Nguồn ảnh: <a href="https://www.google.com/search?q=recruiter+illustration&amp;sca_esv=de28fabd33e10b5e&amp;sca_upv=1&amp;udm=2&amp;biw=1280&amp;bih=593&amp;sxsrf=ADLYWIJD-_3AtijSKrpIbHEuhFb7nF2-0g%3A1719300301115&amp;ei=zXB6ZsbhBu2jkPIPhZiNsAo&amp;ved=0ahUKEwiG_NbdnPaGAxXtEUQIHQVMA6YQ4dUDCBA&amp;uact=5&amp;oq=recruiter+illustration&amp;gs_lp=Egxnd3Mtd2l6LXNlcnAiFnJlY3J1aXRlciBpbGx1c3RyYXRpb24yBxAAGIAEGBMyCBAAGBMYCBgeSJgaUABY8hhwAngAkAEAmAHsAaAByiaqAQQyLTIzuAEDyAEA-AEBmAIYoALlJcICBBAjGCfCAggQABiABBixA8ICBRAAGIAEwgIKEAAYgAQYQxiKBcICCxAAGIAEGLEDGIMBwgINEAAYgAQYsQMYQxiKBcICBBAAGB6YAwCSBwYyLjAuMjKgB7xR&amp;sclient=gws-wiz-serp#vhid=T5HZcahj4ujdaM&amp;vssid=mosaic">Recruiter.com</a>
Nguồn ảnh: Recruiter.com
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, mình biết ngoài thị trường có rất nhiều người vất vả đi tìm việc, bản thân mình cũng vật lộn để đi tìm kiếm nơi làm việc phù hợp. Trong quá trình này, mình cũng trải qua nhiều cuộc phỏng vấn mệt mỏi, thách thức đến giá trị bản thân. Song song đó, mình vẫn nuôi dưỡng hy vọng về môi trường làm việc tốt vì mình may mắn gặp được những người tuyển dụng tử tế. 
Mình sẽ chia sẻ thêm về trải nghiệm phỏng vấn tích cực, mong tiếp thêm động lực và hy vọng cho mọi người. Đây sẽ là bài viết rất dài, có đến 4 câu chuyện mình muốn chia sẻ, là những người tuyển dụng khác nhau với sự tử tế rất riêng của họ.
Tên của nhân vật và ngành nghề họ làm mình sẽ không công khai vì lý do bảo mật. Mình cũng đã xin phép họ để đăng tải nội dung này.

Chân thành khi phỏng vấn, quan tâm ứng viên, từ chối chia sẻ lý do cụ thể và tạo điều kiện làm freelance

Đầu tiên cần kể tới chị Q., chị đang tìm một Content Creator cho lĩnh vực sức khỏe. Trong buổi phỏng vấn, chị ấy rất chân thành chia sẻ về tính chất công việc với mình:
“Bên chị viết nội dung để chạy quảng cáo, đa phần công việc của mình viết bài ưu đãi, viết kiểu push sales và viết script videos chạy quảng cáo. Em thấy như thế nào về công việc này? Em hình dung mình làm công việc đó em sẽ cảm thấy như thế nào?”
“Chị làm ở đây đã được vài năm, nhìn thấy các bạn đến rồi đi, chị lắng nghe các bạn chia sẻ thì các bạn share là nội dung hơi thương mại quá và ít nuôi dưỡng được khía cạnh sáng tạo của mình. Mặc dù chị cũng muốn cân đối công việc cho các bạn để làm những cái thiên về creative hơn, nhưng tập đoàn đang ưu tiên và dành rất nhiều nguồn lực để chạy nội dung quảng cáo vì mang lại kết quả tốt cho doanh nghiệp. Với tư cách là trưởng bộ phận, chị cần ưu tiên phần này. Chị thấy Linh học tâm lý, cũng từng có dự án làm về art photography, rồi có kinh nghiệm creative, thì với công việc chỉ thuần làm nội dung quảng cáo như thế này có hợp định hướng của em không?”
Không cần đao to búa lớn, dù công ty của chị ấy có 1000 lý do để làm như vậy. Nhưng chị chọn chia sẻ chân thành về tính chất và khối lượng công việc. Chị cũng open để trao đổi với một bạn chưa có kinh nghiệm về mảng nội dung này. Điều quan trọng chị ấy muốn ứng viên hiểu rõ những thách thức của công việc và lắng nghe liệu bạn có cảm thấy thích khi làm công việc này lâu dài cùng team chị hay không.
“Trước đây khi làm việc với sếp cũ, em có những khó khăn gì không? Chị muốn lắng nghe em chia sẻ để nếu có duyên, chị không muốn lặp lại những lý do đó.”
Đây là câu nói làm mình xúc động (bỏ qua những lý do về sự khéo léo), cái mình cảm nhận được với tông giọng, ánh mắt và sự ân cần của chị rằng chị quan tâm tới mình, tới người có thể là nhân viên tương lai của chị ấy. Lúc mình chia sẻ chị cũng lắng nghe một cách chuyên tâm, không ngắt lời. Sau khi mình nói xong, chị chỉ kết 1 câu “cảm ơn em đã chia sẻ”.
Trong vòng 1 tiếng phỏng vấn, mình thấy bản thân không phải gồng mình chứng tỏ rằng mình sẽ làm tốt như thế nào. Mà đơn giản nói về công việc, về những gì mình có thể học, có thể làm, về định hướng,... như 1 buổi chia sẻ bình thường giữa con người với con người.
Tiếc là mình không có duyên làm việc với chị Q. Cái ngày chị ấy từ chối mình, chị còn nhắn tin cho mình, giải thích cụ thể lý do vì sao chị ấy chọn ứng viên khác và động viên mình “đừng stress quá nha em.” Lại một lần nữa mình xúc động, mình hiểu rõ yếu tố nào mình còn thiếu trong công việc, và rằng với yếu tố đó mình có thể làm gì để trau dồi bản thân nếu về sau này mình còn muốn tiếp tục làm việc cùng chị ấy.
Biết rõ nguyên nhân mình bị từ chối giúp mình có cái nhìn rõ ràng hơn về năng lực bản thân, biết mình còn thiếu sót điều gì để cải thiện và nếu có duyên còn sẽ được cộng tác trong tương lai.
Vui hơn nữa là sau ngày chị Q. từ chối mình, chị ấy đã liên hệ để mình làm freelancer phụ team chị ấy :D. Bài học của mình ở đoạn này là, hãy hết mình với quá trình phỏng vấn, công ty yêu cầu làm bài test thì cũng hãy làm như đó là công việc full time của mình. Chính nhờ mình tâm huyết với bài test mà chị Q. ấn tượng, muốn giữ kết nối và tạo điều kiện để cho mình được cộng tác cùng với chị.
Hãy hết mình với quá trình phỏng vấn, ngay cả khi bạn không được offer công việc nhưng ít nhất bạn để lại được ấn tượng tốt với người tuyển dụng.
Hãy hết mình với quá trình phỏng vấn, ngay cả khi bạn không được offer công việc nhưng ít nhất bạn để lại được ấn tượng tốt với người tuyển dụng.

“Chị muốn đồng hành cùng em để thực hiện những ý tưởng thú vị”

Người kế đến là chị T., chị ấy đang tìm một người cho vị trí Sales và Marketing cũng trong lĩnh vực sức khỏe. Mình và chị T. thực ra có cơ duyên làm việc với nhau vài năm về trước. Nay chị T. bắt đầu vị trí mới, với vai trò giám đốc điều hành và như lời chị ấy nói: “Chị muốn đi tìm đồng đội”. 
Bản thân chị T. là một người rất tận tâm trong công việc. Chị có hơn 10 năm ở vị trí quản lý phòng Marketing nhưng chị T. vẫn liên tục trau dồi và học hỏi. Khi công việc yêu cầu, chị T. cũng có khả năng tự thực hiện các tác vụ của level executive nếu cần, nghĩa là một người không chỉ giỏi quản lý mà còn có khả năng "thực chiến" nữa.
Với công việc mới, lĩnh vực ngành nghề mới, chị T. đã dành rất nhiều thời gian để cover nhiều phần công việc khác nhau, dành tâm sức đọc sách chuyên sâu về sản phẩm và liên hệ với các đối tác để phát triển doanh nghiệp.
Chị T. tận tâm là thế, nhưng trong buổi trao đổi về công việc, nội dung mình được nghe nhiều nhất đó là cách chị ấy tự hào về nhân viên của mình:
“Trời ơi, các bạn nhân viên của chị yêu sản phẩm lắm, có ý tưởng gì mới đều chia sẻ với chị và hỏi xem có thực hiện được không.”
“Chị tự hào vì mỗi người trong công ty ai cũng có thể tư vấn, chia sẻ chuyên sâu về sản phẩm.”
“Các bạn quý khách lắm, lắm lúc nói chuyện điện thoại nghe khách tâm sự tới tận 15 phút!”
Thực sự mà nói, một người sếp mà tự hào về những gì nhân viên làm được, luôn nhận thấy sự đóng góp và đốc thúc nhân viên phát triển thì với mình, chị T. là một người sếp tuyệt vời.
Trao đổi với mình, chị T. cũng chân thành chia sẻ công việc cụ thể, nói rõ lộ trình phát triển cho mình “chị không muốn em dừng lại ở vị trí nhân viên, sau này công ty lớn mạnh hơn có thể cần xây dựng team và em sẽ là leader của team đó.” Chị ấy cũng nói về viễn kiến của chị cho doanh nghiệp, mình thấy rõ được vai trò Sales và Marketing có đóng góp như thế nào đối với viễn kiến đó. 
“Chị có rất nhiều ý tưởng mà chưa có người thực hiện, chị muốn đồng hành cùng em để thực hiện những ý tưởng thú vị đó!”
Trao đổi với chị T. mình rất xúc động. Một phần vì sản phẩm của doanh nghiệp chị ấy rất có ý nghĩa với đối tượng khách hàng (nếu không muốn nói là thay đổi cả cuộc sống của họ). Một phần nữa là sao mà chị ấy tự hào về nhân viên quá, rồi đối xử với họ như những người đồng hành để cùng hướng đến mục tiêu chung.
Cụm từ mình thấy chạm nhất khi lắng nghe chị T. là “muốn đồng hành”, thực sự mà nói mình chưa bao giờ nghe hiring manager nào có tâm thế tuyển dụng người như vậy. Đâu đó mình cảm thấy sự đồng đẳng, mỗi người làm tốt công việc của mình và hướng cùng mục tiêu, giá trị chung.
Mình cũng không có duyên làm việc với chị T., đơn giản là vì mình đang tìm công việc chuyên sâu vào chuyên môn Content, thay vì cover hai tác vụ bao gồm Sales và Marketing như yêu cầu. Chị em mình cũng đã chia sẻ thẳng với nhau về lý do và hẹn nhau cơ hội khác tốt hơn. Mình tự hứa với bản thân có cơ hội phù hợp mình nhất định sẽ cùng đồng hành với chị T..
Chị T. từng lấy tinh thần của băng hải tặc Mũ Rơm để làm theme cho hoạt động kết nối nhân sự của mình. Chị ấy đi tìm những đồng đội để đồng hành như cách băng hải tặc này phiêu lưu cùng nhau.
Chị T. từng lấy tinh thần của băng hải tặc Mũ Rơm để làm theme cho hoạt động kết nối nhân sự của mình. Chị ấy đi tìm những đồng đội để đồng hành như cách băng hải tặc này phiêu lưu cùng nhau.

“Anh đang hối kết quả, nay có nhận được feedback sơ là OK rồi nhưng anh sẽ ráng chốt sớm cho em nha.”

Đó là lời của anh A., một HRBP manager đang tìm vị trí Social Media Content Marketing. Mình và anh A. đã quen biết nhau từ rất lâu, từ thời mình còn là sinh viên thực tập. Vì ngưỡng mộ người anh giỏi giang, kỷ luật thép nên mình giữ mối quan hệ với anh ấy cho đến tận bây giờ.
Mỗi lần mình chuyển công việc, mình thường nhắn cho anh A. và trong khả năng của anh, anh luôn proceed hồ sơ của mình khi có thể. Anh luôn thực hiện process phỏng vấn nhanh với lý do “chốt sớm cho xong việc đi chứ trời”, nhưng đâu đó mình biết, tâm huyết đó cũng có sự quan tâm nhất định dành cho mình.
Không phải vì mình có mối quan hệ thân với anh A. mà anh ấy quan tâm đâu, với ứng viên nào anh A. cũng có tâm thế làm việc tận tâm, chuyên nghiệp như vậy. Ngày trước, mình từng được nghe anh chia sẻ như thế này:
“Với ứng viên, anh muốn tạo mối quan hệ, chứ không đơn thuần chia sẻ thông tin rồi thôi. Do đó, anh dành nhiều thời gian hơn để hiểu về những gì họ làm, về con người của họ. Bởi gọi điện thoại cho ứng viên lâu quá nên hay bị mắng (cười).”
Nếu nhìn về mặt thời gian thì có thể thấy anh A. mất thời gian gọi điện thật. Nhưng ít mà chất lượng. Profile anh gửi qua cho Head of Department không nhiều, nhưng thường đúng ý và thường được offer chỉ với một số ít hồ sơ phỏng vấn.
Anh A. làm việc có quy trình, minh bạch, luôn rõ ràng. Mình là ứng viên nhưng được update cụ thể về timeline tuyển dụng, về mọi thứ đang xảy ra trong quy trình và điều gì đang bị trì hoãn. Với mình, hẳn là người kỷ luật, tận tâm lắm mới take care được nhiều ứng viên với tác phong nhanh nhẹn, rõ ràng, minh bạch như vậy.
Với mỗi cuộc gọi điện, anh A. luôn gọi với tâm thế hiểu ứng viên, chia sẻ minh bạch, tạo mối quan hệ lâu dài, không chỉ đơn thuần là phỏng vấn rồi thôi. Nguồn ảnh: <a href="https://www.freepik.com/free-vector/funny-guy-girl-talk-mobile-phone-smiling-friendly-conversation-flirting-cartoon-cute-young-man-woman-friends-casual-clothes-talking_25871957.htm#fromView=search&amp;page=2&amp;position=36&amp;uuid=ee41ae8d-895e-4666-aceb-222fe16e53e6">Freepik.com</a>
Với mỗi cuộc gọi điện, anh A. luôn gọi với tâm thế hiểu ứng viên, chia sẻ minh bạch, tạo mối quan hệ lâu dài, không chỉ đơn thuần là phỏng vấn rồi thôi. Nguồn ảnh: Freepik.com

Thoải mái là chính mình trong buổi phỏng vấn

Ai kiên nhẫn được với mình đến đây mình rất cảm ơn. Mình ý thức được là bài chia sẻ của mình đã siêu dài rồi. Người ta thường có câu “save the best for the last”, mình cũng thực hiện theo quy tắc này :D. Với team C.D., mình trải qua 2 vòng phỏng vấn, những cụm từ gói gọn trải nghiệm của mình lần này đó là: “Lần đầu tiên, mình được cảm thấy là chính mình.”
Mặc dù mình công nhận giá trị của những việc mình có thể làm, mình cũng đã đạt được thành quả công việc trong quá khứ, nhưng mình không quá tự tin khi đi xin việc vì độ tuổi hiện tại. Ngoài ra, mình cũng nhận thấy bản thân bị hụt kỹ năng so với các bạn trẻ khác. Kể cả khi mình chịu học hỏi để lấp khoảng cách đó; nhưng hiện tại một số công ty cần ứng viên có khả năng “thực chiến” hơn - điều này mình cũng hiểu. Đó là lý do vì sao mình thẳng thắn chia sẻ về kinh nghiệm, khả năng hiện tại, nhưng vẫn “gồng” lên để bày tỏ năng lực học hỏi, những gì mình có thể đóng góp trong quá trình phỏng vấn.
Nhưng với công ty C.D., mình có cảm nhận hơi khác biệt. Câu đầu tiên họ nói trước khi bắt đầu phỏng vấn đó là: “Cảm ơn em đã dành thời gian để đến với buổi phỏng vấn này.” Mình đang hơi hồi hộp bỗng cảm thấy có chút ấm áp. Rồi anh phỏng vấn giới thiệu bản thân, chia sẻ về công ty, về sản phẩm và mục tiêu công ty trong thời gian tới.
Mình ít khi trải nghiệm được công ty chia sẻ trước, đa phần mới vào đều nhận câu hỏi: “Em giới thiệu bản thân em để anh/chị hiểu hơn nhé.” Mình cũng chuẩn bị tinh thần cho điều đó. Thậm chí, mình mặc định là phải có “một mở đầu ấn tượng”. Nhưng với team C.D., mình thấy họ cởi mở trước, chia sẻ mạch lạc, có trật tự làm mình cũng dễ chia sẻ về bản thân hơn.
Trong khi chia sẻ kinh nghiệm, mình không thấy những cái “cau mày”, ánh mắt dò xét hay lơ đãng nhìn vào không trung vô định. Đâu đó, mình cảm nhận được người phỏng vấn lắng nghe và không cố bắt “lỗi”, “tìm ra điểm yếu” của mình.
Sau khi trao đổi với anh quản lý, mình có thời gian nói chuyện với chị nhân sự. Kỳ thực, mình khá bất ngờ cũng như học được rất nhiều về cách chị ấy phỏng vấn. Những câu hỏi chị đặt ra cho mình thuần là về tìm hiểu công việc mình đã làm, không có cảm giác bị thách thức, đánh đố hay coi nhẹ những gì mình đã trải qua. Hơn nữa, câu hỏi đi theo trật tự thú vị lắm, để mình ví dụ cho các bạn dễ hiểu hơn:
“Trước đây, khi em viết bài SEO cho sức khỏe, em đã từng gặp phải trường hợp reviews tiêu cực, feedback xấu chưa?”
“Nếu chưa, và như em nói là em tự tin đảm bảo chuyên môn bài viết tốt. Vậy em đã làm gì để có outcome bài viết chuẩn y khoa như vậy?”
“Chị hiểu là trong quá trình viết, em luôn tham khảo nguồn thông tin uy tín, làm việc chặt chẽ với bác sĩ để mà xuất bản bài viết chuẩn y khoa? Chị còn sót thông tin nào nữa không?”
Chỉ với 3 câu hỏi này, mình thấy chị nhân sự đỉnh đến như thế nào. Thứ nhất, chị ấy không mặc định là mình đã từng bị nhận feedback/reviews tệ về bài viết. Thứ hai, chị hỏi cách mình đảm bảo tính tin cậy của bài viết. Cuối cùng, chị còn tóm lược lại chia sẻ của mình, xác nhận để xem có thông tin nào bị thiếu hay không.
Đây cũng là lần đầu tiên, mình được nhân sự hỏi về sở thích, cách mình thư giãn khi bị căng thẳng trong công việc. Mình không rõ mục tiêu của những câu hỏi này, mình chỉ thấy quý khi công ty quan tâm đến khía cạnh khác của ứng viên, không chỉ công việc.
Sau vòng thứ nhất, mình có tâm trạng rất phấn khởi. Vì lâu quá rồi mình mới có cảm giác được lắng nghe trong khi phỏng vấn. Hạnh phúc hơn là ngày mình nhận email phỏng vấn vòng 2! Trước buổi phỏng vấn 1 ngày, mình chuẩn bị 1 file docs tận 22 trang với tất cả những câu trả lời cho những câu hỏi có thể phát sinh, mình cũng tự tập đi tập lại trước buổi phỏng vấn như chuẩn bị cho thuyết trình vậy. Thậm chí, mình còn áp dụng mẹo tâm linh để có thêm may mắn, đây là lúc mình nhận ra mình yêu thích công việc, môi trường công ty đến mức nào. Trang cuối cùng trong file docs là "Thank you note", mình viết trước lời cảm ơn vì đâu đó, mình cảm nhận được là mình sẽ tiếp tục có trải nghiệm phỏng vấn tốt vòng thứ 2.
Chính xác như những gì mình nghĩ, có 2 anh chị phỏng vấn mình, ai cũng với tâm thế muốn hiểu những gì mình đã làm, không quá đánh giá kết quả công việc. Lẽ dĩ nhiên, họ vẫn sẽ hỏi mình về kết quả công việc mình đạt được, nhưng điều quan trọng là sau đó không có những nhận xét như:
“Anh thấy làm vậy cũng bình thường”
“Em còn non lắm”
“Chị thấy cái đó cũng dễ mà, không nghĩ được cách nào nữa hả?”
“Mấy việc em làm cũng đơn giản mà sao lương em cao vậy?”...
Đây là những comments mình từng nhận được khi đi phỏng vấn nha các bạn :D. Thật ra đó giờ mình thấy việc đánh giá đó cũng bình thường luôn, dù sau những feedback đó thì mình có cảm thấy áp lực và mất tinh thần trong buổi phỏng vấn, dẫn đến một số lần mình khó chia sẻ tiếp về bản thân, khó tự tin về những gì mình làm được (dù tâm trí mình biết là "má ơi" để làm những cái mình đã làm, mình nỗ lực quá trời).
Với C.D. thì mọi thứ nó vừa thẳng thắn, minh bạch, vừa không có thái độ phán xét, coi nhẹ những gì mình đã từng làm, từng đạt được.
Chị phỏng vấn vòng 2 của mình còn khiêm tốn để paraphrase lại câu hỏi vì sợ mình không hiểu: “Đợi chị chút, chị muốn tìm lời lẽ tốt hơn với câu hỏi này.” 
Ngoài ra, anh chị thường đặt câu hỏi về quá trình mình làm, không quá chú trọng vào kết quả mình đạt được là như thế nào. Ví dụ nhé:
“Em cho chị biết là khi mà viết nội dung SEO, quy trình em làm ở công ty X là những bước như thế nào?”
“Khi mà em tối ưu On Page, em có nói là mình có so sánh với đối thủ, em có thể chia sẻ cụ thể hơn để anh biết thêm về quá trình này không?”
“Em đã từng gặp trường hợp bí ý tưởng chưa? Những lúc như vậy em làm những gì?”
Sau mỗi lần mình chia sẻ, anh chị đều nói rằng: “Ừm, anh chị hiểu rõ hơn rồi.” Tuyệt nhiên không có một câu nhận xét, comment, bình phẩm về quá trình làm mình. Trước khi kết buổi phỏng vấn, mình rất vui vẻ gửi lời cảm ơn đến team C.D.:
“Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn thì em muốn dành lời cảm ơn các anh chị trong các vòng phỏng vấn đã dành thời gian, chia sẻ với em và lắng nghe em. Em tìm kiếm việc làm trong một khoảng thời gian rồi nhưng quá trình phỏng vấn với bên mình em có nhiều ấn tượng tốt, em chỉ muốn cảm ơn mọi người vậy thôi ạ.”
Tâm trạng sau buổi phỏng vấn thứ 2 cũng như lần đầu, mình cảm thấy phấn khởi và sảng khoái. Lần đầu tiên, mình phỏng vấn với tâm thế thả lỏng, được chia sẻ về bản thân một cách sâu sắc như vậy.

Hãy vững tin rằng, còn có nhiều doanh nghiệp tử tế ngoài thị trường!

Dù mình chưa tìm được việc làm, nhưng cái lớn nhất các anh chị cho mình có lẽ là niềm tin vào những người tuyển dụng tử tế và môi trường làm việc tốt. Điều mà mình thấy nhiều người hiện nay đang loay hoay, cả người không có việc làm lẫn những người có việc làm. 
Lưu ý, mình không có ý nói những người tuyển dụng, những đơn vị chưa làm như câu chuyện mình kể ở trên là những người tuyển dụng không tử tế nha. Không có suy luận chiều ngược lại, và thế giới này cũng không vận hành theo kiểu hoặc là thế này, hoặc là thế khác (kiểu nhị nguyên). Mọi thứ sẽ có sự điều chỉnh, phù hợp với niềm tin và giá trị của mỗi người. 
Định nghĩa tử tế trong tâm trí của mình cũng không giống tất cả mọi người. Nếu bạn cũng hướng tới sự tự tế như những con người mình kể trong câu chuyện, hy vọng bạn có thêm niềm tin và kiên nhẫn rằng họ vẫn ở đâu đó ngoài kia, chỉ đợi bén duyên để cùng đồng hành chung với nhau thôi.
Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết này. Chúc những người đang tìm công việc phù hợp và cả mình nữa, tìm được cơ hội và môi trường để gắn bó lâu dài!