Kể từ khi "thời trang nhanh" bắt đầu bùng nổ, ngành công nghiệp may mặc này mỗi lúc càng là mối nguy hại to lớn đối với môi trường xung quanh chúng ta. Khách hàng càng chuộng những món đồ giá rẻ nhưng hợp thời hơn đồng nghĩa với việc dễ dàng vứt bỏ chúng đi bất cứ lúc nào. Số lượng quần áo bị chôn vùi trong đống rác thải gia tăng nhưng chỉ khoảng chừng 20% trong số đó được đem đi tái chế. Chưa kể đến quy trình sản xuất tiêu tốn nguồn tài nguyên mà cũng thải ra nhiều chất độc hại, nhân công bị đối xử bất công, bốc lột sức lao động, cơ sở vật chất tồi tàn,...
Chính vì thế, với tư cách là người tiêu dùng, chúng ta phải hành động ngay bây giờ để dần ngăn chặn mối hiểm họa này.
Sau đây là những cách giúp bạn "refresh" lại tủ quần áo của mình, góp phần đẩy mạnh thời trang bền vững đồng thời giúp bạn có được một tủ đồ toàn những món có tính ứng dụng cao, linh hoạt, không cần phải suy nghĩ "Sáng nay nên mặc gì?".
Nguồn: Pinterest
1. Dọn dẹp tủ đồ của bạn
Việc đầu tiên bạn cần làm đó chính là dọn dẹp đống bừa bộn của chính mình. Hãy mở tủ ra và bạn ngạc nhiên chưa? Có bao nhiêu chiếc áo của bạn bị xếp chồng lên nhau, nhăn nheo, bám bụi, có những món đồ còn cả nhãn mác hoặc bạn mới mặc một lần.
Đầu tiên, bạn hãy lựa chọn ra những món mà mình hay mặc. Đây là những bộ đồ "đinh" của bạn, bạn mặc chúng hằng ngày, bạn mặc chúng đi làm, đi học hay đi chơi. Đó là những chiếc áo mang lại cho bạn sự thoải mái và tự tin và dễ phối đồ nữa. Tin tôi đi, bạn có rất nhiều đồ nhưng không sử dụng hết cả tủ trong một tuần được đâu!
Tiếp theo, hãy lược bỏ hết tất cả những món đồ bạn không còn nhu cầu dùng đến. Đây là những món đồ bạn không còn thấy thích nữa hoặc là không còn vừa vặn với bạn. Hay là chiếc váy bạn mua trên mạng nhưng hàng thực tế không như mong muốn nên bạn quyết định cho nó "tồn kho" luôn.
2. Cách "bỏ" quần áo không còn dùng
Sau khi đã lược bỏ tất cả quần áo không còn sử dụng, bạn đừng vội nghĩ đến việc vứt chúng vào thùng rác. Hãy làm những cách sau để duy trì tuổi thọ cho bộ đồ:
- Đem cho những người cần: em gái, em trai, dì, chú, bác, người thân, bạn bè,...
- Đem bán lại: bạn có thể sử dụng trang cá nhân của mình để đăng tải bán lại món đồ, bất kể là facebook hay instagram. Hay hãy thử hỏi người bạn thân của bạn xem họ có muốn trao đổi đồ với bạn.
- Đem đến những cửa hàng secondhand (hàng đã qua sử dụng).
- Đem đến những tổ chức từ thiện có quyên góp quần áo mà bạn biết.
- Kiểm tra xem nhãn hiệu của chiếc áo bạn mua có chính sách đem trả đồ cũ để tái chế lại hay không?
3. Mua sắm khôn ngoan
Trước khi quyết định mua một món đồ tại một nhãn hàng nào đó, bạn nên tìm hiểu kỹ xem nhãn hàng có đáp ứng những tiêu chí "xanh" sau đây:
- Chất liệu mà nhãn hàng sử dụng có thân thiện với môi trường.
- Quy trình sản xuất có tiêu tốn nguồn tài nguyên cũng như gây ô nhiễm môi trường.
- Họ có đảm bảo những quyền lợi của công nhân, có bóc lột sức lao động, cơ sở sản xuất có tốt,...
Lưu ý: vì "thời trang bền vững" hiện giờ đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm đến nên có những thương hiệu đã greenwashing. Đây là hình thức marketing lừa khách hàng rằng họ là thương hiệu "xanh". Nhưng trong quy trình sản xuất của họ vẫn chưa có đạo đức. Theo tôi việc ra mắt một vài bộ sưu tập "tái chế" hay chất liệu tự nhiên chưa chứng minh được nguyên thương hiệu "xanh".
Nguồn: Pinterest
Khi đã chọn được nhãn hàng "xanh" của bạn, đây là lúc bước vào cửa hàng và lựa chọn sản phẩm. Sau đây là một số tiêu chí để chọn một sản phẩm "bền vững":
- Bạn đã có một món đồ tương tự như vậy chưa?
- Chất liệu, vải có bền lâu không? Có sử dụng được lâu dài không?
- Món đồ sử dụng được trong nhiều hoàn cảnh và điều kiện khác nhau. Nó có thể mặc trong nhiều mùa, trong ít nhất một năm tới mà không lỗi mốt.
- Màu sắc, thiết kế sản phẩm có dễ phối với những món đồ còn lại trong tủ của bạn.
- Nó có vừa vặn với bạn hay mang lại cho bạn cảm giác thoải mái.
Còn khi bạn lựa chọn mua sắm trên mạng thì sao? Bạn cũng có thể sử dụng những tiêu chí trên nhưng hãy chắc chắn rằng bạn đã xem qua chính sách đổi trả (trên trang web của nhãn hàng). Vì bạn không thể chạm, mặc thử, xem hàng thực tế khi mua sắm online nên khi mua về, bạn vẫn có thể đổi trả nếu không vừa ý.
4. Đừng vội mua món đồ đấy
Mua sắm để giải tỏa buồn vui, thấy chiếc quần đó đang "on trend" nên quyết định mua luôn mà không  biết là bạn đang còn bao nhiêu chiếc quần bạn vẫn chưa mặc. Internet phát triển đến nỗi bạn có thể ấn mua một món đồ rất dễ dàng và tiện lợi, cùng với những khuyến mãi hấp dẫn lên đến 50% thì lí do gì bạn lại không mua? 
Tất cả những điều trên đều dẫn đến sự tồn tại của nhiều món đồ mà bạn không hề biết bạn đã mua. Cũng như vì giá thành không quá đắt nên bạn cũng chả ngại vứt bỏ chúng. Nhưng một điều bạn không biết đó là những hành vi của bạn đã góp phần đưa ngành thời trang lên cùng danh mục với những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất thế giới!
Nguồn: Pinterest
5. Kết lại
"Thời trang bền vững" không còn là một xu hướng nữa, mà nó chính là giải pháp cho tất cả những gì đang xảy ra với ngành may mặc. Chúng ta là những người tiêu dùng hằng ngày, vì thế, sự thay đổi nằm ở chúng ta!
Tiếng nói của bạn có thể thay đổi tất cả. Nguồn: Pinterest