Có lẽ, viết ra những dòng này là một cách để tôi tạm co mình trốn ra khỏi dòng chảy thời gian, mơ mộng về mảnh trời xưa cũ mà không bao giờ tôi còn chạm tới được. Cũng có lẽ, tôi sợ ít lâu nữa, những mảnh kí ức nhỏ bé đang neo đậu trong tâm hồn tôi lúc này sẽ dần rơi rớt, mà tôi thì không muốn điều đó xảy ra chút nào.
 
“Nếu như gặp lại không thể đỏ hồng đôi mắt, liệu có thể ửng hồng đôi má không?”
Thằng Tèo, thằng Đa, tôi và con bé Vụm – mấy đứa chúng tôi đã trải qua nhiều mùa hè cùng nhau. Thời đó, một ngày với đám chúng tôi là mấy giờ thì được về nhà, ngoài cổng trường bán kem ốc quế không, trên tivi đang chiếu phim gì và hôm nay sẽ bày trò nào để chơi. Nhưng càng lớn, chúng tôi càng ít “dính” lấy nhau hơn. Chắc vì tất cả đều đã lớn lên, đã khác đi rất nhiều. Bây giờ, đứa nào cũng đi học xa nhà, trời Nam đất Bắc, mỗi đứa đang đi trên những con đường riêng của mình, những con đường chạy mãi cũng chẳng thấy cắt nhau… Tôi cũng tò mò bọn nó của hiện tại như thế nào nhưng không dám tìm gặp, vì sợ hình ảnh đập vào mắt sẽ dần lấp đi cái đám đã tung hoành cùng tôi một thời. Vẫn là những người bạn ấu thơ ấy, nhưng lại dường như không phải, đó là điều khiến tôi buồn nhất.
 
“Đó là món quà năm tháng ban tặng: Thời gian để ta hối tiếc…”
Còn nhớ những mùa hè ấy, cả bốn đứa chạy nhảy hò hét từ đầu tới cuối xóm, không bao giờ biết mệt. Các bậc phụ huynh không chịu nổi, phải đau đầu để tách cái đám chúng tôi ra. Họ dùng đủ cách nhưng đâu có được, rồi đêm nào chúng tôi cũng náo loạn cả khu phố, chừng chưa bị nhốt thì chưa chịu về ngủ. Bữa nào cũng có đủ trò để phá phách. Chúng tôi chơi chẳng phân biệt gì, thằng Tèo, thằng Đa cũng nhảy dây ào ào, còn giỏi hơn mấy đứa con gái. Chiều chiều là cuộc đua đầy kịch tính của mấy chiếc xe đạp. Tối đến thì đánh bài quẹt nhọ nồi hoặc uống nước máy. Chơi xong đứa nào cũng hoặc mặt mũi đen thùi lùi hoặc ôm một bụng ì ạch nước về. Đến mùa xoài, bọn tôi hú nhau đi hái trộm. Trong xóm nhiều nhà trồng xoài nhưng cây của bà Tuyết là sai trĩu và trái to nhất nên được chúng tôi đặc biệt “yêu thích”. Nhà có thả chó dữ thì xoài cũng đâu thoát được khỏi tay bọn tôi. Thằng Tèo mà trèo cây thì miễn chê, y chang con khỉ thoắt cái là leo tuốt lên cái cành xa nhất. Mấy đứa đứng dưới canh trợn mắt to cỡ nào cũng chịu, không thể nhìn ra nó đang ở đâu, chỉ thỉnh thoảng nghe thì thào: “Bắt lấy bây ơi!!”. Nhưng có một bữa bà Tuyết rình thả chó, mấy đứa hoảng loạn chạy biệt tăm, thằng Tèo còn đang ở trên cây chỉ biết câm nín, cố không để bà biết sự tồn tại của mình (dù đã sợ đến run người), cuối cùng nó phải chờ tới tận khi nhà bà đi ngủ mới dám len lén leo xuống. Sau vụ đó nó la toáng, kêu bọn tôi không nghĩa khí bỏ lại nó trơ trọi, rồi không chịu làm kẻ đầu sào nữa, nhưng hè nào cũng là nó trèo cây hái trộm xoài. Bây giờ, xoài ba Tuyết trĩu quả, xoài chín vàng mà không kịp ăn hết, bỏ thì tiếc, bà đem đi cho khắp xóm. Nhà tôi hai chị em cũng được ba bốn trái, mà ăn nghe vị lạ quá, không phải cái vị năm xưa.
Cuối xóm là ao ông Lực, có mùa hè, bão lớn đổ vào, mưa xối xả nhiều ngày làm nước ao dâng lên ngập cả xóm. Nhà bà Hóa cạnh ao lại nền thấp, nước tràn cả vào nhà, cao đến đầu gối, phải kê mọi thứ lên cao. Nhà chúng tôi nước cũng men tới thềm cửa. Mưa dầm dề nhiều ngày trời, nhà dột nước thấm vào, đồ đạc hư hỏng, quần áo phơi chẳng ráo, điên hay bị cắt cái cụp, đủ thứ để mẹ tôi kêu than. Còn đám con nít bọn tôi thì khoái lắm. Chiều nào, bốn đứa cũng lội ra đường nghịch nước, nước ngập trên đầu gối. Có hôm thì theo anh Nghị anh Hòa đi thả lưới bắt cá, kéo lưới lên được một chục cá rô phi nướng ăn, chao ôi đã ơi là đã. Nước dâng ngày một cao, cao ngang tới bụng không ai đi lại được, anh Nghị làm cái bè nhỏ cho cả xóm. Bọn tôi không đi câu với anh thì sẽ mươn để giả làm cướp biển chiến đấu với thủy quái. Những ngày thường, cái bè chở cả xe cả người ra đầu ngõ, tới đoạn đường lớn không còn ngập để mọi người đi học đi làm. Bão tan, nước rút dần, đám bọn tôi buồn thiu, cứ ngồi trông ra con đường nhỏ khô ráo mà mấy ngày trước còn là biển nước. Bây giờ ao ông Lực cũng bị lấp rồi, người ta xây ngay một tòa chung cư cao cấp trên đó. Nhiều khi nhớ lại muốn ngó cái ao xưa mà không còn.
 
“Và đó chỉ là những hoài niệm vụn vỡ, mà năm tháng thiện ý vì ta để lại…”
Tôi biết, chẳng ai mãi đứng yên một chỗ, bởi chính tôi cũng không còn là tôi của mười năm trước. Nhưng tôi luôn cố chấp với hình ảnh đám con nít ấy. Có lẽ vì không đâu tôi tìm được sự hồn nhiên và trong sáng ngày nào. Dù chỉ là những “hoài niệm vụn vỡ”, thì tôi cũng cảm thấy thật may mắn, vì ít ra tôi còn có cái gì đó để nhớ về. Tôi của hiện tại rồi sẽ gặp lại thằng Tèo, thằng Đa hay con bé Vụm của hiện tại (hẳn nhiên rồi vì chúng tôi cùng một xóm) nhưng với tôi đây sẽ là cuộc gặp gỡ của những con người mới, của tình bạn mới. Bởi những gì thuộc về quá khứ, tôi muốn nó mãi được vẹn nguyên.