Nhân loại hiện đang đối mặt với những cuộc cách mạng chưa từng có tiền lệ — khi mà những bài học lịch sử dần vỡ vụn, và vẫn chưa có những câu chuyện mới nào nổi lên để thay thế chúng.
Câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta phải làm thế nào để có thể chuẩn bị cho bản thân và con cháu của mình thích ứng được với một thế giới phức tạp đang chuyển biến nhanh chóng và đầy bất ngờ như thế?
Ảnh minh hoạ: Benedikt Luft
Một đứa bé sinh ra hôm nay sẽ khoảng hơn 30 tuổi vào năm 2050. Nếu mọi thứ đều ổn, đứa trẻ sẽ tiếp tục sống đến 2100 và thậm chí có tiềm năng trở thành một công dân tích cực của thế kỷ 22. Chúng ta cần dạy đứa bé đó những gì để giúp chúng tồn tại và phát triển trong thế giới 2050 hay thế kỷ 22? Chúng sẽ cần kỹ năng nào để có thể tìm được việc làm, hiểu được thế giới xung quanh, và định hướng được cuộc đời?
Đáng tiếc là, hiện chẳng ai biết được thế giới sẽ trông như thế nào vào năm 2050 - chứ đừng nói tới 2100 - cho nên chúng ta vẫn chưa có đáp án cho những câu hỏi đó. Tất nhiên, con người chưa bao giờ có thể dự đoán chính xác tương lai. Nhưng ở thời đại số như thế kỷ 21, nơi mà công nghệ đang trên đà phát triển mạnh mẽ và trao cho loài người khả năng chế tạo ra vô số những cơ thể, bộ não và trí tuệ nhân tạo, chúng ta sẽ không còn có thể chắc chắn về bất cứ điều gì — kể cả những điều trước đây được mặc định là chân lý.
Trở lại thời điểm một ngàn năm trước, trong năm 1018, có rất nhiều điều người ta chưa biết về tương lai, nhưng họ vẫn tin rằng những chức năng cơ bản của xã hội loài người sẽ không thay đổi. Nếu bạn sống ở Trung Quốc trong năm 1018, bạn có thể biết rằng Đế chế Tống có nguy cơ sụp đổ vào năm 1050, nhóm người du mục Khitans có thể sẽ xâm lược từ phương Bắc, hay bệnh dịch sẽ tung hoành khắp nơi và đặt dấu chấm hết cho hàng triệu sinh mạng. Mặc dù thế, rõ ràng bạn sẽ thấy là ngay cả vào năm 1050 thì đa phần mọi người vẫn sẽ là nông dân hoặc thợ dệt, vua chúa vẫn phụ thuộc vào con người để điều hành quân đội và chính quyền, đàn ông vẫn thống trị phụ nữ, tuổi thọ trung bình sẽ vào khoảng 40, và cơ thể con người vẫn sẽ y như vậy. Điều đó khiến ở năm 1018, những gia đình nghèo đã dạy con cách trồng lúa và dệt lụa. Trong khi những gia đình khá giả hơn dạy con trai học tập đọc các bộ Nho Giáo kinh điển, luyện viết thư pháp, hoặc cách đánh trận trên lưng ngựa, và dạy cô con gái họ trở thành một người vợ ngoan hiền và đảm đang. Rõ ràng những kỹ năng này vẫn sẽ thiết yếu vào năm 1050.


Để bắt kịp với thời đại của năm 2050, bạn sẽ phải cần nhiều hơn việc chỉ đơn thuần phát minh ra ý tưởng và sản phẩm mới, nhưng trên tất cả, bạn phải học cách liên tục tái tạo bản thân không ngừng nghỉ.



Ngược lại, ngày nay chúng ta không hề biết được Trung Quốc hay phần còn lại của thế giới sẽ trông như thế nào vào năm 2050. Chúng ta không biết con người sẽ làm gì để kiếm sống, cơ chế quân đội và chính phủ sẽ hoạt động thế nào, hay quan hệ giới tính sẽ trông ra sao. Nhờ vào kỹ thuật sinh học hiện đại và công nghệ kết nối não trực tiếp với máy tính (direct brain-to-computer interfaces), một số người sẽ sống thọ hơn nhiều so với hiện nay và cơ thể con người có thể sẽ trải qua những biến đổi mang tính cách mạng. Điều đó khiến cho phần lớn những gì con em chúng ta đang học ở thời điểm này sẽ trở nên lạc hậu vào năm 2050.
Facebook đang xây dựng hệ thống computer interfaces dành cho typing và skin-hearing

Đọc thêm:

Hiện tại, có rất nhiều trường tập trung vào việc nhồi nhét thông tin vào đầu học sinh. Trong quá khứ, điều này là hợp lý, bởi thông tin còn khan hiếm và ngay cả lượng thông tin chậm chạp và nhỏ giọt lúc bấy giờ cũng thường xuyên bị ngăn chặn bởi kiểm duyệt. Giả sử nếu bạn sống trong tại một thị trấn nhỏ ở Mexico vào những năm 1800s, sẽ rất khó để bạn có thể tìm hiểu về thế giới bên ngoài. Không có đài phát thanh, truyền hình, báo hàng ngày hoặc thư viện công cộng. Ngay cả khi nếu bạn là một người có học thức cao và có quyền truy cập vào thư viện tư nhân, những thứ bạn có thể đọc sẽ không gì nhiều ngoài một ít tiểu thuyết và luận văn ngắn về tôn giáo. Đế quốc Tây Ban Nha kiểm soát chặt chẽ tất cả những văn bản được in tại địa phương và chỉ cho phép một số ít hiếm hoi các ấn phẩm đã bị hiệu đính được nhập từ bên ngoài. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra nếu bạn sống ở một thị trấn tại tỉnh nào đó ở Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhi Kỳ hoặc Trung Quốc. Sau này khi các trường học hiện đại ra đời, mọi trẻ em đều được dạy cho cách đọc và viết, được truyền đạt các kiến thức cơ bản về địa lý, lịch sử và sinh học, và đây được coi là một bước tiến vượt bậc
Ngược lại, ở thế kỷ 21, chúng ta đang bị nhấn chìm bởi lượng thông tin khổng lồ, và những người kiểm duyệt còn chẳng bận tâm tìm cách ngăn chặn. Thay vì thế, họ đang bận rộn truyền bá thông tin sai lệch hoặc làm chúng ta phân tâm với những thứ dường như chẳng liên quan. Ở thế giới hiện tại, nếu bạn sống ở một thành phố nhỏ thuộc Mexico và có điện thoại thông minh, bạn có thể tự do dành cả đời để đọc Wikipedia, xem TED Talks, và tham gia những khoá học trực tuyến miễn phí. Chẳng có chính phủ nào có thể hy vọng kiểm soát tất cả những thông tin họ không thích nữa. Nhưng mặt khác, họ có thể dễ dàng, một cách đáng báo động, tiêm nhiễm và tràn ngập truyền thông đại chúng với những bản báo cáo gây mâu thuẫn và số liệu đánh lừa người đọc. Mọi người trên toàn thế giới chỉ cần một cú 'click'  là có đủ mọi chi tiết mới nhất từ vụ ném bom ở Aleppo hay băng tan chảy ở Bắc Cực, nhưng có quá nhiều luồng thông tin mâu thuẫn khiến thật khó để biết cái nào mới đáng tin. Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong một xã hội ngập tràn bởi sự phân tán chú ý. Thay vì tập trung đọc một bài báo về chính trị khó hiểu hoặc khoa học phức tạp, cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn bị phân tâm và chuyển ngay qua ngắm video về mấy con mèo ngộ nghĩnh, tin đồn thất thiệt của người nổi tiếng, hay porn.

Trong một thế giới như vậy, điều cuối cùng mà một giáo viên cần cung cấp cho học sinh của mình là nhiều thông tin hơn. Chúng đã có quá nhiều. Đổi lại, nhân loại cần khả năng nắm bắt thông tin, biết cách phân biệt những thứ quan trọng, và trên hết, tổng hợp các mảnh thông tin riêng lẻ lại thành một bức tranh bao quát về thế giới.
Trong thực tế, đây là lý tưởng của nền giáo dục tự do phương Tây trong nhiều thế kỷ nhưng cho đến nay, ngay cả phần lớn những trường học phương Tây đã khá chậm chạp trong việc thực hiện nó. Giáo viên cho phép bản thân tập trung vào việc truyền đạt dữ liệu, đồng thời lại khuyến khích học sinh,
Hãy tự động não đi mấy đứa. 
Chủ nghĩa độc đoán đã khiến các trường học phái tự do mang một nỗi sợ đặc biệt khi nhắc đến "bức tranh tổng thể ". Họ tự nhủ với bản thân là chỉ cần đưa cho học sinh thật nhiều dữ liệu và một chút tự do, thì chúng sẽ tự tạo ra được những bức tranh nhìn ra thế giới cho riêng mình. Và ngay cả nếu thế hệ này có lỡ thất bại trong việc tổng hợp tất cả dữ liệu vào thành một câu chuyện mạch lạc và có ý nghĩa về thế giới, mọi thứ sẽ ổn thôi vì còn rất nhiều thời gian để phát triển tốt hơn trong tương lai cơ mà.
Chúng ta hiện không còn thời gian nữa. Những quyết định sẽ được đưa ra trong một vài thập kỷ tới sẽ định hình nên chính tương lai của cuộc sống loài người, và chúng ta chỉ có thể đưa ra những quyết định này chỉ dựa trên kiến thức và quan điểm của chúng ta về thế giới hiện tại. Nói ngắn gọn, tương lai của sự sống sẽ được quyết định một cách ngẫu nhiên nếu thế hệ chúng ta thiếu cái nhìn toàn diện về vũ trụ.

Và cuộc chơi tăng tốc...

Ngoài thông tin, phần lớn các trường học còn dành ra rất nhiều công sức trong việc cung cấp cho học sinh một một bộ kỹ năng định sẵn như giải phương trình vi phân, lập trình bằng C++, nhận dạng các chất hoá học trong ống nghiệm, hay giao tiếp bằng tiếng Trung. Nhưng vì chưa ai biết thế giới và thị trường việc làm sẽ nhìn như thế nào trong 2050, chúng ta vẫn chưa rõ những kỹ năng cụ thể nào sẽ là thiết yếu. Chúng ta có thể đầu tư rất nhiều vào việc dạy những đứa trẻ cách lập trình bằng C++ hoặc nói tiếng Trung, để rồi nhận ra rằng mọi thứ thực sự không cần thiết ở năm 2050. Trong tương lai, có khả năng trí tuệ nhân tạo sẽ tự lập trình phần mềm còn tốt hơn cả con người, và ứng dụng Google Dịch sẽ phát triển đến mức cho phép bạn dễ dàng có được một cuộc trò chuyện nhuần nhuyễn trong tiếng Trung, hoặc tiếng Khách Gia (Hakka), mặc dù từ duy nhất bạn biết chỉ là "Ni hao" (Xin chào).  
Thế thì chúng ta nên dạy cái gì bây giờ? Nhiều chuyên gia sư phạm ủng hộ mạnh mẽ việc nhà trường nên chuyển qua tập trung vào và phát triển dựa trên khái niệm "Four Cs"  — critical thinking, communication, collaboration, và creativity (tư duy phản biện, giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, và sự sáng tạo). Họ tin là trường học tốt nhất nên tập trung vào dạy những kỹ năng sống có mục đích chung hơn là dành phần lớn thời gian dạy những kỹ năng chuyên môn, bởi khả năng đối phó với sự thay đổi, học hỏi những điều mới và cân bằng sức khoẻ tinh thần của bạn trong những tình huống lạ lẫm sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để có thể sống sót trong thế giới của năm 2050, bạn sẽ phải cần nhiều hơn việc chỉ đơn thuần phát minh ra ý tưởng và sản phẩm mới, nhưng trên tất cả, bạn phải học cách liên tục tái tạo bản thân không ngừng nghỉ.


Nếu ai đó tả cho bạn nghe một thế giới trong giữa thế kỷ 21 và nó không nghe giống khoa học viễn tưởng, thì chắc chắn là nó đã sai bét tè le.



Khi tốc độ của sự thay đổi đang trên đà tăng tốc, không chỉ kinh tế, mà cả ý nghĩa của việc "làm người" cũng sẽ bị biến dạng. Ngay cả Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản trong năm 1848 đã tuyên bố rằng,
All that is solid melts into air
Có điều, những khái niệm mà Marx và Engels đã nghĩ tới lúc bấy giờ chủ yếu hướng về cấu trúc kinh tế và xã hội. Nhưng đến năm 2048, các cấu trúc vật lý, sinh học, và cả nhận thức cũng sẽ sớm hoá thành hư không hoặc ẩn mình vào những đám mây dữ liệu.


Đọc thêm:

Trong năm 1848, hàng triệu người nông dân đã mất việc làm trên chính trang trại của họ và phải chuyển tới những thành phố lớn để làm việc ở những nhà máy xí nghiệp. Việc chuyển tới một môi trường mới như thành phố lớn sẽ không làm những người nông dân đó biến đổi giới tính hoặc giúp họ có thêm giác quan thứ sáu. Và nếu may mắn tìm được một vị trí ở nhà máy dệt, họ có thể yên tâm tiếp tục công việc đó cho đến hết cuộc đời mà không phải lo lắng suy nghĩ về định hướng nghề nghiệp khác.
Đến năm 2048, mọi người có thể sẽ phải đối mặt với việc di chuyển đến không gian mạng ảo (cyberspace), đa nhân dạng giới tính (fluid gender identity), và những trải nghiệm giác quan mới được tạo ra bởi các bộ siêu vi được cấy vào não. Giả sử bạn là nữ và may mắn tìm được một công việc có ý nghĩa với cuộc đời như thiết kế và cập nhật thời trang mới nhất cho một game thực tế ảo 3D. Chỉ trong vòng một thập kỷ đổ lại, không chỉ riêng ngành thời trang mà còn có cả những hình thức nghệ thuật khác, tất cả các công việc đòi hỏi sáng tạo ở trình độ này có khả năng sẽ bị thay thế bởi AI. Dễ thấy ở độ tuổi 25, dòng giới thiệu về bản thân bạn trên mấy trang web hẹn hò online có thể sẽ nhìn như sau:
Phụ nữ dị tính luyến ái 25 tuổi hiện đang sống ở London và làm việc trong một shop thời trang.
Và khi 35 tuổi...
Một người không có giới tính đang trải qua quá trình điều chỉnh tuổi tác; hoạt động thần kinh chủ yếu diễn ra trong thế giới ảo NewCosmos, và mục đích cuộc sống là tới những nơi mà chưa nhà thiết kế thời trang nào đặt chân tới trước đó.
Khi 45, cả hẹn hò và việc tự định nghĩa bản thân đã trở nên lỗi thời. Bạn chỉ còn việc đợi cho một thuật toán phù hợp nào đó tìm (hoặc tạo) ra một nửa hoàn hảo kia cho bạn. Bởi ở hiện tại, khi tìm thấy ý nghĩa qua vẽ vời trong thiết kế thời trang, bạn bị loại bỏ không thương tiếc bởi các thuật toán. Chúng chỉ nhìn vào những thành tích đăng quang của bạn từ mấy thập kỷ trước - điều không may khiến bạn cảm thấy bối rối thay vì tự hào. Bạn vẫn còn rất nhiều thập kỷ của những thay đổi cách mạng phía trước.

Những thiết kế thời trang được tạo ra bởi AI

Xin đừng nhìn nhận viễn cảnh này theo đúng nghĩa đen. Trong chúng ta, không ai có khả năng dự đoán những thay đổi cụ thể trong tương lai một cách chính xác cả, và điều đó khiến bất kỳ viễn cảnh trên có thể sẽ khác xa với thực tế. Nếu ai đó tả cho bạn nghe một thế giới trong giữa thế kỷ 21 và nó nghe giống khoa học viễn tưởng, nó có thể đã sai. Nhưng nếu ai đó tả cho bạn nghe một thế giới trong giữa thế kỷ 21 và nó không nghe giống khoa học viễn tưởng, thì chắc chắn là nó đã sai bét tè le. Chúng ta không thể chắc chắn về bất cứ điều gì, sự thay đổi là thứ chắc chắn duy nhất.
Những thay đổi sâu sắc đó có thể dẫn tới biến dạng cấu trúc cơ bản của cuộc sống, khiến cho sự gián đoạn trở thành đặc điểm nổi bật nhất của chính nó. Từ thời xa xưa, cuộc sống đã được chia ra làm hai giai đoạn chính: giai đoạn học và theo sau đó là giai đoạn làm việc. Trong phần đầu của cuộc sống, bạn sẽ phải cần cù tích lũy thông tin, phát triển các kỹ năng, xây dựng một thế giới quan và xây dựng một bản sắc ổn định. Ngay cả nếu bạn phải làm việc trong ruộng lúa của gia đình ở tuổi 15 thay vì đến trường như những đứa trẻ khác, điều quan trọng nhất bạn đang làm là vẫn học: cách trồng lúa, cách thương lượng với mấy ông lái buôn thành thị tham lam, hay cách giải quyết xung đột về đất đai và nước sạch với những nhà dân khác. Ở giai đoạn thứ hai, bạn chủ yếu dựa vào các kỹ năng đã được tích lũy của mình để định hướng thế giới, kiếm sống cho bản thân nói riêng và đóng góp cho xã hội nói chung. Tất nhiên ngay cả ở tuổi 50, bạn có thể vẫn sẽ tiếp tục học được những điều mới về lúa, đàm phán với lái buôn và xung đột. Nhưng đây chỉ là một phần bé xíu so với những năm tháng lành nghề lão luyện mà bạn đã trải qua.
Đến giữa thế kỷ 21, việc tăng tốc trong sự thay đổi cộng với tuổi thọ con người được kéo dài hơn sẽ khiến mô hình truyền thống này trở nên lỗi thời. Cuộc sống sẽ sớm bị vỡ tan ra nhiều phân khúc nhỏ hơn và dần mất đi sự liên kết giữa các giai đoạn khác nhau của dòng đời. Câu hỏi "Tôi là ai?" đang trở nên cấp bách và phức tạp hơn bao giờ hết.
Điều này có khả năng liên quan đến mức độ căng thẳng tột cùng. Sự thay đổi hầu như luôn khiến con người ta cảm thấy stress, và khi sau một độ tuổi nhất định họ sẽ không còn thích nó nữa. Khi bạn 15 tuổi, mọi thứ quanh bạn luôn đi liền sự thay đổi. Cơ thể bạn lớn lên, trí óc bạn phát triển, những mối quan hệ xung quanh cũng dường như trở nên sâu sắc và có ý nghĩa hơn. Cuộc sống như đang cuốn bạn vào một vòng xoáy không ngừng nghỉ và tất cả thật quá đỗi mới mẻ. Bạn suốt ngày bận rộn với việc tái tạo bản thân. Ở lứa tuổi dậy thì, phần lớn những đứa trẻ sẽ thấy thế giới ngoài kia thật đáng sợ, nhưng đồng thời cũng thật kích thích và thú vị. Có vô vàn những viễn cảnh và cánh cửa mới đang được mở ra — cứ như cả thế giới đang chờ đợi để được chúng chinh phục vậy.

Khi chạm tuổi 50, bạn không còn thiết tha gì mấy sự thay đổi và phần lớn mọi người đều đã bỏ cuộc với việc chinh phục thế giới. Những gì người khác làm bạn cũng đã thử, nên tất cả bạn cần bây giờ chỉ đơn giản là sự ổn định. Bạn đã dành biết bao nhiêu năm tháng để đầu tư vào các kỹ năng, sự nghiệp, bản sắc và thế giới quan của mình, nên điều đó khiến bạn có đằng trời mới muốn khởi dựng mọi thứ lại từ đầu. Khi bạn càng bỏ ra nhiều công sức và nỗ lực để xây dựng một thứ gì đó, thì càng khó để đặt nó xuống và chừa chỗ cho những thứ khác mới hơn. Bạn vẫn có thể yêu thích những trải nghiệm mới và những điều chỉnh nhỏ, nhưng hầu hết mọi người ở độ tuổi 50 vẫn chưa sẵn sàng để đại tu lại một lần nữa các cấu trúc đồ sộ về bản sắc và tính cách của họ.
Có một lý do khoa học cho hành vi này. Mặc dù cấu trúc não bộ của người trưởng thành có khả năng thích ứng và linh hoạt hơn rất nhiều so với những mặc định trong quá khứ, nó vẫn không thể nào linh hoạt bằng cấu trúc não bộ của một đứa trẻ. Những hoạt động như kết nối lại các nơ-ron thần kinh và tái hợp các khớp thần kinh sẽ trở nên vất vả hơn rất nhiều theo thời gian khi một người già đi. Nhưng trong thế kỷ 21, sự ổn định đã trở thành một thứ gì đó khá xa xỉ. Nếu bạn cứ khư khư giữ lấy một bản sắc, công việc hoặc thế giới quan ổn định, thì khả năng cao là bạn sẽ bị bỏ lại xa trong lúc thế giới ngoài kia đang phóng vèo qua mặt bạn và ngoái lại cười khúc khích. Kết quả là, cho rằng tuổi thọ sẽ được kéo dài ra đáng kể, bạn có thể sẽ phải dành ra vài thập kỷ sau đó sống như một hoá thạch ngu muội. Để thích nghi với thế giới trong tương lai - không chỉ về kinh tế mà trên hết là về mặt xã hội - bạn sẽ cần khả năng không ngừng học hỏi và tái tạo lại chính bản thân. 
Đặc biệt là ở độ tuổi trẻ như 50.  


Lời khuyên tốt nhất tôi muốn dành cho một đứa trẻ 15 tuổi: đừng dựa dẫm quá nhiều vào người lớn. Mặc dù họ có ý tốt đấy, nhưng họ vẫn chưa hiểu về thế giới rõ như họ nghĩ đâu. 



Khi sự lạ lẫm trở nên bình thường, những trải nghiệm trong quá khứ của bạn, cũng như của toàn nhân loại, sẽ trở thành những hướng dẫn ít đáng tin cậy hơn cho thế hệ tiếp theo. Loài người nói riêng và nhân loại nói chung sẽ sớm đụng độ nhiều hơn với những thứ chưa ai chứng kiến trước đó bao giờ: các bộ não siêu-trí-tuệ nhân tạo, các cơ thể máy móc thông minh, những thuật toán có thể điều khiển cảm xúc với sự chính xác đến kỳ lạ, những thảm hoạ khí hậu nhanh chóng được tạo ra bởi chính loài người, hay chuyện phải liên tục thay đổi ngành nghề ở mỗi thập kỷ. Chúng ta phải làm sao cho đúng trong những trường hợp chưa xảy ra bao giờ như thế? Chúng ta phải hành động thế nào trong khi còn đang bị đè chết ngộp trong đống dữ liệu khổng lồ và hoàn toàn không có cách nào để có thể tiếp thu và phân tích tất cả? Làm sao để tồn tại trong một thế giới, nơi sự hỗn loạn lại là một tính năng cốt lõi thay vì bug?
Để tồn tại và trở nên thịnh vượng trong một xã hội như thế, bạn sẽ cần rất nhiều sự linh hoạt về mặt tinh thần và khả năng điêu luyện trong việc cân bằng cảm xúc. Bạn sẽ phải thường xuyên bỏ lại một số thứ mà bạn hiểu rõ nhất, và hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi chạm trán phải những ẩn số. Thật không may, việc dạy bọn trẻ cách đón nhận những ẩn số trong khi đồng thời hướng dẫn cách cân bằng sức khoẻ tinh thần của chúng khó hơn rất nhiều việc dạy chúng giải phương trình Vậy Lý hay ghi nhớ nguyên nhân của thế chiến thứ nhất. Bạn chỉ không thể học khả năng phục hồi bằng cách đọc một cuốn sách hoặc nghe một bài giảng. Và ngay cả phần lớn chính bản thân giáo viên vẫn còn thiếu sự linh hoạt về tinh thần mà thế kỷ 21 đòi hỏi, bởi trong thực tế, họ vẫn là sản phẩm của nền hệ thống giáo dục cũ.
Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp đã để lại cho chúng ta lý thuyết dây chuyền sản xuất của giáo dục. Ở giữa thị trấn là một tòa nhà bê tông lớn được chia thành nhiều phòng giống hệt nhau, mỗi phòng được trang bị với những dãy bàn ghế được kê hàng thẳng tắp. Khi trống đánh, bạn vào lớp cùng với 30 đứa trẻ khác sinh cùng năm với bạn. Mỗi giờ lại có một người trưởng thành khác nhau bước vào và bắt đầu luyên thuyên giảng bài,  những người được trả lương bởi chính phủ. Một trong số đó cho bạn biết về hình dạng của trái đất, một người khác kể cho bạn về quá khứ của con người và một người khác cho bạn biết về cơ thể con người. Thật dễ để cười vào cái mô hình giáo dục này dẫu nó đã đạt được bất kỳ thành tựu sáng giá gì trong quá khứ. Phần lớn bây giờ mọi người đều đồng ý là đã đến lúc nó phải phá sản, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm được một hệ thống bền vững và tốt hơn để thay thế. Và chắc chắn là nó sẽ phải là kiểu hệ thống được áp dụng cho cả miền quê hẻo lánh Mexico chứ không chỉ riêng mỗi vùng thành thị đông đúc giàu có như California.

Đột nhập vào những cơ thể sống

Vậy nên đây sẽ lời khuyên tốt nhất tôi có thể cho một đứa trẻ 15 tuổi đang bị mắc kẹt trong một hệ thống giáo dục cũ mèm đâu đó trên đất Mexico, Ấn Độ, hay Alabama là: đừng dựa dẫm quá nhiều vào người lớn. Mặc dù họ có ý tốt đấy, nhưng họ vẫn chưa hiểu về thế giới rõ như họ nghĩ đâu. Trong quá khứ, việc trẻ con nghe lời người lớn là một cuộc đánh cược tương đối an toàn, vì họ biết khá rõ mọi thứ và thế giới chỉ chầm chậm thay đổi chút ít. Nhưng mọi thứ đã khác. Ở thế kỷ 21, do tốc độ thay đổi ngày càng tăng, một đứa trẻ sẽ không thể nào phân biệt được đâu là kinh nghiệm vô giá và đâu là thành kiến đã bị lỗi thời trong những lời người lớn nói.
Vậy đứa trẻ nên dựa vào cái gì? Công nghệ tân tiến chăng? 
Đó là một canh bạc thậm chí còn rủi ro hơn. Công nghệ có thể rất hữu ích và giúp bạn đạt được nhiều mục đích khác nhau, nhưng nếu bạn để nó kiểm soát hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống thì chẳng khác nào bạn đang là nô lệ và mắc kẹt trong chính công cụ của mình. Hàng ngàn năm trước, con người đã phát minh ra nông nghiệp, nhưng công nghệ này chỉ làm giàu cho một phần bé tí những người có địa vị, tầng lớp cao trong xã hội trong khi lại nô dịch hoá phần lớn loài người. Hầu hết mọi người phải cắm mặt xuống ruộng từ lúc mặt trời còn chưa ló dạng tới khi tối mịt, vất vả gánh những thùng nước đồ sộ, và gặt ngô dưới ánh nắng mặt trời bỏng rát. 
Bạn đã có thể là một trong số đó.
Công nghệ không xấu, và nó sẽ trở thành một lợi thế lớn chỉ khi bạn biết rõ bạn muốn làm gì với cuộc đời mình. Nếu bạn vẫn chưa biết bản thân cần gì, công nghệ sẽ dễ dàng thiết lập định hướng tương lai và giành kiểm soát lấy cuộc đời bạn. Đặc biệt trong một thời đại nơi máy móc ngày càng hiểu con người hơn như bây giờ, một lúc nào đó bạn sẽ bất chợt nhận ra bản thân đang phục vụ cho công nghệ thay vì ngược lại như bạn vẫn luôn đinh ninh. Bạn đã bao giờ thấy những con zombie đi ngoài đường chưa? Những cái con mà suốt ngày chỉ cắm mặt vào điện thoại ở mọi nơi ấy? Theo bạn thì ai đang điều khiển ai?

Tôi dám cá rằng một vài khoảnh khắc nào đấy, bạn đã nằm trong số đó.
Vậy đứa trẻ nên dựa vào chính mình và tự lực cánh sinh ư? Rất tiếc, điều đó sẽ nghe thật cool ngầu trên những chương trình TV trẻ em đã lỗi thời như Seasame Street hay những bộ phim Disney cũ rích, nhưng trong đời thực, nó không hoạt động tốt như vậy. Ngay cả Disney sau này cũng đã nhận ra điều đó cơ mà. Phần lớn mỗi khi mọi người không hiểu bản thân, và khi họ cố gắng "lắng nghe tiếng gọi trong tim" như cô bé  Riley Andersen trong phim Inside Out, họ trở thành những con mồi béo bở cho sự thao túng bên ngoài. Những yếu tố như tuyền truyền của chính phủ ngập tràn trên phố, việc bị tẩy não tư tưởng một cách có tổ chức, quảng cáo thương mại nhan nhản ở mọi nơi, hay chưa nói đến cả những lỗi sinh hoá, đã được in đậm sâu sắc vào ký ức khiến tiếng nói trong đầu chúng ta chưa bao giờ đáng tin cậy như chúng ta vẫn tưởng. 
Khi công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đang trên đà tiến bộ vượt bậc, những cảm xúc và khát vọng sâu thẳm nhất của loài người sẽ dễ dàng bị kiểm soát hơn và khiến cho việc lắng nghe theo trái tim bạn đang trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Khi Coca-Cola, Amazon, Baidu, hay chính phủ biết rõ tường tận cách làm sao để giật dây trái tim và kích hoạt nút bấm trong não bạn, ranh giới phân chia giữa đâu là tiếng nói của bản thân và đâu là tiếng nói của những chuyên gia tiếp thị đang trở nên mờ nhạt đến mức đáng báo động.


Nếu bạn vẫn chưa biết bản thân cần gì, công nghệ sẽ dễ dàng thiết lập định hướng tương lai và giành kiểm soát lấy cuộc đời bạn.



Để thành công trong một nhiệm vụ khó khăn như thế, bạn sẽ cần phải cực kỳ nỗ lực trong việc học cách hiểu tường tận hệ điều hành của bạn — bản thân là ai và thật sự muốn gì trong cuộc sống. Đây chính là lời khuyên cũ nhất của mọi cuốn sách: know thyself. Những nhà triết học và tiên tri đã thôi thúc loài người việc hiểu bản thân từ hàng ngàn năm trước, nhưng lời khuyên này đã trở nên gấp rút hơn bao giờ hết trong một thế kỷ như 21. Không giống với thời Lão Tử hay Socrates, cuộc đua khốc liệt đã bắt đầu và bạn đang phải đối đầu với những đối thủ nặng ký như Coca-Cola, Amazon, Baidu, và chính phủ. Họ đang tập trung hết nguồn lực có thể để có thể đột nhập vào tâm trí và khát khao sở hữu được chính con người bạn. Không phải đột nhập vào điện thoại thông minh, máy tính và tài khoản ngân hàng của bạn, mà thay vì đó là làm sao để hack vào chính cơ chế điều hành của bạn. Có thể bạn đã nghe qua câu chuyện chúng ta đang sống ở thời đại của những chiếc máy tính bị đột nhập, nhưng điều đó còn chẳng đúng một nửa với mọi thứ đang xảy ra. Sự thật là, chúng ta đang chứng kiến thời đại của những cơ thể sống bị khai thác và tận dụng một cách triệt để nhất.

Các thuật toán phức tạp đang sát sao theo dõi bạn ngay tại lúc này đấy. Chúng biết bạn đi đâu, làm gì, gặp ai, và sẽ sớm thôi chúng sẽ kiểm soát luôn cả từng bước chân, hơi thở và nhịp tim của bạn. Sau khi chúng đã hiểu rõ bản thân bạn còn hơn chính bạn qua quá trình được nuôi dưỡng cẩn thận bởi Dữ Liệu Lớn và trí tuệ nhân tạo, việc kiểm soát và tái thiết lập lại tư duy của bạn chỉ là vấn đề của thời gian, và bạn sẽ không thể làm gì trước điều đó. Bạn sẽ sống máy móc dưới sự điều khiển một ma trận được thiết lập sẵn như trong phim The Truman Show, nhưng còn thậm chí vẫn sẽ ảo tưởng đinh ninh rằng bạn đang tự làm chủ cuộc đời cơ. Quy ra sau cùng thì chúng ta vẫn chỉ có một sự thật đơn giản: nếu những thuật toán hiểu rõ những gì đang xảy ra với bạn hơn cả bạn, thì quyền định đoạt sẽ nghiêng về phía chúng.
Tất nhiên, bạn có thể hoàn toàn hạnh phúc khi nhường lại mọi quyền hạn cho các thuật toán và tin tưởng chúng để quyết định mọi thứ cho bạn và cả phần còn lại của thế giới. Nếu vậy, hãy thư giãn và tận hưởng chuyến đi thôi nào, bạn sẽ chẳng cần phải làm gì hết. Các thuật toán sẽ lo liệu triệt để tất cả mọi thứ và sẽ chăm sóc bạn một cách "chu đáo" nhất. Nhưng nếu bạn thực sự muốn dành lấy quyền kiểm soát đối với sự tồn tại cá nhân và tương lai của cuộc sống, thì bạn chắc chắn phải học cách đua nhanh hơn cả thảy đám thuật toán, Amazon, hoặc chính phủ và hiểu chính mình trước khi họ làm điều đó. Bạn phải hiểu bản thân nhanh và rõ hơn bất cứ ai khác. Để chạy thật nhanh, hãy mang theo một ít hành lý gọn nhẹ bên người. Hãy bỏ lại tất cả những ảo tưởng sau lưng.
Vì chúng thật sự rất nặng.
Theo Yuval Noah Harari


P/s lời trans: CHÂN THÀNH CẢM ƠN ANH TUỆ NGÔN VÀ HEXPION SIÊU SIÊU NHIỀUUU NHAAA. Bài viết sẽ không được hoàn thiện nếu không nhờ mọi người chân thành góp ý và cho em rất nhiều những lời khuyên quý báu, em thật sự rất trân trọng điều đó :) 

Bài này đã tốn thật nhiều công sức và thời gian nhưng vì là lần đầu dịch nên mọi người thông cảm nếu đọc hơi sượng nhé. Mình sẽ cố gắng nhận feedback để lần tới có thể hoàn thiện tốt hơn.
Scarlet.