Hiện tượng Gaslighting đang dần nhận được sự quan tâm đặc biệt từ GenZ tại Việt Nam. Đặc biệt, khi phần lớn chúng ta đều đã từng lớn lên trong một môi trường ít nhiều có sự thao túng, có thể là từ thầy cô hay từ cha mẹ - những người không có điều kiện được học về cách biểu lộ mong muốn một cách phù hợp hay cách duy trì một mối quan hệ lành mạnh, chúng ta hoàn toàn có thể đi vào vết xe đổ đó một cách vô thức. 
Cho dù là vô tình hay hữu ý, hiện tượng gaslighting được Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ định nghĩa là sự thao túng tâm lý trong một khoảng thời gian dài, khiến nạn nhân tự nghi ngờ chính suy nghĩ, cảm xúc và sự tỉnh táo của bản thân. Ban đầu, gaslighting chỉ được dùng để chỉ sự thao túng nặng nề tới nỗi có thể khiến nạn nhân gặp rối loạn tâm thần. Gần đây, nó được sử dụng một cách rộng rãi hơn với nhiều cấp độ khác nhau.
Ta hoàn toàn có thể nhận diện được những biểu hiện sơ khởi của gaslighting nếu chúng ta chú tâm vào cách giao tiếp trong các mối quan hệ mình đang có. Theo trang Medical News Today, nếu như bạn:
1. Cảm thấy mình đang trở nên rụt rè hơn trước đối phương
2. Thường xuyên nghi ngờ cảm xúc và suy nghĩ của bản thân và tin rằng đối phương là đúng
3. Thường xuyên cảm thấy mình quá nhạy cảm và bảo vệ ngược lại đối phương trước người thân
4. Không dám thẳng thắn nêu lên quan điểm hay bộc lộ cảm xúc của bản thân
5. Cảm thấy vô vọng, không đủ năng lực hay không có giá trị
… rất có thể bạn đang trở thành nạn nhân của gaslighting. Và cũng rất có thể, “thủ phạm" cũng không biết rằng họ đang gaslight bạn. 
Theo nhà Tâm lý học Sternberg, một mối quan hệ tình cảm lành mạnh cần sự thân mật, sự đam mê và cả sự cam kết. Theo ông, một trong những yếu tố quan trọng của sự thân mật là việc giao tiếp chân thật, bình đẳng, và cởi mở. 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tham vấn tâm lý, nạn nhân của gaslighting lại thường rơi vào trạng thái lo lắng và cảm thấy không đủ tự tin để nói lên nhu cầu của mình. Theo Tổ chức Can thiệp và Phòng chống Bạo lực Anh Quốc, những nạn nhân của gaslighting có thể trở thành những người có phong cách giao tiếp thụ động. 
Những người có phong cách giao tiếp thụ động không bộc lộ sự tức giận mà thường sẽ chịu đựng và vô tình để những cảm xúc đó bị dồn ứ cho tới khi họ không thể chịu đựng được, bùng nổ, rồi sau đó lại cảm thấy hối hận và quay lại với sự thụ động thường có.
Một người có phong cách giao tiếp thụ động có thể có thái độ và suy nghĩ như sau: 
“Tôi không thể tự bảo vệ bản thân mình”
“Tôi bị mọi người chèn ép và bắt nạt"
“Không ai quan tâm tới cảm xúc của tôi"
“Tôi không biết phải làm gì cho bản thân mình"
Trong một vài trường hợp khác, cả người bị gaslight và người gaslighter cũng có thể có những hành vi gây hấn thụ động. Nghĩa là, bên ngoài, họ có vẻ thụ động. Nhưng thực chất, họ đang thể hiện sự tức giận của mình một cách gián tiếp bằng cách tỏ thái độ khó chịu hay khinh thường đối phương.
Một người có phong cách giao tiếp gây hấn thụ động có thể:
1. Rất khó chịu, có thể gật đầu cho qua vấn đề nhưng lại có thái độ vùng vằng khó chịu ngay sau đó.
2. Cảm thấy không hài lòng nhưng không giao tiếp với đối phương mà lại đi than vãn với người khác.
3. Mỉa mai thay vì nêu vấn đề một cách thẳng thắn
Trong rất ít trường hợp, nạn nhân của gaslighting có thể phản ứng lại bằng cách giao tiếp bạo lực. Thông thường, phong cách giao tiếp này sẽ thấy ở người gaslight người khác hơn. Người có phong cách giao tiếp này thường:
1. Cư xử mạnh bạo và thô lỗ
2. Không thích lắng nghe
3. Thường chỉ trích, đổ tội, tấn công hay hạ nhục người khác.
Thực chất, mỗi người trong chúng ta, rất có thể, đều đã từng có biểu hiện của những phong cách giao tiếp trên. Trong cuốn “Tiến trình Tương tác Liên cá nhân" xuất bản bởi Nhà xuất bản Đại học Oxford, các chuyên gia về giao tiếp đã cho rằng, cả ba phương pháp trên đều khó có thể giúp chúng ta giải quyết được các vấn đề liên cá nhân một cách lành mạnh.
Ngược lại với các phong cách giao tiếp này chính là phong cách giao tiếp quyết đoán, khi một người có thể nêu lên những quan điểm hay cảm xúc của bản thân một cách phù hợp, trong khi vẫn quan tâm tới nhu cầu của đối phương, từ đó đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Đặc điểm của phong cách giao tiếp này là:
1. Nói chuyện bằng giọng nói bình tĩnh và rõ ràng
2. Ngôn ngữ cơ thể thể hiện sự khoan thai
3. Khi nói nhìn trực diện vào mắt đối phương
4. Biết bảo vệ quyền lợi của bản thân
5. Nêu lên cảm xúc chủ quan của bản thân với thái độ tôn trọng, bình đẳng và không đổ lỗi
6. Nêu lên những nhu cầu của bản thân một cách rõ ràng, phù hợp và tôn trọng
7. Thể hiện sự tôn trọng và mong muốn được giao tiếp một cách bình đẳng
8. Chú tâm lắng nghe và không ngắt lời khi đối phương đang giãi bày
9. Đặt ra những giới hạn rõ ràng trong giao tiếp. Tạm ngưng cuộc giao tiếp khi ta thấy mình hay đối phương bắt đầu vượt quá giới hạn
Nghe thì có vẻ rất phức tạp phải không? 
Chúng mình hãy lưu ý, cũng như mọi kỹ năng khác, kỹ năng giao tiếp quyết đoán hoàn toàn có thể được trau dồi nếu ta chú tâm, kiên trì và nhẹ nhàng với chính bản thân mình. Ta hoàn toàn có thể bắt đầu những cuộc trao đổi tiếp theo với thầy cô, bạn bè, người yêu hay cha mẹ bằng cách chia sẻ khi ta đang cảm thấy bình tĩnh nhất:
“Ba/mẹ/cô/bạn tôi ơi, con/tôi đang cảm thấy (những cảm xúc như vui, buồn, giận) khi ba/mẹ/cô/bạn tôi (nguyên nhân đằng sau những cảm xúc của bản thân), không biết ba/mẹ/cô/bạn tôi có thể (những điều bạn hy vọng họ có thể làm khác đi).”
Trong trường hợp họ không đồng ý, hay nhẹ nhàng hỏi lý do và lắng nghe quan điểm của họ và chủ động điều hoà cảm xúc của bản thân nếu có thể. Hãy nhớ rằng, cách chúng ta nói quan trọng hơn điều chúng ta nói rất nhiều lần!
Tác giả: Keira Ngo 
Ảnh: "Love is in the air" - Banksy (2003), một lần nữa lại đề cao thông điệp của tình yêu và cái đẹp giữa sự hỗn độn của bạo lực và đau thương
Tham khảo: Bài viết được hoàn thành dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân mình có được trong quãng thời gian nghiên cứu và làm việc trong ngành Tâm lý & Giáo dục. Để tìm hiểu thêm về chủ đề này, bạn có thể tìm đọc cuốn “How to love" của thiền sư Thích Nhất Hạnh.