Tôi đã đứng trước gương điều chỉnh mái tóc rễ tre sao cho không quá trẻ con, không quá chải chuốt mà tạo được vẻ thân thiện và sáng sủa. Và trên đoạn đường gần 8 cây số đến trường, tôi luyện tập một câu “Chào cả lớp!” đến chục lần. Đắn đo chọn cách nói để không quá nghiêm túc, không quá thân mật. Điều chỉnh chất giọng sao cho không quá nhiều treble để nghe không có vẻ thiếu sức nặng, không quá bass để nghe không quá nhàm chán. Tôi cân nhắc mình sẽ nói về cái gì? Nói bao nhiêu thì vừa đủ? Và rất nhiều chuẩn bị và băn khoăn khác cho buổi lên lớp đầu tiên.
Nhưng thực tế là tôi chỉ có đủ thời gian để kiểm tra vệ sinh lớp học mà thôi. Và tụi nhóc thì nói chuyện với nhau quá sức ồn, và tôi cảm thấy việc bảo chúng ổn định để nghe tôi nói những câu tôi đã chuẩn bị chẳng khiến cho phần việc buổi sáng đó hiệu quả hơn tí nào cả. Vậy nên tôi ngồi một chút để quen với lớp học thôi.
***
Giữa lúc bọn trẻ đang làm bài tập, cô quay sang hỏi tôi về chuyện nghề giáo. Cô hỏi tôi sau này có đi dạy không? Tôi bảo dạ em vẫn chưa biết. Rồi cô, với giọng chỉ đủ lớn cho hai cô trò nghe, nói về việc làm nông nghiệp. 
Chúng ta đang trồng cây trên một mảnh đất đã ngập ngụa hóa chất sau nhiều vụ mùa. Chúng ta không còn biết, hoặc không được phép biết, một cách thức trồng trọt nào khác mà không dùng đến hóa chất hay phân bón. Và khi chúng ta quyết định sẽ tự thay đổi cách thức trồng trọt theo cách riêng của mình thì những người nông dân khác và cả những người quản lý chất lượng nông nghiệp cũng sẽ không cho phép ta được làm như vậy trên mảnh vườn chung. Ở mảnh vườn này không có gì là tự nhiên cả. Có những quả được sinh ra, tươi xanh và đẹp đẽ, nhưng bên trong nào ai biết có những mục ruỗng hay sâu bọ gì. Nếu em là một người nông dân, em sẽ làm gì đây? 
Cô hỏi tôi. Và trong ánh mắt mệt mỏi của cô, tôi biết rằng sau mấy chục năm trồng cây, cô vẫn chưa có câu trả lời cho mình, hoặc có nhưng cô không đủ can đảm hoặc có quá nhiều điều để bận tâm hơn là hiện thực hóa nó. 
Còn tôi, tôi không biết.