Thoát khỏi ảo tưởng " chữa lành" và " tỉnh thức"
Hiện nay, các nội dung dạng chữa lành và tỉnh thức xuất hiện rất nhiều đáp ứng quy luật cung cầu cho loại thị trường chăm sóc tâm...
Hiện nay, các nội dung dạng chữa lành và tỉnh thức xuất hiện rất nhiều đáp ứng quy luật cung cầu cho loại thị trường chăm sóc tâm lý mới và đang hot này, đó là một nhu cầu chính đáng, song, những nội dung trên dường như đang dần trùng lặp, bão hòa, rời rạc và phổ thông theo một cách thương mại và giải trí nhanh chóng nhiều hơn là thực sự vạch ra một lộ trình minh bạch tiến tới tỉnh thức, có thể thấy điều này cụ thể thông qua những chủ đề chỉ quanh quẩn ở mức an toàn như yêu thương, buông bỏ, vượt qua lo lắng, sợ hãi, nghị lực,... Kết quả chỉ dừng lại ở những giải thích bề mặt trong khuôn khổ vài chục phút của một cuộc trò chuyện, trải nghiệm đó khiến chúng ta có những phút giây quên đi muộn phiền nhưng sâu thẳm cốt tủy của khổ đau vẫn còn đeo bám, và nếu bạn cảm thấy những nội dung " chữa lành" và " tỉnh thức" không làm bạn thực sự dứt điểm khổ đau thì đây chính xác là bài viết dành cho bạn, thứ hai, đây không phải là một bài viết theo thiên hướng nhà tu như nhiều bài giảng trên internet mà chỉ đơn thuần phát xuất từ góc nhìn một người bình thường.
Tư tưởng sai lầm không đáng sợ bằng tư tưởng nửa đúng nửa sai
1. Những ảo tưởng:
Đầu tiên, chúng ta cần rõ biết rằng đâu là dấu hiệu của cơn tỉnh thức " ảo", rõ ràng nhất là sự dậm chân tại chỗ, ta hằng ngày sống với những lý thuyết, lúc khó khăn thì lôi nó ra tự vấn an rồi lại cất vào nhưng chung quy lại phần nhiều thời gian tâm đều bất an, ví dụ như người ta nói rất nhiều về lòng thương, chính cái lúc tiếp thu và phát tác nó làm ta cảm thấy rất xúc động và biết ơn, thậm chí tự thấy mình đủ từ bi như một vị Phật, song, nó chỉ tồn tại trong những phút giây nhất định.
Một tầng bậc khác của ảo tưởng chính là đi tìm tỉnh thức bằng cách gắng sức rời xa ràng buộc hiện thực nhưng lại tự trói buộc mình vào hư vô, mơ hồ, cố kìm nén, chối bỏ cái tôi, tỏ ra khác người rồi ngộ nhận tính không, vô ngã, hòa nhập với vạn vật, cụ thể biểu hiện là những người trong lúc trà dư tửu hậu sẽ cố gồng lên diễn giải chân lý cao siêu nhưng trong đời sống thực tiễn thì lại thực hành trái ngược.
Tỉnh thức cũng không đồng nghĩa với vài hành động tạm gọi là tốt như đi chùa, mặc đồ lam, tam bộ nhất bái, quy y khóa ngắn hạn hay tri ân cha mẹ trong ngày lễ vu lan, quyên góp, từ thiện,... Bởi nếu những hành động đó khởi đầu cho một chuỗi phát triển thì quá tốt, còn nếu chỉ nhìn nhận nó nông cạn như một thành tựu để ỷ lại, lấp liếm cho những ám ảnh thì đúng là một tà kiến, sâu hơn về mặt tâm lý, có hẳn một khái niệm Savior Complex ( phức cảm cứu rỗi) để nói về hiện tượng này, hiện tượng ấy cũng là nguyên nhân khiến ta lúc nào cũng gồng mình lên kiểm soát tất cả đến mức cực đoan rồi mặc định đó là cách tốt, thậm chí, ảo tưởng mình lúc nào cũng đúng, cũng vượt trội, còn người khác hạ đẳng, khổ sở, lúc nào cũng chờ mình giải cứu, ở đây không nói hành động giúp đỡ nào là xấu, chỉ nhấn mạnh hướng đi của tâm đang lệch lạc khiến ta rơi vào ảo tưởng mà thôi.
Chữa lành và tỉnh thức sẽ là một sai lầm nếu chỉ đánh vào mặt trend, hình ảnh và cảm xúc, đó là một chiến lược truyền thông tốt nhưng ngược lại nó là một chấp niệm tồi, bởi tất cả những thứ vô thường rồi cũng trôi qua dù tốt hay xấu, thế chẳng lẽ đồng nghĩa chấp nhận bao nhiêu thứ mình học được cũng sẽ phai nhạt theo cảm xúc nốt, hay giác ngộ trong ta là một biểu đồ hình sin? Đó không phải tỉnh thức mà đơn thuần chỉ là mình đang hướng theo cái mà mình thích và bám lấy nó trong khi ý nghĩa thực sự của tỉnh thức là thoát ra.
2. Nguyên nhân:
2.1 Về mặt chủ quan:
Ảo tưởng " tỉnh thức" dễ xảy ra do bản tính con người ai cũng ưa cảm giác thoải mái, khi chưa bị đụng chạm quyền lợi, ai cũng nghĩ mình tài giỏi, thanh cao, lúc đó không có nhu cầu và động lực để tìm hiểu những mặt tối của đời người nhưng trớ trêu thay khổ đau sẽ đem họ lại gần nhất với sự thật, và khổ đau là một thứ không thể chối từ, ai cũng sẽ vướng phải không này cũng kia.
Song song với đó, việc nâng cao đời sống tri thức còn bị xem nhẹ, vài người mình biết đều thích nhậu nhẹt bù khú, ganh đua vặt, cặp kè trai gái, hóng chuyện, họ chỉ tìm đến Phật để thỏa mãn mong cầu xin-cho và cảm giác che chở trước những rắc rối từ gia đình, công việc, đối với nhiều người, chỉ có đồng tiền, quyền lực và sự hưởng lạc mới là thiết thực, đây là quan niệm rất đời thường và ban sơ.
Chính sự chuẩn bị sơ sài trên đã khiến người ta bị động, đến lúc khổ đau ập đến, họ lúng túng, khủng hoảng tìm cách đối diện đến mức phải cần một chuyên gia tâm lý mặc dù người hiểu mình nhất không ai khác ngoài bản thân, tự mình phải có trách nhiệm trở thành một người chuyên gia tâm lý giỏi nhất cho chính mình.
Tâm lý tự ti, cũng như nỗi sợ thất bại và sợ đau khổ cũng khiến ta xa rời tỉnh thức, ở đây có hai góc nhìn, nếu ta nhìn sự kiện đó như một sự sụp đổ thì nó rất là khó chịu, còn nếu ta nhìn nó là một điều đang xảy ra và đang trôi qua thì sự khó chịu giảm bớt rất nhiều bởi ta đang đứng trên tâm thế đón nhận. Những giọt nước mắt là phương tiện giải tỏa và tỉnh ngộ, dù hôm nay nước mắt rơi như mưa dầm thì ngày mai vẫn phải tỉnh táo sống tiếp, đó không phải tôi đang kêu gọi sống nhu nhược mà là đặt ra trường hợp nếu có những điều cưỡng bách không may thì nên đối diện với nó như thế nào.
Thói quen " nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống không ai bằng mình" cũng cần phải loại bỏ bởi đó là một sự trốn chạy khỏi hiện thực trong khi hiện thực ngay ở ngay đây và chỉ có ta cộng với vấn đề của ta là thứ cần phải tự thân dối diện, thế thì thì nhìn lên nhìn xuống lợi ích gì ngoài một chút tự an ủi? Hạnh phúc của mình là hạnh phúc của mình, niềm đau của mình là niềm đau của mình, chúng ta có thể thông cảm với nhau nhưng đừng so sánh và cũng không đạt được lợi ích gì từ việc so sánh.
So sánh liên tục rồi chới với trước hiện thực, nhất là trong thời đại ai cũng được chứng kiến nhiều hơn thông qua mạng xã hội, hình ảnh về những cá thể ưu tú khiến cái tôi phát tín hiệu nguy hiểm, nó thôi thúc ta phải thể hiện và được công nhận nhằm cảm thấy an toàn, nhiều người đã bộc phát nó ra ngoài một cách thái quá bằng cách tìm kiếm những kích thích mạnh thông qua những việc làm lố, chơi trội, mạo hiểm, thậm chí là sa ngã và trụy lạc rồi ngộ nhận đó là " mình", trở về làm chính mình, người ta hay bảo " sống là chính mình", YOLO nhưng " mình" là ai và " mình" có thực sự là như thế không, hay " mình" làm như vậy có hậu quả và ý nghĩa chân thật gì thì lại khó ai giải thích được! Thậm chí, tôi còn gặp một số trường hợp cố tỏ ra hung hăng, thủ đoạn, khôn lỏi để chứng tỏ mình trải đời, chứng tỏ mình giỏi tới mức lầm lẫn giữa hiền lành và nhu nhược, đối với họ thì hiền lành và thật thà là ngu, là thiệt thòi nhưng kỳ thực họ chỉ đang cố gồng lên để tồn tại, để xoa dịu những tổn thương mà xã hội đã gây ra cho họ theo một cách bản năng là co người lại phòng thủ, hoặc để thỏa mãn tham-sân-si và sau cùng tôi hỏi rằng họ có thực sự cảm thấy hạnh phúc chăng?
Hệ quy chiếu là thứ người ta thường phớt lờ từ người khác và tuyệt đối hóa của mình, chính điều đó gây ra những sự tranh cãi và áp đặt không cần thiết, tiêu biểu nhất là muôn hình vạn trạng câu trả lời cho việc " thế nào là hạnh phúc", mỗi người sẽ trả lời một kiểu và ai cũng nghĩ mình đúng nhất, người ta thường cố biện bạch mọi thứ theo hệ quy chiếu của mình chứ không phải bằng một lý lẽ khách quan, có lẽ vì bản năng sinh tồn nên ta luôn tự ưu tiên cho bản thân, đơn giản như hài độc thoại, nhiều lúc nó châm biếm những chủ đề nhạy cảm và điều đó gây ra tranh cãi về mặt đạo đức, cá nhân tôi thấy những tranh cãi đó cực kỳ nhảm nhí vì phải chăng ta đang cố tuyệt đối hóa mọi thứ rồi cảm nhận nó nghiêm trọng? Sao không thử đặt mọi thứ trong một giới hạn hợp lý dành riêng cho nó rồi tư duy các quan điểm bám vào đó, ví dụ hài độc thoại ( hài kịch đen) thì giữ nó trong một giới hạn hài hước và va chạm từ châm biếm sẽ khiến ta có những phút giây lắng đọng nhằm sống tốt hơn, ví dụ khác, trong một cuộc xung đột thay vì đối kháng nhau thì sao không thử đặt mình vào hệ quy chiếu của đối phương để chan hòa với nhau hơn. Từ đó liên hệ, thấu cảm và yêu thương không chỉ đến từ lòng trắc ẩn mà còn phải được duy trì bằng lý trí.
Duy ý chí
Lý tưởng và bản năng luôn có một sự xung đột, vì thế, những kích thích từ nền thương mại " tỉnh thức" rất hấp dẫn, nó cho ta một que diêm đốt lên để thấy ngọn lửa tỉnh thức xua đi bóng tối bản năng nhưng que diêm sẽ mau tàn và chúng ta sẽ cần nhiều que diêm hơn nữa cho đến vô cùng, dần dần ta dễ bị phụ thuộc, bị ảnh hưởng bởi một rừng khái niệm mà những người có sức ảnh hưởng đem đến, cái sai nằm ở chỗ ta đang để tâm bên ngoài quá nhiều thay vì tự soi lại mình để tập trung giải quyết vấn đề của mình. Trong quan niệm mơ mộng về tỉnh thức thì cả người đời lẫn một số người tu đang dần trở thành kẻ tâm thần " hóng gió đợi mây", cố phủ nhận mọi thứ kể cả nhu cầu bản thân rồi tỏ vẻ thanh cao và bỏ mặc luôn những trách nhiệm lẫn các mối quan hệ, họ đang ném nó đi như ném bọc rác một cách bừa bãi để bản thân được nhẹ nhỏm mặc cho những người liên quan cảm thấy rất phiền hà và đau khổ, ví dụ như những người bỏ việc ngang mà không bàn giao trong khi không có lý do chính đáng vậy. Ở góc độ người thường, hãy chấp nhận rằng dù " chữa lành" hay " tỉnh thức" tới mức độ nào thì vẫn phải trở về với những trách nhiệm thường nhật cơm áo gạo tiền, cân bằng các mối quan hệ và điều hướng cho tương lai, thế nên đừng cố với theo mô thức của một nhà tu bởi hoàn cảnh người đời và người tu rất khác nhau, đừng tự ép mình vào thế bí phải bắt chước theo một ai đó rồi rốt cuộc chẳng đi tới đâu, hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ như quan tâm nhiều hơn về bản thân và những người xung quanh.
Đã gọi là tỉnh thức nhưng nhiều người lại mơ màng, thực chất họ chỉ đang sống trong thế giới ảo được tạo ra từ cái tôi tâm linh, và một đặc điểm của thế giới ảo là nó vô dụng ngoài đời thật, đó là lý do một số người để avatar Phật, Bồ Tát, đăng hình đi chùa, đạo lý nhưng khi tiếp xúc ta sẽ thấy họ không phải người tốt, đơn giản vì họ chẳng có mục đích gì ngoài vuốt ve cái tôi tâm linh để cảm thấy khá hơn.
Bản năng cần được nhìn nhận là chính nó, là một công cụ thể lý, nó có những đòi hỏi hoang dã , song, loài người cũng đủ thông minh để biết đâu là lợi - hại, mệt mỏi, đau khổ và sợ hãi đều đến từ nỗ lực gò ép hoặc nuông chiều do chính mình điều khiển, nhiều khi nghe diễn giải về " tâm" nhiều quá nên dễ bị lậm, ỷ lại vào mặt tinh thần, dẫn đến ghét bỏ, xem nhẹ thể xác và hiện thực bên ngoài, tôi biết nhiều người hễ gặp là than chán đời mặc dù họ hoàn toàn khỏe mạnh, họ rất bi quan và hay đổ thừa " bản năng" hay " bản chất" loài người để biện hộ cho những hành động sai lầm, vậy khác nào họ cũng gián tiếp nói giảm nói tránh rằng " đây là cái sai của cả loài người, cái sai bản chất, cái sai đương nhiên, chứ không phải là tại riêng tôi", họ đổ thừa những cám dỗ thay vì nhận lỗi, đây là điều không nên vì nó đồng nghĩa tự sinh ra một loại phiền não nghiêm trọng đeo bám chặt lấy sinh mạng, thế không lẽ bây giờ nên chết đi? Hay nói vui " đời là bể khổ", " qua bể khổ là qua đời". Trong trường hợp này, người ta bị ảo tưởng rằng mình nhìn thấu cuộc đời, đúng là họ có nhìn ra nhưng chỉ phần nhỏ về " khổ" và quan trọng là nó chưa đem đến sự giải thoát, mà thậm chí còn làm suy nghĩ thêm tiêu cực.
Ta đã quá chán chường, bây giờ cần tỉnh thức để thong thả nhưng một số người lại tự gò bó mình vào nhiều nguyên tắc vô lý, vô lý nhất mình từng thấy là tà kiến đi ăn lại đồ thừa của các sư sau khi cúng trai tăng với mục đích tăng trưởng phước nhằm gặp nhiều may mắn, cũng như việc tự hành xác để cầu nguyện, hoặc đừng tụng kinh Địa Tạng ở nhà vì sợ vong ma quỷ vào nhà nghe kinh rồi trú ngụ, họ giống như chạy trốn khỏi cái trại giam này mà lại ngu ngốc tự chui đầu vào nhà tù khác, hậu quả là sinh ra những người tự nhận mình tỉnh thức nhưng sống như gỗ đá, lạnh lùng, cau có, khắc nghiệt nhưng luôn bảo thủ rằng họ đang đúng hướng. Đừng tự áp lực mình phải cao siêu trong khi chưa thực sự cảm nhận được những điều bình thường và vốn dĩ mọi thứ vẫn rất bình thường, đừng cố tỏ ra vẻ trịnh trọng, thâm sâu bởi tỉnh thức và chữa lành vốn có bản chất tự nhiên, bạn chỉ cần nương theo nó tới lúc chín muồi.
Tỉnh thức nó không phải một thứ gì đó quá siêu nhiên, tỉnh thức là thực chứng, cũng như trong kinh Kinh Lá rừng Simsapà (Tương Ưng 56.31) có đoạn Phật nói những pháp mà ông tuyên thuyết chỉ như nắm lá cây trong bàn tay so với lá cây trong rừng tượng trưng cho những điều thực chứng dẫn tới giác ngộ.
Cuối cùng, tỉnh thức không phải là đua đòi theo chúng bạn, không phải nhằm đạt được thành tựu để so sánh, không phải giải pháp tình thế, không chỉ dành cho người giàu, không chỉ giành cho người già mà hễ ai nhận ra những vấn đề bất như ý trong đời sống và muốn cải thiện nó đều có khả năng tiến tới tỉnh thức.
2.2 Về mặt khách quan:
Chúng ta đang bị rối loạn thông tin, nhiều khi gấp gáp mong cầu tỉnh thức mà chưa hiểu được cái căn nguyên của nó, tỉnh thức cần một hệ thống kiến thức bổ trợ chứ không phải mì ăn liền mà nói tỉnh là tỉnh ngay, cái căn nguyên đó bao gồm: ngũ uẩn, nhân quả, mười hai nhân duyên, tứ diệu đế, bát chánh đạo,... Phải hiểu, hiểu rồi phải thực hành và trải nghiệm chứ không chỉ nhắm mắt ngồi thiền hay nghe vài podcast rồi nói triết lý là hết khổ.
Hãy nên biết rằng tỉnh thức mà người ta hay rêu rao cốt để câu view và bán khóa học chỉ là một phần nhỏ trong bát chánh đạo cụ thể là chánh niệm và chánh định, đáng buồn rằng có vài người xem đó là tất cả những gì cần thiết để giác ngộ, họ thấy đủ và dừng lại ở đó, tưởng tượng mình đã tỉnh thức, rồi khi sự việc bất như ý kéo đến thì chợt nhận ra mèo vẫn hoàn mèo, y như chiếc xe bị tháo động cơ chỉ còn khung sườn rồi hỏi sao xe không chạy!
Tỉnh thức cần nỗ lực nhưng mà là nỗ lực quan sát và hành động đúng với dòng chảy tự nhiên chứ không phải nỗ lực trấn áp, đè nén, chạy trốn những cảm xúc tiêu cực. Lấy ví dụ như trong các sản phẩm nghệ thuật, người ta hay lấy việc " đi tu" để thể hiện cho sự khốn cùng, sự khổ đau tột đỉnh của nhân vật mà chỉ có đi tu mới " giảm đau" được, từ đó lâu ngày tiếp xúc với những tác phẩm trên, nhiều người bị nhiễm thứ hình tượng đó rồi hình thành định kiến gắn liền tu tập với cái gì đó rất bi ai và chỉ ai khổ mới cần tu, đây là một quan niệm mà thú thật tôi rất ghét vì nó sẽ dần hủy hoại cốt lõi của trung đạo, đúng, nỗi khổ có thể khởi đầu cho giác ngộ nhưng nó không phải là một đặc tính của giác ngộ! Tỉnh thức nói cho cùng là không chấp nhận bị áp lực dưới mọi khổ đau trên đời, không chấp nhận làm sâu kiến để dòng đời tùy ý dẫm đạp, vậy thì người tu phải thực sự mạnh mẽ, rõ ràng điều đó rất trái ngược với hình tượng bi quan, yếu nhược mà truyền thông miêu tả về người tu.
Cuối cùng, Trở về bên trong không phải là nhắm mắt bịt tai trước mọi sự diễn ra. Có một vài nghiên cứu bảo rằng chánh niệm sinh ra ích kỷ nhưng nếu chánh niệm sinh ra ích kỷ thì Đức Phật là người ích kỷ bậc nhất chăng? Đâu hề, hai mặt tự giác và giác tha vốn không mâu thuẫn, nói đến tinh thần nhập thế giúp đời thì ngay cả trong kinh Đại bát Niết-bàn đã có đoạn:
“Này các Tỳ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Có các chúng sanh sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp”
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất