiêu, mình cũng đã đăng ký tham gia chuyến hành trình kéo dài những 12 ngày và vượt qua cơ bản tất cả địa hình của Ai Cập từ đồng bằng ven sông đến vùng thềm Địa Trung Hải, từ bờ Biển Đỏ kéo vào tận Ốc đảo Siwa giáp biên giới Lybia hỗn độn với đa dạng các thể loại phương tiện từ xe bus du lịch, xe jeep, tàu lửa, du thuyền, xe ngựa thồ,....Chuyến hành trình này để lại cho mình vô cùng nhiều "những kỷ niệm đặc biệt".

Đừng tin hoàn toàn những gì truyền thông nói về Ai Cập, hãy thử một lần đi đi

Khi bạn dành dụm đủ một số tiền (thông thường thì trọn gói cả thảy nhắm chừng là 70 triệu đồng tùy thời điểm) thì bạn đã có thể đăng ký một tour Ai Cập 12 ngày tiêu chuẩn 4 sao rồi. Thời điểm tốt nhất trong năm để đi là từ khoảng tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau. Lúc này, khí hậu ở Ai Cập đẹp nhất trong các mùa. Ban ngày mát mẻ, ban đêm se lạnh. Đừng dại dột chọn tour giá rẻ, vì tour này xuất hiện vào những thời điểm cực nóng của Ai Cập (như tháng 5 chẳng hạn), nhiệt độ có khi lên đến hơn 40oC thì đến người địa phương còn chịu chẳng nổi nữa là. Có hai cách để bạn đăng ký đi tour Ai Cập:
Một là, nếu bạn có chút vốn tiếng Anh, thì nên chọn mua tour từ công ty lữ hành uy tín ở Ai Cập, hướng dẫn viên(HDV) và các đại lý bên đó sẽ bảo lãnh cho bạn đi đến được mấy chỗ xa xôi, nhạy cảm như Siwa, bạn cũng ít bị chèo kéo xin thêm tiền tips hay ép giá này nọ từ các dịch vụ và người bán hàng rong. Còn nếu, bạn "cứng cựa" rồi thì tự xếp tour, tự đặt KS, vé tham quan đi luôn cũng được, nhưng phải biết chấp nhận những sự phiền phứt nhất định. Quan điểm riêng là mình thấy anh Khoa Pug (Youtuber nổi tiếng ở Việt Nam)hồi năm 2019, khi đi không chuẩn bị gì nhiều về những điều nên và không nên làm tại Ai Cập, rồi lúc đấy trình tiếng Anh của anh ấy cũng không đủ để giao tiếp sâu, dẫn đến những sự cố mà mình cho rằng anh đã làm nó thêm kịch tính hơn nữa.
Hai là, nếu bạn chỉ giao tiếp tiếng Anh sơ sơ, thì tốt nhất mua luôn tour từ công ty lữ hành ở Việt Nam cho khỏe, tuy có đắt hơn chút xíu, nhưng mọi sự cố đều giảm thiểu xuống tối đa. Ngay cả việc tips cho những người làm dịch vụ, cũng đều đã có anh HDV địa phương lo lắng giúp. Văn hóa Tips (Tiền boa) cho những người làm dịch vụ ở Ai Cập là chuyện bình thường, nếu bạn đã tip cho họ rồi mà họ vẫn đòi thêm thì cứ mặc kệ họ, chỉ cần lưu ý là nên tip sau khi họ đã phục vụ mình xong.
Mình đã phải lén gia đình như thế nào để đăng ký các thủ tục với phía Công ty lữ hành vì lo họ sẽ ngăn cản. Còn nhớ hôm báo chí Việt Nam truyền tin về vụ đánh bom tại Kim Tự Tháp năm 2018 liên quan đến nhóm du khách Việt đã ám ảnh gia đình mình thế nào. Và rằng gần ngày khởi hành khi ván đã đóng thuyền rồi thì mình mới tiết lộ. Người yêu mình mất ngủ cả đêm và còn nói rằng là sẽ nhất quyết không cho mình đi bằng mọi giá. Đến giờ vẫn không nghĩ là Ai Cập thật sự nguy hiểm như cách nhiều người nhắc đến thông qua sự bơm thổi của báo giới truyền thông. Nhiều người trong số họ thậm chí ngồi ở nhà, đọc qua loa một vài tờ báo chí nước ngoài rồi tả lại sự nguy hiểm thế nào khi du lịch tại Ai Cập bằng trí tưởng tượng của họ. Họ làm nhiều người, trong đó có cả mình, từng một thời gian dài nghĩ rằng ai theo đạo Hồi thì đều rặc kẻ cực đoan. Đồng ý là vụ nổ bom năm ấy hoàn toàn do có ý đồ, nhưng bạn nghĩ xem, ở Việt Nam mình, năm nào cũng có tai nạn đến từ những anh quái xế, hay một người nào đó vô tình băng qua quốc lộ. Khi lòng bạn thật sự bất an, thì ngoại cảnh nơi nào mà chẳng nguy hiểm. Thôi thì, quan điểm là của bạn, còn mình thuộc nhóm người tâm linh nên cái niềm tin và đam mê khám phá nó cao hơn nỗi lo bị đánh bom.
Mình sẽ có một vài nhận định nhỏ để đính chính lại cho các bạn đọc giả. Đạo Hồi thì cũng có đạo Hồi "this" đạo Hồi "that". Hy vọng các bạn sẽ có một quan điểm khác hơn về người dân xứ này.
Với tư cách là du khách, mình luôn cảm nhận sự thân thiện của những người dân chất phác thật thà tại đây (không bàn về một số anh lễ tân khách sạn cỡ vừa và anh buôn hàng rong tinh quái). Trừ có hai chuyện bạn đừng lộ liễu đề cập là: Tôn giáo và Đồng tính. Phải rồi, khi đến đâu thì ít nhất là bạn cũng nên tôn trọng tư duy tín ngưỡng của dân tộc ở đó chứ, người ta không muốn nhắc thì thôi vậy. Anh hướng dẫn viên bên đó cũng trả lời rất thẳng thắn là: " Chuyện tôn giáo mày muốn giải thích cho khách nghe thế nào cũng được, tao không quan tâm, miễn mày đừng nói với dân tao là được; đồng tính thì dân tao họ không đếm xỉa tới vì đó là chuyện riêng tư, nhưng đừng có lồ lộ ra. Nếu mày là người Ai Cập, thì chuyện họ treo mày lên giàn giáo là có thật đấy". Mà đúng, tới ngày đến Aswan, mình vẫn thấy (bằng cặp mắt thứ n) có những cặp trai trẻ hẹn hò tại trung tâm mua sắm một cách kín đáo. Chuyện đồng tính ở nước này rất khó nhận biết, đặc biệt là cử chỉ thân mật của những người nam cũng không giống như ở Á Đông mình, họ có thể chạm má, hôn hít, ôm ấp, nắm tay nhau rất bình thường dù chỉ ở mức bạn bè thôi (như cái cách ông HDV ôm chạm má rồi chào mình làm mình ngượng chết đi được ấy!). Sâu bên trong nữa mình không rõ, đọc trong sách thôi thì không dám khẳng định. Chỉ biết rằng, từ truyền thống Ai Cập cổ đại qua những bia ký lưu lại, có thời kỳ người ta chấp nhận chuyện tình yêu đồng giới là chuyện thường ở phường, đại loại như câu chuyện ông thần Seth …"hấp diêm" Thần Horus để trả thù. Còn bây giờ dân Ai Cập theo đạo Hồi là chính, nên chuyện đồng giới được xem là tội lỗi trong tư duy tôn giáo của họ.
Cũng không chắc tình trạng ăn cắp ở Ai Cập có đỡ hơn ở Việt Nam không, nhưng những ngày trải nghiệm ở Ai Cập làm mình rất yên tâm về khoản này. Anh hướng dẫn viên địa phương cũng không hề dặn dò đoàn phải cẩn thận với việc trộm cắp. Nếu bạn nào đã từng đọc qua quyển "Con đường Hồi giáo" của Tác giả Nguyễn Phương Mai sẽ thấy người theo đạo Hồi cơ bản là...hiền một cách cực đoan, họ sẽ hiền khi bạn sống phải đời đẹp đạo. Nhưng nếu bạn phạm vào các điều răng cơ bản trong kinh Coran thì mình không chắc nốt luôn. Chuyện là ngày đi chợ Aswan, mình tận mắt chứng kiến một cu cậu thiếu niên ăn cắp chiếc đồng hồ của khách du lịch rồi vụt qua ngay trước mặt mình, trong tích tắc, cả khu chợ đều đồng loạt chặn đường vây bắt em ấy rồi dần cho nó một trận nhừ tử. Mình vội lấy điện thoại quay lại, cũng chỉ muốn làm clip khẳng định những gì mình nói cho người thân thôi, thì một anh hàng vải đã bảo mình bỏ máy xuống đừng quay nữa, không hay ho gì đâu. Sau này, anh HDV địa phương tâm sự, ở nước tao, ăn cắp nói chung là tội nghiêm trọng nên việc người ngoại quốc như mày mà quay cảnh này đối với họ là một điều hổ thẹn. Đến đây thì mình đã tin được những gì mà quyển sách "Con Đường Hồi giáo" ghi là có thật.
Chỉ có vấn đề là nhiều khi cảm giác mình như minh tinh được các anh hàng rong ở Kim Tự Tháp săn đón ấy, nhưng yên tâm đi, trình độ thích nghi và trả giá siêu đẳng của các chị người Việt mình cũng khiến những tay buôn hàng máu mặt cự phách nhất ở chợ Cairo phải nể mặt chừa đường đó. Khi vào Kim Tự Tháp, bạn nên ăn mặc giản dị thôi thì không ai đeo bạn lâu đâu, trừ phi bạn như anh Khoa Pug lúc nào cũng dùng đồ hiệu. Người buôn hàng ở Ai Cập rất là tinh mắt khoản này. Theo mình cảm nhận, đàn ông Ai Cập có vẻ rất thích phụ nữ Á Đông (hoặc là hôm ấy mấy chị em đoàn mình quá sexy rồi! >_<), đi tới đâu kể cả người lớn tuổi đến bọn trẻ trâu Ai Cập đều chằm chằm tới đấy. Rồi kể cả phụ nữ cũng vậy. Mình nhớ như in, ngày ở Alexandria, mấy cô em gái thân hình tròn mẩy chắc nịt vẻ du mục, lúng liếng e thẹn đòi chụp hình với mình (lúc đấy mới nhận ra là sự đẹp trai này cuối cùng cũng có đất dụng).
Một góc phố cũ Alexandria bình yên buổi sáng ( Chụp bởi khách)
Một góc phố cũ Alexandria bình yên buổi sáng ( Chụp bởi khách)
Vấn đề nữa cần nhận định trong chuỗi bài viết về Ai Cập của mình là chuyện các cửa hiệu đồ lót ở Ai Cập. Đời sống ở đây có vẻ như yên bình đến tẻ nhạt nếu không tính đến yếu tố đánh bom. Nhưng không phải vậy, mình đã tưởng đời sống tình dục của người phụ nữ Ai Cập hẳn sẽ bị đè nén rất dữ dội, mọi giá trị thuộc về sự sexy đều sẽ bị đưa lên giàn hỏa thiêu để chuộc tội với Đấng Allah. Mình còn nghĩ rằng các thể loại đồ lót gợi cảm nữ chắc sẽ bị tẩy chay và bài xích không thương tiếc. Ai có mà ngờ, ngày đến Luxor, ở các cửa hiệu quần áo, người ta bày la liệt đủ kiểu đồ lót mỏng, ren hoa, viền đậm, gợi cảm, vân vân mây mây,...được cập nhật theo xu hướng thời trang mới nhất nhập sỉ từ đâu đó ở... Trung Quốc. Anh HDV cho hay là mày đừng nghĩ bên đây ngột ngạt, có thể ở Lybia hay Arab Saudi thì đúng, nhưng người Ai Cập tụi tao thoáng hơn nhiều. Người phụ nữ Ai Cập có lẽ sẽ thích kiểu một màu cho trang phục ngoài, có người sẽ che kín mặt tùy theo đạo Hồi kiểu nào nữa, và cũng một phần là để đám đàn ông kiềm hãm bớt cái thú tánh.Nhưng khi về đến nhà, đối diện với vị phu quân của mình, bên trong lớp áo kia là muôn màu nội...y.
Sau rốt, có lẽ cả đoàn mình cũng nhận ra. Và cũng đồng ý với tác giả Nguyễn Phương Mai. Nhưng chỉ một phần thôi. Người dân Ai Cập lam lũ ngoài kia dường như đang quên dần đi giá trị tổ tiên họ để lại. Trong mắt một anh lễ tân hay một gã bán hàng, điều quan trọng cuối cùng vẫn là tiền nong và bổn phận phải trở về với Đấng Allah. Đúng rồi, họ có nhiều nghĩa vụ phải lo lắng cho gia đình và đời sống tôn giáo tâm linh của riêng họ hơn là bắt buộc phải biết cái giá trị bí ẩn nằm trong lớp lớp đá hoa cương kia, mình không thể ép họ được. Có chăng, nếu người dân lam lũ đã không quan tâm mà người trí thức, người làm văn hóa cũng mặc kệ nốt thì mới đáng trách. Nhưng những ngày ở Ai Cập, mình vẫn thấy trong ánh mắt anh HDV địa phương hấp háy lòng tự hào dân tộc khi nhắc về một thời vàng son Ai Cập cổ đại. Nào những đền đài lộng lẫy, nào những siêu kiến trúc Kim Tự Tháp choáng ngợp, nào những kiến thức cổ truyền bí ẩn, nào những hậu duệ của tộc Atlantis huyền thoại có đến gần 10.000 năm lịch sử,.... Ở xứ này, muốn theo ngành Ai Cập học để trở thành HDV, bạn phải mất 7 năm dùi mài kinh sử, tương đương thời gian tu học của một bác sĩ. Chính quyền cũng tạo những hoạt động nhằm thúc đẩy tuyền truyền văn hóa hơn bao giờ hết. Theo một cách khác, mình thấy văn hóa Ai Cập Cổ đại đang dần dần hồi sinh trong mắt người Ai Cập nói chung. Giả chăng, nếu người Ai Cập ngày nay có lãng quên chăng nữa thì hãy nhìn đi, dấu chân trên cát cũng phải bị nhòa bởi chính cát của một khắc sau mà thôi. Gìn giữ là tốt, mà không giữ nổi thì có tiếc cũng không làm được gì.
Thế đấy, chỉ vì một vài con sâu cực đoan làm rầu nồi canh và cách truyền thông thế giới lèo lái dư luận mà dân đạo Hồi bị người ta gán cho cái mác khủng bố mấy trăm năm nay thì thật oan ức quá đúng không bạn? Bỏ qua và vui vẻ chấp nhận những đặc tính dân tộc khác biệt của mỗi quốc gia, bạn sẽ thấy được vẻ đẹp của điểm đến không chỉ nằm ở cảnh quan, mà còn sâu trong mỗi con người của quốc gia đó nữa đúng không nào?
( Còn tiếp)
Nhà ở của người Ai Cập thường xây dựng giống nhau và thoạt nhìn khá là tẻ nhạt
Nhà ở của người Ai Cập thường xây dựng giống nhau và thoạt nhìn khá là tẻ nhạt