Tôi là cây bút chì -- một cây bút chì bằng gỗ bình thường, quen thuộc với tất cả mọi người nam nữ biết đọc biết viết.
Bạn sẽ hỏi tại sao tôi lại đi viết gia phả tiểu sử của mình. Lý do đầu tiên là vì câu chuyện của tôi thú vị. Và lý do tiếp theo, vì tôi rất huyền bí -- huyền bí hơn một cái cây, hơn mặt trời lặn, và hơn cả tia chớp nữa. Nhưng điều đáng buồn là tôi bị những người cầm tôi trên tay coi là nghiễm nhiên, cứ như là tôi chỉ sinh ra cho có mà không có nguồn gốc xuất xứ vậy. Thái độ khinh khi đó biến tôi thành thứ tầm thường. Nhưng nhận định này là rất sai lầm mà người ta không thể cứ mắc mãi mà không phải trả giá đắt. Như nhà thông thái G. K. Chesterton đã nói: "Ta cằn cỗi không bởi thế giới quanh ta thiếu điều kỳ diệu, mà khi ta không nhận ra những điều kỳ diệu đó."
Tôi, Cây Bút chì, trông bề ngoài giản dị, vậy mà mang cùng mình bao nhiêu điều kỳ diệu, ngạc nhiên -- điều mà sau đây tôi sẽ cố gắng chứng minh. Thật vậy, nếu bạn hiểu được tôi -- không, chẳng ai làm được vậy cả -- nếu bạn nhận thức được sự phép lạ mà tôi biểu trưng, thì bạn sẽ giúp bảo vệ được sự tự do mà con người đang vô tư đánh mất. Và tôi sẽ dạy cho bạn bài học này tốt hơn một chiếc xe ô tô, một chiếc máy bay, hay một chiếc máy rửa bát vì -- thật tình, bề ngoài tôi quá ư đơn giản.
Đơn giản ư? Thế mà chẳng có một người nào trên trái đất này biết làm ra tôi cả. Nghe lạ nhỉ? Trong khi mỗi năm ở Mỹ có một tỉ rưỡi cây bút chì như tôi được sản xuất ra.
Hãy nâng tôi lên và xem tôi một lượt. Bạn thấy gì? Chẳng có gì bắt mắt cả -- có một thân gỗ, lớp sơn và in dòng chữ, đầu chì, một ít kim loại bọc, và tẩy.

Vô số tiền bối

Cũng như bạn không thể xem được gia phả của tôi quá xa về quá khứ, tôi cũng không thể nào mà kể tên tất cả những người tiền bối của tôi được. Nhưng tôi cũng chỉ muốn điểm qua một số đủ để bạn ấn tượng về nguồn gốc phong phú và phức tạp của tôi.
Gia đình tôi có xuất xứ từ một cái cây, cây tuyết tùng có vân gỗ thẳng lớn lên ở miền bắc California và Oregon. Bây giờ bạn thử tưởng tượng tất cả các cưa và xe tải và dây nhợ và tất cả những dụng cụ khác người ta dùng để thu hoạch và kéo những mảnh gỗ về ga tàu. Bạn hãy nghĩ về tất cả những nhân lực và trí lực để làm ra những công cụ trên: kỹ năng khai thác quặng, luyện thép và chế tác cưa, trục, động cơ; kỹ năng trồng cây gai dầu và chế tác thành các dây kéo chắc khỏe; các trại khai thác gỗ với nhiều phòng ốc hành lang, với bao nhiêu kỹ năng chăn nuôi nấu nướng ra các thực phẩm phục vụ người làm. Ôi chao, có bao nhiêu ngàn người đã góp công góp sức vào mỗi cốc cà phê mà những người thợ gỗ uống!
Những mảnh gỗ này được đưa đến một xưởng xẻ gỗ ở San Leandro, California. Bạn có thể tưởng tượng ra những người làm ra các toa tàu và động cơ tàu hỏa và những người đã xây dựng và thiết lập hệ thống thông tin liên lạc phụ trợ không? Những quân đoàn đó đều là những tiền bối của tôi.
Hãy cùng xem một xưởng gỗ ở San Leandro. Những mảnh gỗ tuyết tùng được cắt thành từng miếng gỗ nhỏ dài như cây bút chì và có độ dày ít hơn một phần tư inch. Những miếng gỗ này sau đó được sây khô và nhuộm màu, với lý do cũng giống như các cô gái điểm phấn tô son vậy. Mọi người đều thích tôi trông đẹp đẽ hồng hào, chứ không ai thích chỉ có mỗi màu trắng bệch. Những miếng gỗ đó sau đó lại được quét sáp và sấy khô lần nữa. Bao nhiêu kỹ năng cần thiết để nhuộm màu, sấy, điều chỉnh nhiệt độ, để điều chỉnh ánh sáng và điện, vào những dây chuyền, mô tơ, va tất cả những công đoạn khác ở trong xưởng gỗ? Có phải người dọn vệ sinh cũng là tiền bối của tôi không? Có chứ, và tiền bối của tôi có cả những người đã đổ xi măng lát nền cho đập thủy điện của công ty Điện Khí Pacific, nơi cung cấp điện cho xưởng gỗ này!
Đừng quên những tiền bối gần xa đã giúp chở sáu mươi xe đầy miếng gỗ làm bút chì đi khắp nước Mỹ.
Một khi đến được nhà máy bút chì -- máy móc và nhà xưởng đáng giá $4,000,000, tổng tài sản mà bố mẹ tôi chắt bóp dành dụm -- mỗi miếng gỗ được gọt thêm tám cái rãnh bởi một chiếc máy phức tạp, sau đó thì một chiếc máy khác sẽ gắn lõi chì xen kẽ vào các miếng gỗ, thêm keo, và đặt một miếng gỗ khác lên trên -- thành một cái bánh kẹp chì. Tôi cùng bảy người anh em khác sau đó được xẻ ra từ cái bánh kẹp chì đó.
Cái đầu chì -- thực ra không có tí kim loại chì nào cả -- cũng phức tạp. Than chì được khai khoáng từ Ceylon (Sri Lanka). Hãy nghĩ đến những người thợ mỏ và những người làm ra vô số công cụ và những người làm ra các túi giấy đựng chì và những người làm ra cái dây để buộc túi và những người vận chuyển chì ra tàu và những người làm ra những chiếc tàu đó. Ngay cả người canh giữ ngọn hải đăng cũng có công giúp cho tôi ra đời -- và những người hoa tiêu bến cảng nữa.
Than chì được trộn với đất sét từ Mississippi, quá trình tinh chế đó có sử dụng Amoni hydroxide. Sau đó người ta thêm chất hoạt động bề mặt vào hỗn hợp như mỡ sulfunate -- mỡ động vật phản ứng với acid sulfuric. Sau khi đi qua nhiều máy móc, hỗn hợp này cuối cùng chui ra thành một cái sợi dài vô tận -- như xúc xích chui ra từ máy -- được cắt đúng cỡ, sấy khô, và nung vài giờ trong nhiệt độ 1,850 độ F. Để thêm độ cứng và mịn, những chiếc ngòi chì sau đó được đi qua một hỗn hợp nóng có sáp cây candelilla từ Mexico, sáp nến, và sáp động vật sau khi được hydro hóa.
Lớp gỗ tuyết tùng của thân cây bút chì tôi được phủ thêm sáu lớp sơn bóng. Bạn có biết thành phần hóa học của lớp sơn bóng không? Ai mà biết rằng những người trồng và ép dầu cây thầu dầu là một phần trong đó nhỉ? Nhưng đúng đó. Ôi chao, ngay cả quá trình lớp sơn bóng biến thành màu vàng đẹp mắt lại bao gồm bao nhiêu là hiểu biết của số người mà liệt kê không hết!
Bạn hãy xem tiếp dòng chữ in trên thân bút. Đó là một lớp phim mỏng được hình thành bằng cách nung carbon đen trộn với nhựa cây. Người ta làm nhựa cây thế nào, và carbon đen là cái quái gì nhỉ?
Phần kim loại nhỏ trên thân tôi -- cái vòng kim loại giữ đầu tẩy -- là đồng thau. Hãy nghĩ về những thợ khai thác kẽm và đồng và những người biết cách biến những nguyên liệu thô của thiên nhiên đó thành những mảnh đồng thau sáng bóng. Những vòng tròn màu đen ở trên đầu tẩy của tôi là nickel đen. Nickel đen là gì và người ta lắp lên đầu tẩy thế nào? Câu chuyện từ đầu chí cuối tại sao giữa vòng kim loại này lại không có nickel đen thì tôi phải giải thích hàng trang giấy.
Và cuối cùng là vương miện sáng chói của tôi, người đời thường gọi là "cái đầu tẩy," phần mà người ta dùng để xí xóa mỗi khi mắc lỗi. Thành phần hóa học được gọi là "factice" là thứ dùng để tẩy. Đó là chất tạo ra nhờ phản ứng từ cải dầu trồng ở Indonesia với sulfur chloride. Cao su, trái ngược với hiểu biết thông thường, chỉ là chất kết dính. Còn cả rất nhiều chất lưu hóa và xúc tác nữa. Đá bọt có nguồn gốc từ Ý; và chất làm cho đầu tẩy có màu mà bạn thấy là Cadmi sulfide.

Không ai biết

Có ai muốn phản biện tôi về câu tôi nói trước đó là chẳng có một ai trên trái đất này biết làm ra tôi không?
Thật ra, hàng triệu người đã góp công vào việc chế tác ra tôi, trong đó không có ai là biết hơn thậm chí một nhóm nhỏ những người khác cả. Bạn có thể tranh luận rằng tôi đi quá xa khi nói người trồng cà phê ở Brazil và những người trồng lúa gạo ở đâu khác cũng góp phần tạo ra tôi; rằng như thế là nói quá. Nhưng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Chẳng có ai trong hàng triệu người, trong đó có cả chủ tịch công ty làm bút chì, là người đóng góp về kỹ năng nhiều hơn một phần tí hon, cực tiểu trong số đó. Khi nói về kỹ năng, sự khác biệt giữa người khai thác than đá ở Ceylon và người thợ gỗ ở Oregon là ai biết cái gì. Không ai thay thế được người kia, cũng như thay thế được chuyên gia hóa học ở nhà máy hay người công nhân ở xưởng dầu -- sáp nến là một phụ phẩm của dầu.
Một sự thật đáng kinh ngạc: Người công nhân ở xưởng dầu, người chuyên gia hóa học, người thợ đào mỏ than đá và đất sét, hay người thợ đóng thuyền, tàu hỏa, hay xe tải, hay người điều khiển máy móc ở nhà máy làm ra vòng kim loại của tôi, hay người chủ tịch công ty bút chì -- không một ai làm những việc họ làm vì họ muốn có tôi. Mỗi người đó đều mong muốn có tôi thậm chí là ít hơn đứa trẻ lớp một muốn có tôi. Thật vậy, có rất nhiều người trong số họ chưa bao giờ thấy mặt một cây bút chì hoặc biết dùng bút chì thế nào. Lý do họ làm là cái gì đó khác tôi. Có thể là đại loại thế này: Mỗi người trong số triệu người đó nhận ra rằng người ta có thể đổi kỹ năng của họ lấy một vật hay một việc gì đó họ muốn. Tôi có thể nằm trong số những thứ họ muốn, hoặc cũng có thể không.

Không có ai đứng đằng sau

Một sự thật đáng kinh ngạc hơn: Không có ai đứng đằng sau, hoặc không có ai ra lệnh hay cưỡng bức chỉ đạo những việc để làm ra tôi cả. Không có dấu vết của người làm việc đó. Thay vào đó, đó là vận động của Bàn Tay Vô Hình. Đây là sự huyền bí mà tôi nói ở trên.
Người ta nói "Chỉ có Chúa trời mới tạo ra một cái cây." Tại sao chúng ta đồng ý với câu nói trên? Có phải tại vì chúng ta nhận ra chúng ta không chế tạo ra được một cái cây không? Thậm chí, chúng ta có thể mô tả một cái cây không? Chúng ta không thể, nếu không kể việc miêu tả một cách hời hợt. Cho ví dụ, chúng ta có thể nói rằng, một kiểu sắp xếp phân tử nào đó sẽ tạo nên một cái cây. Nhưng có người nào biết cách ghi lại, chứ chưa kể đến chỉ đạo, những sự biến đổi liên tục trong chuyển động của các phân tử xảy ra trong cả đời một cái cây không? Kỳ tích như vậy là hoàn toàn không thể tưởng tượng được!
Tôi, Cây Bút chì, là một sự kết hợp phức tạp của những phép lạ: Một cái cây, kẽm, đồng, than chì, và nhiều thứ khác. Nhưng ngoài những phép lạ xảy ra trong Thiên nhiên còn có một phép lạ còn phi thường hơn nữa: Sự sắp xếp của những năng lượng sáng tạo của con người -- hàng triệu những kỹ năng sắp xếp với nhau một cách tự nhiên và tự phát để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của con người, tất cả không cần ai đứng đằng sau cả! Vì chỉ có Chúa trời mới tạo ra được một cái cây, tôi cam đoan chỉ có Chúa mới làm ra được tôi. Con người không thể chỉ đạo sắp xếp ra một triệu kỹ năng nhỏ đó để tạo ra tôi, cũng như con người không thể sắp xếp những phân tử để tạo nên một cái cây.
Khi tôi nói "nếu bạn nhận thức được phép lạ mà tôi biểu trưng, thì bạn sẽ giúp bảo vệ được sự tự do mà con người đang vô tư đánh mất" là vậy. Vì rằng, nếu ai hiểu được rằng những kỹ năng trên sẽ tự nhiên, vâng, hoàn toàn tự động sắp xếp chúng thành các mô hình sáng tạo và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của con người -- trong khi đó không cần một chính phủ hoặc là một ai đứng đằng sau bắt ép cả -- thì người đó sở hữu một nguyên liệu tối cần thiết cho sự tự do: niềm tin vào những người tự do. Nếu không tin vào điều này sẽ không bao giờ có tự do.
Một khi chính phủ có độc quyền với một công việc sáng tạo, ví dụ, như là đưa thư, đa phần mọi người sẽ nghĩ rằng thư sẽ không được đưa một cách hiệu quả khi mỗi người tự do làm một kiểu. Và đây là lý do: Mỗi người đều hiểu rằng người đó không biết làm cách nào để làm tất cả các việc liên quan đến đưa thư. Người đó cũng nhận ra là không ai biết làm cả. Tất cả những giả thiết trên đều đúng. Không ai biết làm cách nào để vận hành mạng lưới đưa thư cho một đất nước, cũng như không ai biết làm cách nào để làm ra một cây bút chì. Khi đó, ai không có niềm tin vào những người tự do -- không nhận ra là hàng triệu kỹ năng nhỏ xíu sẽ kết hợp lại với nhau một cách tự nhiên và màu nhiệm để giải quyết nhu cầu -- thì người đó sẽ dẫn đến kết luận sai lầm là cách duy nhất để vận hành mạng lưới đưa thư là phải có chính phủ đứng đằng sau.

Hằng hà sa số nhân chứng

Nếu Tôi, Cây Bút chì, là thứ duy nhất có thể làm chứng được cho việc con người có thể làm được những gì khi họ được tự ý lựa chọn, thì những người có ít niềm tin mới có một luận điểm thuyết phục. Tuy nhiên, có hằng hà sa số nhân chứng; ai cũng có thể làm chứng được. Đưa thư là một việc vô cùng đơn giản so với những việc, cho ví dụ, là làm một chiếc xe ô tô hay là máy tính hay là máy gặt hay là máy tiện và hàng vạn những thứ khác trên đời. Đưa thư? Ôi chao, thời đại này khi người ta có sự tự do trong công việc, người ta có thể đưa tiếng nói đi cả vòng trái đất trong tích tắc; người ta tường thuật trực tiếp được sự việc diễn ra bằng hình ảnh sống động đến nhà nhà; người ta chuyển được 150 người từ Seattle đến Baltimore trong ít hơn bốn tiếng đồng hồ; người ta vận chuyển được khí đốt từ Texas đến lò sưởi của người ở New York với giá rẻ bất ngờ mà không cần trợ giá; người ta vận chuyển được 4 pound dầu từ Vịnh Ba Tư tới Bờ Đông Hoa Kỳ -- nửa vòng trái đất -- bằng số tiền ít hơn số tiền chính phủ đòi để chuyển bì thư nặng 1 ounce từ bên này phố qua bên kia phố!
Bài học tôi muốn nói là: Hãy để tất cả các năng lượng sáng tạo được tự do mà không hạn chế gì. Chỉ cần tổ chức để xã hội hành xử với nhau sao cho hài hòa. Hãy để bộ máy pháp lý của xã hội loại bỏ các rào cản một cách tốt nhất có thể. Hãy để cho những hiểu biết kỹ năng được tự do làm việc. Hãy có niềm tin là những người tự do sẽ đáp lại Bàn Tay Vô Hình. Niềm tin này sẽ được chứng minh cùng với thời gian. Tôi, Cây Bút chì, đơn giản là thế, bằng quá trình tạo ra mình đưa ra được bằng chứng rằng đây là một niềm tin thực tế, thực tế như ánh mặt trời, như cơn mưa, như cây tuyết tùng, như Trái đất đẹp đẽ này.
Bài viết cùng tác giả: