Những ngôi sao và bầu trời đêm
Năm tôi 8 tuổi, tôi có thói quen mỗi tối thường tìm cách ngước nhìn lên bầu trời sao. Nhà tôi khi đó vẫn đang sống tại một thị trấn...
Sự khởi đầu
Năm tôi 8 tuổi, tôi có thói quen mỗi tối thường tìm cách ngước nhìn lên bầu trời sao. Nhà tôi khi đó vẫn đang sống tại một thị trấn nhỏ dọc dải đất miền Trung, nơi tránh xa khỏi phần lớn những gì lộng lẫy nhất nền văn minh có thể mang lại. Nhà tôi có một khoảnh sân khá rộng hơn 200m2 so với ngôi nhà có phần khiêm tốn chỉ nhỉnh hơn 80m2 một xíu. Sau mỗi giờ ăn tối và đã dọn dẹp hết bát dĩa, trong khi ba mẹ tôi như thường lệ lại ở trong nhà xem những chương trình ti vi quen thuộc thì tôi lại tự tìm cho mình một không gian riêng ở ngoài sân. Khi còn 8 tuổi, tôi vẫn còn bé tí teo, mặc dù có đôi chân dài loằng ngoằng nhưng cơ thể lại hơi gầy gò một chút. Như vậy lại hay, vì khi tôi nhảy nằm lên chiếc xe Wave cũ của ba thì cơ thể tôi gần như vừa vặn. Đầu tựa lên phần cuối của yên xe, còn chân gác dài vừa đủ lên hộp số. Nằm đấy và ngửa mặt lên trời, ánh nhìn của tôi đâm thẳng lên bầu trời tối đen và gặp những ngôi sao.
Từ khi nào và lý do gì tôi lại làm thế? Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ đó là ảnh hưởng của những bộ phim khoa học viễn tưởng tôi xem hoặc những quyển sách về vũ trụ chưa biết của các tác giả có những đam mê tương tự tôi. Tất cả những gì tôi nhớ đó là khi năm xưa tôi nằm trên chiếc Wave đó, tôi được tự do tưởng tượng những gì đang diễn ra tại những ngôi sao đó. Làm sao chúng ta biết được ở những hành tinh cạnh các ngôi sao đó, đang có những cậu bé, cô bé như tôi cũng ngước nhìn lên trời và suy nghĩ đầy mơ mộng về những nền văn minh xa xôi. Ở những hành tinh đó, có thể những sinh vật thông minh đang thống trị xem rằng việc chém giết nhau là chuyện bình thường trong xã hội, có những nơi khác thì người ta đã biết cách du hành giữa những vì sao, hay lẩn khuất giữa bóng đêm dày đặc, một sinh vật thông minh đang nhìn qua khung cửa kính của một con tàu xuyên thiên hà và trầm tư về kiếp nhân sinh của mình,... Không gì hấp dẫn với con trẻ hơn những cái chưa biết và những cái chúng chưa biết là chúng không biết.
Những ngôi sao đối với tôi không còn chỉ là những quả bóng phát sáng bằng khí Hydro và Helium, đó là những ước mơ, những ảo vọng về cuộc đời mình sau này. Một cuộc đời được tự do và đủ khả năng khám phá nhiều điều mình khao khát và thèm muốn.
Sao trong các nền văn hóa khác nhau
Cùng với mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao đã thắp sáng bầu trời quang học và nhận thức của con người từ khi giống loài chúng ta bắt đầu nhận thức được đến bây giờ. Những ngôi sao, một cách đầy văn vẻ, như những viên kim cương lấp lánh đính lên tấm vải nhung đen cao cấp nhất, đã được biểu tượng hóa thành những con người, sự vật, hiện tượng khác nhau qua những câu chuyện kì bí của con người cổ đại.
Ở Ai Cập cổ đại cách đây hơn 4000 năm, nơi những vị Pharaoh sau khi chết được an táng bên trong những kim tử tháp khổng lồ, những nhà thiên văn học hay chiêm tinh học thời đó đã có những nghiên cứu riêng dành cho các ngôi sao. Người Ai Cập cổ đại đặc biệt chú ý tới cặp ngôi sao xoay xung quanh Sao Bắc Cực và đặt tên cho cặp đôi này là “The Indestructibles”. Ba ngôi sao đấy được tin rằng là cánh cổng dẫn tới thiên đường hay thế giới trên kia cho những vị Pharaoh quyền năng của Ai Cập và họ sẽ trở thành những vì sao trên bầu trời phương bắc. Vì vậy để đảm bảo những ông hoàng được dễ dàng vượt qua con đường giữa trái đất vào các vì sao, người Ai Cập xây dựng kim tử tháp hướng mặt về phương bắc đồng thời đặt các kim tử tháp thẳng hàng liên tiếp với Sao Bắc Cực. Ở thuở bình mình của văn minh loài người, chúng ta đã nghĩ đến cách làm sao để có thể bay lên những vì sao nhanh nhất.
Một nền văn mình rực rỡ khác của thời cổ đại là nền văn minh Hy Lạp cũng đã có những bước tiến lớn trên con đường khám phá những vì sao. Người Hy Lạp cổ đại chia bầu trời thành những chùm sao lớn nhỏ khác nhau và họ tin rằng những chùm sao này được các vị thần đặt lên trời. Các chùm sao có thể đại diện cho con người, động vật hoặc bất kể thứ gì và được hợp lý hóa qua những câu chuyện xưa kia của người Hy Lạp. Nổi bật nhất trong đó là những chòm sao Zodiac, những chòm sao ảnh hưởng từ các ngành nghiên cứu khoa học đến cách chị em chọn chồng. Nhưng người Hy Lạp không chỉ dừng lại ở việc tạo nên các câu chuyện của mình, họ đã thực sự mở ra những trang sách đầu tiên trên bầu trời với nền thiên văn học xuất sắc của mình. Băng cách chia những ngôi sao thành các ngôi sao bất động và các ngôi sao di động, Ptolemy đã phát triển một hệ thống dự đoán chuyển động của các ngôi sao xuất chúng đến độ chúng có giá trị tới hơn 1000 năm sau đó. Có lẽ vì tài năng của Plotemy cũng như những nhà thiên văn học khác trước thời ông tại Hy Lạp mà mô hình địa tâm hay hệ Ptolemy đã thống trị thế giới qua suốt đêm dài Trung Cổ cho đến khi những kẻ ngoại đạo dám đứng lên.
Đối với nước ta hay những nền văn hóa tương đồng khác, các ngôi sao cũng là một phần không thể thiếu trong tinh thần con người. Chúng có thể là những điềm báo về tương lai, dấu hiệu cho sự thay đổi lớn lao, hay dự báo về thời tiết. Ở đất nước láng giềng, vị chiến thuật gia xuất sắc Khổng Minh mà không biết bao người Việt ta mê mệt cũng là một nhà chiêm tinh nổi tiếng qua bao nhiêu câu chuyện được viết lại. Nếu đúng như sự thực sách vở kể, quả không sai khi nói chính Gia Cát Lượng là người đã định hình thế cục Trung Hoa thời Tam Quốc. Với Việt Nam, nổi tiếng nhất có lẽ là câu chuyện về Nguyễn Trãi và Hưng Đạo Vương- Lê Lợi. Chuyện kể rằng, khi Nguyễn Trãi tới Lam Sơn để tìm vị anh hùng anh minh đủ tài sức để giải phóng dân tộc, trái ngược với những gì mong chờ, hình ảnh Lê Lợi không đáp ứng được nhưng kỳ vọng của Ức Trai. Trên đường rời khỏi Lam Sơn, vì những lời bàn tán về ngôi sao An Nam mà Nguyễn Trãi đã quyết định quay trở lại Lam Sơn một lòng phò trợ Lê Lợi. Nếu đêm đó, Nguyễn Trãi không được nghe những lời nói đó có lẽ sau này cũng không tồn tại “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”.
Qua hàng ngàn năm lịch sử của chiến tranh và hòa bình, loài người chúng ta đã đặt cho các ngôi sao vô vàn các tên gọi với ý nghĩa khác nhau. Con người cổ đại thường xuyên cố lý giải các sự kiện ở thế giới thật qua những thực thể vũ trụ, những thứ mà con người thời đó vẫn chưa thể hiểu được và nằm quá xa khả năng nắm bắt lúc đương thời. Những ngôi sao xấu mọc lên báo hiệu cho sự lụi tàn của đế chế, những ngôi sao mới xuất hiện là điềm báo cho sự ra đời của một kẻ chinh phục trên thế giới này hay sự thẳng hàng của các hành tinh là lời động viên của thượng đế cho một đội quân nào đó vào ngày lên đường tham chiến. Sự trùng hợp của vũ trụ với những sự kiện nhỏ bé trên trái đất này nhiều đến nỗi buộc ta phải tin rằng rốt cuộc chính những ngôi sao đã thao túng trái đất nhưng theo một cách gián tiếp. Nói một cách khác, các ngôi sao là động lực thúc đẩy cho xã hội loài người khi những sinh vật thông minh trên trái đất nhìn lên vòm trời và mong chờ các sự kiện đặc biệt sẽ diễn ra như một dấu hiệu chấp thuận của thánh thần dành cho quyết định của họ.
3×10^23 ngôi sao
Người ta ước tính rằng trong vũ trụ có thể quan sát được của con người hiện nay, số lượng ngôi sao là 3×10^23 ngôi sao và vào ngày trời không mây, không trăng, tại vùng nông thôn thì mắt thường của chúng ta có thể thấy từ 2500-5000 ngôi sao. Các con số mang tầm vũ trụ của các ngôi sao dường như làm cho chúng ta choáng ngợp khi loài người mỗi khi nghe đến con số hàng nghìn tỉ cũng không tưởng tượng được chúng ta có thể mua gì với chừng đó số tiền bằng đơn vị dù là Dollar hay Đồng. Tuy vậy những con số đó chưa là gì nếu so với thứ chứa đựng 3×10^23 ngôi sao đó- vũ trụ có thể quan sát được của loài người. Cụm từ này mang nghĩa là tất cả những gì mà các thiết bị thiên văn tân tiến nhất của loài người dù đang nằm trên trái đất hay trên hành tinh nào hoặc đang lơ lửng trong không gian có thể nhận biết được. Vũ trụ khả kiến của loài người được định dạng là một khối cầu có đường kính khoảng 8,8×1026 m. Để có thể hiểu khoảng cách này lớn như thế nào tôi xin trích dẫn một so sánh thú vị trong sách Vũ trụ của Carl Sagan: “Nếu chúng ta ngẫu nhiên bị đẩy vào sâu trong vũ trụ, thì cơ hội chúng ta ở trên hoặc bên cạnh một hành tinh chỉ có xác suất dưới một phần triệu tỷ tỷ tỷ.”
Các ngôi sao thật lớn lao so với trái đất và những sinh vật sống trên đó nhưng liệu nhiều người đọc đến đây đã tự vấn mình: Hàng đêm mình thấy được bao nhiêu ngôi sao? Nếu bạn đang sống tại một vùng quê thì không khó để bạn trả lời cho mình câu hỏi đó nhưng xã hội chúng ta luôn bị các thành phố nắm thế chủ đạo. Dù ngay cả bây giờ vào lúc nửa đêm, ánh nhìn của những người dân thành phố cũng không xuyên qua được những lớp màng lưới chằng chịt của ánh sáng nhân tạo. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân khiến cho bao nhiêu người đặc biệt người trẻ chúng tôi dừng việc ngửa mặt lên trời và tìm kiếm ánh sao. Tuy vậy, tôi tin lý do quan trọng nhất là lý do khác, lý do đó cũng là thứ đang khiến xã hội chúng ta vận hành như bây giờ.
Nơi đây người ta phải bước đi, bước đi cùng với những người khác, như thể người ta biết mình đi đâu, nhưng làm gì có điểm kết thức của chuyến đi, làm gì có chỗ nấp nơi vùng trũng của cồn cát. Người ta phải bước đi để khỏi ngã, để khỏi bị kẻ khác chà đạp lên.
Tháp nhu cầu của Maslow là một khái niệm được giới thiệu rất rộng rãi trong chương trình đại học tại Việt Nam. Khái niệm của nhà tâm lý học Abraham Maslow có những tác động rất lớn cho các lĩnh vực nghiên cứu lẫn tâm lý, thái độ trong đời sống thường ngày của con người. Với việc chia nhu cầu của con người thành 5 tầng tháp, Maslow đã hệ thống hóa những gì mà con người “dự phóng” một cách trực quan và rõ nét nhất. Xét theo tháp nhu cầu Maslow, loài người đã có những bước tiến rõ rệt so với thế kỷ trước, số lượng người phải lo cho bữa ăn, nơi ở hàng ngày của mình đã giảm đi đáng kể. Nếu chúng ta sống tại các nước có nền chính trị và an ninh ổn định ít nhất như Việt Nam hiện tại thì có lẽ việc ra đường vào ban đêm cũng không còn đáng sợ mấy. Có thể xem nhóm nhu cầu của cơ bản của Maslow đã được xã hội hiện tại dễ dàng đạt được hiện nay. Nhưng đối với 3 nhu cầu còn lại, xã hội hay các cá thể trong xã hội chúng ta lại có sự đi xuống trầm trọng. Để giải thích đầy đủ nhận định này của tôi có lẽ cần một bài viết riêng và tôi tin có nhiều người sẽ không đồng ý với quan điểm này. Tuy vậy, một lời bào chữa ngắn gọn cho nhận định có phần mạo hiểm trên của tôi là dấu hiệu sự đi tới điểm “cân bằng” của xã hội bây giờ. Sự “cân bằng” này theo tôi nghĩ không phải là sự cân bằng trong việc bổ sung cho nhau của những nốt thăng trầm mà là sự chán ngắt và tẻ nhạt của một chuỗi âm thanh mà biên độ không chênh lệch quá nhiều. Hãy nhìn xem những gì bố mẹ của tụi trẻ đang muốn chúng làm và trở thành, nhìn những kẻ truyền động lực vẽ ra con đường thành công của các sinh viên trẻ tuổi, và rồi khi chúng ta gần như đã có cho mình cuộc sống riêng thì các quy tắc, luật lệ bất thành văn của xã hội này cũng đang ép nẹp chúng ta vào những xiềng xích mà hễ ta dám động đậy, gây ra những tiếng loảng xoảng nhỏ nhất cũng bị những kẻ cai ngục tóm lấy mà đánh cho chừa thây. Và thực tế hơn cả là vào thời đại mà tấm bằng đại học xuất sắc cũng không đủ để đảm bảo cho bạn một công việc ổn định ở tương lai thì tôi tin xã hội này có phần độc hại cho những người trẻ chúng tôi.
Và sau những giấc mơ lớn của xã hội đó, những cá thể còn lại là ai, những kẻ đã không thể bắt lấy đoàn tàu của những giấc mộng. Một xã hội “cân bằng” lại mang tới những điều mới mẻ cho xã hội, tại đây thực sự bất kể ai cũng có thể trở thành bất kì thứ gì với một chút hoặc khá nhiều may mắn. Đây dường như là cánh cổng mở tới những mảnh đất màu mỡ với những kẻ khai phá nhưng cũng có thể là một mê cung không lối thoát nhốt lại những kẻ bất hạnh. Một xã hội “cân bằng” cung cấp cho chúng ta vô vàn và gần như bất tận cách sống đồng thời gây ra những tác động phụ mà ta khó có thể trách nó. Chính những tác động này, tôi tin rằng đã sản sinh ra nền triết học hiện sinh, nền triết học về con người và ý nghĩa của cuộc sống, nơi mọi thứ không có gì là chắc chắn. Triết học Hiện Sinh hay phong trào hiện sinh được mọi người đón nhận nhờ sự gần gũi của những vấn đề của nó với vấn đề thường ngày chúng ta gặp phải- hay ta gọi “triết học xuống đường”. Triết học Hiện Sinh xuất phát từ Châu Âu nhưng rầm rộ nhất có lẽ là những năm nó hoạt động sôi nổi và ác liệt tại Bắc Mỹ, nơi phong trào Hippie và phản chiến diễn ra mạnh mẽ. Dù vậy phong trào Hippie cũng chỉ thể hiện một nhánh rất nhỏ của dòng triết học này. Việt Nam dù đi sau Mỹ cả thế kỷ nhưng sự ảnh hưởng của tinh thần nó đang ngày càng hiện rõ trong đời sống người dân và giới trẻ. Thực ra, trước đây triết học Hiện Sinh đã xuất hiện tại miền Nam Việt Nam trước năm 75 nhưng sớm bị chế độ Cộng Sản dẹp bỏ do không phù hợp với tư tưởng hạ thấp cá nhân, đề cao tập thể đương thời. Bây giờ tư tưởng và tinh thần hiện sinh lại trở dậy mạnh mẽ xung quanh chúng ta để cho thấy quá trình này là không thể tránh khỏi. Làn sóng này hối thúc mọi người đi tìm câu trả lời, nhưng câu trả lời cho cái gì và câu trả lời như thế nào là điều mà tôi không biết.
Về những tư tưởng
Triết học hiện sinh của Satre
Tư tưởng của Satre có sự ảnh hưởng sâu rộng và nhất định tới xã hội đương thời lúc ông đang sống và cả sau này. Khác với nhiều nhà triết gia khác có xu hướng thể hiện và bày tỏ quan điểm của mình qua các văn bản hàn lâm thì Satre được nhiều người tiếp nhận nhờ các tiểu thuyết nổi tiếng của mình với văn phong, ý tác không kém gì các nhà văn chuyên nghiệp. Dĩ nhiên đây cũng là một trong những nhà tư tưởng gây ra rất nhiều tranh cãi giữa các phe khác nhau. Phe trung lập thì bảo triết học của ông là triết học phi lý, phe ủng hộ thì nói rằng triết học của ông đề cao giá trị của chân, còn phe ghét bỏ thì phán xét đây là tư tưởng của một nền triết học thoái thác.
Ở Việt Nam ta, các nhà đạo đức học khi phân tích về con người và truy về cái gốc của con người, họ thường lựa chọn một trong hai quan điểm của hai nhà triết học Trung Quốc thời cổ đại là Nhân chi sơ tính bản thiện của Mạnh Tử và Nhân chi sơ tính bản ác của Tuân Tử. Nền tâm lý học phương Tây rất quen thuộc với Carl Jung và khái niệm cổ mẫu trong mỗi con người của ông ấy. Đối với Satre, ông lại chọn cho mình một lối đi khác biệt và đầy thách thức, ông tuyên bố rằng con người có bản chất là rỗng hổng, con người không có bản tính từ khi sinh ra, rằng chúng ta phải tự tạo nên bản tính của mình. Về hành động của con người, ông cho rằng chúng ta luôn muốn cái vô tận, vì bản chất rỗng hổng của loài người, nhưng cái vô tận chỉ có là thượng đế nhưng Satre đâu có tin vào thượng đế do đó ông kết luận rằng cuối cùng mọi dự phóng, mọi hoài bão của loài người cũng chỉ là phi lý.
Qua vài dòng trên cũng đủ thấy sự quyết liệt và thẳng thắn của Satre dành cho mỗi cuộc đời chúng ta. Đối với ông, loài người là từng cá thể riêng biệt và nhờ có được ý thức, con người đã mang bản chất thần thánh, xem vũ trụ chỉ là những hữu thể tự thân- những vật thừa. Một quan điểm thú vị khác của Satre là về các quyết định của chúng ta. Ông viết: “Thực ra, chúng ta là một tự do để lựa chọn, nhưng chúng ta không chọn được tự do: chúng ta bị lên án phải tự do”. Đối với Satre, các quyết định của con người là phi lý, bởi vì ông tin rằng loài người không nên bị trói buộc bởi các đạo phái, lẽ thường của xã hội nên các quyết định của chúng ta không bao giờ có lý do. Hay nói cách khác, không phải vì có lý do mà ta chọn, nhưng vì ta chọn cho nên có lý. Câu chuyện của Satre cũng phần nào giống như câu chuyện tôi đã kể ở phần trước về tác động của những ngôi sao với các sự kiện lịch sử, chung quy lại tất cả đều nằm ở các lý do mà chúng ta đưa ra để bào chữa và giải thích.
Triết học khắc kỷ
Có lẽ ngày nay, triết học khắc kỷ mới là tư tưởng triết học được nhiều người biết đến nhất, ít nhất là qua tên gọi. Cách đây 3 năm tôi cũng đã bắt đầu tìm hiểu về tư tưởng triết học này qua quyển sách Meditations của hoàng đế Marcus Aurelius.
Tư tưởng triết học khắc kỷ khá đơn giản và dễ nắm bắt. Các câu chuyện của Marcus Aurelius luôn dựa trên dòng năng lượng logos chảy trong vạn vật, dù là con người có ý thức hay tảng đá khô cằn. Ông luôn lặp đi lặp lại câu nói Do as nature require để nhắc nhở rằng tất cả mọi sự kiện, hiện tượng dù tương lai hay quá khứ là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi của thế giới, và chúng phải diễn ra như thế (Nếu không sẽ bị TVA bắt :) ). Ông đề cao các đức tính cao đẹp của loài người được nhìn nhận xuyên suốt trong lịch sử như công bằng, liêm chính, vị tha, kiên trì, bình tâm trước mọi sầu lo, hoan hỉ,... Ông liên tục nhắc đến sự hữu hạn của con người so với sự vô tận cùng của vũ trụ về các thời gian lẫn không gian. Meditation hay các sách khác thuộc trường phái khắc kỷ có giá trị lớn để an ủi và ổn định tinh thần nhờ các nền móng vững chắc mà trường phái này đặt ra cho con người. Chúng ta không còn cảm thấy bất định và lo âu khi tất cả những gì diễn ra đều phù hợp với Nature và bên trong mỗi người luôn có dòng chảy logos chảy qua. Có thể nói, triết học khắc kỷ là triết học để kiểm điểm và cải thiện bản thân dành cho mỗi người, tôi xin không nêu ra các phê bình cho tư tưởng này, nhưng một điểm yếu của khắc kỷ cho những người đang đi theo con đường này chính là tính thực hành của tư tưởng khắc kỷ rất khó đạt được.
Những ngôi sao sáng và xã hội chúng ta ngày này
Carl Gustav Jung là một bác sĩ tâm thần học, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ sinh năm 1875 và mất năm 1961. Ông từng được chính Freud, nhà tâm lý học nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, xem là truyền nhân của mình trước khi cả hai từ mặt nhau vì sự khác biệt trong các nghiên cứu. Carl Jung là người đã tạo ra rất nhiều các thuật ngữ tâm lý như Nguyên mẫu, Vô thức tập thể, Phức cảm, Đồng hiện,... Và trong những đóng góp to lớn của ông, khái niệm về cổ mẫu hay vô thức tập thể được xem là cuộc cách mạng trong ngành tâm lý học. Theo Jung, vô thức tập thể là tập hợp của các cổ mẫu. Các cổ mẫu là các hình mẫu về con người, ứng xử, tính cách được di truyền từ đời này sang đời khác một cách tự nhiên. Các gen được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là điều đã được chứng tỏ trong sinh học, trong khi đó những gì phát biểu trên khẳng định thứ được truyền lại còn đến từ tinh thần, cái tôi và tính cách của con người. Đọc qua Jung, mới nhớ lại Satre, đây là hai con người có thể xem được sinh ra trong cùng một thời kỳ tại Châu Âu. Carl Jung sinh ra sớm hơn nhưng cũng dành phần lớn đời mình sống ở thế kỉ XX, còn Satre thì sinh năm 1905 và mất năm 1980. Như những phần trước tôi đã trình bày, Satre chủ trương rằng con người khi mới sinh ra là trống rỗng, không có bản tính, tất cả đều do xây dựng sau này thì Carl Jung lại đề ra nhưng khái niệm về sự di truyền về tinh thần của con người. Tuy vậy, cách tiếp cận của Jung lại được nhiều người đồng tình và ủng hộ hơn khi ông đã xem tâm lý học như những môn khoa học tự nhiên khác, dựa vào những dẫn chứng thực tế và phân tích logic.
Đúng và sai, 2 từ có ý nghĩa trái ngược nhau nhưng rất khó để phân biệt trong đời sống, xã hội loại người. Nhiều nhà triết học và chính trị gia đã cố chuẩn hóa hoặc hệ thống hóa những gì được cho là lẽ thường, những điều luôn đúng trong mọi thời gian hoàn cảnh nhưng điều này gần như bất khả thi. Đối với triết học duy nghiệm, với những điều chúng ta chưa được trải qua thì chúng ta sẽ không bao giờ có sự đánh giá chính xác với nó. Triết học duy luận biện chứng đang được giảng dạy tại các trường đại học Việt Nam thì xem rằng vật chất luôn tồn tại khách quan với ý thức và vật chất vận động theo các quy luật có sẵn trong tự nhiên. Suy cho cùng, đúng hay sai lại phụ thuộc vào tâm lý và nhận thức của con người mà ra, nơi còn chứa đựng nhiều mâu thuẫn và tranh cãi hơn nữa. Tuy vậy, để giải quyết cho sự mâu thuẫn này, sức mạnh số đông của xã hội đã đứng lên thống trị sự định hướng quyết định của mọi người. Sự khác biệt giữa hai cá thể riêng biệt có thể rất lớn nhưng trong một cụm tập mẫu lớn hơn thì lại có thể xuất hiện những điểm chung gần như hoàn hảo, và chúng trở thành rường cột cho xã hội cũng như phần lớn con người sống trong đó. Dần dần qua thời gian, những điểm chung này tạo nên những cổ mẫu của Jung, những tính chất có thể trở thành điều đúng phổ quát.
Dĩ nhiên, tập hợp có lớn đến đâu nhưng vẫn có những mâu thuẫn diễn ra bên trong đó không thể tránh khỏi. Thỉ dụ như việc người chủ đưa mèo ốm đi khám thì bị chốt kiểm dịch chặn lại. Trong câu chuyện này có ba chủ thể chính: người cán bộ, người chủ, con mèo và mỗi chủ thể này đều tượng trưng cho những hình ảnh đặc trưng của xã hội chúng ta ngày nay. Người cán bộ đại diện cho những người theo tư tưởng của Marx, không đề cao những con người đơn độc mà là mối quan hệ giữa người với người. Người cán bộ đã vận dụng hoàn hảo những nguyên lý cơ bản của triết học Marx: Khả năng và hiện thực, nguyên nhân và kết quả. Dù khả năng có là 1% đi nữa thì nó vẫn có khả năng xảy ra và hậu quả của nó để lại vượt quá rất nhiều so với 1% đó. Trong khi đó con mèo vào thời điểm đó có thể xem như là những khát vọng, ước mơ của mỗi người hay có thể nói trong ngắn hạn, con mèo đại diện cho mục đích tối thượng của người chủ. Chủ trương của người cán bộ rằng lợi ích cần được chia đều cho tất cả mọi người, trong khi đó, thứ khát vọng hay ước mơ, xét trên góc độ cá nhân thì luôn có giá trị cao hơn nhiều so với những lợi ích, phải từ bỏ vì cái chung của xã hội. Đây là mối mâu thuẫn rất quen thuộc trong xã hội hiện đại ngày nay, mâu thuẫn giữa cái nhìn của bản thân và cái nhìn của xã hội. Con người từ thời chúng ta bắt đầu được gọi là con người tới nay luôn là một sinh vật mang tính cộng đồng cao. Chúng ta tồn tại theo đàn, nhóm nhỏ rồi tới làng, xã cho đến thành phố, đất nước. Nhưng có một điều bất kể ai cũng cần ghi nhớ rằng, cái đúng của xã hội chưa chắc là cái đúng khách quan và điều nay có thể nhận ra từ định nghĩa của chúng. Mỗi khi đưa ra quyết định, mỗi người trong chúng ta nên luôn đặt câu hỏi cho bản thân mình rằng liệu chúng ta đang quyết định hay chúng ta chỉ đưa ra những lý do để bào chữa cho quyết định của người khác hay bản thân đã thực sự trân trọng cái nhìn của những con người đang bị đánh giá.
“Đồng loại của bạn sẽ luôn luôn là những con ruồi mang đầy nọc độc; điều gì cao đại hoằng viễn nơi bạn, thì chính điều đó sẽ làm bọn chúng độc địa thêm và luôn luôn giống với những con ruồi hơn. Hãy chạy trốn, bạn ơi, chạy trốn vào trong nỗi cô đơn của bạn, nơi thổi qua một ngọn gió dữ dằn và mạnh mẽ. Vận mệnh của bạn không phải là một kẻ đuổi ruồi.”
Bầu trời đêm nhiều sao
Như những ngôi sao thuở ban đầu, loài người với nhau cũng không khác biệt là mấy. Những ngôi sao theo như những gì chúng ta biết đang càng ngày cách tách xa nhau ra nhưng những nhóm nhỏ của chúng cũng tạo nên chuỗi thiên hà và các hệ mặt trời của riêng mình. Cùng với đó loài người càng phát triển thì mỗi cá thể trong đó dường như càng cô đơn hơn. Chúng ta càng rực rỡ sáng chói đến bao nhiều thì lại càng không thể nhìn thấy những ngôi sao khác.
Bầu trời Hà Nội vào mọi mùa trong năm luôn đặc quánh màu cam nhầy nhụa của ánh điện. Những đám mây dày đặc lững thững bao bọc thành phố với sức nặng đ để bức tử con người chầm chậm. Ở trong môi trường đó, người ta đua nhau xem kẻ về đích nhanh nhất là kẻ nào, người ta chọn lựa, trang hoàng bản thân bằng những vũ khí và áo giáp mạnh có thể của thế kỉ 21. Người ta mải nhìn xung quanh và dưới chân mình để kiếm miếng ăn, để đề phòng bất trắc, để là kẻ sống sót. Rồi những ngôi sao ẩn sau lớp không khí của đô thị mờ đần qua từng cuộc đời, từng thế hệ.
*Nguồn tham khảo
*Sách tham khảo
- Triết học hiện sinh, Trần Thái Đỉnh, Công ty Sách Thời Đại & Nhà Xuất Bản Văn Học.
- Vũ Trụ, Carl Sagan, Nhã Nam & NXB Thế Giới.
- Zarathustra đã nói như thế, Friedrich Nietzsche.
- Bản đồ tâm hồn con người của Jung, Murray Stein, Tủ Sách Dẫn Nhập.
- Meditations, Marcus Aurelius.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất