Khi bác sĩ trở thành bệnh nhân
Giờ đây tôi mới nhận ra mình thực sự biết quá ít. Ảnh: Jub Rubjob/Getty Images "Tại sao lại là tôi?" Tôi thường xuyên...
Giờ đây tôi mới nhận ra mình thực sự biết quá ít.
"Tại sao lại là tôi?"
Tôi thường xuyên nghe thấy câu hỏi này từ phía bệnh nhân mỗi khi tôi thông báo rằng họ đã bị ung thư. Mọi người muốn biết lí do. Liệu có phải họ đã làm gì sai hay không? Hay là do cây phả hệ? Họ có hút thuốc hay uống rượu quá nhiều không? Họ có nên tập thể dục nhiều hơn hay không? Còn yếu tố di truyền thì sao? Ung thư là một căn bệnh phổ biến, nhưng nó vẫn chẳng thể trở nên dễ hiểu ngay cả khi xảy đến với chính bản thân bạn.
Vào ngày 13 tháng Chín — chỉ chín tháng trước — tôi tỉnh dậy sau một cuộc nội soi đại tràng (colonoscopy), còn vợ tôi rũ rượi dựa vào rào chắn mà khóc nức nở. Vợ tôi, một bác sĩ X quang tại Harvard, là trụ cột của gia đình chúng tôi. Trong suốt cuộc hôn nhân hơn 20 năm của chúng tôi, tôi chưa từng thấy cô ấy khóc nhiều đến thế này. Cô ấy đã mang tin dữ đến sát tai tôi: người ta đã phát hiện ung thư đại trực tràng (colorectal cancer - CRC) trong quá trình thực hiện ca phẫu thuật nội soi của tôi.
Tôi mới 48 tuổi. Tôi khỏe mạnh và không mang yếu tố rủi ro. Tại sao lại là tôi?
Tôi là một bác sĩ phẫu thuật ung thư vú đang công tác cho Bệnh viện Brigham and Women’s trứ danh và Viện Ung thư Dana-Farber tại Boston. Tôi đã cống hiến toàn bộ sự nghiệp chuyên gia của mình — cả một lượng lớn thời gian ngoài giờ — để điều trị cho những phụ nữ (và một số nhỏ đàn ông) bị ung thư vú. Tôi thích nghĩ về mình như một bác sĩ biết đồng cảm, và lí lịch nghề nghiệp đã chứng thực rằng tôi là một bác sĩ phẫu thuật tài năng. Tôi tập trung vào việc xác định những liệu trình điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân ung thư vú giai đoạn đầu, và tôi là một người ủng hộ chủ trương điều trị ít xâm lấn để hạn chế những chi phí điều trị sức khỏe không cần thiết cho bệnh nhân. Trong suốt mười sáu năm hành nghề, tôi ước chừng đã chăm sóc cho vài nghìn người và luôn học được điều gì đó từ hành trình chống chọi với ung thư của mỗi người. Nhưng kể từ khi tiếp nhận chẩn đoán và bắt đầu liệu trình điều trị của riêng mình, tôi mới nhận ra mình thật sự biết quá ít.
Vào cái ngày ca phẫu thuật nội soi đại tràng của tôi diễn ra, y tá có hỏi tôi vài câu về hồ sơ bệnh án:
Tôi đã bao giờ tiếp nhận phẫu thuật chưa? “Chưa”.
Tôi có đang dùng thuốc không? “Không”.
Tôi đã từng nhập viện chưa? “Chưa”.
Cuộc hỏi đáp cứ mãi kéo dài như vậy. Tất cả các câu trả lời của tôi đều là “Không”, và trong một số trường hợp, tôi còn muốn nói, “Đương nhiên là không rồi, tôi luôn thực hành theo những gì mình chỉ dạy cho người khác mà”. Dù vậy, tôi đã phải đón nhận một cuộc phẫu thuật nội soi đại tràng sớm hơn hai năm so với những người đồng trang lứa. Tôi đáng lẽ phải nhận ra có gì đó không ổn.
Sang mùa hè, tôi bắt đầu bị tiêu chảy, và số chỉ trên cân cứ thế giảm dần mà không đòi tôi cố gắng. Tôi bắt đầu thấy người mệt nhừ và kiệt sức khi trong những chuyến đi bộ thường lệ vào cuối tuần. Tôi yêu quần vợt, nhưng tôi không còn chạy theo đón bóng được nữa. Có đôi lúc, tôi thậm chí phải chợp mắt sau khi tập thể dục. Tôi bắt đầu đổ lỗi cho công việc toàn thời gian của mình, tôi đổ lỗi cho chương trình MBA năm hai của Trường Quản trị MIT Sloan - một trong những chương trình MBA khắt khe nhất thế giới. Tôi gán những triệu chứng của mình cho nhiều lí do nhất có thể, ngoại trừ một tình trạng y tế thực tế. Tôi, hơn ai hết, đáng lẽ phải biết được điều này sớm hơn.
Tôi giờ đã có thể tự mình chứng thực, rằng việc phát hiện ra ung thư là một loại sợ hãi vô song.
Khi các triệu chứng mãi không chịu cải thiện, tôi đã thu xếp một cuộc phẫu thuật nội soi đại tràng, nhưng lại bỏ ngỏ đến tận cuối hè. Bởi vì hai vợ chồng tôi đều là bác sĩ, cho nên chúng tôi rất bận. Chúng tôi cần lên kế hoạch trước cho kì nghỉ, và chúng tôi đã quyết định sẽ đi du lịch với các chàng trai của mình, một 19 và một 17. Giờ đây, mỗi khi nhìn lại, tôi luôn cảm thấy đây là một quyết định tốt, bởi chúng tôi đã có rất nhiều kỉ niệm tuyệt đẹp trong mùa hè ấy.
Tôi giờ đã có thể tự mình chứng thực, rằng việc phát hiện ra ung thư là một loại sợ hãi vô song. Nói chung là tôi chẳng còn quan tâm xem mình biết được bao nhiêu về ung thư nữa. Tôi sợ. Và vợ tôi cũng sợ. Khi được chẩn đoán, tôi không còn nhớ chính xác các bước điều trị hay các yếu tố liên quan đến việc điều trị, cũng như rủi ro ung thư lan rộng hoặc tái phát sau khi kết thúc liệu trình.
Vị bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa rất kinh khủng, nhưng lại vô cùng thẳng thắn. Chúng tôi sẽ nhận được kết quả chẩn đoán đầy đủ vào sáng hôm sau, nhưng mọi thứ đã rành rành trước mắt: ung thư. Ung thư đại trực tràng không thuộc phạm vi chuyên môn của tôi, và ngay lập tức tôi thấy mình đang đứng ở vị trí của những bệnh nhân đã từng nghe những thông tin như này khi chúng nhảy khỏi đầu lưỡi của tôi. Kế hoạch là gì? Ai sẽ đảm nhiệm việc điều trị cho tôi? Chúng tôi nên nói thế nào với các con của mình đây?
Trở thành bác sĩ phẫu thuật ung thư tại một trong những hệ thống bệnh viện ung thư tốt nhất thế giới là một niềm hạnh phúc lớn lao, nhưng đồng thời cũng ẩn chứa một lời nguyền nho nhỏ. Tôi đã ngay lập tức xác định đội ngũ lí tưởng cho mình — cả bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ chuyên khoa ung thư và bác sĩ trị liệu bức xạ đều là đồng nghiệp lâu năm của tôi. Họ thu xếp lịch scan phân đoạn cho tôi để xem xem liệu ung thư có di căn hay không — hệt như những gì tôi sẽ làm cho bệnh nhân của mình. Và tôi được bảo rằng hãy tiếp tục sống cuộc sống thường nhật của mình cho đến khi nhận được hồi âm. Tôi đã nói câu này bao nhiêu lần với bệnh nhân của mình nhỉ?
Tôi vẫn đến lớp học tại MIT như thường lệ trong thời gian chờ đợi kết quả. Tôi nghĩ về những bệnh nhân đã từng chờ đợi cuộc gọi từ mình. Tôi chẳng nhớ được gì suốt buổi học, có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi ở nhà. Vợ tôi đã không đợi được nữa, và em đã gọi cho bác sĩ phẫu thuật của tôi. Bệnh ung thư của tôi không có di căn — nghĩa là nó không lan sang các bộ phận khác trong cơ thể tôi — do đó có thể coi là có thể chữa khỏi, nhưng việc điều trị cần trải qua vài bước và sẽ lấy mất của chúng tôi rất nhiều tháng. Vợ tôi đã báo tin này cho tôi ngay khi tôi vừa về tới nhà. Tôi thấy nhẹ nhõm vì ung thư không di căn, nhưng tôi vẫn tức giận. Vợ tôi nói rằng tôi sẽ ổn. “Anh biết,” tôi trả lời. Nhưng cớ sao tôi không cảm thấy vậy?
Cũng như nhiều người khác, vào cuối tuần ấy, hai vợ chồng đã cố gắng “diễn” cho tự nhiên hết mức có thể, nhưng màn kịch của chúng tôi đã sụp vỡ. Chúng tôi buộc phải nói ra sự thật, bởi con trai 17 tuổi của tôi đã bắt đầu hoài nghi rằng có gì đó không ổn và liên tục hỏi mẹ nó có khóc không — và nó luôn nhận được một câu trả lời phủ định. Vợ tôi gọi cho con trai lớn, em nói em nhớ thằng bé rất nhiều và muốn được nhìn thấy thằng bé. Con trai lớn của chúng tôi đã từ trường đại học trở về nhà vì nghĩ rằng gia đình cần có một khoảng thời gian dành cho nhau và cùng xem các trận đấu của đội Patriots. Nhưng thay vào đó, chúng tôi đã bảo các chàng trai ngồi tại bếp ăn và thông báo tin dữ cho chúng. Tất cả chúng tôi đều khóc, ngoại trừ con trai lớn. Thằng bé nhìn chúng tôi hệt như cách chúng tôi nhìn bệnh nhân của mình, “Bố à, rồi bố sẽ khỏe lại thôi.” Thằng bé làm sao mà biết được? Và tại sao nó có thể mạnh mẽ đến mức ấy?
(T/N: New England Patriots là một đội bóng bầu dục chuyên nghiệp của Mỹ có trụ sở tại khu vực Greater Boston.)
Ngày hôm ấy, chúng tôi đã khóc rất nhiều. Tôi chẳng nhớ gì nhiều về ngày đó, ngoại trừ nước mắt của chúng tôi và bàn thua thảm hại của Pats tại Jacksonville. Patriots không phải một tuyển hay thua đâu, nhưng vào ngày cuối tuần ấy, họ đã thua, thua thảm hại, và tôi thấy mình giống họ.
Thứ Hai tuần tới, tôi cùng vợ mình đến Viện Ung thư nơi tôi đang công tác, nhưng với tư cách một bệnh nhân. Tôi bước xuống tầng Bảy — tầng ung thư trực tràng — thay vì tầng Chín, nơi tôi thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân của mình. Tôi không biết phải làm gì với thẻ bác sĩ của mình — tiếp tục đeo hay tháo ra thì tốt hơn nhỉ? Lần đầu tiên đeo vòng tay bệnh nhân là một trải nghiệm hạng xoàng. Họ thật sự không nên biết tôi là ai sao? Giờ đây, tôi chỉ còn là một trong rất nhiều cái tên được viết trong danh sách cần điều trị y tế. Vợ chồng tôi được dẫn tới phòng hẹn, một căn phòng thật lạ nơi tôi phải cố hết sức để ngăn bản thân mình ngồi vào ghế “bác sĩ”.
Đội ngũ của tôi triển khai về kế hoạch điều trị: hóa trị 16 tuần, sau đó là 6 tuần kết hợp hóa trị và xạ trị, cuối cùng là phẫu thuật. Liệu trình này sẽ lấy mất 12 tháng của tôi.
Khi tôi gặp một bệnh nhân lần đầu tiên, tôi luôn luôn nôn ra cả mớ số liệu thống kê: những dự đoán, liệu pháp có tỉ lệ sống sót cao nhất, ước lượng biến chứng của các loại phẫu thuật khác nhau, và phần trăm tái phát. Nhưng đến khi phải lắng nghe kế hoạch điều trị của chính mình, tôi lại chẳng bỏ nổi dù chỉ một con số vào tai. Tôi không muốn nghe tiên lượng của bác sĩ, tôi cũng chẳng muốn đoái hoài đến tỉ lệ sống sót 5 hay 10 năm. Bất kể những số liệu này có thế nào đi chăng nữa, rồi thì tôi vẫn sẽ nhận được một loại điều trị tương tự và sống một cuộc đời tương tự mà thôi. Tôi chỉ cần nghe một lời duy nhất: “có thế chữa khỏi”.
Có lẽ vài bệnh nhân còn chưa chuẩn bị sẵn sàng để nghe một đống số liệu ngay từ buổi hẹn bác sĩ đầu tiên, cũng có thể họ chỉ đơn giản muốn biết — theo cách nói bình dân — rằng liệu họ có ổn không. Đôi khi các bác sĩ muốn thông tin cho bệnh nhân về tất cả các tình huống có thể xảy ra. Một khi trở lại với công việc, tôi chắc chắn sẽ hỏi bệnh nhân của mình về những gì họ muốn được nghe.
Tôi bắt đầu đặt câu hỏi cho bác sĩ, rằng tôi nên làm thế nào để cân bằng việc điều trị với những gánh nặng trách nhiệm đối với bệnh nhân, trường học và hoạt động nghiên cứu của mình. “Anh cần ưu tiên mình vào vị trí đầu tiên, Mehra”, vợ tôi đã nói như vậy. Nghiệt ngã làm sao, khi một bác sĩ phẫu thuật nghe được rằng anh ta cần phải dừng việc phẫu thuật lại. Đau đớn làm sao, khi một bác sĩ ung thư không thể chữa trị cho các bệnh nhân ung thư của mình, bởi chính anh ta cũng đang phải chiến đấu với tai họa này. Tôi không thể tiếp tục làm việc trong khi tiếp nhận hóa trị sao? Hoặc ít nhất là gặp mặt bệnh nhân trong phòng khám? Nhưng lời khuyên của tất cả mọi người đều là, “Mehra, anh phải dừng lại.”
Tôi được bảo rằng tôi có thể sẽ bắt đầu tiếp nhận điều trị từ tuần tới.
Một trong những phần việc khó nhất khi có được chẩn đoán là quyết định xem mình nên cho ai biết. Tôi báo tin này cho các đồng nghiệp có cùng chuyên môn ung thư vú, tôi nói cho gia đình, bạn bè thân thiết, những người cùng lớp và giáo sư tại MIT của tôi. Mọi người phản ứng theo những cách rất khác nhau — có vài người phản ứng chán lắm đấy. Nhưng tôi đã biết được rằng có rất nhiều người luôn yêu quý tôi, và sự thật ấy đã giúp tôi quên đi những người khiến bản thân tôi và gia đình thất vọng.
Có rất nhiều bệnh nhân đã đặt lịch phẫu thuật với tôi. Trước khi tôi tiếp nhận tiểu phẫu vào cuối tuần, tôi đã cố gắng thực hiện nhiều ca nhất có thể. Đối với phần còn lại, tôi đã phải gọi điện trực tiếp và thông báo cho họ về tình trạng của mình. Đó là những cuộc điện thoại khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Khi cuộc gọi “cuối cùng” kết thúc, tôi cho những người trong phòng mổ biết kết quả chẩn đoán của tôi. Tin tức lan nhanh như lửa cháy trong rừng. Mọi người đều biết tôi bị ung thư.
Vài ngày sau, bác sĩ quyết định một ống thông tĩnh mạch nên được đặt dưới da tôi để bắt đầu hóa trị. Ống thông này được đặt dưới da để thuốc có thể dễ dàng chạm tới tĩnh mạch của người bệnh. Nhiều bệnh nhân của tôi đã thực hiện tiểu phẫu này, và tôi đã luôn nghĩ đó là chuyện nhỏ. Ái chà, hóa ra tôi ghét nó. Nó trở thành một huy hiệu của ốm đau, thứ luôn nhắc nhở tôi rằng tôi đang bị ung thư. Tôi nhìn thấy nó, tôi triền miên cảm nhận nó. Khi trở lại làm việc, tôi sẽ nhớ kĩ cảm giác này.
Bệnh viện nói sẽ gọi cho tôi để hướng dẫn những việc cần làm trước khi tiến hành cấy ống thông tĩnh mạch. Tôi đã chờ, nhưng điện thoại vẫn lặng thinh. Vì vậy, tôi phải tự mình gọi cho họ. Hai lần. Sao họ có thể quên được cơ chứ? Chúng ta thường được nghe những câu đại loại như “Tự chăm sóc bản thân là trách nhiệm quan trọng của mỗi bệnh nhân”, và thật kì lạ khi được trải nghiệm điều này với một tư cách hoàn toàn khác. Khi còn là một bác sĩ, tôi chỉ biết giả định về cách hoạt động của các hệ thống y tế mà thôi.
Khi tôi trở lại bệnh viện vài ngày sau đó, tôi đã được giải thích về những ưu nhược điểm của việc đặt ống. Tôi không cách nào ngăn nổi cái suy nghĩ, rằng “Liệu mình có được nói không muốn hay không?”. Mọi chuyện sau đó đều diễn ra tốt đẹp, tôi còn biết thèm một cốc cà phê khi vừa tỉnh dậy từ cơn mê. Đó là một trong những cốc cà phê cuối cùng tôi được thưởng thức trước khi tiếp nhận hóa trị. Tôi luôn giữ thói quen uống một cốc cà phê mỗi ngày suốt 20 năm qua, nhưng trong nhiều tháng hóa trị sau đó, tôi thậm chí không được nhấp môi chứ chẳng nói đến một cốc.
Sau khi cấy xong ống thông, dù cảm giác đau vẫn còn lảng vảng và tôi đang còn trong quá trình hồi phục sau tiểu phẫu, vợ chồng tôi vẫn lái xe tới Maine. Một năm trước khi có chẩn đoán, tôi đã nhận lời mời diễn thuyết cho một hội nghị lớn về ung thư tại đó. Tôi ngồi giữa những bác sĩ phẫu thuật đáng kính, họ nói về ung thư phổi, ung thư vú, và đương nhiên, có cả ung thư “của tôi”. Khi đến lượt mình, tôi đứng trước mắt những thính giả của mình và bắt đầu nói những thứ thông thường, rằng y học đã tỏ ra xuất sắc thế nào trong việc điều trị ung thư — tất cả dữ liệu và các con số thống kê. Không ai ngồi dưới biết tôi bị bệnh, nhưng tôi đã không thể quay đầu sang phải. Mỗi lần tôi thử làm vậy, ống thông tĩnh mạch lại làm tôi đau điếng. Tôi chật vật xoay xở làm sao để giấu bệnh ung thư của mình, nhưng nó cứ cố ló cái đầu xấu xí của nó ra. Dù vết thương được băng cao đến tận cổ và ngậm chặt vào cái đau, vào ngày hôm ấy, chiến thắng đã thuộc về ung thư.
Khi thu qua đông về, tôi bắt đầu chú ý đến những thứ tôi chưa từng được thấy khi còn bận bịu với việc thi cử, chương trình đào tạo bác sĩ phẫu thuật hay công việc. Tôi thấy những chiếc lá trên cành đang khoác màu áo mới, tôi thấy chúng thả mình đặt xuống con đường chúng tôi ngang qua. Tôi tự hỏi, rằng liệu tôi có được thấy mùa lá thay màu vào năm tới hay không. Tất nhiên là có thôi nhỉ, nhưng có đôi khi tất cả những gì bao vây lấy bạn là nỗi đau cùng sự bất lực, và chúng ta lúc ấy sẽ chẳng còn tin được vào bất kì thứ gì nữa đâu — tôi sẽ mãi mãi nhớ về khoảnh khắc này.
Giờ đây, sau chín tháng nhận được chẩn đoán rằng mình bị ung thư, tôi đã hoàn thành toàn bộ liệu trình điều trị. Tôi đã được giải phóng khỏi ung thư. Tôi đã hoàn thành chương trình MBA của mình và đã tốt nghiệp vào ngày 7 tháng Sáu. Tôi đang thực hiện lời hứa với các bệnh nhân, cũng là với chính tôi, bao gồm cả việc mãi mãi khắc ghi những trải nghiệm tôi đã có được. Tôi sẽ không bao giờ quên, rằng biết mình bị ung thư là trải nghiệm kinh hãi đến nhường nào. Tôi sẽ không bao giờ quên những cái đau do kim tiêm và ống thông mang lại. Tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác chán ăn sau hóa trị. Tôi cũng sẽ không bao giờ quên cái cảm giác chờ đợi dù chỉ một cuộc điện thoại khi bị bệnh viện bỏ quên.
Tôi giờ đây vẫn đang học hỏi được rất nhiều điều với tư cách là một bác sĩ, nhưng theo một cách thức hoàn toàn mới so với trước kia.
Tác giả: Mehra Golshan từ Medium
Dịch giả: Đỗ Nhược Vy từ QRVN
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất