Gần tám năm trước, mình theo bố trên một chuyến xe đêm ra Mỹ Đình, rồi đợi đến mờ sáng, bắt taxi cùng với chiếc hòm tôn đi về Giải Phóng đứng trước cổng Parabol. Ngày đó, mình tìm mãi không thấy trường đâu, vì mình nghĩ chắc nó lớn hơn trường cấp ba một tẹo thôi, ai ngờ, con đường ở trong Bách Khoa còn to hơn cả đường huyện mình hay đạp xe đi học.
Ảnh kỉ yếu
Bộ sách mới mua, Bố đặt xuống đất chạy vào ngó mình đăng kí kí túc xá, quay ra đã mất. Giống như mình, vừa mới 18 tuổi, đêm nằm khóc vì nhớ nhà, quay ra đã tám năm.
Tám năm ở Hà Nội, tự xoay sở mọi thứ một mình. Ngày xưa ghét Hà Nội lắm, đến giờ thành ra lại bám trụ ở đây. Mà người ta nói, ở lâu đâm lại cũng có tình cảm. Và Bách Khoa với mình, vẫn là nơi đặc biệt nhất. Tỉ như đợt mới tốt nghiệp và chuyển ra kí túc, mình nhớ đến đi làm về lại mò sang rồi cuối tuần nào cũng ở rịt bên đó, hay lúc tham gia lớp học tiếng Anh, hầu hết các bạn đều thích nhất là Hồ Tây, còn mình trả lời cho câu hỏi : Nơi nào em thích nhất ở Hà Nội? , chẳng chần chừ ghi xuống hai chữ thân thương này.
Bách Khoa cho mình nhiều nhưng lấy của mình cũng lắm, quy luật thôi mà nhỉ. Bao nhiêu điều, bao nhiêu người đã gặp, thân thiết, đến rồi đi, vui có, buồn có, hạnh phúc nhiều, mà đau khổ chắc cũng chẳng ít hơn. Nó trở thành thanh xuân, máu thịt. Nó làm nên hình hài bản thân ngày hôm nay.
Ngày khai giảng, ông nội mất, mình khóc như mưa ngay giữa lễ. Người bạn nắm tay mình lúc đó, cuối cùng lại giận dỗi nhau, đến bây giờ cũng chẳng làm lành nổi.
Mình ở năm năm kí túc, chuyển hết từ B này sang B nọ. Thử hết cơm ở các quán ăn, uống hết trà chanh ở các quán nước. Cũng biết nấu tất cả các món ăn bằng nồi cơm điện, dù suốt ngày bị bắt rồi trả. Trải qua những đêm ngắm trăng ngồi đàn hát hay những ngày mùa hè mất nước liên miên, phải canh giờ để tắm. Đã từng trèo lên tầng hai lúc 5h sáng sau khi đi xem chung kết Euro hay chui vào cửa thông gió của phòng vệ sinh khi kí túc đóng cửa. Đã từng chen chúc bốn đứa trên cái giường bé xíu, rồi trải chiếu năm dưới nền nhà. Đã gặp rất nhiều người, có người bây giờ vẫn giữ liên lạc, có người thì chẳng nhớ nổi hình hài.
Ngày xưa mình có trồng một cây ớt
Năm nhất học đại cương, tạch bốn môn điểm tổng kết không nổi một chấm, còn lại toàn D với D+, lần đầu bị 3,5 Toán thật sự rất sốc, rồi dần dần cũng quen :D. Khóa mình cũng là khóa đầu tiên áp dụng biểu tượng huyền thoại "<3", ở đâu đó <3 là trái tim, ở BK, đó là tạch =))) Năm hai bắt tay làm lại cuộc đời, có con học bổng đầu tiên cũng là duy nhất, ngày nào cũng mài mông trên thư viện đọc sách làm bài, được 10đ Kỹ thuật điện và thầy tuyên dương giữa lớp còn tặng cả chocolate (mặc dù rất ngu Lý). Sau đó thì thuận buồm xuôi gió mà tốt nghiệp bằng Khá, lại còn ra trường sớm được hẳn một kì. Xuất sắc vượt qua năm chú thể dục, ba chú quốc phòng, dù phải thẳng thắn vì học lớp nhiều nam nên con gái được ưu tiên chút đỉnh. 
Ở Bách Khoa có những môn học kì diệu như Đồ họa hay Hóa công. Ví dụ như bạn phải ngồi tưởng tượng một cái hình trụ đâm xiên vào cái hình nón nó sẽ ra cái gì, hay tuần nào cũng xách ống vẽ lên gặp thầy "thông" "cái nồi gì thế", ừm, nó là cái nồi cô đặc dung dịch. Có các thầy cô trở thành truyền kì, vì bước vào, phần cao ăn chắc là bạn sẽ tạch. Cũng có các thầy cô dễ thương như thầy thí nghiệm vật lý phòng 205, vì gọi nhầm mình ở lại bảo vệ, dù mình không làm được vẫn cho qua, hay thầy hướng dẫn đồ án của mình, vì mình niềng răng nên thầy gọi là cá mập nhưng vẫn cho chúng mình rượu mơ thầy tự ủ để nhậu với mực đốt bằng cồn phòng thí nghiệm đợt 60 năm thành lập trường. Hay thầy giáo viện cơ khí trên B1, vì mình học môn tự chọn mà không biết lịch đi tham quan, đã bỏ mặc các anh lên thực tập, chỉ dạy cho mình mấy cái máy CNC dù mình chẳng hiểu gì. Bách Khoa là như thế đó, mình chẳng thể nào nhớ hết, cũng chẳng kể xiết được. Đã có những ngày phải dậy sớm tắm rửa để lên tranh một chỗ trên thư viện, những đêm hai đứa lôi đèn ra hành lang học đến khi ngẩng lên xung quanh đã tối om, những buổi ngồi trong phòng vi sinh mồ hôi túa như tắm, những ngày trông nồi hơi thanh trùng đến tận 10h đêm một mình nghe thấy cây ngoài C10 lao xao. Đó là những trải nghiệm chẳng nơi nào có được.
Bằng tốt nghiệp đại học
Mình có một nhóm bạn thân lớp chuyên ngành, suốt ngày la cà bánh mì, cháo trai. Những ngày ấy, chúng mình ngồi với nhau ở B5 nói chuyện say sưa từ chiều tới tối chẳng muốn về. Chúng mình trốn học, ra hồ Tiền, ra sân vận động xem bóng đá dưới mưa, đi uống bia, ôm nhau khóc, leo trộm lên tầng 11 thư viện nhìn ra hồ Bảy Mẫu, leo lên nóc dãy nhà C rồi đi quanh quanh ngắm mấy cái cây, ngồi trên cầu Long Biên hay hồ Tây sóng vỗ dập dìu, nghĩ về tương lai, về sau này có còn chơi với nhau không. Cô bạn thân nhất vừa lấy chồng, cậu bạn ngày xưa hay mua trà sữa, thịt xiên, hay thuốc dị ứng mỗi lần nhậu cũng sắp lấy vợ. Hay cậu bạn suốt ngày đưa đón những buổi làm thêm, giờ vẫn là đứa thân nhất, mặc dù tần suất yêu đương và chia tay của hai đứa phập phù như nhau...Chúng mình đã hoang mang về tuổi trẻ, giờ cũng chưa hết hoang mang. Chúng mình đã từng có thứ tình cảm hơn tình bạn với nhau, nhưng cuối cùng lại bỏ lỡ nhau, và quyết định giữ mọi thứ đẹp nhất với từ bạn thân như lúc này.
Những bàn chân không hề lặng lẽ
Mình có bạn thân ở cùng phòng, có các em quen ở khóa dưới nữa. Họ đều là những người rất đáng yêu, rất thương mình, và luôn động viên nhau trên mỗi đoạn của cuộc trưởng thành này.
Mình có thích thầm, chỉ dám đứng nhìn từ xa, rồi nhìn bạn ấy có người yêu. Mình cũng có tỏ tình, rồi nhận lại sự im lặng, sau này người đó thích mình, thì mình lại không còn như trước nữa. Mình cũng khóc, khi được vài người mình rất quý tỏ tình, vì mình ích kỷ chỉ muốn chúng mình là bạn thôi. Có người vì mình mà đứng dưới sân trời rét mướt suốt mấy tiếng, cũng có người nhịn ăn đến mức đau dạ dày, nhưng mình chỉ thấy chua xót. Cuối cùng, mãi sau này mình lại yêu những người mình không ngờ tới, nhưng điểm chung là vẫn học Bách Khoa. Kể cũng là duyên số!
Mình giờ chẳng làm đúng chuyên ngành sau hai năm vật lộn với nghề. Mặc dù mình chẳng có năng khiếu mấy về máy móc, nhưng mình có cái tự tin, hơi thở và cái tư duy của một người học kỹ thuật. Điều đó đã giúp mình rất nhiều sau này. Nó cũng tạo nên một bản thể giàu trải nghiệm, giàu sự yêu thương như bây giờ. Mình luôn muốn nhắc đến Bách Khoa, theo một cách trân trọng và yêu thương nhất. 
Tự dưng thấy nhớ nhung quá đỗi những chiều lang thang khắp mọi ngóc ngách của trường, những tối rủ nhau tản bộ là ngoài sân vận động ngắm các bạn đá bóng. Tự dưng thấy thèm cảm giác đi giữa trường đâu cũng gặp người quen. Tự dưng thèm cảm giác ngây khờ của thời ta còn trẻ dại.
Nếu được chọn lại, liệu mình có chọn Bách Khoa không ?
"Bách Khoa ơi, thắm thiết yêu thương. Những cửa gương lấp lánh trên giảng đường..."
* Viết trong một ngày chủ nhật vô tình đọc mấy vần thơ về Bách Khoa"