Truyền thông và bầy cừu - Kẻ thống trị đang làm tốt vai trò của mình.
Tôi đang nói về thứ sức mạnh quyền lực nhất hiện nay: sức mạnh truyền thông. Truyền thông hiểu đơn giản là sự tương tác, trao đổi...
Tôi đang nói về thứ sức mạnh quyền lực nhất hiện nay: sức mạnh truyền thông.
Truyền thông hiểu đơn giản là sự tương tác, trao đổi thông tin giữa hai người trở lên, là sự truyền đạt quan điểm và suy nghĩ bằng ngôn ngữ, kí hiệu hoặc phi ngôn ngữ. Đây là một hoạt động cần thiết bậc nhất của xã hội, qua đó trật tự được thiết lập hoặc không thiết lập, tạo hỗn loạn hoặc không tạo hỗn loạn.
Truyền thông có thể chia làm RẤT nhiều loại tùy theo mục đích. Hôm nay tôi chỉ đề cập đến Truyền thông nhà nước và Truyền thông đại chúng, hai thứ ''bé nhỏ'' chi phối sự vận động của thế giới.
1. Truyền thông nhà nước:
Truyền thông nhà nước bao gồm các loại hình truyền thông (báo, truyền hình, social media,...) bị chi phối 100% hoặc 99% bởi nhà nước, là công cụ chủ chốt để kiểm soát thông tin trong xã hội độc tài. Chính quyền ở Trung Quốc và Nga đều đi đầu trong mô hình truyền thông nhà nước, nhưng hệ thống này cũng tồn tại và ngự trị ở nhiều quốc gia khác như Azerbaijan, Iran, Rwanda, Việt Nam và Zimbabwe,... chúng được tạo ra để tác động vào 4 đối tượng chính: giới tinh hoa của chế độ, đông đảo quần chúng, người dùng Internet, phe đối lập và xã hội dân sự.
Truyền thông nhà nước không được tạo ra nhằm che đậy mọi sự thật, chúng được tạo ra nhằm ngăn chặn hầu hết các nguy cơ lật đổ chính quyền. Chúng cổ xúy cho sự thờ ơ của công chúng, hạ thấp uy tín của phe đối lập, ngày càng nâng cao vị thế truyền thông của bản thân và phục vụ cho lợi ích của các doanh nghiệp thân nhà nước.
Ở các quốc gia sử dụng mô hình truyền thông nhà nước, truyền hình là công cụ chính được sử dụng. Các đài phát thanh, đài truyền hình với hệ thống các ban tuyên giáo có những bước đi bài bản trong các hoạt động định hướng dư luận. Các đài truyền hình quốc gia ngày càng có những bước đi mới (và hiệu quả đến đáng ngạc nhiên) trong quá trình giữ vững ưu thế truyền thông và duy trì sự thống trị của mình đối với dư luận trong nước. Tiêu biểu có thể kể đến CCTV của Trung Quốc với hàng trăm triệu lượt khán giả trong và ngoài nước, nó đóng vai trò như là một công cụ kiểm soát của nhà nước, lèo lái ý thức quần chúng đối với tin tức và sự kiện và quản lý thông điệp trên những kênh giải trí phổ biến. CCTV đại diện cho một thực thể truyền thông độc tài đã đạt được thành công thương mại kết hợp với tính hệ thống, dù đã được chỉnh sửa, đàn áp thông tin. Đó là một tập đoàn truyền thông (với cánh tay nối dài không chỉ khắp Trung Quốc mà còn ở hải ngoại) mang lại lợi nhuận tài chính, hoạt động tự chủ và có ý thức hệ vững chắc. Sự nổi bật của nó đã giúp các nhà quản lý rất nhiều trong việc loại bỏ các đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Những quảng cáo của CCTV đều thuộc về các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân có tham vọng kết giao với các quan chức chính quyền. Kết quả cuối cùng là một môi trường truyền thông bán thương mại nơi có bàn tay chi phối biên tập của đảng và nhà nước.
Điều đáng lên án ở đây là sự thật chỉ được nói một nửa hoặc thậm chí chỉ là một ''mẩu''. Mà, một nửa của sự thật chắc chắn không phải sự thật. Những bản tin thời sự qua bàn tay nhào nặn của ban tuyên giáo dần trở thành các câu truyện cổ tích với các yếu tố kì ảo được đánh giá cao ở phương diện nghệ thuật. Các tư tưởng của một Đảng phái riêng rẽ thường được nâng lên tầm phương hướng của quốc gia, tiềm năng của đất nước được thổi phồng lên nhằm trấn an người dân đồng thời đàn áp phe đối lập,... Dân chủ bị bào mòn, các ý thức hệ dân tộc bị định hướng bởi các Đảng phái riêng rẽ của các nền xã hội độc tài này khiến đất nước ngày càng suy thoái mặc dù đây là những khu vực ổn định của thế giới.
Với sự bùng nổ của internet, tưởng như truyền thông nhà nước đã có đối thủ cạnh tranh. Nhưng sự phân tán tư tưởng của thế giới trực tuyến cùng một hệ thống ''van xả quan điểm'' của cộng đồng mạng cho thấy đây chỉ là một mớ hỗn tạp nhiều tiếng nói lệch pha trong khi truyền thông nhà nước về bản chất được tập trung quyền lực cao độ, có một ý thức hệ rõ ràng và được truyền tải trực tiếp đến quần chúng mà không bị cản trở. Do đó, đây không thể là thứ có thể phá vỡ được sự thống trị tư tưởng ổn định và lâu dài của truyền thông nhà nước.
Đọc thêm:
2. Truyền thông đại chúng và sự định hướng các quy tắc chân thiện mỹ
Sự bùng nổ của New Media đã tiếp tay mạnh cho hoạt động marketing của các tập đoàn dịch vụ hàng đầu thế giới. Phần phía Tây của quả địa cầu ngày càng nâng cao vị thế của chủng tộc Caucasoid so với phần còn lại.
Cả thế giới dần đi theo phong cách thời trang của phương Tây, lối sống Tây, suy nghĩ Tây, hình mẫu Tây,... Các bộ phim Hollywood, các thước phim quảng cáo, những câu truyện, những bài báo, những số liệu thống kê về các tỉ phú da trắng đã làm cho loài người bị ''ngộp'' trước một chủng tộc hoàn hảo. Hơn thế nữa, văn minh phương Tây cũng được đề cao bởi các phương tiện truyền thông đại chúng, những địa điểm ở các kinh độ Tây dần trở thành điểm đến mơ ước của đại đa số cư dân Trái Đất.
Đâu phải ngẫu nhiên là mạng người Paris ''đắt giá'' hơn cư dân Trung Đông?
Sự khao khát thầm kín dân chủ trong truyền thông ở các quốc gia có xã hội độc tài đã làm người dân tìm đến các kênh truyền hình của phương Tây, nơi thể hiện rõ sự phóng khoáng trong phong cách sống của Âu Mỹ. Và nghiễm nhiên, sự khao khát trở thành một thứ tín ngưỡng khó diễn tả. Từ lâu, đa số trong chúng ta đã mang trong bản thân một sự ngưỡng mộ đối với phương Tây.
VÌ: Truyền thông phương Tây biết đưa hết mọi thứ tốt đẹp của họ ra, thay vì suốt ngày áp đặt tư tưởng và định hướng dư luận chỉ nhằm bảo đảm cho sự tồn tại của chính quyền.
Ngày qua ngày, những giá trị của riêng phương Tây dần được nâng thành quy chuẩn chung của thế giới. Rượu vang Pháp, cookie Đan Mạch, bia Bỉ, bóng đá Anh,... dần trở thành một biểu tượng của những người sành điệu trên toàn thế giới. Và, phương Tây kiếm được bao nhiêu tiền khi ''buôn bán'' văn minh của họ? Chưa kể, phương Tây luôn có những lý do cao cả khi đi ''ban phát dân chủ'' ở các quốc gia giàu tài nguyên mà sau đó là một vùng đất chiến sự tan hoang nhưng vẫn được sự ủng hộ của dư luận thế giới. Thật buồn cười.
Hơn nữa, cái xấu luôn dễ học hơn. Những thứ cặn bã của văn minh phương Tây thường được du nhập sớm vào các quốc gia có tư tưởng sính ngoại, kết hợp cùng sự kém phát triển của nguồn lực trong nước tạo thành một mớ tạp nham không thể ngửi nổi.
Đừng làm cừu.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất