Lịch sử vốn không được viết ra một cách đúng đắn, đầy đủ, toàn diện và đa chiều như cách nó diễn ra, và có lẽ cũng không thể nào được như vậy. Người thời trước hiểu rõ hơn chúng ta về thời đại họ sống nhưng lại không được định mệnh đặt để ở một vị trí phù hợp để có cái nhìn tổng quan về những gì đã diễn ra với họ và tại sao. 
Mọi diễn giải của chúng ta về quá khứ hôm nay đều là những diễn giải bất toàn, vì nó bắt nguồn từ những nhận thức muộn màng, sau khi mọi chuyện đã hạ màn. Hình thái của những diễn tiến trong quá khứ như thế nào phụ thuộc vào điểm nhìn trong một bối cảnh không-thời gian cụ thể; và tất cả những hình thái ấy chỉ là những mảnh của sự thật.
Tuy nhiên, cái khoảnh khắc chúng ta nhận ra rằng mọi mảnh của sự thật đều hợp lý theo cách của riêng nó là lúc chúng ta bị buộc phải thừa nhận rằng có vô vàn những lí giải khả hữu về các giao cắt và chồng chéo đa bội giữa quá khứ của nhiều cá nhân khác nhau. Điều này gây ra sự mông lung, vô định, thậm chí hỗn loạn trong đời sống tinh thần của cộng đồng.
Để đạt được sự dễ chịu về mặt giao thiệp xã hội lẫn tâm lý, chúng ta sống với một phiên bản của lịch sử, được công nhận chung bởi chính mình và bởi bạn bè, đồng nghiệp, người quen. Mẫu số chung trong nhận thức này có hiệu lực bởi vì nó củng cố sự ổn định. Và thường chúng ta chẳng tìm thấy một lý do hợp lý nào để truy vấn cái đại tự sự mà hầu hết đang tin vào. Ngoại trừ những thời khắc khủng hoảng đột biến, chúng ta chẳng dại gì mà hoài nghi những niềm tin chung về quá khứ. Và với phần đông chúng ta, những nỗ lực khai mở bản chất và ý nghĩa của quá khứ không được ưu ái dành cho một thời lượng cần và đủ. Sẽ dễ dàng và an toàn hơn biết bao nếu cứ tiếp tục cuộc sống này với một sự tự trấn an, hay sự chấp nhận là mọi thứ đều ổn và được đặt để đúng vị trí của nó. 
Sự thật lịch sử của riêng một cá nhân, theo đó, không nhất thiết trùng khớp với của quốc gia dân tộc. Ý nghĩa được gán cho lịch sử chung, những hàm ý của nó về các mối liên hệ nội tại và giữa những trạng thái của thực tại, về vị thế đạo đức và tư tưởng của những quan điểm luân phiên và đối nghịch về biểu hiện của cộng đồng và những quyết định đã được thực thi trong quá khứ xa lẫn gần cũng vì thế mà đều gây tranh cãi ở mọi quốc gia dân tộc. Và chính quá khứ mới là vấn đề được mang ra mổ xẻ, ngay cả khi thực tại hay tương lai được mạo nhận là vấn đề của bàn thảo luận. 
Ở nhiều nơi tự thân mỗi quốc gia tồn tại dựa trên những tranh cãi ấy khi không có một phiên bản nào của quá khứ cộng đồng được đồng thuận hay thừa nhận. Mọi phiên bản lúc này đều không thoát ly khỏi những dụng ý công cụ hóa chúng.
Đây là một vấn đề đặc trưng của thời hiện đại. Lịch sử chung không cho thấy hết sự phức tạp về tranh đấu giữa các thế lực chính trị của các quốc gia, tiểu bang hay cộng đồng trong quá khứ cũng như không có chi tiết đầy đủ về các quan điểm cho là ai nên giữ quyền lực và tại sao. Lịch sử chung có tính đơn nhất, và nó góp phần củng cố thông lệ hiện thời, và do đó, theo cách mà chúng ta trải nghiệm nó, hoàn toàn chẳng phải là một lịch sử như nó đã diễn ra. 
Phần đông chúng ta không trực tiếp tiếp nhận lịch sử nhân loại mình. Phiên bản của lịch sử mà chúng ta được kể lại mang tính khu vực và mang tính mục đích và không thể tách rời khỏi cái đại tự sự được kể lại bởi những người có thế lực chính trị. Một khi quyền lực còn nằm trong tay của một gia tộc, một giai cấp, một địa chủ hay một nhà lãnh đạo ưu tú, những bất mãn với thực tại và thậm chí những kỳ vọng về tương lại vẫn bị lệ thuộc vào một phiên bản nào đó của cách hiểu chung về quá khứ mà đôi khi chỉ có thể bị hoài nghi chứ không thể bị truất phế.
Tất cả những điều này cùng với những biến động có tính cách mạng đã mở đường cho sự hình thành của chính trị mà chúng ta biết ngày nay. Để thực thi những tuyên bố chủ quyền và hứa hẹn đáng tin, hợp lệ về một trình tự hậu cách mạng, những nhà cầm quyền mới cần phải thiết lập một đại tự sự mới về quá khứ để kể lại cho cộng đồng mà họ muốn kiểm soát, cũng như phế truất những trình tự và tự sự cũ. Quyền lực chính trị hiện đại do đó lệ thuộc vào một sự khẳng định cụ thể về lịch sử.
Và theo đó, lịch sử trở thành chính trị.