Mỗi di vật sẽ tự kể câu chuyện của riêng nó, đó là điều mà người viết bài này luôn tâm đắc kể từ khi bước chân vào trường. Cũng vì lẽ đó, bài này sẽ không cố gắng mô tả khung cảnh hoành tráng của mạng lưới trao đổi ở Đông Nam Á thời tiền sử mà chỉ kể về hành trình của những chiếc khuyên tai nhỏ xíu từ lúc nó còn là khối đá thô cho đến khi được nằm trang trọng trên đôi tai thiếu nữ xinh đẹp nào đó trong ngày vui nhất đời nàng.
Khuyên tai hai đầu thú (bicephalous)
Tuy nhiên, để tăng thêm phần kịch tính, bài viết sẽ không kể câu chuyện cổ tích theo mạch thời gian tuyến tính, mà đảo ngược toàn bộ quy trình đó. Giống như công việc của một thám tử, lần theo từng manh mối dù là nhỏ nhất để vén lên tấm màn lịch sử.
Nếu các bạn đã sẵn sàng, chúng ta sẽ cùng đến với hiện trường vụ án.
Phát hiện
Chiếc khuyên tai ba mấu đầu tiên được phát hiện bởi Henri Parmentier vào năm 1924 trong một ngôi mộ cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở miền trung Việt Nam, cái mà ông gọi là khuyên tai "hình quả lê, hai mặt phình ra, lỗ đeo lệch về một đầu, rìa ngoài chỉ có ba mũi nhọn". Liên tiếp sau đó, khuyên tai ba mấu thường xuyên xuất lộ trong các mộ chum ở Gò Mả Vôi, Lai Nghi (Quảng Nam), Cồn Ràng (Thừa Thiên-Huế), Giồng Cá Vồ (TP.HCM)... Bên ngoài Việt Nam, khuyên tai ba mấu cũng rất phổ biến trong các di chỉ tiền sử ở Batangas, Palawan, Kalanay, Samarongsen (Phillipine), đảo Lan Tự (Đài Loan), phía tây Campuchia, Ban Don Ta Phet, U Thong và Khao Sam Kaeo (Thái Lan)...
Không được êm ả bằng, sự xuất hiện của khuyên tai hai đầu thú đi kèm với vô vàn drama sau chúng. Việt Nam (rất vinh dự) tiếp tục là địa điểm đầu tiên phát hiện vào năm 1972 tại khu mộ táng Phú Hòa (Đồng Nai). Người phát hiện lúc đó - học giả Henri Fontaine-đã gọi đây là "khuyên tai" (boucle d'oreille) "có hình hai cái đầu" (figurine biceohale). Loại khuyên tai này tiếp tục xuất lộ trong các di chỉ Hàng Gòn (Đồng Nai), Xuân An (Nghệ An), Đại Lãnh (Quảng Nam)... Ở Đông Nam Á, nó xuất hiện khắp các đảo Luzon (Phillipine), Botel Botago (Đài Loan), U Thong, Khao Sam Kaeo (Thái Lan), Sarawak (Malaysia)... Khuyên tai hai đầu thú và vị trí của nó trong mộ chum di chỉ Giồng Cá Vồ (TP.HCM)
Drama đầu tiên nổ ra là cuộc tranh cãi về việc "Nó là cái gì?". Những năm 70-80, phần lớn học giả hoài nghi về việc định danh "khuyên tai" cho loại di vật này. Luận điểm được đưa ra là: khuyên tai này thường chỉ xuất hiện một chiếc, nó không phù hợp với tư duy đối xứng của người Sa Huỳnh. Drama này kết thúc vào năm 1994 với việc phát hiện một hiện vật hai đầu thú nằm nguyên vị ở một bên mang tai của hộp sọ người trong mộ chum thuộc di chỉ Giồng Cá Vồ.
Drama thứ hai "Nó là con gì?" thì vẫn chưa dừng lại. Quan điểm của Henri Fontaine và Edmond Saurin cho rằng đây là con lừa, Robert Fox cho rằng là con ngựa, Helmut Lsofs-Wissowa nhận định là con hươu cái. Trần Kì Phương, Hồ Xuân Tính, Trần Quốc Vượng đưa ra giả thuyết là con trâu. Phạm Văn Kỉnh, Trịnh Sinh, Tống Văn Huân, Liên Chiến Mĩ, Kano Tadao đều cho rằng đây là tượng dê đặc trưng bởi cặp sừng dài và chòm râu. Gần đây lại có thêm một quan điểm của Phạm Thị Ninh, Vũ Thế Long cho rằng đây là con sao la (pseudoryx nghetinhensis). Thôi, cứ tạm để đấy đã...chà...
Truy gốc
M.Colani là người đầu tiên cố gắng đi tìm nguồn gốc của khuyên tai có mấu. Bà cho rằng chúng bắt nguồn từ vỏ ốc trên tay tượng thần Vishnu và do đó chúng có nguồn gốc Ấn Độ và được thuyền buôn mang đến. Quan điểm này bị Hà Văn Tấn bác bỏ thẳng thừng, rất tiếc...Khuyên tai ba mấu phát hiện ở hang Duyong (Phillipine)
Có nhiều bằng chứng khảo cổ học khẳng định Việt Nam là quê hương của khuyên tai có mấu và khuyên tai hai đầu thú, đó là:
- Hơn một nửa số khuyên tai ở Đông Nam Á được tìm thấy ở Việt Nam.
- Khuyên tai ở Việt Nam đủ để xếp thành chuỗi loại hình phát triển từ sớm đến muộn.
- Phát hiện các di chỉ xưởng chế tác, nhiều phác vật và các khuyên tai chế tác ở Việt Nam.
Bằng việc lên được chuỗi phát triển, Kano Tadao đã vẽ được con đường thiên di của loại khuyên tai này. Ông cho rằng, khuyên tai ba mấu có nguồn gốc từ văn hóa Đông Sơn ở miền bắc Việt Nam. Nó đã lan tỏa ra khắp Đông Nam Á theo các con đường:
- Từ Đông Sơn đến Sa Huỳnh
- Từ Đông Sơn đến Đài Loan
- Từ Đông Sơn đến Hong Kong
- Từ Đông Sơn đến Sa Huỳnh rồi đến Phillipine
- Từ Phillipine đến Đài Loan
Đồng ý với con đường thiên di, nhưng bác bỏ quan điểm về nguồn gốc, Hà Văn Tấn cho rằng khuyên tai ba mấu có nguồn gốc từ khuyên tai bốn mấu của văn hóa Phùng Nguyên ( văn hóa tiền Đông Sơn)
Nguyên liệu ở đâu?
Phần lớn các khuyên tai có mấu và khuyên tai hai đầu thú được làm bằng đá nephrite xanh trắng hoặc xanh đen. Đây là một loại đá đơn chất hiếm, chỉ được hình thành trong các điều kiện địa chất cụ thể. Đầu tiên, đá gốc phải được hình thành và tồn tại trong suốt thời kì kiến tạo với nhiệt năng và áp lực rất lớn, bên cạnh đó, bản thân đá gốc phải chứa sẵn một hàm lượng lớn Manhe. Đá giàu Manhe cũng không hề phổ biến trong tự nhiên mà chỉ có trong đá cẩm thạch. Đó là lí do nephrite rất hiếm gặp và có giá trị gấp nhiều lần những loại đá thông thường khác.
Thông tin từ ngành địa chất cho biết, chỉ có 120 địa điểm trên thế giới được biết đến là có tồn tại đá ngọc nephrite tọa lạc tại 20 quốc gia. Ở Đông Á, nephrite có ở Siberia, Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Nhật Bản, Fengtian ở phía đông Đài Loan. Chưa có báo cáo nào về nguồn đá ngọc bích ở Đông Nam Á hải đảo, mặc dù cũng có những nguồn đá nephrite trắng ở miền nam Luzon và có thể là cả Việt Nam.
Điều đó có nghĩa là cả Việt Nam và Đông Nam Á đều không phải là quê hương của đá ngọc nephrite. Đã có những cuộc tìm kiếm mỏ nephrite trong các sông suối phía Bắc như Sơn La, Phú Thọ…hoặc trong các vỉa đá vôi nhưng đều không thu được kết quả. Khu vực mỏ đá vôi vùng Thủy Nguyên (Hải Phòng), Hoành Bồ, Đông Triều (Quảng Ninh) hay vùng núi đá vôi tây bắc Việt Nam được cho là có nhiều khả năng. Tuy nhiên, viễn cảnh về một mỏ đá nephrite ở Việt Nam vẫn là điều chưa chắc chắn cho đến thời điểm hiện tại và khả năng rất lớn nguồn đá nephrite ở Việt Nam đều là hàng ngoại nhập.
Chuỗi cung ứng thời tiền sử
Sử dụng phương pháp của khoa học kĩ thuật, các nhà khoa học đã xác định được rằng các sản phẩm ngọc bích ở Việt Nam và Đông Nam Á đều có nguồn gốc từ mỏ Fengtian (Phong Điền) ở đông Đài Loan. Tính đến năm 2013, hơn 100 hiện vật từ 10 di tích ở Đông Nam Á được xác định làm từ nephrite ở Fengtian. Những di tích đó nằm ở đảo Batanes, Luzon, Palawan, Sarawak, miền trung và nam Việt Nam, miền nam Thái Lan. Không có báo cáo về sự tồn tại của nephrite Fengtian ở miền bắc Việt Nam.
Điều thú vị là Đài Loan là quê hương của đá nephrite, nhưng đến tận bây giờ, chưa có bất cứ bằng chứng nào về việc khuyên tai ba mấu và khuyên tai hai đầu thú được chế tác thủ công ở Đài Loan. Ở đây chỉ phát hiện các khối đá nephrite xẻ vuông, chắc hẳn là đá nguyên liệu để trao đổi với các di chỉ xưởng ở Đông Nam Á qua đường biển. Ở Thái Lan và Việt Nam cũng đã phát hiện được những khối nephrite nguyên liệu này.Phác vật khuyên tai phát hiện ở đảo Lan Tự (Đài Loan)
Như vậy, đá nephrite được khai thác từ Fengtian, Đài Loan theo cách xẻ thành từng khối hộp hoặc khoan tách lõi thô, sau đó được vận chuyển qua đường biển để trao đổi với các nước Đông Nam Á. Tại đây, đá nephrite nguyên liệu sẽ được chế tác thành các loại khuyên tai có mấu hoặc khuyên tai hai đầu thú. Thành phẩm này trở thành món hàng hóa có giá trị gấp nhiều lần và được trao đổi ngược về Đài Loan, Hong Kong và một số nơi khác.
Từ khuyên tai nhìn về quá trình di dân ở Đông Nam Á
Phần lớn bộ sưu tập khuyên tai có mấu và khuyên tai hai đầu thú phát hiện được nằm trong các mộ táng quan tài hình chum (Phú Hòa, Hàng Gòn, Giồng Cá Vồ, Lai Nghi, Cồn Ràng…). Chúng ta biết rằng, cư dân Sa Huỳnh và Đông Nam Á hải đảo cùng chia sẻ truyền thống chôn cất này. Các khu mộ chum lớn đã được phát hiện tại Anyar ở phía tây Java, Ngrambe ở phía đông Java, Tebingtinggi ở phía nam Sumatra, Niah ở Sarawak (Malaysia), Cekik ở phía tây Bali, Kalanay, Makabog, Matungan, San Narciso, Palawan, Minadao (Phillipin).
Sự phân tán của mộ quan tài hình chum liên quan đến các trào lưu di cư của cộng đồng người nói ngôn ngữ Austronesian (Nam Đảo). Cộng đồng này đã sống ở miền trung Việt Nam từ những thời kì đầu và tạo ra một nền văn hóa địa phương được định danh là Tiền-Sa Huỳnh. Sự tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa là điều kiện thuận lợi để cư dân nói tiếng Nam Đảo mở rộng địa bàn sinh sống. Ngữ hệ này được cho là bắt nguồn từ Đài Loan và một nhánh con của nó là Malayo-Polynesian (Mã Lai-Đa Đảo) là ngôn ngữ chung của các cư dân Sa Huỳnh, Kalanay (Phillipin), Lan Tự (Đài Loan), Indonesia… Hành trình lan tỏa của khuyên tai ba mấu và khuyên tai hai đầu thú chắc chắn cũng gắn liền với quá trình thiên di này.
Cho những ai lười đọc
Thì đại khái bài này viết về việc phát hiện mấy cái khuyên tai bằng đá nephrite rất là đẹp trên toàn cõi Đông Nam Á sau đó chứng minh rằng mấy cái khuyên tai đấy có nguồn gốc từ Việt Nam. Mâu thuẫn ở đây là Việt Nam nói riêng và toàn cõi Đông Nam Á nói chung lại không có mỏ nephrite khiến cho các học giả hết sức đau đầu. Tạ ơn những tiến bộ của khoa học công nghệ đã giúp tìm ra nguồn nephrite thô từ Đài Loan và giải quyết bài toán cung ứng cho mặt hàng hết sức xa xỉ này. Phần cuối thì tác giả cố gắng giải thích sự lan tỏa của khuyên tai gắn liền với sự di dân ở Đông Nam Á thời tiền sử.
Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt:
1. Andreas Neckeice, Nguyễn Chiều, Lâm Thị Mỹ Dung (2002): Những phát hiện mới về văn hóa Sa Huỳnh: Khu mộ táng Gò Mả Vôi và vị thế của nó ở miền Trung Việt Nam, Linden Soft, Verlagsges, mbH, Koln, Cộng hòa Liên bang Đức.
2. Nguyễn Kim Dung và cộng sự (1995): “Đồ trang sức trong các mộ chum ở Cần Giờ (Tp.HCM)”, Tạp chí Khảo cổ học số 2-1995, tr.27-45.
3. Nguyễn Kim Dung(1998): “Truyền thống chế tác đồ ngọc ở Việt Nam thời tiền sử”, Tạp chí Khảo cổ học số 4-1998, tr.23-40.
4. Phạm Thị Ninh (1995): “Phải chăng khuyên tai hai đầu thú là biểu tượng của con vật thiêng Sao La và Quang Khem”, NPHMVKCH 1994, Nxb KHXH, tr.209-212
5. Trần Kì Phương, Hồ Xuân Tính (1987): “Về vật trang sức hai đầu thú trong văn hóa Sa Huỳnh”, Khảo cổ học số 3-1987, tr.54-57.
6. Hà Văn Tấn (1974): “Đóng góp vào lịch sử một kiểu khuyên tai”, Tạp chí Khảo cổ học số 15-1974, tr.19-34.
7. Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền (1995): “Khai quật di tích Giồng Cá Vồ (Cần Giờ, Tp.Hồ Chí Minh)”, Tạp chí Khảo cổ học số 2-1995, tr.3-19.
Tài liệu tiếng Anh:
1. Bérénice Bellina (2009): Late prehistoric South China Sea coastal people: Peninsular Thailand and Sa Huynh comminities, Hội thảo khoa học quốc tế 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, Quảng Ngãi 22-24/7/2009
2. Hsiao-chun Hung (2009): The Sa Huynh-Kalanay Interaction Sphere Beyond the South China Sea, Hội thảo 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, ngày 22-24/7/2009.
3. Hsiao-chun Hung, Yoshiyuki Iizuka (2013): “The Batanes Nephrite Artefacts”, in 4000 years of Migration and Cultural Exchange: The Archeology of the Batanes Island, Northern Phillipine, p.149-168
4. Iizuka, Y., H.C. Hung & P. Bellwood (2007): “A Noninvasive Mineralogical Study of Nephrite Artifacts from the Philippines and Surroundings: The Distribution of Taiwan Nephrite and the Implications for Island Southeast Asian Archaeology', in Janet E. Douglas, Paul Jett & John Winter (ed.), Scientific Research on the Sculptural Arts of Asia Proceedings of the third Forbes Symposium at the Freer Gallary of Art, Archetype Publications Ltd, London, pp. 12-19.
5. James W.Lankton (2009): Interprecting Sa Huynh glass: The Contribution of Quatitative Chemical Analysis, Hội thảo khoa học 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, ngày 22-24/7/2009
6. Peter Bellwood, Hsiao-Chun Hung, Yoshiyuki Iizuka (2011): Taiwan Jade in the Philippines: 3,000 Years of Trade and Long-distance Interaction', in Purissima Benitez-Johannot (ed.), Paths of Origins: The Austronesian Heritage in the Collections of the National Museum of the Philippines,the Museum Nasional Indonesia,and the Netherlands Rijksmuseum voor Volkenkunde, ArtPostAsia, Singapore, pp. 31-41.