Hồi ở Johor Bahru (JB), mình có rủ mấy đứa bạn ra ban công ngắm Sao trời. Tối, nằm ngắm trăng sao sướng thiệt! Vì chỗ đó yên bình nữa. Khu mình ở, các nhà cũng chỉ hai tầng là hết cỡ. Cư dân ở JB thì lúc nào cũng yên ắng đến lạ. Thật là chốn trong mơ để trốn thành phố chật chội náo nức.

 Hoor, một đứa bạn người Pakistan, học chuyên ngành gì đó liên quan đến vũ trụ, mảng thiết kế (hoặc là chế tạo) máy bay, chỉ tay lên mấy ngôi sao sáng, và tự hào phân tích cả thiên hà (vì những đứa ngồi cạnh nó, đang mắt chữ O mồm chữ A choáng ngợp/ hạnh phúc trước một cảnh tượng hiếm có khó tìm, hoàn toàn không biết gì về Sao trời). Trong số những thứ hay ho nó kể, mình chỉ nhớ đúng đoạn Ghost Stars (tạm dịch là Sao Ma). Hoor bảo, người ta gọi mấy ngôi Sao kia là Ghost Stars, vì ngay tại khoảnh khắc mày nhìn thấy nó, có thể nó đã chết/ không tồn tại nữa từ rất lâu rồi! 
IMG_20190726_184241.jpg

(Hoor là bạn đang dùng tay lau mặt giống mình ^^)
 Hẳn cậu từng nghe tới khái niệm Tốc độ ánh sáng trong môn Vật lý cấp 3. Đại thể là việc mình nhìn thấy nhau, nhìn thấy anh này, cô kia, đều do ánh sáng từ vật thể đó truyền đến mắt mình. Ở những môi trường khác nhau, ánh sáng truyền với tốc độ khác nhau. Tóm lại là mất thời gian để ánh sáng truyền đi, để mình nhìn thấy mọi thứ bằng mắt.
 Wikipedia bảo, ngôi Sao gần Trái Đất nhất là Mặt Trời, và ánh sáng từ Mặt Trời mất 8 phút 20 giây để “chạy” tới Trái Đất. Tức là, Mặt Trời cậu nhìn thấy ngay lúc này, thực tế là hình ảnh của nó hơn 8 phút trước, là Mặt Trời của quá khứ.
Cậu chỉ nhìn thấy Sao lúc trời đêm, và thấy chúng thường le lói, sáng kiểu “hấp hối”, cơ bản vì là Sao trời ở rất rất rất (x n lần) xa Trái Đất (không phải vì nó bé hơn Mặt Trời, như mình từng nghĩ). Có nhiều ngôi Sao ngoài vũ trụ, mắt trần còn không nhìn được, vì nó ở quá xa.
dribbble_3


 William Herschel là một nhà thiên văn học nổi tiếng, có một cậu con trai tên John. Một lần hai cha con đang đi bộ dọc theo bãi biển vào một buổi tối trong trẻo, John ngước nhìn cha và hỏi: “Cha, cha có tin là có Ma không?”. Herschel trả lời: “Có chứ, con trai. Không phải Ma kiểu con người! Con nhìn lên trên đi con trai, con sẽ thấy một bầu trời đầy ma”. 
 
Ý Herschel chính là những Ghost Stars mà Hoor kể.
Vũ trụ với thiên hà cũng lắm điều thú vị, nhỉ? Thú vị bởi dù nó là cái gì rất to và rộng lớn ngoài kia, có những quy luật của nó cứ như phản ánh quy luật cuộc sống cái xã hội trên Trái Đất này luôn. Như kiểu, tôi đứng trước mặt cậu ngày hôm nay, nghe có vẻ vô lý, nhưng không phải tôi của thời điểm hiện tại. Cậu đang nhìn thấy tôi đúc kết từ nhiều nhiều năm trước đây. 
 Ví dụ, bây giờ tôi ăn uống đủ chất, ngủ nghỉ đầy đủ, trước mặt cậu thì tôi vẫn lắm mụn, hay ốm vặt (chẳng hạn). Đó là do lối sống bừa bãi từ những tháng trước, những năm trước bây giờ mới “chín quả”. Nó cũng như kiểu:
Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất.
Từ tối đó trở đi, mình nhận ra bản thân không hay buồn, hay tự ti trước những bóng bẩy hiển hiện trước mắt nữa. Kiểu: “Bạn này giỏi thế; Bằng tuổi mình mà đỉnh vậy; Người bạn kia đẹp ghê; Bạn này da đẹp thật”. Vì tốc độ ánh sáng, ở cùng môi trường, là như nhau mà. Chỉ là, cái nào ở gần hơn thì tới mắt mình nhanh hơn. Chỉ là, họ bắt đầu sớm hơn, tích nhiều lượng hơn, nên cái chất mình nhìn thấy cũng được chuyển hóa sớm hơn. Mình chấp nhận việc bản thân xuất phát chậm hơn, trở nên quan tâm hơn về quá trình để họ hơn mình như ngày hôm nay, để biết bản thân nên đi từ đâu, nên tích những lượng nào để một ngày đạt được cái chất như thế.
Và, cái gì cũng cần thời gian để chuyển hóa thành chất, việc của mình là tập trung.
Đúng là We Are the Universe Becoming Aware of Itself, nhỉ?
---