Chào bạn,
Vậy là năm ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã tới rồi. Hy vọng bạn đã có thời gian nghỉ ngơi và dành thời gian bên gia đình, bạn bè trong dịp này nhé!
Còn nếu ai đó hỏi mình được nghỉ lễ bao nhiêu ngày,
thì chúng mình, những những người làm nghề báo hình, thường trả lời đùa rằng “Nghỉ lễ mọi người có nghỉ xem ti vi không?”
Là vậy đấy, mình vẫn đi làm bình thường vào dịp nghỉ lễ này. Vì bản tin thời sự vẫn phát và chương trình vẫn lên sóng.
Nhân thời gian nghỉ lễ này, cùng mình…

Tản mạn một chút về vài khía cạnh “không hào nhoáng lắm” của nghề truyền hình nhé

Lịch làm việc linh hoạt

Khi mới ra trường, mình từng thấy thời gian làm việc linh hoạt là một cái gì đấy thật tuyệt vời. Đặc thù của đơn vị mình công tác là phát sóng các bản tin thời sự bằng tiếng Anh, nên mọi người sẽ làm việc theo ca kíp và lịch thay đổi theo từng tuần. Có tuần mình sẽ làm các buổi sáng, có tuần lại sáng tối xen kẽ. Điều đó cho phép mình đôi khi được nghỉ vào ngày trong tuần, dạo phố lúc mọi người đi làm hay xong việc thì về sớm tránh tắc đường.
Thế nhưng, song hành với nó cũng là lắm những điều “oái ăm”.
Sự linh hoạt này xáo trộn thời gian biểu của mình hàng tuần. Mình không thể dám chắc liệu tối T4 tuần tới mình có đi cafe với bạn được hay không. Liệu tháng tới mình muốn xin nghỉ dài ngày thì có vướng lịch sản xuất gì không lùi được chăng. Xếp lịch gặp gỡ mọi người lắm lúc cũng trắc trở. Những lúc bạn bè được nghỉ thì mình lại đi làm, còn những lúc mình nghỉ… thì mọi người đều đi làm.
Thời gian biểu linh hoạt còn làm mờ đi thời gian nghỉ ngơi của chính mình. Sẽ không có lành ranh cụ thể “nine-to-five” giữa công việc và cuộc sống. “Vì buổi tối bình thường vẫn có lịch làm việc mà, nên thôi để tối làm cũng được”, hay cuối tuần làm việc cũng là điều bình thường luôn. Những lúc chính mình phải nghiên cứu sâu về đề tài, mình vẫn cặm cụi ôm máy từ sáng đến chiều rồi tối lại đi làm đó thôi.
Thú thực mình vẫn đang học cách để kỷ luật hơn, học cách cân bằng giữa cuộc sống và công việc khi những cam kết của cá nhân mình cứ liên tục bị xô đổ.
Lịch làm việc linh hoạt đòi hỏi tính kỷ luật cao độ và khả năng làm việc năng suất để tách biệt công việc và cuộc sống.

Áp lực deadline

Đảm bảo hoàn thành công việc đúng hạn trong thời gian ngắn, làm việc liên tục trong thời gian dài thực sự đem lại nhiều áp lực cho biên tập viên, phóng viên.
Nếu chương trình phát 8h tối, thì dù mình có đi quay muộn, có bị bùng phỏng vấn, có chưa dựng xong vì không có tư liệu quay tươi nên phải dựng từ từng hình ảnh thì cuối cùng… mình đều phải xoay xở để hoàn thành nộp file phát sóng đúng hạn.
Ở đài dựng đến 4h sáng, viết lời quá 12h đêm, hay làm việc xuyên lễ, bỏ bữa là chuyện như cơm bữa trong ngành này. Từ một người ăn đúng giờ và không bao giờ bỏ bữa trưa hay tối, giờ với mình hai chuyện đó không còn xa lạ nữa dù không phải quá thường xuyên.

Làm báo không đem lại sự giàu có

Nghề truyền hình thường được mọi người gắn với những gì hào nhoáng nhất. Tivi chỉ chiếu đến khán giả những anh chị MC với lớp trang điểm đẹp đẽ, áo quần chỉnh chủ. Thế nhưng đó không phải những người đại diện cho nghề truyền hình.
Phía sau đó là bao nhiêu anh quay phim, phóng viên ảnh vác máy nặng cả mấy cân trên vai, mồ hôi ướt lưng áo những ngày hè nóng bức. Phía sau đó là biên tập viên tối ngày nghiên cứu, liên hệ đề tài, viết lời, dựng hình. Và còn cả những anh chị kỹ thuật chau chuốt từng hình ảnh, âm thanh, những người kỹ thuật trực trường quay, những người chỉnh ánh sáng.
Những người đó không giàu, và cũng không hào nhoáng.
Nếu bạn muốn kiếm một nghề để làm giàu thì không nên làm báo. So với những người bạn của mình đang đi dạy tiếng Anh, đang đi làm truyền thông tập đoàn, làm phân tích dữ liệu hay kỹ sư công nghệ, mình đều không “giàu” bằng.

Thế nhưng điều gì khiến mình gắng sức trụ lại ở nghề này?

Nghề báo có điều gì khiến mình đam mê đến vậy?
Đây vẫn luôn là câu hỏi mình thường nghe và cũng thường hỏi bản thân?
Đến cuối ngày, chúng ta coi những ký ức và câu chuyện là kim cương. Để đến cuối ngày chúng ta nhìn lại và tự hào là chúng ta đã sống như thế. Thì rõ ràng là chúng ta là kỹ sư luyện kim đứng giữa mỏ vàng. Mỏ vàng ngay đây, xung quanh đây.
- Nhà báo Đinh Đức Hoàng - Have a sip

Đi tìm mỏ vàng trong những câu chuyện

Nghề báo cho mình được gặp nhiều nhân vật khác nhau.
Chậm chững làm những phóng sự kinh tế và văn hóa đầu tiên, mình được đi phỏng vấn, được nói chuyện với những nhân vật giám đốc, CEO, chuyên gia kinh tế, những nghệ nhân một làng đam mê trống quân, hay các bạn trẻ nỗ lực giới thiệu văn hóa truyền thống nước mình,… những người mà thật khó để được gặp và được lắng nghe câu chuyện của họ nếu mình làm một công việc khác.
Ước mong của mình chỉ là góp một giọng nói, dù nhỏ bé, để nhiều người biết đến hơn tới văn hóa phong phú và giàu bản sắc của nước mình. Và để đưa câu chuyện của những con người với tiếng nói còn nhỏ bé hơn mình tới nhiều người hơn.

Để rồi luyện chúng thành kim cương

Mình nhìn thấy ở mình sự ngưỡng mộ câu chữ của nhà báo đi trước. Khi đọc bài báo hay phóng sự khiến mình phải ồ lên vì hay, mình thật sự hy vọng một ngày nào đó mình có thể làm được như vậy.
Mình những mong có thể được kể cho mọi người về một nghề truyền thống đậm hương thơm như nghề ướp trà sen “thiên cổ đệ nhất trà” đất Hà thành của Vietnamnet, những muốn có thể kể một câu chuyện hay về những điều bình dị trong cuộc sống như quả sấu mỗi mùa về trên phố “Nếu quả sấu biết kể chuyện đời mình…” của chú Phạm Gia Hiền, những mong bàn luận thật sâu về một chủ đề như cách nhà báo Lê Hồng Lâm viết review mỗi mùa Oscar, hay những muốn có thể chia sẻ về một thực trạng xã hội được gần gũi và chạm như “Niềm tin vào đa cấp” của anh Đinh Đức Hoàng.
Không chỉ cho bản thân, mình muốn câu chữ của mình có thể chạm đến nhiều người hơn thế.
Thay vì nghỉ lễ năm ngày như mọi người, mình vẫn đi làm để lấy tin và dựng tin cho một tiểu mục văn hóa.
Mình được tham gia một workshop vẽ tranh Hàng Trống, dòng tranh thờ Tứ phủ. Mình đã tham gia một buổi chiếu phim nho nhỏ về câu chuyện của một thầy đồng trong tín ngưỡng mình chưa từng tìm hiểu. Và mình được lắng đọng trong một đêm thơ chủ đề Tình yêu, tín ngưỡng và nghệ thuật. Đó là một chuỗi hoạt động đa trải nghiệm khi “Mạnh dạn nói tiếng mới làm kiểu mới” của một nhóm bạn trẻ Hà Nội mong muốn giới thiệu tín ngưỡng Thờ mẫu tới nhiều người trẻ hơn nữa.
Và suy cho cùng, mình vui vì có thể đưa nỗ lực của các bạn đến với nhiều người hơn dù là phải đi làm vào ngày lễ.
—-
#WOTN #Vietdeuvahay #Week2
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
Nếu bạn quan tâm về hành trình học làm báo của mình và các kỹ thuật viết, thì hãy kết nối với mình qua đây nhé. Rất mong được gặp các bạn.