Bài viết gốc bằng tiếng Anh của tác giả Stuart Scott, được nhóm tác giả "Hành tinh Titanic" chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Nguồn bài viết: 
Nguồn bản dịch tiếng Việt:
Stuart Scott (còn gọi là StuartGaia) là một nhà hoạt động xã hội – sinh thái, làm việc phụng sự công ích về các vấn đề biến đổi khí hậu và suy giảm sinh thái hành tinh Trái Đất, là Giám đốc Sản xuất của kênh truyền hình Đối mặt với tương lai (FacingFuture.TV) và Cảnh báo từ Giới Khoa học (ScientistsWarning.TV). Stuart Scott hiện đang sống với căn bệnh ung thư tủy xương, và bác sĩ chẩn đoán ông chỉ có thể sống được từ 6-12 tháng mà thôi. 
Ông cũng là một trong những nhà sáng lập Tổ chức United Planet Faith & Science Initiative (UPFSI) – một nơi tập hợp nhiều sáng kiến và kế hoạch kêu gọi toàn nhân loại ý thức được cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu sắp xảy ra, để mọi người cùng chuẩn bị cho các giải pháp đối phó và thích nghi.
Những ngọn nến trong Thời Đại Đen Tối
“Rõ ràng giờ đây các quốc gia trên thế giới chỉ có thể đứng lên hay ngã xuống cùng nhau. Đây không còn là vấn đề một nước hưởng lợi trên sự thiệt thòi của một nước khác. Tất cả chúng ta phải giúp nhau nếu không muốn cùng đi đến tiêu vong.” – Carl Sagan.
“Vấn đề là nền kinh tế, đồ ngu ạ!” — Bill Clinton (phát biểu vì những nguyên nhân trật lất.)

Vào năm 1974, lần đầu tôi hiểu ra rằng tất cả những gì tôi từng được đào tạo là nhằm mục đích giúp tôi trở thành một ngọn nến cháy lên trong những ngày tối đen sắp tới. Tôi mặc định rằng thời đen tối ấy nằm đâu đó trong một tương lai xa vời – và thực tế khi ấy trông quả có phần xán lạn đối với một thanh niên có nhiều lựa chọn như tôi.

Vài thập kỉ sau, khoảng năm 2008, tôi bỏ việc dạy học ở một trường đại học để hiến đời mình cho sự nghiệp thay đổi hướng đi của nhân loại, khi ấy việc thời đen tối sẽ đến gần hơn bất cứ ai từng nghĩ đã trở nên rõ ràng. Hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Ts. James Hansen, khi ấy là Giám đốc Viện Nghiên cứu Không gian Vũ trụ Goddard của NASA, xác nhận trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng trái đất đã nóng lên và quá trình tăng nhiệt đã có thể ghi nhận bằng số liệu.

Vài năm sau khi tôi có hân hạnh được quen biết ông, Ts. Hansen kể lại trong đời ông đã trải qua bao nhiêu nhiệm kì tổng thống – cả Cộng hòa và Dân chủ – mà tất cả bọn họ đều chỉ ‘đá quả bóng khí hậu lại cho người sau.’ Vì thế mà đến năm 2008, quả bóng ấy đã lăn hết dặm này qua dặm khác mà chẳng có dấu hiệu gì là sẽ dừng lại. Dù vậy, hồi 2008 thời kì đen tối vẫn còn nằm ở một tương lai không xác định – mặc dù mây đen rõ ràng đã kéo tới mù mịt phía chân trời.

Đến cuối năm 2008 tôi đã thực hiện được hơn 200 buổi thuyết trình về khủng hoảng khí hậu cho các khán giả ở tất cả các độ tuổi, nghề nghiệp và tầng lớp xã hội. Tôi đã nói chuyện với sinh viên và giáo viên, các cơ quan chính phủ và liên chính phủ, các doanh nghiệp và phòng thương mại, các nhóm dân sự và tôn giáo, và có lúc chỉ là những nhóm bạn chuyện trò quanh bàn ăn tối. Rất nhiều trong số những buổi thuyết trình đó bao gồm thảo luận về các đại dịch có thể lường trước sẽ xảy ra trong quá trình biến đổi khí hậu. Nhưng những cảnh báo về mối nguy hiểm chết người phía trước dường như không đủ sức thúc đẩy mọi người hành động, chí ít là trên quy mô cần thiết.

Hai năm sau đó, cuối cùng tôi cũng lắp được hết các mảnh ghép vào nhau tại một trong những buổi thảo luận nhỏ giữa giờ ở một phiên đàm phán về khí hậu, lần này diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Ở đây tôi tiếp cận và trao đổi với tiến sĩ Harlan Watson, một cựu chuyên gia vận động hành lang cho các công ty dầu mỏ, người từng được Tổng thống George W. Bush chỉ định vào vai trò lãnh đạo phái đoàn đàm phán của Hoa Kỳ tại các buổi hội đàm về khí hậu. Lúc này ông không còn là thành viên nhóm đàm phán, nhưng vẫn tiếp tục tham gia các buổi đàm phán vì lí do gì tôi không rõ.

Tôi đặt ra cho ông những câu hỏi sau đây:

“Tôi phải tin rằng những người đứng đầu các công ty năng lượng hóa thạch rất thông minh, có đầy đủ kiến thức và được tiếp cận riêng với những thông tin khoa học tốt nhất. Vậy tại sao họ có thể đưa ra những quyết định như hiện giờ dù biết rõ rằng những quyết định ấy đang ăn tươi nuốt sống thế giới nơi con cái họ sau này sẽ lớn lên?”

Ông ta khựng lại một chút, phác một cử chỉ cho tôi thấy ông đang tìm cách nói thật với tôi mà không làm tổn hại đến vị trí của mình. Câu trả lời của ông khá đơn giản:

“Đó đều là vì tiền cả.”

Tôi phải mất vài tháng để nhận ra chiều sâu của điều ông tiết lộ, vì thoạt nghe, đó thật là những lời sáo rỗng. Có lẽ chính ông cũng không nhận ra ý nghĩa sâu sắc trong câu nói của mình.


Từ đó, tôi khởi sự thói quen viết danh từ ‘tiền’ với chữ T hoa, vì tôi đã nhận ra rằng tiền không chỉ là thứ nằm trong túi hay trong tài khoản ngân hàng của chúng ta. Giờ đây tôi phân biệt đồng tiền (chữ t viết thường) trong túi ta, và đồng Tiền (chữ T viết hoa) chi phối ta. Tiền là một lối nghĩ lây lan – một loài vi rút không gene nhưng rất sống động – một loại ý tưởng được biến thành trào lưu (meme) trong chính ý nghĩa gốc của nó, nó kiểm soát đời sống và hành động của chúng ta. Cái ý tưởng về Tiền tự lan truyền chính nó từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ quốc gia này sang quốc gia kia. Tiền đã tự điền nó vào trong phong tục, trong luật pháp, giáo dục và chính sách kinh tế. Nó chi phối hệ thống ngân hàng, rồi đến lượt hệ thống này chi phối gần như tất cả các ‘hoạt động hữu sự’ của con người, với mục đích duy nhất là ‘làm ra tiền.’ Như thế đồng tiền đã kí sinh vào nền văn minh con người với mục đích duy trì nòi giống cho chính nó. Đây không phải một phép ẩn dụ. Đây là thực tế.

Chính bản năng con người đưa đầu ta vào rọ. Ta thích được xao nhãng bằng các thú vui giải trí hơn là cân nhắc những nguy cơ cấp bách, người La Mã dùng thành ngữ ‘bánh mì và rạp xiếc’ để nói về điều này. Với sự trợ giúp đắc lực của Tiền, tất cả chúng ta đều tham gia vào, không phải một thuyết âm mưu, mà là một sự đồng lõa khổng lồ. Ta đồng lõa với việc chấp nhận để những thứ xấu xa ta biết tiếp tục diễn ra chừng nào ta còn được hưởng lạc thú tiêu xài vô độ. Các công ty nhiên liệu hóa thạch đã dối trá về những điều họ biết và thời điểm họ biết được những điều đó. Nhưng chúng ta cũng đã dung túng, tiếp tục mua những cỗ xe hơi, xe thể thao càng ngày càng to, và bay vòng quanh thế giới dễ như đi chợ. Các ngân hàng trung ương cổ súy phát triển kinh tế vô tận, còn các ngân hàng và công ty cho vay thương mại thì được giải cứu khi những chiến lược đầy rủi ro của họ phá sản. Bằng cách nào đó, chúng ta cũng nhắm mắt làm ngơ nốt cả chuyện này, miễn sao chúng ta, những người dân ở các quốc gia phát triển, không phải từ bỏ lối sống xênh xang của ta. Đây không đơn giản là một thuyết âm mưu, nó là một sự đồng lõa.

Cả tin tức và giải trí đã trở thành phương tiện của quảng cáo, quảng cáo nhan nhản khắp nơi, cố ‘làm ra tiền’ cho các công ty và các doanh nghiệp. Bản thân quảng cáo đã trở thành một loại hình giải trí với hình thức ‘quảng cáo thông tin’ (infomercials). Tiền chống lại mọi nỗ lực thay đổi lập trình của nó. Nó tự bảo vệ và đẩy mạnh chính nó bằng cách lựa chọn những người thống trị chúng ta và thống trị hệ thống ngân hàng tạo ra tiền cho chúng ta. Ở cấp độ này, tiền là một loại thế lực kí sinh độc địa bất chấp, không quan tâm và không cần biết rằng nó đang giết chết chính vật chủ của mình.

Trong khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, thời kì đen tối nhất đã đến. Với cuộc tổng tấn công của một chủng mới nguy hiểm hơn của loại virus vốn quen thuộc, chúng ta đang trải qua một cơn hoảng loạn chưa từng có, chắc chắn là chưa bao giờ có tiền lệ trong lịch sử loài người, bởi lẽ không như trước kia, giờ đây thông tin có thể được truyền đi tức thì trên toàn thế giới. Nhưng các quốc gia thường đối phó với sự chậm lại của các hoạt động kinh tế bằng cách cố gắng mở cửa lại khi còn quá sớm. Hoa Kỳ và Brazil có lẽ là hai trường hợp tồi tệ nhất, và chẳng phải ngẫu nhiên mà tỉ lệ lây lan của virus ở hai nước này là cao nhất thế giới. Tiền đã được cất nhắc lên vị trí quan trọng hơn cả sinh mạng!

Trong khi tìm cách bảo vệ bản thân và gia đình, mỗi người chúng ta cần phải nhìn sâu vào trong nhân tính của mình và nhận rõ mối dây liên kết ta với đồng loại, và với muôn loài trên trái đất. Đây không phải là lúc trông chờ người khác bảo ta phải làm gì – đây là thời khắc mỗi chúng ta đứng lên với tiềm năng cao cả nhất để trở thành một ngọn nến trong đêm, để hiểu thật rõ những gì cần phải làm.

Vậy ta đã nói qua một chủ đề to lớn là Tiền một cách vô cùng khái quát. Giờ hãy nói đến tên tòng phạm của tiền, đó là kinh tế, hay chính xác hơn là hệ thống kinh tế hiện thời, cái hệ thống mà ta bị nhồi vào sọ, được mệnh danh là Nền Kinh tế Tân Cổ điển (NeoClassical economics), hay đơn giản hơn là ‘kinh tế tăng trưởng.’ Tôi không muốn gọi nó là Chủ nghĩa Tư bản, mặc dù gọi thế cơ bản cũng không có gì sai. Từ ngữ chỉ là những biểu đạt của ý nghĩa, mà ý nghĩa thì thay đổi theo thời gian. Cụm từ ‘Chủ nghĩa Tư bản,’ từ chỗ dùng để chỉ một hệ thống kinh tế, nay đã bao hàm cả những ý nghĩa chính trị phức tạp. Để làm rõ điều này, cần lưu ý rằng hệ thống chính trị theo chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc áp dụng mô hình kinh tế tư bản. Tuy nhiên nếu bạn phê phán ‘chủ nghĩa tư bản’ dù chỉ một chút, bạn cũng sẽ dễ bị gọi là ‘tên cộng sản.’ Người ta có xu hướng coi Chủ nghĩa Tư bản là trái ngược với Chủ nghĩa Cộng sản, và nếu không thích Tư bản, điều đó có nghĩa là bạn theo phe Cộng sản. Nhưng đâu phải thế. Vậy ta hãy gọi nó là ‘kinh tế’ để tránh mắc vào cái bẫy ngôn từ.


J.P. Morgan, một hạng Lã Bất Vi tân thời của phố Wall, đã đưa mô hình kinh tế Tân Cổ điển vào vị trí độc tôn trong một phi vụ được gọi là ‘cuộc đảo chính Tân Cổ điển’ tại trường Kinh doanh của Đại học Chicago trong những năm đầu thế kỉ 20. Bằng cách tài trợ (về bản chất là mua đứt) vị trí trưởng khoa kinh tế của trường này, và lựa chọn người đảm nhiệm vị trí ấy, chỉ trong một thời gian ngắn tất cả các giáo sư dạy kinh tế học cổ điển (Adam Smith, John Locke, v.v.) đều phải ra đi. Đồng thời tất cả các lý thuyết về nền kinh tế con người của các nhà kinh tế học cổ điển cũng bị xóa khỏi chương trình học theo cách thức tương tự.

Các nhà kinh tế học cổ điển từng khẳng định rằng có thể đến một lúc nào đó tăng trưởng phải dừng lại và được thay thế bằng một nền kinh tế không-tăng-trưởng, mà họ gọi là ‘nền kinh tế ở trạng thái ổn định’, đi kèm với những cải thiện về chất lượng cuộc sống thay vì tăng trưởng tiêu thụ. Các trường đại học khác tiếp bước Đại học Chicago. Một trăm năm sau, mô hình kinh tế tân cổ điển, từ chỗ chỉ là một trong nhiều mô hình cụ thể, đã trở thành mô hình duy nhất được gọi đơn giản là ‘kinh tế,’ và chúng ta đã rơi vào cái bẫy mặc định rằng, đó là cách duy nhất để con người có thể tổ chức việc phân bổ hàng hóa và dịch vụ.

Mô hình kinh tế bất toàn sâu sắc này được xây dựng theo cách làm cho nó về cơ bản chỉ có hai trạng thái, tăng trưởng và sụp đổ. Nào chúng ta hãy thử xem xét một khía cạnh nhỏ nhưng quan trọng trong hệ thống kinh tế tăng trưởng, lạm phát và giảm phát. Lạm phát được hầu hết mọi người coi là sự chẳng đặng đừng, có nghĩa nó là một khía cạnh tuy xấu nhưng không thể tránh được trong thực tại kinh tế của chúng ta. Nó làm suy giảm sức mua của người dân bình thường, tức là giúp cho các tập đoàn và ngân hàng đút túi được nhiều tiền hơn, nhưng không có tác động gì đáng kể lên những cá nhân giàu có. Ngược lại, giảm phát là con ngáo ộp làm các thống đốc ngân hàng trung ương và những người làm trong ngành ngân hàng nói chung lo sợ đến mất ăn mất ngủ. Đó là bởi vì giảm phát làm chậm đà tăng trưởng, đôi khi dẫn đến một vòng xoáy giảm phát và gây ra hoặc làm trầm trọng thêm quá trình suy thoái (suy thoái cũng là một con ngáo ộp khác không kém phần đáng sợ đối với các nhà kinh tế học tăng trưởng và các ngân hàng.) Trong những thời kì giảm phát, hàng loạt khoản vay trở thành nợ xấu và cả hệ thống bị ngưng trệ.

Đây cũng là một lời giải thích ngắn gọn lí do vì sao vào những năm 2008-2009 khi nền kinh tế toàn cầu gần như sụp đổ, các ngân hàng trung ương đã sáng chế ra một uyển ngữ gọi là ‘Nới lỏng Định lượng’ (Quantitative Easing – QE). Nới lỏng định lượng trở thành một quá trình bơm lượng tiền khổng lồ vào túi các ngân hàng thương mại (các chủ nợ) thay vì người dân và các doanh nghiệp nhỏ (các con nợ), những người đang thực sự khốn đốn. Các chủ ngân hàng thương mại tự thưởng cho mình những khoản hoa hồng béo bở, bất chấp việc chính họ là kẻ đầu tiên gây ra tình trạng tồi tệ của nền kinh tế: họ đã đặt cược hàng đống tiền vào những phi vụ đầu cơ mạo hiểm như Hoán đổi Rủi ro Tín dụng (Credit Default Swaps – CDS.) Đến lượt những phi vụ này trở thành gậy ông đập lưng ông, làm cho Tập đoàn Lehman Brothers phá sản, và gần như phá sập chiếc lâu đài cát mà ta gọi là nền kinh tế. Thế nhưng việc nới lỏng định lượng cuối cùng cũng không đem lại kết quả thanh khoản người ta mong đợi.

Giờ đây người ta lại đang làm một trò mèo tương tự với đại dịch Covid. Những khoản tiền khổng lồ lại được dùng để nuôi béo những tập đoàn lớn nhất trong khi các cá nhân bị tổn thương vì sự đình trệ trên toàn cầu chỉ được nhận những món hỗ trợ tượng trưng. ‘Bàn tay vô hình của thị trường’ dường như có cách luồn sâu vào túi mỗi chúng ta và xoay xở để tiền chảy về túi những kẻ giàu có nhất và ít cần đến tiền nhất.

Tóm lại, lạm phát gây hại cho những người có thu nhập khiêm tốn, những con nợ, mà các ngân hàng và giới tinh hoa thống trị ít bận tâm đến. Ngay cả việc con nợ mất khả năng chi trả các khoản vay cũng không phải là một mối lo ngại đáng kể đối với các chủ ngân hàng, họ đơn giản chỉ cần tịch biên tài sản thế chấp cộng thêm vào với các khoản chi trả cả gốc và lãi mà họ đã nhận được từ trước. Ngược lại, giảm phát và suy thoái gây hại cho các chủ nợ, những tay chơi sành sỏi của mô hình kinh doanh đa cấp (Ponzi scheme) mà người ta vẫn gọi là kinh tế (tăng trưởng) hiện đại. Thêm vào đó, họ cần duy trì tăng trưởng theo cấp lũy thừa, con số đơn giản được quyết định bởi mức lãi suất mà các ngân hàng đặt ra cho đồng tiền mà họ tạo ra bằng các khoản cho vay. Bất kì cái gì tăng lên dù chỉ 1% của chính nó cũng là tăng trưởng lũy thừa. Trong thế giới thực, chẳng có gì có thể tăng trưởng mãi mãi, chưa kể đến tăng trưởng lũy thừa, trong một không gian hữu hạn. Mà lần gần nhất tôi xem xét lại, thì Trái đất vẫn còn là một không gian hữu hạn.

Chúng ta, những người sống trong thời đại này, đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là chủ động chuyển hóa nền kinh tế tăng trưởng thành nền kinh tế ổn định, còn gọi là Kinh tế Sinh thái. Nếu không làm được điều đó, hệ thống kinh tế tăng trưởng hiện thời sẽ sụp đổ dưới sức nặng của những mặc định ngu xuẩn của chính nó và những bất công khủng khiếp về của cải và đặc quyền mà nó được tạo ra để phục tùng. Xét trên tốc độ gia tăng của các hậu quả về khí hậu và sinh thái mà chủ nghĩa tăng trưởng đã gây ra, cùng với nhận thức đang nâng cao dần về tình cảnh vô cùng nguy hiểm mà ta đã tự đưa mình vào, ta cần chủ động lựa chọn những thay đổi này càng sớm càng tốt, hoặc Mẹ Thiên nhiên sẽ áp đặt điều đó lên chúng ta cùng với cơn giận dữ của Bà ấy trong một ngày không xa.

"Những kẻ tin rằng tăng trưởng lũy thừa có thể tiếp diễn mãi mãi trong một thế giới hữu hạn chỉ có thể là một thằng điên hoặc là một nhà kinh tế học.” – Kenneth Boulding.

LỜI BÌNH:

Chủ nghĩa tư bản, như đề cập trong bài viết, thực sự là một hệ thống nguy hiểm. Tư tưởng của nó bao trùm lên xã hội, rằng người ta chỉ có thể sống bằng tiền. Bản chất tham lam không giới hạn, đi kèm với sự chuyên môn hóa cực độ của xã hội và động lực lợi nhuận đẩy con người vào một guồng máy không có điểm dừng. Sẽ chẳng sao cả - và sẽ chỉ không sao - nếu như chúng ta có một thế giới vô tận, đáng tiếc là không phải vậy, và ngu xuẩn thay, chúng ta để tiền đẩy thế giới xuống vực thẳm dù tất cả những kẻ thống trị đã nhìn thấy trước điều đó.