Niềm tin là gì

Niềm tin là một thứ gần đạt đến sự thật, gần trở thành hiện thực mà mỗi con người luôn truy tìm và cố gắng chứng minh nó hoặc là nương vào nó để củng cố sự tồn tại cho mình. 
Cuộc sống chính là niềm tin. Không có niềm tin thì không có sự sống.
Cuộc sống chính là niềm tin. Không có niềm tin thì không có sự sống.
Niềm tin là thứ ẩn sau cảm xúc, cảm xúc chi phối tư duy và tư duy chi phối hành động.
Ví dụ như tối nay bạn đi ngủ, vì bạn tin chắc rằng bạn sẽ sống vào ngày mai, bạn tin rằng ngày mai mắt bạn sẽ mở, nên tối nay bạn yên tâm nhắm mắt. Nhưng biết đâu, bạn bị đột quỵ khi ngủ và chết luôn thì sao, ôi dào “có thể lắm nhưng tôi không tin”.  
Hay bạn ra đường, vì bạn tin rằng bạn không thể chết do xe tông, cho dù bạn có liệt kê chuyện bị xe tông vào mục rủi ro, nhưng thực sự bạn chẳng tin như thế, vì nếu tin chắc, bạn đã không ra đường. Bạn miệt mài kiếm tiền, học tập, bạn cho rằng lúc này mình bận nên không cần nói chuyện với bố mẹ đâu, hãy để khi rảnh, vì bạn tin rằng cha mẹ bạn sẽ không chết vào ngày mai, và hôm nay không phải ngày cuối cùng bạn có thể thấy họ trên đời.

Vị thế tối thượng của niềm tin - động lực thúc đẩy cuộc sống

Cuộc sống bạn vận hành đều dựa trên niềm tin. Những quyết định - hay Sự điều hướng cuộc đời của bạn đều dựa trên niềm tin. Quá trình tìm kiếm và hoàn thiện niềm tin là cách 1 con người sống, thực chất 2 quá trình này xảy ra song song và bổ trợ cho nhau. Một khi niềm tin đã được xác lập, cũng đồng thời với sự hoàn thiện thế giới quan, khi này bạn sẽ coi nó như tính mạng của mình.
Niềm tin có vị thế tối thượng, là một thứ tuyệt đối mà không ai có thể xâm phạm.
Đó là lý do một người theo đạo có thể bình thản khi bạn chửi mắng họ, nhưng họ sẵn sàng tử chiến với bạn khi bạn phỉ báng đức tin của họ. Thậm chí, chỉ vì bất đồng mà người ta giết nhau. Sâu xa của nó chính là xúc phạm niềm tin lẫn nhau, tương đương với xúc phạm sự tồn tại của nhau.
Khi xưa, Khổng Minh chửi khiến cho Vương Lãng uất hận mà chết, thực chất Khổng Minh đã đánh đổ hệ thống niềm tin của Vương Lãng về đạo đức và mục đích sống, khiến cho ông này chết vì niềm tin bị tan vỡ mà chết vậy.
Niềm tin là cách con người đơn giản hoá và thu nhỏ cuộc sống bằng cách kiến tạo nên thực tại cho riêng mình. Vì thấy biết được thế giới, thấy biết được chính mình bằng hệ thống niềm tin, cho nên sự tồn tại của một cá nhân được củng cố.

Các dạng niềm tin thường gặp

Có một số dạng niềm tin sau đây. 

1. Tin ngoài bản thân mình

Tin vào thần thánh, Chúa, một đấng tối cao nào đó ngoài bản thân mình. Niềm tin này có thể khiến người ta ôm bom tự sát, hay đi giết người, chỉ vì họ tin rằng sau khi chết họ có thể trở về với Chúa, có thể lên thiên đàng, có thể rửa tội,…. Hay nói về Pháp luân công. Niềm tin này có thể khiến người ta chán ghét cuộc sống hiện tại, vì họ cho rằng bản thể chân thực của mình là ở thiên thể, một cõi siêu việt hơn, còn thân thể và thế giới hiện giờ mọi người trông thấy chỉ là một thứ do Sáng thế chủ tạo ra. Chúng ta đang chìm trong biển khổ và những ai biết đến Pháp luân công là những người may mắn được cứu. Tôi đã trông thấy ánh mắt tỏ vẻ thương xót và tội nghiệp không hề giả dối của một người theo Pháp luân công ở công viên Thống Nhất khi họ cố gắng truyền đạo và giải thích về thế giới, loài người cho tôi. 

2. Tin vào bản thân mình.

Cái này được chia ra làm 2 loại. 
1. Có người tin vào khoa học. Cuộc sống với họ là những gì được thống kê, đo đạc, bởi thực nghiệm, máy móc, thông số, các thiết bị. Thế giới được viết lại bằng công thức, bằng các hàm, bằng các biến số. 
2. Loại thứ 2 là tin vào sự thể nghiệm, kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân, cũng chia làm 2 loại nhỏ.
Loại thứ nhất là những người chỉ tin vào những gì họ quan sát được trong suốt cuộc đời, họ kết luận mọi thứ hoàn toàn trên kinh nghiệm cá nhân. Nếu có xem sách vở thì chỉ là xem những gì đồng quan điểm, hoặc sai khác trong phạm vi cho phép. 
Loại thứ 2 thì tin vào một hệ thống lý luận triết học đã được chứng minh qua thời gian. Như là đạo Lão, đạo Thiên Chúa, các thiền sư nghiên cứu Đạo Phật. Hệ thống lý luận này diễn tả sự thực về thế giới, sự thực này thường được che mờ đi bởi giới hạn vật lý của con người, tức là chỉ thông qua mắt, tai, mũi,….và tư duy. Để thấy được sự thật tuyệt đối thì cần thông qua thiền định, qua một lối sống nào đó do tôn giáo đó quy định.
Họ tin vào chính mình, vì chính họ kiểm chứng cuộc sống, nhưng cũng tin vào đích đến cuối cùng, dù họ chưa thể trải nghiệm hoặc mới chỉ trải nghiệm một phần điểm đến này.
Một trong những điều mà 99,99% con người làm, khi chưa đủ hiểu biết đó là khẳng định sự tồn tại của mình bằng cách phê phán niềm tin của người khác, hoặc là truyền bá niềm tin của chính mình và thuyết phục mọi người (truyền giáo, các buổi diễn thuyết,…..) Ví dụ những người của tôn giáo này thì phản đối tôn giáo kia. Hay người chỉ tin vào chính mình thì phản đối cả khoa học lẫn tôn giáo, họ chỉ tin thứ họ muốn tin, bởi vì nhiều khi sự thật bày ra trước mắt, họ vẫn cố chấp cho rằng không phải vậy. Đơn giản như người ta đã không yêu bạn, bạn vẫn còn vương vấn vì bạn còn niềm tin nhỏ nhoi trong lòng đó. 

Luận bàn một chút về tính đúng đắn của niềm tin

Vậy, niềm tin nào mới là đúng đắn. Thực chất là cái nào cũng đúng đắn và cái nào cũng không đúng đắn.
Ta chỉ cần xác định rõ rằng niềm tin này sẽ dẫn đến kết quả gì và sẵn sàng chấp nhận kết quả đó là được. 
Cái mà nhiều người cho là hiện thực, thực tại, là những gì họ thấy biết, nghe nhìn, cảm nhận,… những thứ họ tin tưởng, bản chất đó chỉ là những xung điện trong neuron thần kinh của họ mà thôi. Mỗi khi mắt tiếp xúc hình ảnh, thông tin đó được chuyển đổi thành tín hiệu điện trong não, được các neuron liên kết và xử lý. Cái bạn cho là màu đỏ, với loài vật khác là màu khác, với người mù màu lại là màu khác,…. Cho nên thứ gọi là thực tại này, rất chênh lệch giữa người với người và với sinh vật nói chung thì còn chênh lệch hơn.
Khoa học có đúng hay không. Chưa hẳn là đúng, vì ta dùng ý thức để xem xét, suy nghĩ và đánh giá thông tin. Nhưng tư duy của con người lại bị hạn chế trong tưởng tượng, trong cái thấy và biết và ý thức, của mắt, tai, mũi, lưỡi, miệng, cảm giác,… Khoa học bị hạn chế ở đó. Mà bản thân khoa học lại đến từ niềm tin, sau đó đi chứng minh niềm tin đó là thật. Ví dụ như Einstein đã chứng minh thuyết tườn đối, chỉ vì ông nghi ngờ 3 định luật Newton là không hoàn toàn chính xác trong mọi trường hợp. Ông nghi ngờ không gian và thời gian có thể bị bẻ cong. Thực chất là ông tin như vậy, và ông thành công thuyết phục cả nhân loại.
Cũng còn nhiều năng lực tâm linh siêu nhiên khác của con người mà chúng ta đã chứng kiến trong suốt chiều dài lịch sử và không thể phủ nhận sự tồn tại của chúng.
Hay bộ phim Matrix và Inception, ở đây tác giả thách thức độ chân thật của thực tại bằng việc đưa ra một ý tưởng, khi đó cuộc sống của chúng ta chỉ là giấc mơ do một siêu máy tính AI tạo ra, nó ru ngủ nhân loại để lấy năng lượng cho hoạt động của chính mình. Đúng vậy, đang trong giấc mơ có khi nào bạn cho rằng đó là mơ hay không. Bạn cho rằng hiện tại là hiện tại chỉ vì bạn mơ ít hơn bạn tỉnh, nhưng nếu ngược lại thì sao? Bạn bị mắc kẹt trong 1 giấc mơ, và sống ở đó đến 50, 80 năm hay lâu hơn, khi tỉnh dậy, bạn sẽ nghĩ gì? Khi này, bạn có hoài nghi về thực tại hay không. Đó là những gì bộ phim Inception
Trong khi những người theo đạo phật quan niệm sát sinh là sai, mọi sự sống đều công bằng thì kinh thánh lại cho rằng loài người là loài ngự trị, cai quản những loài vật khác (xem phần đầu sáng thế kí). Một số người theo đạo phật nói, hãy nhìn vào mắt con vật khi nó bị giết, bạn có thấy đáng thương không? Thực ra thì cái chết, hay sự đau đớn của một sinh vật khác sẽ kích hoạt chuỗi phản ứng tự vệ của con người trước nguy hiểm, từ đó sinh ra cảm xúc. Nếu như tạo thói quen chai lì với phản ứng này thì sẽ không thấy vấn đề gì nữa. Như những người đồ tể chẳng hạn.
Niềm tin của chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn hay không muốn nói là toàn bộ đều từ kí ức. Bao gồm kiến thức, môi trường sống, con người, tôn giáo,….
Bất cứ thứ gì tồn tại, cũng có thể chỉ ra thứ khác đối nghịch, vì bản chất của sự tồn tại trên ý thức có thể tư duy được là như vậy.
Một số tôn giáo nói đến những thứ nằm ngoài tầm tư duy và kiểm nghiệm của ý thức. Lúc này cũng lại phải dùng đến niềm tin để đi theo nó. Vậy nên niềm tin là tự do. Ta cũng nên tôn trọng niềm tin của người khác là vì vậy. Một con người sẽ tự mất đi sự tồn tại khi y không còn niềm tin nữa.

Tổng kết

Vậy chúng ta có thể làm gì khi đã biết về niềm tin. Có 2 việc có thể làm
1 là tin gì cũng được, tức là tôn trọng niềm tin của mình và của người. Nhưng hãy biết rõ nguyên nhân và kết quả của niềm tin đó. Cũng sẵn sàng chịu hậu quả ngoài dự tính. Tất cả các bất hạnh đều đến từ việc hiện thực xảy ra khác với niềm tin. 
2 là tìm ra niềm tin sâu thẳm của mình và đi theo nó, khi đó chúng ta sẽ được hạnh phúc. Chủ đề này dài và liên quan đến mục đích sống, tôi sẽ viết bài đó cụ thể sau. Nếu có một câu deep shit để nói thì có thể là, hãy lắng nghe chính bản thân mình, cãi nhau với nó, đào bới nó, vỗ về nó, tìm hiểu nó, yêu thương nó, làm đủ mọi thứ với nó và tìm đến sâu nhất của nó. Đó là lúc bạn tìm được niềm tin này, cũng là lúc bạn và chính bạn hoà làm một.
Vậy, niềm tin của bạn là gì, hãy cùng bình luận và chia sẻ nó dưới bài viết nhé.