Rap là đời, chưa bao giờ tôi hoài nghi điều này. Nhưng đời thì không ngừng đổi thay, và đã đến lúc Rap Việt cũng nên bỏ lại đằng sau những đấu đá ngày cũ để chuyển mình trong bối cảnh mới.
Trong bối cảnh mới, rap Việt là một bức tranh đa màu sắc mà mỗi rapper là một mảng màu riêng biệt, cả về âm nhạc lẫn về tâm hồn và con đường sự nghiệp. 
Dưới đây, theo tôi, là những mảng màu đặc sắc nhất của bức tranh Rap Việt đó.

Blacka

Blacka aka Black Murder là một trong những freestyle rapper đỉnh nhất hiện nay. Sau khi gia nhập G-Family, học hỏi từ các thế hệ đàn anh đi trước và không ngừng luyện tập, Blacka đã có những bước đi vững chắc trong Underground với dáng dấp gangsta của Rap Mỹ thập niên 90.

Kể từ 2013, anh được biết đến nhiều hơn với vai trò trưởng nhóm Hazard Clique. Những sản phẩm của Hazard Clique, từ 4321 cho đến Saigon zoo, Cái thú hay Đội Cấng, đều khiến mọi rap fan, cả những người khó tính nhất, phải trầm trồ thán phục.

Hazard Clique, với sự dẫn dắt của Blacka, dần trở thành một nhân tố không thể lẫn và không thể thiếu trong Rap Việt đương thời.


Wowy

Lớn lên trong một gia đình lao động ở Sài Gòn, “lão đại” Wowy Nguyễn đã mang những bụi bặm, chật chội, bộn bề, ngang tàng, bĩ cực của đường phố vào trong âm nhạc của mình.
Có thể thấy rõ điều đó qua lyrics anh viết:
Anh lớn lên từ đường phố chỗ xe hơi không có đường vô. Chỗ công nhân ăn mì bằng xô, mỗi khi mưa xuống hứng nước bằng tô (Hai thế giới).

Bước chân vào Underground từ những năm 2005, đến nay qua nhiều cuộc tranh đấu lẫn những thách thức phải đổi mới, Wowy vẫn đứng vững, đều đặn cho ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng.
“Lão đại” thực sự đã gây dựng được cho mình một vị thế bất khả xâm phạm trong Rap Việt.


Cam

Cam là một thành viên khác của Hazard Clique (cùng với Blacka và Pain), được một critic gọi là “màu diệu kỳ” của Hazard Clique. Xuất thân từ Indie và chịu ảnh hưởng của điện ảnh, Cam đã mang rất nhiều yếu tố mới mẻ vào trong rap.
Nhạc của Cam văn minh, dễ thương như tính cách của cậu ấy. Lyrics của Cam giàu tính tự sự; Nhiều bài chính xác là những câu chuyện kể. Rap của Cam mượt, dễ đi vào lòng người, có thể nói là rất “trong veo”.


Ngoài Hazard Clique, Cam có những dự án âm nhạc của riêng mình, tìm đến sự hòa trộn giữa các thể loại – một con đường đi mới mẻ so với các rapper trước đó.
Cam từng chia sẻ quan điểm làm nhạc của mình trong một phỏng vấn: 
Bất cứ phương tiện nào có thể giúp tôi kể chuyện, tôi sẽ sử dụng. Không quan tâm lắm về khái niệm thể loại. Không cần phải có ranh giới. Với tôi, chỉ cần bạn làm nhạc một cách thuyết phục, người ta sẽ tìm nghe.
Và thực tế đã chứng minh quan điểm của anh không hề sai, khi số lượng người hâm mộ anh ngày càng đông đảo, nhất là những bạn trẻ thành thị.


Datmaniac

Datmaniac, tức Trần Sơn Đạt, là một trong những rapper hiếm hoi hoàn thiện cả mặt lyrical lẫn kỹ thuật.
Âm nhạc của Đạt phản ánh một tâm hồn nhạy cảm và một thái độ sống tử tế. Chất liệu của Đạt là những điều mắt thấy tai nghe trong đời sống thường ngày. Tư duy ngôn từ phong phú và rộng mở.


Những điều này thể hiện rõ nhất trong Mấy con mèo trên đây:
Nơi tôi nằm xuống sẽ làm đường về làng cho cô thôn nữ
Nơi tôi nằm xuống sẽ là cây sẽ là giấy và sẽ là một nấm mồ mà tôi chôn chữ.
Xác con xin bón cho cái cây phượng sân trường
Mang nước, xẻng, cuốc mượn dân thường
Sau công việc tay chân, lưng tựa chân tường.


Đen

Đen Vâu Nguyễn Đức Cường có thể nói là một nhân vật nhiều sức hút và có tầm ảnh hưởng đáng kể trong giới Underground.
Điều này không phải ngẫu nhiên mà có. Đen ngay từ đầu đã chọn đứng ngoài những tranh đấu của rap scene. Trong khi người ta rap quá nhiều về tiền bạc, gái gú hoặc diss nhau tơi bời, Đen cặm cụi viết về những chuyến hành trình và trải nghiệm sống của riêng mình – vốn đồng điệu với tâm hồn của phần đông người trẻ.
Ngôn từ của anh không tục tĩu mà trái lại, đẹp đẽ và giàu chất thơ. Nội dung cho thấy một thái độ sống chững chạc và điềm đạm.

Giữa những “lộn xộn” trong rap, người ta vẫn cần một sự bình yên để tìm về. Đen cho chúng ta điều đó, và vì thế anh trở thành một màu sắc không thể thiếu của Rap Việt.


Đọc thêm:


Suboi

“Nữ hoàng Rap Việt”, đó là danh xưng mà báo chí nước ngoài đặt cho Suboi Hàng Lâm Trang Anh. Và danh xưng đó không hề ngoa chút nào.
Mỗi sản phẩm mà Suboi và đội ngũ của cô tạo ra đều rất công phu, gần như hoàn hảo, từ concept cho đến hình ảnh và âm thanh.

Suboi có một lối tư duy rất riêng khi viết lyrics. Nội dung trong nhạc của cô không phải là nâng ai lên và dìm ai xuống, mà chủ yếu là phê bình xã hội. Đó là đích thị là loại rap mà nói như Acy là “phát triển tỉ lệ thuận với vấn đề xã hội chất đống”.
Ayo, nói tôi nghe
N-sao mà thời bây giờ FA là nhục nhã nà?
N-sao mà giải thích chuyện mình cho người ta nà?
N-sao mà đang chạy xe đứng lại là xìa ra nà?
N-sao mà đóng tiền, đóng phạt rồi đóng phim nà?
Đụng vô chuyện thì mình im nà?
N-sao mà giữa đám đông vẫn thấy mình cô đơn?
Còn sao mà giúp người ta làm ơn chút xíu là kê đơn nà? (N-Sao?)
Ngoài ra, Suboi cũng là một nhân vật quan trọng, có đóng góp không hề nhỏ trong việc mang Rap Việt ra thế giới.

DSK

Dù lui về ở ẩn từ lâu, nhưng “đứa con của mặt trời” DSK vẫn có nhiều fan trung thành và được nhiều rapper nể trọng.
Chất giọng anh trầm khàn khiếm khuyết, nhưng cái khiếm khuyết ấy lại chính là tác nhân gây nghiện (Blacka). Lời anh viết bộc lộ một tâm hồn phóng khoáng, độc lập và tự do.

Andree nói DSK là người đầu tiên anh nể trong Rap. Binz thì nhận định DSK với Rap Việt cũng giống như Mike Tyson với giới quyền anh vậy. Hai chữ “huyền thoại” không hề quá khi dùng để nói về tài năng này.

Hiển nhiên danh sách trên đây hoàn toàn là quan điểm cá nhân.
Tiêu chí của tôi bao gồm cá tính nghệ sĩ, chất riêng trong nhạc, uy tín trong Underground, chất lượng tác phẩm cũng như những đóng góp cho Rap Việt.
Sẽ có đồng tình cũng như phản đối, nhưng dù thế nào tôi cũng muốn nghe ý kiến của các bạn. Hãy cho tôi biết ở phần bình luận nhé.
Huyền Vũ (Bờ Ru Xờ) - Trần Việt Oldman Anh

Đọc thêm: