Hôm trời mưa to, lúc dừng đèn đỏ ở Ngã Tư Sở, mình bắt gặp em bé bán kẹo vẫn đang ngồi. Điều khiến mình ngạc nhiên thứ nhất, trái với khung cảnh nháo nhào của Hà Nội những ngày trời mưa, người ta ngược xuôi hối hả chen lấn, cậu bé ngồi trên mép bồn hoa, thơ thẩn nghịch ngợm với mấy giọt nước. Mình lần tìm trong túi chút tiền lẻ và một chiếc kẹo, đưa cho em. Điều ngạc nhiên thứ hai, em nhận chúng bằng hai tay, hết sức trân trọng, cúi đầu và nói lời cảm ơn. Điều đó mình chưa gặp ở những người lớn thi thoảng hay ngồi cùng chỗ với em, họ nhận tiền của người đi đường một cách thản nhiên, không dám nhìn vào mắt và đôi khi là cả lấm lét. 
Chiếc ảnh vào một hôm cũng trời mưa, đứng gặm que kem chanh bạc hà bên hồ Gươm.
Cái cúi đầu đó lại làm mình nhớ về một người bán rong khác. Người mà mình gặp ở trong chợ Cồn ở Đà Nẵng, lúc đang lê la ăn mì Quảng trước khi ra sân bay. Anh bán tăm bông. Mình hỏi giá bao nhiêu, anh trả lời là: 3.000 đồng và cười rất tươi, dù phát âm còn không hẳn tròn tiếng. "Em mua 2 gói ạ.", "2 gói thì còn 5.000 đồng". Bạn mình ngồi bên cạnh, lấy tiền lẻ dúi vào tay anh. Anh đưa thêm 2 gói tăm bông thì bạn lắc đầu không lấy. Thế là anh trả lại tiền. Cúi đầu nói cảm ơi rồi đi mất.
Những cái cúi đầu đó bao hàm cả sự tự trọng lẫn trân trọng, tự trọng chính bản thân họ, trân trọng người đối diện và trân trọng cuộc đời.
Tự trọng nghĩa là biết coi trọng mình, nhưng không phải theo nghĩa vị kỷ (chỉ biết đến danh lợi cùa bản thân mình) mà là coi trọng phẩm giá/đạo đức của mình. Một người có tự trọng hay không cũng thường được thể hiện qua câu trả lời hay qua hành xử của anh ta cho những câu trả lời như: “Điều gì khiến tôi sợ hãi/ xấu hổ?”, “Điều gì khiến tôi tự hào /hạnh phúc?”...                             Trích "Đúng việc" - Thầy Giản Tư Trung.
Hơn cả những cái cúi đầu hữu hình đó, cuộc đời còn rất nhiều những "cúi-đầu-vô-hình".
Giống như cuộc hôn nhân hơn sáu mươi năm của ông bà, ba mươi năm của bố mẹ. Cứ sai rồi sửa. Mình nhìn thấy họ rất nhiều lần nuốt cái tôi vào trong, vô vàn lần bao dung nín nhịn, và cả những lần vừa khóc vừa xin lỗi nhau. Chưa hẳn vì ai đó sai, chưa hẳn vì cần phân chia rõ ràng lầm lỗi, mà chỉ là muốn sống với nhau lâu dài, nhất định phải biết cách bỏ qua.
Giống như ở chỗ làm, mấy anh em suốt ngày tranh luận này nọ, công việc lúc nào cũng phải ra ngô ra khoai, thậm chí có lúc đến tuồng gay gắt. Mọi người đôi lúc hết sức ngạc nhiên vì bình thường chúng mình hỉ hỉ hả hả, nhưng vào guồng là "quyết liệt" như vậy. Dù thế thì tuyệt nhiên, không ai để bụng, và chẳng giận dỗi nhau. Sếp rất nhiều lần xin lỗi tụi mình, mình với San thì thi thoảng nhắn tin xin lỗi sếp. Chúng mình cứ xin lỗi nhau hoài vậy đó, vì cái cuối cùng hướng đến vẫn là lợi ích chung của tất cả mọi người.
Giống như một người chị của mình hay nói, dù chồng chị hay mọi người rất quá đáng, có lúc chửi bới miệt thị chị, nhưng chị vẫn không thể nặng lời với họ. Vì chị không thoải mái khi nói những lời làm tổn thương người khác. Mình vẫn nói với chị, như vậy là chị mạnh hơn những người làm đau chị rất nhiều rồi. Sự yếu thế bề ngoài đấy chỉ cho thấy rằng, chị có năng lực buông bỏ và tha thứ hơn thôi.
Chiếc mặt trời xuyên tán cây ở cà phê Cuối ngõ
Giống như hôm rồi, ngồi nói chuyện với một chị khách hàng. Chị đã khiến mình rất ấn tượng ngay từ lúc đầu vì phong cách rất vui vẻ, xởi lởi. Chị bảo chị kinh doanh hữu cơ ở tỉnh, giai đoạn đầu vô cùng khó khăn, lỗ triền miên vì sản phẩm đắt, người dân chưa hiểu hết về giá trị. Giờ tiêu dùng xanh phổ biến hơn, mới bắt đầu có lãi đôi chút. Chị thì vẫn hăng hái làm, vì mong ước để lại cho thế hệ sau màu xanh. Mình vẫn nhớ câu chị nói với mình: "Phải có hi sinh, mới có hòa bình. Ai dám hi sinh? Mới là điều đáng nói!" Bỏ đi quyền lợi của mình, vì những giá trị lớn lao hơn. Trò chuyện với chị, có thêm thật nhiều công lực. Nó cũng là những giá trị thật và bền vững mà chúng mình đang theo đuổi. Dù có thể không hào nhoáng, không giàu sang, nhưng là sống thật với bản thân mình nhất. 
Còn trong cuốn Phật học tinh hoa, cụ Nguyễn Duy Cần có viết:
Thân ta là gì? Hay nói một cách khác, đời sống sinh lý của ta là gì, nếu không phải là sự kết hợp của bốn chất: chất đặc như thịt xương; chất lỏng như nước mắt, mồ hôi, máu me; chất nóng như nhiệt độ; chất động như hô hấp vận chuyển... Nhà Phật gọi là tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong).
Tỉ như, khí trời ngoài ta, gọi là của ngoại cảnh. Hít vào phổi lại biến thành của ta... Nhưng khi ta thở ra, thì lại biến thành ngoại cảnh. Còn cây cỏ, nếu lại hút lấy cái hơi thở ấy của ta kian, thì lại gọi là của cây cỏ.
Những chất khác như chất lỏng, chất nóng, chất cứng (thủy, hỏa, địa) cũng một thế: thoạt là của ngoại cảnh, thoạt là của ta... Như vậy, thật sự nó là của ai? Tại sao lại nhất định gọi nó là của Ta và gọi nó là của Ta?
Lại, nếu bốn chất ấy rời nhau, thì mỗi thứ trở về mỗi loại của nó, và như vậy thì còn "cái gì" ở lại để được gọi là Ta nữa!
Cho nên cái mà chúng ta thường gọi là cái Ta sinh lý chỉ là một giả tưởng thôi.
Hay như những câu nhạc Trịnh mình vẫn hay lẩm nhẩm:  "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi trở về cát bụi..."
Nếu cái thân này vốn dĩ chỉ là một mệnh đề giả tưởng, thì việc "Trâu chậm uống nước đục" có còn quá quan trọng hay không?
Mình vẫn nghe đâu đó, người ta rủ rỉ vào tai nhau " Ta chỉ sống một lần trên đời" hay " Người không vì mình trời chu đất diệt" . Nhưng mình cũng được dạy rằng: " Lùi một bước biển rộng trời cao".
Lùi một chút thấy rất nhiều là xanh :D
Và đây là phần kết: