Những suy nghĩ từ hình ảnh cây xanh Hà Nội bật gốc sau bão
Phóng sự dưới đây được làm vào giữa mùa hè, khi những cây lớn của Hà Nội đang bị đẽo gọt cả gốc lẫn rễ, nhằm mục đích lấn chiếm vỉa...
I. Sự kiện và suy ngẫm
Phóng sự dưới đây được làm vào giữa mùa hè, khi những cây lớn của Hà Nội đang bị đẽo gọt cả gốc lẫn rễ, nhằm mục đích lấn chiếm vỉa hè. Khi đó, anh phóng viên đã đặt ra câu hỏi : "Với hiện trạng chặt toàn bộ rễ bốn góc xung quanh gốc cây này, cây gần như chỉ đứng trên một cái lớp gạch đá phía dưới này thôi, và không có cái gì bám víu xung quanh mảnh đất này cả, tôi tự hỏi không biết mùa mưa bão năm nay, cây phượng này còn có thể tồn tại được nữa hay không, không biết nó còn sống được nữa hay không, còn đứng được nữa hay không?". Và bây giờ, sau khi cơn bão Yagi kinh hoàng đi qua, Hà Nội tan hoang với hàng loạt cây xanh bật gốc, gây thiệt hại cả đến tính mạng con người và phương tiện giao thông. Chúng ta đã có câu trả lời.
Luật nhân quả có thể đến muộn, nhưng sẽ không chừa một ai.
Ai đứng sau những hành vi tham lam, nguy hiểm và ngu ngốc như thế. Thế lực ấy thật không hề đơn giản, bởi ngay cả phóng viên trong phóng sự không thể điều tra ra. Hiện nay rất nhiều vỉa hè đã trở thành bãi đỗ xe ô tô, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, cây xanh cũng không có chỗ đứng an toàn khi bị cắt gọt như thế này. Đây là 1 hiện trạng vừa xấu xí, lại rất đáng lo ngại.
Hà Nội vốn đã quyen với kiểu trồng cây cổ thụ, tức bưng nguyên cây đã lớn, đẽo đi phần rễ để tiện vận chuyển, rồi cắm lên vỉa hè. Vậy mà nay, ngay cả một chút rễ vươn ra cũng bị chặt nốt. Điều đó khiến chúng ta suy nghĩ về cách mà chúng ta đối xử tệ bạc với môi trường như thế nào, và bây giờ, khi cơn bão đi qua như một lời cảnh cáo trở lại của thiên nhiên về cách hành xử của chúng ta.
Không chỉ với cây xanh, hiện nay chúng ta đang chạy theo phát triển kinh tế một cách mù quáng đến mức gần như bất chấp, khi một dự án xây dựng được vẽ ra, những vấn đề về ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tàn phá không gian văn hóa bản địa, chưa bao giờ được xem sét nghiêm túc. Những phong trào bảo vệ như: bảo vệ Sơn Đoòng, bảo vệ Sơn Trà, bảo vệ Tam Đảo, ... khiến bao người phải lo âu, thổn thức. Những hiện trạng như Sapa, Phú Quốc, ... đã khiến biết bao người thất vọng, chán nản. Và còn nơi nào nữa, những Hà Giang, Đà Lạt, ... vẫn không ngừng làm người ta phải bồn chồn, như thể sắp mất đi một thứ gì, trước những con mắt thèm thuồng, dòm ngó kia.
Cách khai thác tài nguyên bằng mọi giá như thế, ấy là cổ súy cho một thứ văn hóa mánh khóe, chộp giựt. Nó xa lạ với lối xống giản dị, hiền hòa và gần gữi với thiên nhiên của cha ông. Mà nếu không chú ý đến phát triển bền vững, chúng ta cũng sẽ ngã đổ, bật gốc.
Phát triển kinh tế không những phải đồng hành với cải thiện môi trường, mà còn phải đi đôi với phát triển văn hóa và tri thức. Một cây non mà rễ bám sâu xuống lòng đất, thì sẽ khó ngã đổ hơn rất nhiều một cây cổ thụ mà gốc rễ lỏng lẻo, cụt lủn. Một quốc gia tuy còn nghèo mà người dân chăm chỉ, tài nguyên đầy đủ, trong sạch, thì sức vươn lên sẽ tốt hơn rất nhiều so với một quốc gia tuy giàu có mà ô nhiễm môi trường, tai nguyên cạn kiệt, xã hội bất công, phân hóa giàu nghèo gay gắt.
Chúng ta đã thừa hưởng một đất nước đẹp đẽ, trù phú từ cha ông, và chúng ta cũng phải bàn giao lại một đất nước trong trẻo, vẹn nguyên như thế cho đến thế hệ con cháu.
Đã đến lúc thôi đuổi theo phần ngọn, và chăm chút lại cái gốc. Tuy chậm chạp, nhưng nó mới là chân thật, bền vững, chắc chắn và lâu dài. Nên nhớ rằng rễ sâu đến đâu thì ngọn mới cao được đến đấy.
Chúng tôi lớn lên ở vùng nông thôn, khi chúng tôi trồng những cây xoan, cây mít, cây xoài, ... chúng tôi đôi khi ươm chúng từ những cái hạt bé xíu, hàng ngày đều tưới tắm, chăm sóc cho chúng, chờ đợi chúng nảy từng chiếc lá mới, trông chúng lớn lên mỗi ngày, đó là niềm vui hết sức hồn nhiên và bình dị. Trong những mùa mưa bão, tuy cũng có cây đổ, gãy nhưng chúng sẽ không dễ dàng gục ngã, và bật rễ 1 cách thô thiển, đến mức còn nguyên cả cái ụ tròn xoe dưới gốc như ở Hà Nội.
Chính phủ ta trước đây đã từng có chính sách giao đất, giao rừng để bảo vệ rừng cây khỏi nạn chặt phá bừa bãi. Hà Nội nên chăng cũng nên có chính sách như thế, giao việc trồng và bảo vệ cây xanh cho những người thật sự mong muốn làm điều đó. Mình tin Hà Nội còn rất nhiều con người có tình yêu với môi trường, với cảnh quan thiên nhiên, với chính mảnh đất Hà Nội, những con người lặng lẽ và giàu tình cảm như ca sỹ Hà Anh Tuấn, hoa hậu H'Hen Niê, ... và nhiều bạn trẻ đang miệt mài trồng rừng như thế nữa.
Bác Hồ đã từng nói "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". Câu nói ấy thật không đơn giản chút nào.
Đôi khi, ... trồng cây ... cũng dạy cho chúng ta cách làm người vậy.
---***---
Một vài hình ảnh về cây xanh sau bão Yagi
II. Chăm lo từ gốc rễ
Khi cơn bão đi qua, chúng ta mới hiểu đâu mới là giá trị căn bản, đâu chỉ là vẻ phù phiếm bên ngoài. Tất cả được lột trần một cách sạch sẽ, sòng phẳng và cũng rất đau lòng.
Cũng như thế, những kẻ biện hộ rằng muốn phát triển kinh tế phải hi sinh môi trường, hãy xem lại quan điểm của mình. Một khi cơn bão khủng hoảng kinh tế xảy ra, nước nào phát triển bền vững, nước nào chỉ là bong bóng màu mè, xu thời kiếm lợi sẽ lộ diện. Nhưng rồi rốt cục, chỉ những người lao động cần mẫn nuôi sống xã hội là phải chịu nhiều tổn hại mà thôi.
Những con người có lòng với đất nước như chúng ta biết làm sao được, khi những kẻ tham lam thường lại có cả quyền lực và sức mạnh tài chính.
Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ bé, lan tỏa sự tử tế và đoàn kết bè bạn. Cha anh chúng ta đã chiến đấu để bảo vệ đất nước toàn vẹn như hôm nay. Chúng ta vẫn tiếp tục chiến đấu để gì giữ đất nước giàu có và trong sạch. Chúng ta không chỉ bảo vệ những rừng cây, những dòng sông, mà cũng bảo vệ cả một nền văn hóa truyền thống, vốn xuất thân từ đồng ruộng gần gũi với tự nhiên.
Họ (những kẻ phá hoại) cổ vũ thứ văn hóa tiêu thụ vô độ, ta gây dựng hành động gìn giữ, bảo tồn. Họ truyền bá văn hóa hưởng thụ, vị kỷ, ta bồi đắp lòng trân trọng, nâng niu. Họ dẫn dắt thứ hào nhoáng bên ngoài, ta gìn giữ sự chân thật bên trong. Họ vội vã, ta kiên trì. Họ phá hoại, ta bảo vệ. Họ kiếm lời, ta hiểu biết. Họ hò hét, ta lắng nghe. Lắng nghe đất nước mình, lắng nghe núi rừng, đồng ruộng, sông suối, chim chóc muôn vật trên quê hương mình.
Hãy bảo vệ đất nước ngay từ những việc nhỏ, như không xả một mảnh rác ra đường, không nhận thêm 1 túi ni long trong siêu thị, như trồng thêm 1 cái cây trước hiên nhà. Hãy làm việc có tiết độ để có thời gian ngắm nhìn cuộc sống, và trân trọng tự nhiên, nó sẽ giúp chúng ta có cách tiêu thụ đúng đắn để không làm tổn thương lên môi trường và quê hương.
Sách Luận ngữ từng có câu rằng "Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh", đại khái là: người quân tử chỉ chuyên tâm vào gốc, gốc có vững thì đạo lý tự nhiên sẽ nảy sinh. Đất nước chúng ta xuất phát từ nên nông nghiệp lúa nước, phải cày cuốc cần mẫn, chăm bón vất vả mới có được vụ mùa. Công việc ấy dạy cho con người lòng kiên trì vươn lên, yêu lao động và biết lắng nghe, quan sát, sống hòa hợp với xã hội và môi trường tự nhiên. Đó chính là gốc rễ của đất nước.
Phải vậy không, mà nền văn hóa nghe có vẻ thô sơ ấy đã sản sinh ra nhiều con người thông tuệ lạ thường. Mà Bác Hồ của chúng ta là một trong những con người như thế, Người không chỉ mong cho con cháu các thế hệ sau xây dựng đất nước giàu mạnh, có văn hóa và tri thức, mà còn biết gìn giữ môi trường tự nhiên, bồi đắp cho cảnh quan của đất nước.
Việc trồng cây và bảo tồn tự nhiên chính là cách để che trở cho tâm hồn con người. Cũng như dạy cho chúng ta giá trị của những việc làm tuy nhỏ bé mà kiên trì và cao đẹp.
Hà Nội, sau bão Yagi, 08/09/2024
Thanh Phong
Thông tin tham khảo
[1] VTV24, Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bị cắt trụi, treo biển quảng cáo
[2] VTV24, Cây xanh chật vật sống giữa đô thị
[3] baomoi.com, Hà Nội: Cây xanh bật gốc sau bão, lộ ra nhiều 'chuyện lạ'
[4] laodong.vn, Nhiều cây xanh gãy đổ do bão ở Hà Nội vẫn còn nguyên bọc bầu
[5] vov.vn, Hàng loạt cây đổ tại Hà Nội dù bão số 3 chưa vào
[6] Báo Lao Động, Vì sao cây xanh Hà Nội mong manh trước thiên tai?
[7] VTV24, Cây xanh trồng nguyên bọc rễ liệu có phải là lỗi kỹ thuật?
[8] phunuonline.com.vn, Sun group - 'ông trời' không từ trên cao
[9] phunuonline.com.vn, Bằng chứng hàng trăm héc-ta rừng Bà Nà bị biến thành khu vui chơi, khách sạn, biệt thự...
[10] Vietnamnet.vn, Hà Anh Tuấn trồng 1.800 cây rừng
[11] tuoitre.vn, H’Hen Niê dùng toàn bộ số tiền kiếm được từ Facebook trồng 1ha rừng
[12] dangcongsan.vn, Bác Hồ với "Tết trồng cây"
[13] Ban quản lý lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, Những hình ảnh Bác Hồ với việc trồng cây
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất