Nói về Facebook là nói về những tranh cãi, có người cho rằng đây là nơi có thể tiếp thu kiến thức tốt nếu biết chọn lọc, lại có người cho rằng đấy chỉ là một bãi rác không hơn không kém. Nhưng mà dù ai quan điểm thế nào có một sự thật phải thừa nhận là ở hiện tại Facebook có một vị thế mà không một mạng xã hội nào so sánh được. Nếu chỉ tính tại thị trường Việt Nam thì theo thống kê đến tháng 7/2021 đã có hơn 77 triệu tài khoản Facebook. Có nghĩa là nhiều hơn tận 70% dân số Việt Nam. Nếu tính trên các thiết bị di động thì số người dùng Facebook nhiều gấp 3 lần Twitter, gấp 8 lần Instagram và xấp xỉ 4 lần Youtube. Dưới đây là biểu đồ chi tiết về những thông tin khác.
Với một cộng đồng lớn và đông đảo như thế, có thể nói Facebook là một mảnh đất màu mở và đầy ắp tài nguyên với các kênh thông tin truyền thông, nếu phát triển ở Facebook họ sẽ tiếp cận được lượng khán giả khổng lồ mà ngay cả đài truyền hình cũng không bì được. Bởi lẽ ngày nay số người sở hữu smartphone nhiều hơn sở hữu TV rất nhiều. Chính vì thế ngày càng có nhiều kênh truyền thông báo chí có xu hướng chuyển sang nền tảng Facebook thay vì một trang web độc lập như trước. Facebook từ nơi để trò chuyện, thảo luận và chia sẻ dần trở thành nơi để cập nhật tin tức. Lợi ích từ việc này là vô cùng rõ ràng, lượng đọc giả tiếp cận tăng, thương hiệu cũng thế mà tăng và sẽ đem về nhiều lợi nhuận hứa hẹn khác.
Tuy nhiên không lợi ích nào mà không đi kèm rủi ro, việc sinh lợi từ Facebook cũng đồng nghĩa có thể sinh hoạ từ nó. Trước khi nói về các rủi ro tiềm tàng từ Facebook ta sẽ phân tích qua đặc điểm của các bài viết hay tin tức trên Facebook.

FACEBOOK

1. Giao Diện

Điều đầu tiên phải thừa nhận là phần text editor của Facebook rất nghèo nàn, nếu không muốn nói là không có gì. Viết như thế nào thì hiển thị lên thế đó gần như không chỉnh sửa gì được, không canh đều, không in đậm hay in nghiêng, ngay cả khi sửa phông chữ thì nó cũng chỉ hỗ trợ trên website và sẽ sinh lỗi với các thiết bị di động. Cách hiển thị cũng theo dạng đọc hết văn bản rồi mới đến hình ảnh, điều này có nghĩa là với một bài viết dài khoảng 5000 từ, bạn sẽ lướt một quãng dài rất dài chỉ toàn chữ và chữ rồi cuối cùng mới thấy được bức hình.
Ảnh từ <a href="https://www.facebook.com/teammonsterbox">Monster Box</a>
Ảnh từ Monster Box
Bên cạnh đó việc hiển thị tất cả bài viết cũng rất tù, thay vì chỉ hiển thị tiêu đề và mô tả, các bài viết xuất hiện trên news feed sẽ là tất cả mọi thứ của bài viết đấy (với những bài viết quá dài nó sẽ được co gọn thành Xem thêm) và nó không được sắp xếp theo mục mà được xếp một cách ngẫu nhiên, lung tung, điều đó có thể khiến người dùng mất đi sự tập trung đơn giản như vừa mới đọc xong một bản tin bóng đá, lướt xuống gặp tin về covid, lướt xuống nữa tin gặp về điện ảnh. Việc sắp xếp theo mục tuy người đọc không biết rõ tin, nhưng có thể đoán trước những thứ sẽ xuất hiện, ví dụ mục thể thao có thể đoán được các trận bóng đá, mục chính trị có thể đoán được các bài đăng về Afghanistan, hơn hết là có thể hình thành vùng nhớ về những thứ đã đọc, trong khi sắp xếp lung tung có thể gây xao lãng sự tập trung người đọc, và lãng quên nhanh chóng dù chỉ mới đọc trong giây lát.

2. Tính Năng

Ngoài việc giao diện đụt ra thì các bài đăng trên facebook cũng thiếu đi những tính năng quan trọng mà các bài viết hay tin tức thông thường cần phải có như sau :
Số like/dislike
Ai cũng biết là hai con số cho thấy số lượng người đồng tình và phản đối với bài viết. Người ta thường dùng dislike với những bài viết mà họ cho là sai sự thật. Có thể kể đến như khi ai đó đăng về một lý thuyết khoa học đã được chứng minh là sai (như thuyết 3 não) người ta sẽ dislike để phản ánh rằng đấy là sai sự thật. Nhưng đôi lúc người ta cũng dùng nó để thể hiện quan điểm với những ý trong bài viết. Như khi đăng một bản tin đúng với sự thật, nhưng trong bài viết đấy người viết thể hiện quan điểm có phần lệch lạc đến độc hại, thì người ta sẽ dùng dislike không phải vì đấy là bài fake news mà là vì họ không đồng ý với luận điểm của người viết.
Việc chỉ hiển thị like khiến người đọc không có nhiều cách để bày tỏ sự không đồng tình của mình với bài viết. Mặc dù Facebook cũng có phẫn nộ, nhưng về mặc bản chất thì phẫn nộ là về thái độ, còn dislike là quan điểm. Mình vẫn không đồng ý nhưng mình không phẫn nộ. Việc thiếu đi một con số khiến người đọc dễ rơi vào bẫy tương tác. Ví dụ như một bài viết sai sự thật có thể thu về 100k likes, nhưng sẽ có 80k dislikes, tuy nhiên vì Facebook không có nên người đọc chỉ nhìn thấy được số người đồng tình và nghĩ rằng đấy là một bài viết đúng. Mặc dù sẽ có những người phản đối để lại bình luận nhưng không phải tất cả đều như vậy, nên vậy thiếu đi tính năng này làm đọc giả gặp khó trong việc đánh giá độ tin cậy ở từng bài viết đơn lẻ. Ở bản cập nhật mới Facebook đã thêm tính năng upvote/downvote với một vài group nhưng khả năng là nó sẽ biến mất sau vài tháng vì nó cũng từng xuất hiện ở vài group vào năm 2018 sau đấy thì biến mất không dấu vết.
Mục yêu thích/Quan tâm
Thời buổi tin tức phát triển tràn làn gây ra hai vấn đề mà mình thường gọi là overfetching - thừa thông tin và underfetching - thiếu thông tin (đây là thuật ngữ từ IT mình mượn tạm để dễ miêu tả).
- Overfetching: tức là những tin tức mà bản thân người dùng không quan tâm nhưng lại nhận về quá mức cần thiết. Ví dụ như vừa qua có scandal về Jack, bản thân mình chả quan tâm đến nó nhưng nó vẫn xuất hiện tràn ngập trên news feed của mình.
- Underfetching: tức là không nhận được những thông tin mà người dùng mong muốn. Đơn giản như khi mình mong muốn nhận được những bài viết hay về các nghiên cứu của Nanocovax thì mình chẳng nhận được gì cả.
Việc cần thì không có mà có thì không cần là điều thường gặp khi truyền tin tức trên các kênh truyền hình. Bởi vì đây là hình thức truyền tin một chiều nên nhà đài cơ bản là không thể đoán được người nghe cần thông tin gì, họ chỉ còn đường nói tất cả mọi thứ ai cần biết gì thì nghe, cảm thấy không cần thì không nghe chứ không thể phân chia tuỳ đối tượng. Đây là điều có thể chấp nhận được khi nhận thông tin từ đài truyền hình vì nó một chiều, người nghe không thể phản hồi hay tương tác. Nhưng với các trang mạng tin tức thì nó là một thiếu sót quan trọng.
Tính năng chọn các mục quan tâm của New York Times
Tính năng chọn các mục quan tâm của New York Times
Để dễ hiểu thì khi bạn nhấn like một trang tin tức như Báo Mới trên Facebook, lúc này phần lớn các bài đăng bởi Báo Mới sẽ hiển thị trên news feed của bạn tức là bạn sẽ tiếp nhận thông tin một chiều giống như đài truyền hình mà chẳng thể có chọn lọc nào được. Và nó cũng có thể tệ hơn, bởi vì các thuật toán của Facebook không hiển thị tất cả các bài đăng của trang mà bạn đã thích, nó chỉ hiển thị một số thôi và nếu xui xẻo bạn sẽ không thể thấy được bài viết mà bạn cần nhất. Như vậy là người dùng Facebook rất dễ rơi vào tình trạng over/under fetching.

Vậy Facebook để làm gì ?

Từ giao diện cho đến tính năng ta có thể thấy Facebook không phải một nền tảng tốt để viết. Ngẫm lại thì điều này cũng dễ hiểu thôi bởi ngay ở trang đăng nhập Facebook đã giới thiệu mình là :
Facebook giúp bạn kết nối và chia sẻ với mọi người trong cuộc sống của bạn.
Rõ ràng là Facebook chưa bao giờ thừa nhận họ là nền tảng để viết, bên cạnh đó nếu nhìn lại các tính năng khác của Facebook như kết bạn, đăng trạng thái, chia sẻ, chặn hay đăng bài chế độ riêng tư. Đến các bài viết ưu tiên hình ảnh hơn văn bản, và cả tính năng bình luận theo thời gian thực đều cho thấy Facebook là nơi để bạn chia sẻ những câu chuyện cá nhân, những điều thú vị trong đời sống, những câu chuyện mà bạn bè thường hay kể lể mỗi khi gặp nhau, hay có thể nói nó là nền tảng để mọi người ngồi lê đôi mách trên internet.
Nó không phù hợp để viết bài hay đăng tin vì căn bản đó không phải là tinh thần của nó. Thế nên khi ai đó cảm thấy Facebook rác nguyên nhân chính là họ đã đặt quá nhiều kỳ vọng về nó, hay họ đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào những cuộc buôn dưa lê của người khác. Một ví dụ đời sống khi bạn vào một quán ăn và nghe bàn kế bên lảm nhảm về những thuyết âm mưu gì đấy mà bạn biết chắc là vô căn cứ, liệu bạn có bước qua và nói với họ rằng:
"Này cuộc nói chuyện nãy giờ của các người chỉ toàn là rác thôi".
Thường thì người biết giữ gìn răng miệng sẽ không đời nào làm vậy, thượng vàng hạ cám là lẽ dĩ nhiên của xã hội ngay cả khi muốn nâng cao dân trí thì đó cũng phải là một việc làm có hệ thống chứ không thể là dăm ba câu nói bốc đồng được. Thế nên với những gì diễn ra ở Facebook đấy là những gì diễn ra ở đời sống. Không phải vì có Facebook mà người ta trở nên độc hại mà là ngay từ đầu tư duy độc hại đã ở sẵn trong họ rồi, Facebook chỉ giúp mọi người mở rộng tầm mắt với nhau thôi.
Tuy nhiên vấn đề sẽ nảy sinh, nếu không phải là một cá nhân mà một kênh truyền thông, một nơi cung cấp tin tức tham gia vào cuộc nói chuyện phiếm đó. Bởi lẽ thông tin được phát ra từ loa phường thì nó phải khác được nói bởi những người dân nhàn rỗi. Một kênh truyền thông luôn phải đảm bảo tính chính xác, tin cậy, tính đại diện và cả trách nhiệm lớn hơn hẳn những cá nhân thông thường. Mình sẽ không bận tâm nếu những lời độc hại đến từ một cái acc clone nào đó, nhưng nếu đến từ một kênh thông tin thì nó thực sự có vấn đề. Nên khi một kênh tin tức bước vào một nền tảng chuyên nói chuyện phiếm sẽ có những rủi ro mà họ phải đối mặt mà nếu không xử lý tốt họ sẽ đánh mất đi độ uy tín và tin cậy mà một kênh truyền thông phải có .

Những Rủi Ro

1. Tin Giả

Sẽ là vội vã nếu quy kết Facebook chỉ toàn tin giả, nhưng công bằng mà nói thì các tính năng của nền tảng này lại rất hậu thuẫn điều đó. Đầu tiên là nói về dẫn link, thường thì để đảm bảo độ tin cậy các bài viết ta đều phải dẫn link từ những nguồn uy tín khác, nhưng khổ nỗi dù là link ở trang web nào thì Facebook cũng không lấy làm vui vẻ với điều đó. Các bài viết mang theo url của trang web khác mặc nhiên sẽ bị hạn chế hiển thị, điều đó đồng nghĩa với việc số người tiếp cận với bài đăng ấy sẽ giảm. Nhưng mà lý do chính cho xu hướng chuyển sang Facebook của các kênh truyền thông chẳng phải là vì để tăng tương tác sao, nay lại vì dẫn link mà bị hạn chế thì mâu thuẫn với mục đích ban đầu rồi. Cũng vì lẽ đó mà nhiều trang tin tức thường đăng bài với một đoạn mô tả ngắn cùng với bức hình và thế là hết. Điều đó làm cho việc bịa tin hay đăng giả là vô cùng dễ dàng, và nếu bài đăng khoá bình luận, thì xem như người đọc chẳng có cách nào để góp ý.
Cũng nói thêm với tính năng share thì các bản tin sẽ lan nhanh như những con gió, và thường thì những bài fake news thổi phồng sự thật hay cố ý viết lệch để tạo tình tiết dí dỏm sẽ càng thu hút nhiều người hơn. Cũng vì các thuật toán của Facebook luôn có một sự ưu ái với bài viết nhiều tương tác nên các bài fake news sẽ lan truyền với tốc độ nhanh hơn cả dịch covid. Một thống kê đến từ Ipsos trên 24 quốc gia về việc tình trạng gặp tin giả ở Facebook và có 67% người đồng ý với điều đó.

Sự Toàn Vẹn Thông Điệp

Nói về trò chuyện trong đời sống, thì việc người nói đưa cảm xúc của mình vào câu chuyện là điều bình thường. Thông tin qua hình thức truyền khẩu ít nhiều sẽ bị thay đổi bởi thay vì chỉ truyền đạt thông tin, người nói còn truyền cả cảm xúc và thái độ của mình vào câu chuyện. Ví dụ nội dung câu chuyện là cô bán bún ở đầu ngõ vừa mới phá thai, nó có thể được truyền đạt lại như sau "Con nhỏ bán bún ở đầu ngõ nó ác lắm ấy, đến con nó mà nó còn dám giết". Câu hỏi đặt ra ở đây thế nào là độc ác, với người nói ở trên thì phá thai là ác, nhưng với mình thì trái pháp luật mới gọi là ác và theo luật pháp Việt Nam thì :
“Điều 44. Quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai. 1. Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khoẻ trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế.”
Kèo theo điều cấm sau :
Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 “Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác”
Như vậy trong trường hợp người mẹ mắc bệnh có thể ảnh hưởng sức khoẻ trẻ sau sinh, hay nguy cơ về dị tật thì hành vi này là hợp pháp, vậy tại sao lại nói một hành vi hợp luật pháp là độc ác. Thế nên từ ác ở đây nó không phải từ để nói về một khái niệm cụ thể, mà chủ yếu thể hiện thái độ của người nói, ngặt nỗi với cùng một vấn đề mỗi người sẽ có thái độ khác nhau, như ở trên có người cảm thấy trái với tiêu chuẩn đạo đức của họ thì là ác, có người thấy trái pháp luật mới là ác, và có thể trái pháp luật mà họ đồng cảm thì họ cũng không gọi là ác. Vì thế thông điệp theo hình thức truyền khẩu đã bị ghi đè cảm xúc của người nói nên nó không còn toàn vẹn nữa, dẫn đến việc định hướng cảm xúc người nghe như ở trên ví dụ thay vì truyền đạt một sự thật khách quan thì lại phân tách thành người xấu kẻ tốt, định hướng hành vi và thái độ cho người nghe. Đó là lý do lời đồn càng vang xa thì lại càng vang sai.
Các emoji xịn xò của Facebook
Các emoji xịn xò của Facebook
Bởi vì Facebook là một nền tảng vị cảm xúc, các bài viết bên cạnh like thì cũng sẽ có những cảm xúc khác như tim, haha hay phẫn nộ. Thế nên việc các kênh truyền thông bị ám ảnh bởi những tương tác dẫn đến việc thay vì đăng bài theo đúng từ ngữ khách quan mô tả sự thật lại thành thêm vào những từ ngữ mang màu sắc cảm xúc cá nhân. Việc thêm những từ ngữ đấy vào chẳng ảnh hưởng gì đến thông điệp cần đưa mà chỉ là tạo định hướng dẫn dắt dư luận buộc mọi người phải có cảm xúc và thái độ giống người đưa tin. Nhưng mà việc người nghe cảm thấy hả hê hay giận dữ hay đồng cảm thì đó cũng là tuỳ vào ý chí mỗi người, họ không cần người khác phải định hướng cảm xúc cho họ, tại sao họ phải nhận về thái độ hằn hộc hay giận dữ khi mà bản thân họ không cảm thấy như vậy, người nghe vốn không cần những điều đấy. Rõ ràng nhiệm vụ cốt lõi của người đưa tin vẫn là truyền tải thông điệp chứ không phải ghi đè lên thông điệp đấy.

Văn Phong Báo Chí

Một đặc điểm khá phổ biến khi chuyện trò trong đời sống đấy là sử dụng từ lóng, thường thì để nói tránh những vấn đề nhạy cảm mà người nói thấy ngại khi nói thẳng, họ thường sử dụng từ lóng. Về bản chất thì từ lóng chỉ có nghĩa trong một cộng đồng nhất định tức là sẽ tồn tại những người không biết nó mang ý nghĩa ẩn giấu đấy, ví dụ từ bánh da lợn có mang nghĩa lóng chỉ bộ phận sinh dục nữ, nhưng mình tin là có rất nhiều người không biết điều đấy. Bởi Facebook là một nền tảng để nói chuyện phiếm trên internet, nên việc các cộng đồng trên đấy sinh ra những từ lóng mới để phục vụ các cuộc nói chuyện là điều dễ hiểu. Vì lượng người dùng Facebook phần nhiều là người trẻ, nên nó thường được khoác lên mình những cái tên như "thuật ngữ chỉ giới trẻ mới hiểu" hay "cụm từ hot trend" tuy nhiên bản chất nó vẫn là từ lóng.
<a href="https://www.yan.vn/cuoi-rot-ham-voi-bo-anh-ngon-ngu-tu-long-cho-gioi-tre-104934.html">Link </a>full bộ ảnh
Link full bộ ảnh
Thực ra nếu chỉ các bạn trẻ sử dụng thì đây không phải vấn đề gì đáng nói, nhưng sẽ đáng nói khi một kênh báo chí sử dụng chúng. Vì tiêu chuẩn của văn phong báo chí là từ ngữ sử dụng phải là từ phổ thông, tức là bất kỳ ai đọc cũng có thể hiểu, tránh việc sử dụng từ chuyên môn, từ địa phương và cả từ lóng. Bởi lẽ như ở trên đã nói từ lóng nó chỉ mang nghĩa trong một cộng đồng nhất định, ví dụ như từ chân gỗ theo từ điển tiếng việt thì nó có nghĩa :
(Khẩu ngữ) kẻ thông đồng với kẻ khác tìm cách dụ dỗ, thuyết phục đối phương theo ý đồ của mình (trong các việc mua bán, làm ăn).
Nhưng trong cộng đồng bóng đá thì nó lại mang nghĩa :
Những cầu thủ thường xuyên bỏ lỡ cơ hội ghi bàn.
Rõ ràng nghĩa lóng của từ chân gỗ đã bị giới hạn trong phạm vị bóng đá, khi ra khỏi cộng đồng bóng đá nó không còn có nghĩa lóng đó nữa. Nên nếu một bài báo sử dụng từ lóng sẽ dẫn đến tình trạng người đọc không hiểu hoặc hiểu sai ý nghĩa muốn nói. Và đây hoàn toàn không phải lỗi của người đọc, vì đấy không phải là từ phổ thông để ai cũng thể hiểu, ngay cả với những từ lóng phổ biến nhất cũng sẽ có người không biết đến và việc ép người đọc phải hiểu nghĩa lóng là điều hết sức vô lý.
Ví dụ như bài báo trên sử dụng cụm từ "đi vào lòng đất" người đọc hoàn toàn có thể không hiểu cụm từ này. Vì đấy không phải là thành ngữ hay tục ngữ dân gian nó chỉ là một câu nói trending trên cộng đồng Facebook, điều gì khiến nó được đưa lên bài báo để tất cả mọi người đọc, nếu một câu nói hot trend được đưa vào thì những câu khác như "ngã ở đâu gấp đôi ở đấy", "còn thở là còn gỡ" hay "do bạn không chơi đồ đấy" liệu có được đưa vào không. Việc viết bài với từ lóng không chỉ vi phạm văn phong báo chí mà còn để lại ấn tượng xấu trong mắt đọc giả, gây ảnh hưởng đến độ tin cậy mà họ dành cho bài báo.
Như vậy tổng hợp lại thì ngay từ đầu Facebook vốn chẳng phải nền tảng để viết hay đăng tin, việc cố lấn sân để thu hút đọc giả có thể đối mặt với nhưng rủi ro không đáng phải có. Trên hết dù lợi nhuận như thế nào thì các kênh truyền thông, báo chí cũng cần phải nhớ đến những giá trị cốt lõi mà họ phải giữ.

Giá Trị Cốt Lõi

- Nhân danh, đại diện : Phát ngôn của các kênh báo chí cho dù nó có được biên tập bởi một người, thì nó cũng mang tính đại diện cho cả công ty tổ chức đấy, ví dụ như kênh VTV24 dù là được xếp vào mục giải trí - tổng hợp hay mục tiêu kết nối người trẻ thì các bài đăng vẫn mang tính đại diện cho toàn thể VTV, không thể xem xét như là một cá nhân độc lập được.
- Uy tín, tin cậy : Đây là mục tiêu tối thượng mà tất cả kênh truyền thông đều phải hướng đến, nếu một bài báo viết ra mà độ tin cậy của nó gần bằng không, tức là chẳng ai tin những gì được xuất phát từ đấy. Thì đó là một sự thất bại ngay cả khi có những tương tác khổng lồ đi nữa. Bởi nếu chỉ chăm chăm vào tương tác mà bỏ qua uy tín, thì có lẽ nó sẽ là kênh giải trí tổng hợp, kênh hài, kênh mua vui hay gì đấy nhưng tuyệt nhiên không phải báo chí.
- Trách nhiệm với quần chúng : bài viết đến từ một cá nhân nếu viết tốt lắm thì cũng chỉ có thể tiếp cận được vài ngàn người. Trong khi các kênh tin tức hoàn toàn có thể tiếp cận hàng triệu đến hàng chục triệu người. Nếu một người bình thường có thể truyền tin giả cho cả xóm, thì kênh tin tức có thể truyền tin giả cho cả nước. Vì vậy trách nhiệm mà các kênh truyền thông phải mang là vô cùng lớn. Nên họ bắt buộc phải tuân thủ những tiêu chuẩn báo chí bởi nếu sự cố xảy ra họ sẽ phải trả giá bằng uy tín bao nhiêu năm xây dựng. Bởi dù cho mười bài viết đúng cũng không thể đổi lại một bài viết sai.