Xẻng đá lớn và sự phát triển tín ngưỡng thời đá mới ở Lĩnh Nam
Xẻng gì mà không dùng để xúc... Đầu tiên, người viết thành thật xin lỗi vì cái tít bài tương đối mị dân này. Nếu bạn đã click vào...
Xẻng gì mà không dùng để xúc...
Đầu tiên, người viết thành thật xin lỗi vì cái tít bài tương đối mị dân này. Nếu bạn đã click vào đây, thì thú thật đây là một bài viết về lịch sử và khảo cổ học với nhân vật chính là nền văn hóa xẻng đá lớn tồn tại ở nam Trung Quốc và bắc Việt Nam trong suốt thời kì đá mới xa lắc xa lơ, thời kì mà người ta chưa biết đến đường lưỡi bò và donate idol.
Những chiếc xẻng này chính xác thì không dùng để xúc, nhưng trước khi tìm hiểu xem chúng thật sự có công dụng gì, hãy cùng xem chúng là gì cái đã.
Năm 1952, khi đang tu sửa con đường đoạn đi qua Thái Bình, thị trấn Sùng Tả, công nhân làm đường đã phát hiện một chiếc công cụ đá được mài bóng. Giới khảo cổ học tỉnh Quảng Tây bấy giờ không biết là hiện vật gì, liền báo lên Bắc Kinh. Tuy nhiên, các chuyên gia ở Bắc Kinh cũng chưa từng gặp loại hình di vật này nên đã xếp nó vào loại “rìu đá có vai”.
Năm 1960, tại công trường quốc doanh Kim Quang huyện Phù Tuy, tỉnh Quảng Tây đã phát hiện hàng loạt công cụ đá xếp thành những cụm lớn, phạm vi di tích lên đến 2km vuông. Từ năm 1962 đến năm 1980 chỉ tính riêng tỉnh Quảng Tây đã phát hiện 36 di tích với hơn 1000 hiện vật, có những địa điểm phát hiện 400 di vật trên diện tích khai quật 600m2.
Giới khảo cổ học Trung Quốc đã buộc phải nhìn nhận lại loại hình di vật này, bác bỏ tên gọi "rìu đá có vai" và định danh lại chúng là "xẻng đá lớn". Họ cũng buộc phải thừa nhận rằng: tồn tại một nền văn hóa xẻng đá lớn với phạm vi phân bố khắp khu vực nam Trung Quốc với những loại xẻng không ở đâu khác có. Trung tâm của văn hóa này nằm trong phạm vi các huyện Long An, Phù Tuy, Vũ Ô, Ung Ninh, Sùng Tả của tỉnh Quảng Tây, tập trung ở ngã ba sông Tả Giang, Hữu Giang và Ung Giang với tổng diện tích 3000 km2.

Từ trung tâm này, văn hóa xẻng đá lớn lan tỏa theo bốn hướng, hướng đông tới Ngọc Lâm, Bắc Lưu, huyện Dung, Phong Khai, Úc Nam, Đức Khánh của tỉnh Quảng Đông. Hướng Nam tới Nam Minh, Hợp Phố, cho đến tận đảo Hải Nam và miền bắc Việt Nam. Hướng tây tới Đức Bảo, Tĩnh Tây, Lăng Vân. Hướng bắc tới Liêu Châu, Hà Trì. Khu vực này thường gọi là vùng Lĩnh Nam, nơi phát sinh văn minh Lạc Việt.
Xẻng đá được chế tạo chủ yếu từ các loại đá cứng như đá diệp thạch, đá phiến, một số ít là sa nham thô và mịn, đá vôi, cá biệt là đá lửa và đá ngọc. Phần lớn nguyên liệu được khai thác tại chỗ, ở những ngọn núi xung quanh nơi phát hiện.
Niên đại tuyệt đối của xẻng đá lớn được xác định thông qua phương pháp C14 với 3 mẫu than ở di chỉ Đại Long Đàm như sau:
+ 5910 ±105 BP điều chỉnh vòng cây là 6570±130 BP (Sở nghiên cứu khoa học kĩ thuật Bảo tàng Quốc gia tiến hành năm 1978)
+ 4750 ± 100 BP điều chỉnh vòng cây là 5320 ± 135 BP (Sở nghiên cứu khảo cổ học Viện Khoa học xã hội Trung Quốc tiến hành năm 1978)
+ 4375 ± 112 BP điều chỉnh vòng cây là 5300 ± 150 BP (Sở nghiên cứu khảo cổ học Viện Khoa học xã hội Trung Quốc tiến hành năm 1978)
Ở Việt Nam đã phát hiện 53 tiêu bản xẻng đá lớn tại Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình-những địa phương nằm trong vùng phân bố của văn hóa Hạ Long, văn hóa Mai Pha và văn hóa Hà Giang. Điều đáng tiếc nhất là tất cả xẻng đá ở Việt Nam đều phát hiện ngẫu nhiên chứ không phải là qua khảo sát, khai quật khảo cổ học, do đó hoàn toàn không có thông tin về địa tầng xuất lộ (cho những ai không biết thì địa tầng xuất lộ là một trong những thông tin VÔ CÙNG quan trọng trong khảo cổ học, thiếu nó thì những phán đoán về niên đại rất dễ bị lung lay).

Đọc đến đây, chắc hẳn các bạn đều hiểu lí do vì sao những chiếc xẻng này không dùng để xúc rồi chứ? Khó lòng mà xúc một chiếc xẻng dài tới 70cm và nặng vài chục cân được...Hơn nữa xẻng còn rất đẹp nữa chứ...
Tại Trung Quốc những năm 70-80 đã diễn ra hàng trăm cuộc bút chiến chỉ xoay quanh vấn đề công dụng của xẻng đá lớn. Một nhóm vẫn cho rằng xẻng đá là công cụ sản xuất nông nghiệp, một nhóm cho rằng đây là vật dùng trong nghi lễ nông nghiệp, lại có người cho rằng đây là tín vật hội thề giữa các liên minh bộ lạc vùng Lĩnh Nam.
Quan điểm của nhóm đầu tiên không được vững chắc cho lắm. Rất nhiều xẻng đá được phát hiện mà trên thân không hề có dấu vết sử dụng, kích thước to lớn của chúng cũng không phù hợp với việc xúc, đào đất, hơn nữa, nhiều xẻng được làm từ đá núi lửa, đá ngọc với bề mặt được mài bóng rất tỉ mỉ. Khó mà tin được những con người mới thoát thai từ kinh tế hái lượm lại dùng xẻng bằng ngọc để xúc đất...
Quan điểm thứ ba cũng bị đặt ra nhiều hoài nghi bởi chưa có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy khu vực Lĩnh Nam đã tồn tại liên minh bộ lạc.
Giới học giả ngày nay tạm thời chấp nhận giả thuyết khả tín nhất, xẻng đá lớn là vật dùng trong nghi lễ nông nghiệp, là biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực.
Các báo cáo khai quật ở nhiều di tích tại Quảng Tây cho biết các xẻng đá lớn này xuất lộ ở trạng thái nằm thẳng đứng theo chiều dọc, chuôi cắm xuống đất, lưỡi xẻng hướng lên trên. Xẻng đá nằm ngược là biểu tượng sinh thực khí của đàn ông. Người xưa tin rằng, có sự liên quan giữa khả năng sinh sản của con người và đất đai, do đó, họ hi vọng thông qua phương thức này truyền năng lực sinh sản vào đất, mang đến mùa màng bội thu. Hiện nay, một số dân tộc thiểu số ở Quảng Tây vẫn còn quan niệm như vậy
Nghi thức này có liên quan đến lửa, bởi vì các xẻng đá lớn khi phát hiện thường nằm cùng với các di tích tro thực vật, than củi và đất cháy. Người xưa lật ngược xẻng, cắm chuôi xuống đất rồi đốt một đống lửa lớn. Lúc này xẻng đá lớn đã mang chức năng là tế khí, thoát ly hoàn toàn chức năng thực dụng ban đầu của nó.
Sự tồn tại của xẻng đá lớn đã chứng minh 3 điều:
1- Cư dân Lĩnh Nam đã chuyển từ kinh tế săn bắt hái lượm sang kinh tế trồng trọt.
2- Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên chuyển dần sang tín ngưỡng phồn thực.
3- Một bộ phận cư dân đã thoát ly nông nghiệp, trở thành thợ thủ công. Xã hội bắt đầu có sự phân công lao động.
Trên thực tế, ở Việt Nam chưa phát hiện di tích có xẻng đá tập trung ở mật độ cao, cũng như chưa khai quật được những phác vật của công cụ này. Vì thế, các xẻng đá ở nước ta đều là sản phẩm trao đổi, buôn bán với khu vực nam Trung Quốc. Con đường trao đổi này diễn ra theo cả đường biển và đường bộ, bởi vì các tiêu bản xẻng đá ở nước ta chủ yếu phát hiện ở các tỉnh giáp biên hoặc trên các đảo của vịnh Bắc Bộ. Nó cho thấy cư dân khu vực nam Trung Quốc và bắc Việt Nam đã từng chia sẻ một nền văn hóa chung, hoặc chí ít, họ chia sẻ một niềm tin chung về việc sùng bái sự sinh sôi, nảy nở và tăng trưởng.
Tài liệu tham khảo:
Tiếng Việt:
1. Hoàng Xuân Chinh, Vũ thế Long, Trần Đình Nhân (1995): “Về chiếc xẻng đá ở Lộc Bình (Lạng Sơn)”, NPHMVKCH 1994, Nxb KHXH, tr.63-64
2. Hoàng Xuân Chinh, Nguyễn Hồng Hân (2008): “Phát hiện xẻng đá lớn ở Yên Thế (Bắc Giang)”, NPHMVKCH 2007, Nxb KHXH, tr.72-73
3. Hoàng Xuân Chinh, Nguyễn Văn Phẩm (2008): “Sưu tập đồ đá ở Hà Giang”, NPHMVKCH 2007, Nxb KHXH, tr.217
4. Sầm Cảnh Dũng, Chu Quế Ngân, Nguyễn Gia Quyền (2011): “Những chiếc xẻng đá mới phát hiện ở Lạng Sơn”, NPHMVKCH 2010, Nxb KHXH, tr.88-89
5. Lê Hải Đăng, Trần Tân Cường, Bùi Hồng Quang (2019): “Ghi chú về những chiếc xẻng đá ở bảo tàng Hòa Bình”, NPHMVKCH 2018, Nxb KHXH, tr.116
6. Chu Quế Ngân (2008): “Phát hiện những chiếc xẻng đá lớn tại Tân Hòa (Lạng Sơn)”, NPHMVKCH 2007, Nxb KHXH, tr.215-216
7. Bùi Vinh, Nguyễn Khắc Sử, Trình Năng Chung (1997): “Về chiếc xẻng đá ở Na Hang Tuyên Quang”, NPHMVKCH 1996, Nxb KHXH, tr.143-144
p/s: NPHMVKCH là viết tắt của Những phát hiện mới về khảo cổ học, được Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hành mỗi năm một cuốn vào tháng 9, nội dung tổng hợp tất cả những phát hiện mới về khảo cổ của năm trước đó.
Tiếng Trung Quốc:
1. Tưởng Đình Du, Bành Thư Lâm (1992): “Nghiên cứu văn hóa xẻng đá lớn Quế Nam”, Nam Phương văn vật số 1, tr.19-24
2. Đặng Siêu Hùng, Lý Quảng Quân (1991): “Nghiên cứu các di tích xẻng đá lớn ở Quế Nam”, Khảo cổ học và văn vật, tr.1
3. Đặng Siêu Hùng, Đặng Hải Ninh (2019): “Văn hóa xẻng đá lớn với sự phát sinh văn minh Lạc Việt”, Tạp chí Học viện Chủ nghĩa Xã hội Quảng Tây số 30-2019, tr.84-87
4. Mã Minh (2014): “Từ dao hình đầu cá tới xẻng đá lớn-Phân tích tín ngưỡng vùng Quế Nam thời tiền sử”, Quảng Tây bác vật quán văn tập, tập 11, Nxb Nhân dân Quảng Tây, tr.190-191

Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất