Tại sao người trẻ thích chia sẻ hình đồ ăn, nước uống lên mạng xã hội
Vừa rồi người trẻ lại dậy sóng vì bài báo “Tiền đâu mà nhiều bạn trẻ Việt uống trà sữa 50 – 60.000 đồng/ly?” và, cũng như bao nhiêu...
Vừa rồi người trẻ lại dậy sóng vì bài báo “Tiền đâu mà nhiều bạn trẻ Việt uống trà sữa 50 – 60.000 đồng/ly?” và, cũng như bao nhiêu câu truyện dậy sóng khác, những cuộc tranh cãi vẫn xoay quanh những chủ đề rất chật hẹp như trà sữa vậy là đắt hay rẻ, hay tiền đâu để uống trà sữa, và các bài viết, tranh biếm họa chỉ trích người nêu ý kiến, của bạn Vân Anh. Nhưng những chỉ trích quanh những chủ đề vặt vãnh đó không giúp chúng ta biết được gì thêm về vấn đề chính nêu trong bài báo. Tác giả đặt câu hỏi về việc chi tiêu không hợp lý của người trẻ với bối cảnh đất nước còn nghèo khó, và tất nhiên là người trẻ phản ứng lại. Họ đã quá mệt mỏi với những áp đặt từ người lớn và không chấp nhận được việc người ta đánh giá, nhận xét, chỉ trích sở thích của mình. Và do đó họ phản ứng lại.
Nhưng nếu không hiểu được góc nhìn của những người lớn tuổi như chị Vân Anh và của người trẻ về cuộc sống thì chúng ta không thể tìm được lời giải thích thỏa đáng cho câu hỏi đặt ra trong bài báo.
Nhưng nếu không hiểu được góc nhìn của những người lớn tuổi như chị Vân Anh và của người trẻ về cuộc sống thì chúng ta không thể tìm được lời giải thích thỏa đáng cho câu hỏi đặt ra trong bài báo.
Trong toán học, đôi lúc để giải quyết một vấn đề nhỏ chúng ta phải giải quyết một vấn đề…to hơn, khó hơn. Nghe thì hơi kì nhưng logic của nó là nếu ta giải quyết được một vấn đề tổng quát khó hơn, thì giải quyết vấn đề nhỏ kia sẽ dễ như ăn kẹo. Trong trường hợp này cũng vậy. Để hiểu về việc tại sao người trẻ lại đi uống trà sữa 50 – 60.000 đồng ly nhiều như vậy, chúng ta phải tìm được câu trả lời cho câu hỏi lớn hơn như sau:
“Tại sao người trẻ lại thích chia sẻ hình đồ ăn, nước uống lên mạng xã hội vậy?”
Khi chúng ta tìm được câu trả lời cho vấn đề nêu trên thì chúng ta sẽ hiểu được tại sao người trẻ sẵn sàng chi nhiều tiền đi uống trà sữa liên tục.
Bài viết của mình không nhằm chê bai đả kích người trẻ mà để giúp chúng ta hiểu hơn về chính lứa trẻ chúng ta, cũng như sự khác biệt trong suy nghĩ của người trẻ chúng ta và thế hệ lớn hơn như thế hệ của chị Vân Anh. Mong mọi người vô đọc, đóng góp và ủng hộ
Sự khác biệt trong góc nhìn về đồ ăn
Bản thân mình cũng là một người trẻ, tức lứa những người sinh vào cuối những năm 1980 trở đi, và chính mình cũng thấy tò mò về việc sao có nhiều người chia sẻ hình đồ ăn, thức uống lên mạng xã hội như thế. Mỗi sáng dậy bật Instagram, màn hình nhỏ điện thoại của mình sẽ tràn ngập về những câu chuyện như được người bạn A ăn kem Ý, rồi bạn B ăn ramen, sau đó là hình chụp nghệ thuật những viên há cảo chiên, rồi là một cô bạn đăng hình cà phê Starbucks với tâm trạng buồn. Và đó không chỉ là cảm nhận riêng của mình, một bài báo đăng trên tờ HuffingtonPost cho thấy rằng có 69% người trẻ được khảo sát nói rằng họ chụp hình đồ ăn trước khi ăn và chia sẻ chúng lên mạng xã hội.
Người trẻ không chỉ chia sẻ hình ảnh đồ ăn, họ dường như dành nhiều thời gian nghĩ về việc tìm chỗ ăn và lựa chọn món ăn hơn thế hệ trước. Điều đó phản ánh qua việc các nhà hàng, quán cà phê, trà sữa mọc lên như nấm sau mưa ở khắp mọi miền đất nước trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những người lớn tuổi hơn. Đối với họ đồ ăn rất đơn giản: “Chúng ta đói và chúng ta ăn.” Đồ ăn đối với họ chỉ là như thế, họ thoải mái ngồi ăn tự nhiên, họ không cần phải cho người bạn thân phương xa hay những người lạ mặt biết họ đang ăn gì và tâm trạng như thế nào. Nếu họ chụp hình, đó là để giữ lại kỷ niệm một bữa ăn đặc biệt như tiệc cưới, tiệc chia tay, tân gia. Những người lớn tuổi có thể ăn mãi ở một nhà hàng mà không thấy chán, họ cũng không quan tâm lắm đến những món ăn mới hay những quán có phong cảnh đẹp. Đối với họ ăn là để thoải mái, để no.
Sự khác biệt lớn này là hệ quả của những thay đổi mà Internet và mạng xã hội tạo nên trong lối sống của chúng ta trong 10 năm trở lại đây.
Mạng xã hội và đồ ăn
Mạng xã hội và đồ ăn có một mối quan hệ cộng sinh với nhau. Mạng xã hội, tiên phong bởi Yahoo, MySpace, Youtube, sau đó là được hoàn thiện bởi Facebook, Twitter, Snapchat, Instagram, Tumblr đã tạo ra một văn hóa chia sẻ, và ở mức độ nào đó, là nền kinh tế chia sẻ ở mức độ toàn cầu. Người dùng mạng được khuyến khích, và đôi lúc là nhắc nhở, rằng họ cần phải chia sẻ mọi thứ, hãy chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt nhất, những trải nghiệm, suy nghĩ, hình ảnh, tóm lại là một phần cuộc sống của họ cho thế giới ngoài kia, hằng tuần, hằng ngày, thậm chí là hằng giờ. Chia sẻ là hạnh phúc, đó là phương châm sống trong nền văn hóa này. Và Facebook, Youtube, cùng với hàng chục mạng xã hội khác ngày càng đầu tư vào công nghệ mới để bạn có thể thoải mái thực hiện việc chia sẻ của mình. Bạn thích chia sẻ nhưng không thích những hình ảnh đó sẽ bị ai đó lục lại sau 5 năm, hay là bạn sợ bị người ta chê là sống ảo, đừng lo, Facebook đã tạo ra Instagram Story, chức năng cho phép bạn chia sẻ thoải mái bất cứ điều gì về bản thân và chia sẻ hằng ngày, hằng giờ, liên tục, mà không sợ thiên hạ dèm pha “sống ảo”. Còn Youtube, Twitch và gần đây là Facebook thì cho phép bạn “truyền hình trực tiếp” bất cứ thứ gì bạn muốn từ màn hình máy tính của bạn hay cuộc sống của bạn, như là game bạn đang chơi, đến phát sóng phim, hay là suy nghĩ của bạn (vlog). Bạn thấy đấy, các công ty toàn cầu luôn tận tình giúp việc chia sẻ của người dùng càng lúc càng dễ dàng, thuân tiện, họ không hề tiếc một đồng để giúp “nâng cao trải nghiệm người dùng”. Vậy thì sao bạn còn chưa chia sẻ?
Nhưng chúng ta chia sẻ những gì? Khi một người chia sẻ lên mạng xã hội, anh ta, cô ấy cần phải chia sẻ những thứ mà người khác dễ đồng cảm. Rõ ràng là chẳng có nghĩa lý gì khi chia sẻ cho hàng trăm người một thứ mà chỉ có mỗi bản thân mình hiểu, như là phương trình cơ học lượng tử hay là một đoạn trích từ sách triết học của Descartes. Chúng ta muốn chia sẻ những thứ mà vừa gần gũi với cuộc sống chúng ta, đồng thời thứ đó lại có thể nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Và có chủ đề gì tốt hơn là chủ đề đồ ăn và thức uống? Rõ ràng là bất cứ ai trong chúng ta cũng ăn ít nhất 2 bữa một ngày, và mua đồ uống bên ngoài ít nhất 1 tuần một lần. Đồ ăn, thức uống là hai thứ trụ cột tạo nên văn hóa của hầu hết xã hội trên trái đất này, bạn có thể không hiểu ngôn ngữ của một người lạ mặt nhưng có thể đồng cảm với hình ảnh người đó đang ăn. Và do đó, không có gì lạ khi thức ăn, đồ uống là thứ phổ biến nhất trên mạng xã hội. Nếu bạn ăn ba buổi một ngày và chia sẻ hình trên Instagram 10 lần một tuần, thì chắc chắn ít nhất 1 trong 10 bức hình đó sẽ là hình đồ ăn. Đồ uống có thể ít hơn nhưng số lần chia sẻ nhìn chung vẫn là nhiều.
Như vậy chúng ta đã thấy được mối tương quan giữa mạng xã hội và đồ ăn, bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu về việc nó đã thay đổi góc nhìn của người trẻ đối với đồ ăn như thế nào.
Trải nghiệm là trên hết
Khi các mạng xã hội tạo ra nền văn hóa chia sẻ, họ đã khiến những người trẻ đặt ưu tiên về trải nghiệm lên hàng đầu, bởi rõ ràng là khi bạn chia sẻ, bạn đang chia sẻ trải nghiệm của bạn. Bạn chia sẻ hình tự sướng cạnh Hồ Gươm chẳng phải là đang chia sẻ trải nghiệm của mình ở Hồ Gươm sao? Bạn chụp hình một bông hoa đẹp với dòng tâm trạng, chẳng phải là đang chia sẻ trải nghiệm cảm xúc của mình? Hay là trải nghiệm của mình ở biển Bali, Indonesia bằng tấm hình mình nhảy bên bờ biển? Hay là thông qua hình anime để chia sẻ cảm xúc của mình dành cho nhân vật đó, hoặc muốn ngầm nói với mọi người trên mạng xã hội rằng mình có trải nghiệm, cảm xúc giống nhân vật đó? Trên mạng xã hội chúng ta đang cuốn theo những trải nghiệm của người khác và bận rộn chia sẻ trải nghiệm của mình. Ví dụ như Instagram của An Ngụy, một cô gái trẻ nổi tiếng với các vlog của mình. Instagram của An Ngụy hầu như không có gì ngoài suy nghĩ và cảm xúc của cô ấy (tất nhiên là kèm với các ảnh chụp rất đẹp). Hay là hãy vô kênh Youtube của Pewdiepie, một Youtuber với hơn 57 triệu lượt người “subscribe”, hầu như anh ấy không làm gì ngoài việc chia sẻ trải nghiệm chơi game, thử rượu, đồ ăn hay suy nghĩ của anh ta về vấn đề nào đó.
Tại sao chúng ta chia sẻ trải nghiệm nhiều vậy? Hãy thành thật với bản thân đi, khi chúng ta chia sẻ trải nghiệm của mình, chúng ta thực lòng muốn nhận được sự ủng hộ, đồng thuận và muốn khiến người khác ghen tị với cuộc sống tuyệt vời của mình, dù chỉ là phút chốc. Những thứ chúng ta chia sẻ phản ánh con người chúng ta và nếu chúng ta muốn cho mọi người thấy rằng chúng ta ngầu, có cuộc sống cao cấp, sôi động, thú vị thì chúng ta phải cho họ thấy chúng ta có những trải nghiệm thú vị. Và do đó, việc ăn uống, vốn bản thân nó đã là một trải nghiệm, trong nền văn hóa chia sẻ này đã được nâng lên tầm cao trải nghiệm mới. Đồ ăn không chỉ đơn thuần là để ăn, nó là thứ phản ánh cuộc sống của chúng ta, và do đó nó phải thật đặc biệt, vì chúng ta muốn cho mọi người thấy cuộc sống chúng ta đặc biệt mà. Chúng ta bây giờ không chỉ ăn cho no, chúng ta quan tâm đến việc bày trí đồ ăn, đến cả cái khăn giấy, đến cái cách bố trí bàn ghế, đến trang trí nội thất, và quan trọng không kém, góc chụp món ăn. Khái nghiệm ăn uống ngon bây giờ không chỉ dừng ở món ăn mà còn là cả môi trường trong quán ăn đó nữa và, quan trọng hơn, là số lượng thích và bình luận trên hình của món ăn đó, hay là ly trà sữa đó trên Facebook, Instagram. Đồ ăn trở nên ngon hơn nếu hình chụp chúng trông đẹp hơn và được nhiều lời khen.
Nắm bắt được xu thế đó, các công ty lớn đã thực hiện hàng loạt chiến dịch marketing mạnh để đánh vào tâm lý ăn uống. Bây giờ thì trải nghiệm đi ăn như là “viên đạn bạc” giúp giải quyết các vấn đề mà người dùng gặp trong cuộc sống của họ. Buồn ư? Ăn bánh phô mai là sẽ vui lên ngay. Chia tay bạn trai? Không sao hãy cứ đến và trải nghiệm những món uống mới nhất ở quán tôi. Bạn căng thẳng vì sắp tới thời hạn nộp báo cáo? Hãy đến trút nỗi buồn qua món kem Thổ Nhĩ Kỳ này. Bản thân việc ăn đã giúp chúng ta cảm thấy khá hơn rồi nhưng vào thời đại này thì nó như trở thành liều thuốc tiên vậy. Nếu bạn không tin thì bạn hãy nhớ lại xem lần cuối cùng bạn nhìn thấy một người ngồi buồn khi ăn bánh phô mai là khi nào?
Và một yếu tố nữa đóng góp cho việc giúp vô số người trẻ có thể dễ dàng chia sẻ trải nghiệm việc ăn uống của mình là việc đồ ăn trở nên rẻ. Không quá khó để có thể kiếm được một món ăn ngon, bày trí đẹp trong một quán ăn ngon với giá 60 ngàn đến 100 ngàn. Tương tự như vậy với món uống. Có hàng tá các quán trà sữa với các bày trí dễ thương bán với giá phải chăng từ 30 đến 40 ngàn.
Như vậy chúng ta đã thấy mối quan hệ mật thiết giữa việc đi ăn và chia sẻ trải nghiệm. Người trẻ có nhu cầu chia sẻ trải nghiệm và để đạt được nhu cầu đó họ cần đi ăn và cần đi uống trà sữa, và chỉ ăn và uống không là không đủ, họ phải liên tục tìm địa điểm ăn uống khác nhau, như là muốn thông qua đó gửi đến thông điệp về cuộc sống độc đáo, thú vị của họ trên mạng xã hội.
Tự do trải nghiệm
Như vậy chúng ta đã thấy một phần lý do tại sao người trẻ thích đi ăn uống, và trong trường hợp nhắc đến ở phần đầu là uống trà sữa, nhưng chỉ như vậy thì không thể giải thích thỏa đáng được vấn đề nhắc đến trong đầu bài, đó là vấn đề về tiền.
“Tiền đâu mà nhiều bạn trẻ Việt uống trà sữa 50 – 60.000 đồng/ly?”
Tại sao tác giả lại nhắc đến tiền? Thật ra theo bản thân mình thì do cách hành văn nên tác giả đã không diễn đạt được ý của mình. Mình cũng tiếp xúc với nhiều người lớn tuổi hơn và qua đó hiểu được góc nhìn của họ về vấn đề tiền bạc. Để hiểu được ý của tác giả khi nói đến bối cảnh đất nước còn nghèo và người trẻ thì liên tục uống trà sữa, chúng ta nên hiểu rằng đây là hai suy nghĩ phổ biến của những người lớn tuổi về tiền bạc như sau:
-Chúng ta không chi nhiều hơn số tiền chúng ta kiếm được.
-Chúng ta luôn phải tiết kiệm.
Cuộc sống của những người sinh từ đời đầu những năm 1980 trở về trước có thể tóm gọn trong ba từ: vô cùng khổ. Đó là những năm tháng mà bạn phải ăn cơm với cá khô ngày ba bữa, vừa đi làm vừa lượm ve chai bán thêm để kiếm tiền. Đó là thời mà bạn sống không có quyền lựa chọn, hoặc là bạn ăn bánh mì mốc, hoặc là nhịn đói. Lạm phát triền miên cộng với đổi tiền khiến cuộc sống tài chính của bạn vô cùng bấp bênh, gia sản tích cóp 10 năm của bạn có thể chỉ còn đáng một bó rau muốn sau một đêm đổi tiền. Cuộc sống đó khiến cho con người vô cùng trân trọng tiền bạc, họ phải thắt lưng buộc bụng tiết kiệm từng đồng và hiển nhiên là bạn không thể mơ đến việc chi tiêu cho những nhu cầu quá nhỏ nhặt như đi uống trà sữa (nếu thời đó có). Cái khái niệm tiết kiệm thời đó không phải là tiết kiệm để mua nhà, mua xe, mà là tiết kiệm để đề phòng một ngày thảm hỏa nào đó xảy ra và bạn mất hết gia sản. Sự lo lắng tột cùng đó cho thấy nỗi lo lắng nơm nớp từng ngày của người dân.
Do đó những người lớn như vậy, sinh ra trong cảnh khó khăn đó, luôn nhạy cảm với chuyện chi tiêu tiền nong và chị Vân Anh, người đặt câu hỏi trong bài báo, không phải là người duy nhất băn khoăn chuyện đó. Chỉ có điều là chị là người nói ra. Nhưng sự thắc mắc của chị Vân Anh cho thấy chị đã không bắt kịp với lối sống mới của giới trẻ ở thành thị.
Những người trẻ hiện nay, sinh ra trong thời kì sung túc, với phương châm sống tự do và trân trọng từng trải nghiệm trong mỗi ngày, hầu như không còn hai suy nghĩ kể trên. Sự dư dả trong cuộc sống cha mẹ, cùng với tâm lý đời cha đã khổ rồi cho đời con sướng, cho phép họ có thể thoải mái tận hưởng những món ăn ngon, đồ uống cao cấp, mua đồ đẹp mặc dù cho họ chưa làm ra được tiền hay là làm ra ít hơn số tiền họ chi. Người trẻ cũng không quan tâm đến việc tích cóp cho tương lai là mấy. Nếu như những người lớn hơn đặt ra các mục tiêu lớn để tích cóp như tích cóp mua nhà, mua xe, lấy vợ lấy chồng, nuôi con, thì với người trẻ, họ tự do hơn. Họ không ràng buộc họ vào những cột mốc trong cuộc đời ấy, họ tự chọn lối đi riêng cho họ của mình, họ có thể chọn không lập gia đình. Nhiều người trẻ cũng không có khái niệm tích cóp, nếu họ muốn mua nhà thì họ sẽ ráng kiếm thật nhiều tiền để mua nhà, chứ không phải là tích cóp. Còn nếu họ tích cóp thì thường là để cho những mục tiêu của cá nhân, như tiết kiệm để đi du lịch.
Kết luận
Như vậy khi chúng ta nhìn rộng ra vấn đề trà sữa, và bỏ qua những tranh cãi vụn vặt về con số 50 ngàn, 60 ngàn, chúng ta thấy câu hỏi mà chị Vân Anh đặt ra thể hiện sự khác biệt giữa tư duy của những người thế hệ trước và hiện nay. Người trẻ hiện nay cần trải nghiệm, họ ảm thấy việc chi nhiều tiền cho trải nghiệm ăn uống nói riêng, và trải nghiệm nói chung, là thỏa đáng và văn hóa tiêu dùng cho phép họ thấy thoải mái về việc đó dù chưa làm ra nhiều tiền, hay thậm chí là chưa làm ra tiền.
Mình cũng lặp lại rằng bài viết không phải là để chỉ trích giới trẻ, chê bai hay nói rằng người trẻ tệ hơn cha mẹ họ. Bài viết đưa ra một góc nhìn để người lớn và người trẻ hiểu hơn về lối sống của người trẻ, những người đang và sẽ quyết định tương lai loài người hiện nay và trong 10 năm tới, để từ đó chúng ta có thể hiểu nhau hơn.
Bài viết có sử dụng các nguồn khác nhau:
Bài viết có sử dụng các nguồn khác nhau:
Hình ảnh trong bài được lấy từ các nguồn khác nhau trên Internet.
Các bạn có thể đọc thêm các bài tương tự của mình:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất