Bắt đầu từ năm 2020, tôi lên dự định cuối mỗi năm âm lịch sẽ dành một bài để viết về chủ đề viết. Thật ra viết lúc nào cũng được thôi, nhưng tôi tâm niệm “Đường dài mới biết ngựa hay” nên muốn tích luỹ đủ thời gian và kinh nghiệm rồi hẵng lập ngôn. Đến nay thời gian viết của tôi ở Spiderum là 5 năm với 60 bài viết, tuy con số không quá lớn nhưng cũng đủ để lập ngôn, ít nhất là với nền tảng này.
Nếu năm ngoái bài Nhìn lại năm cũ: Về việc viết, đoàn lữ hành, và đàn chó [1] nói về tầm quan trọng của việc chọn nền tảng viết và nguyên tắc viết, thì năm nay bài viết này sẽ nói về tầm quan trọng của việc tối ưu hoá việc viết, và những cách cụ thể để tối ưu hoá nó.
Tin nhắn gửi cho tôi trên Spiderum (trái) và Facebook
Một mặt cũng vì mới đây có vài người bạn mới nhắn cho tôi bày tỏ về sự nản lòng và e ngại khi viết giữa một xã hội đang quá thừa đàn chó, nhưng lại quá thiếu đoàn lữ hành, nên việc chia sẻ cách để luôn duy trì niềm hứng khởi khi viết ở mọi điều kiện, hay nói cách khác là giúp đoàn lữ hành có thể đi đường dài, âu cũng là cần thiết.
Mặt khác đây sẽ là tuyên bố rõ ràng và tương đối đầy đủ về triết lí viết và cách cư xử của tôi trong thời gian dài tới, nên viết xong bài này tôi định sẽ để ở nơi dễ nhìn cho người đọc mới, như là treo lên phần bài viết nổi bật trong sub-domain chẳng hạn.

Khi đọc về sinh học tiến hoá do Jared Diamond viết, tôi rất ấn tượng với một thuật ngữ được ông và dân trong ngành sử dụng: Tối ưu hoá.
Nếu để phục vụ mục đích sinh tồn và duy trì nòi giống, tại sao tiến hoá không thiết kế cho chúng ta những đặc điểm ưu việt hơn, như là tay chân cụt vẫn có thể mọc lại như thằn lằn mọc đuôi, độ tuổi sinh sản của nữ giới là 5 thay vì 15, thời gian thai nghén là 9 tuần thay vì 9 tháng. Chẳng phải những đặc điểm ấy phục vụ tốt hơn cho sinh tồn và duy trì nòi giống sao?
Câu trả lời là không. Bởi cơ thể chúng ta chỉ có một lượng năng lượng nhất định để rồi phải phân bổ sử dụng cho nhiều cơ chế của cơ thể, hai trong số đó là cơ chế sửa chữa và cơ chế sinh sản. Giả sử có một nữ giới dốc toàn bộ năng lượng cho cơ chế sinh sản, cố nhiên cơ chế sửa chữa sẽ yếu đi, và hậu quả là cô ấy có thể lão hoá nhanh và chết trước khi kịp sinh đứa con đầu tiên. Với trường hợp ngược lại, nếu dốc hết năng lượng cho cơ chế sửa chữa, chúng ta có thể gần giống một siêu anh hùng, nhưng chỉ có điều là không sinh sản được vì cơ chế sinh sản đang bị phớt lờ.
Cân bằng là cách xử lí của tiến hoá. Tiến hoá sẽ thiết kế sao cho các cơ chế được phân bổ năng lượng một cách đồng đều nhất, để sao cho khi cơ thể lão hoá đến mức một cơ chế nào đó trở thành vô dụng, thì các cơ chế khác cũng vừa đến lúc hỏng. Bởi thật phí phạm khi tất cả cơ chế đã hỏng, cá thể sắp chết, nhưng cơ thể ấy vẫn phải dành một lượng năng lượng khổng lồ để nuôi, ví dụ, một bộ răng ưu việt chỉ hỏng khi lên đến 900 tuổi.
Cũng như vậy, mức năng lượng của cá thể ở mỗi loài cũng là thứ đã được tiến hoá làm cho tối ưu. Một con người không nên sở hữu năng lượng lớn như một con voi, bởi điều này phụ thuộc vào những rủi ro gây ra cái chết bất ngờ trong tự nhiên. Ví dụ bị mèo răng kiếm Homotherium xé xác là tổn thương không sửa chữa được, mà cứ thỉnh thoảng con người lại bị chúng xé xác, vậy thì tốn năng lượng để mọc lại chân tay là vô nghĩa cho một loài hay bị xé xác. Và trong cuộc đấu tranh sinh tồn, những cá thể không tối ưu như vậy, nếu có, cũng dễ dàng bị loại khỏi cuộc đua và biến mất.

Nếu như Jared Diamond liên tưởng sự tối ưu hoá đến tuần dương hạm Anh trong Thế chiến I, thì tôi liên tưởng nó đến việc viết. Ở Spiderum đủ lâu, tôi đã thấy nhiều trường hợp bỏ viết vì áp lực phải viết hay, vì được quá nhiều người quan tâm, vì bị quá nhiều người chỉ trích, v.v. Trong khi điều quan trọng nhất với việc viết là… viết (tất nhiên), viết hay hoặc dở có thể rèn luyện dần thông qua việc viết nhiều. Sẽ thật vô nghĩa khi một người có khả năng nhiệt tình trả lời còm dạo, kiên nhẫn tranh luận dạo với mọi thành phần, được lòng đám đông, v.v. nhưng lại không có khả năng viết tiếp.
Vậy nên sau đây sẽ là một hệ thống các phương pháp tối ưu hoá của tôi nhằm giúp người viết có thể duy trì việc viết.

Tôi viết vì bản thân. Hay nói cụ thể là vì lạc thú của bản thân. Từ khâu lên ý tưởng, đến khi cụ thể hoá ý tưởng, và ngay cả khi ngắm sản phẩm cuối khác biệt thế nào với ý tưởng ban đầu, tất cả đều vì và nhờ lạc thú mà làm. Mọi công việc liên quan đến sáng tạo tôi từng làm như viết, vẽ, dịch, đều có thứ lạc thú này ngự trị, và tôi tin những ai làm công việc sáng tạo đều hiểu điều này.
Thực tế thì viết để thoả mãn bản thân là lành mạnh. Vì điều kiện lịch sử, người Việt Nam thần thánh hoá việc viết, xưa kia ai viết được chữ thánh hiền là giữ chữ lắm, phải dịp quan trọng mới viết chứ không dám viết chơi; sau đó việc viết bị gán cho đủ thứ vị nhân sinh, vị nghệ thuật, vị rất nhiều nhưng tuyệt không vị bản thân. Trong khi các nhà văn ngoại quốc viết vì bản thân không thiếu, như Franz Kafka viết nhiều và định đốt hết khi qua đời chứ không cần công bố trước nhân thế.
Trùng hợp, viết vì bản thân thường dẫn đến viết hay nếu người viết giỏi sẵn, bởi lúc này chất lượng bài tuỳ hết ở trình độ của người viết, những yếu tố như tiền bạc, deadline, người đọc không chi phối được. Nếu viết vì tiền, chất lượng sẽ lên xuống tuỳ giá tiền trả có hậu hay không. Viết vì người đọc thì tuỳ ở đối tượng người viết hướng đến là hạng người có học thức như thế nào để bài viết theo đó mà dễ tiếp cận hay không, nhưng đáng buồn là chúng ta rất khó nhìn nhận đúng người đọc, nhiều người có bằng đại học nhưng vẫn đọc hiểu thua học sinh lớp 5 là thường.
Vậy nên tôi thường cười nhạt trước những ý kiến cho rằng viết là phải đóng góp cho cộng đồng, và lên án ai viết để thoả mãn bản thân, suy cho cùng người nói những câu ấy chỉ là nạn nhân của nhồi sọ, họ lặp lại mẫu câu đạo đức bị mớm cho mà chính họ cũng không hiểu.

Đối tượng người đọc của tôi trước hết là bản thân (khá dễ đoán khi đã biết mục đích viết), và sau đó là những ai đọc bài của tôi và thấy nó cũng là lạc thú với họ. Số còn lại đều không đáng quan tâm. Trong thời buổi một ngày gặp cả nghìn người đọc dạo như bây giờ, nếu quan tâm đến thì mới là bất thường. Suy nghĩ và cảm xúc của họ vốn không đáng giá hơn một lượt view mà họ tạo ra.
Sở dĩ tôi nghĩ người đọc cũng phải tìm được lạc thú ở bài viết của tôi, bởi viết bài (phân biệt rõ với viết còm dạo) là dạng công việc sáng tạo, với đặc điểm là có văn phong riêng, diễn đạt phức tạp thay vì thẳng tuột, có những ý tưởng mà người viết xây dựng lên hoặc truyền tải vào tâm trí người đọc; tất cả đều là sáng tạo, và người ta không thể sáng tạo được khi đang thiếu sự thoả mãn, bình thản, khoái lạc. Vậy nên người đọc cũng có những cảm giác ấy thì sẽ dễ dàng hiểu bài viết và tác giả hơn.
Nếu không tin, bạn cứ thử chờ khi nào bực dọc rồi thử viết cái gì thuộc dạng sáng tạo mà xem. Lúc ấy bài viết sẽ thẳng tuột, thiếu văn phong viết, thay vào đó chỉ là văn nói, như một cái máy ghi âm bằng giấy mà thôi. Hơn hết là chúng hiếm khi dài và đúng chính tả.
Muốn đọc thử thứ văn này? Hãy đọc các còm dạo, ở bất kì đâu.

Về vấn đề này tôi đã có bài viết riêng nói rất rõ, Đặc quyền dốt nát: Khi cái dốt trở thành vũ khí của giới bình dân [2]. Ở đây tôi chỉ xin nhắc qua các lí do để không nên còm dạo.
Thứ nhất, vì mọi kiến thức đều đi theo gói. Kiến thức này có nền tảng từ cái khác, và cái khác có nền tảng từ cái khác nữa. Một thứ kiến thức nếu chỉ biết phần giữa có thể ta sẽ thấy vô lí, nhưng nếu đào sâu để hiểu nó trong hệ thống của nó thì ta lại thấy lô-gích và thuyết phục, hay ít nhất ta không thấy nó tuỳ tiện. Nhưng để trình bày một cách tương đối thấu đáo, người ta cần ít nhất vài nghìn chữ – việc này vốn không làm được với còm dạo. Bởi đã tốn công sức và thời gian như vậy thì ta nên viết bài mới, vì đó là cách tối ưu.
Thứ hai, vì mọi cái ngu cũng đi theo gói. Bằng việc cố tóm gọn kiến thức trong vài trăm chữ dưới còm dạo, người viết đang trở thành mồi ngon cho đám đông vào bắt bẻ bằng những luận điểm có thể đoán trước. Một số người ôm hi vọng rằng chỉ cần vài còm thôi là có thể chế ngự được đám đông. Những người ấy quên rằng đám đông chưa bao giờ dùng lí lẽ, cuộc tranh cãi thường kéo dài gần trăm còm mà chẳng đi đến đâu. Nếu bạn không tin điều này thì bạn đành phải tự mình quan sát thôi.

Còn quan sát của tôi thì cho biết đám đông luôn cố tìm cách nguỵ biện thay vì tranh luận, ví dụ từ “những” bị hiểu sai trầm trọng thành “toàn” (bóp méo luận điểm). Khi ta bàn về truyện, đám đông lôi phim vào (đánh lạc chủ đề). Khi ta xét theo thế giới fantasy trong truyện, đám đông lại xét theo thế giới thực trong lịch sử (dựng bù nhìn rơm). Và cuối cùng là chụp mũ seeder, clone, thờ tàu, cực tả (công kích cá nhân). Trong trường hợp ta đủ kiên nhẫn để thanh minh không phải seeder, clone; để sửa cho chủ đề tranh luận về đúng đường ray (mà thường là nước đổ đầu vịt) v.v. thì cũng tức là ta đang sập bẫy nguỵ biện đánh lạc chủ đề của đám đông rồi.
Nhưng hãy nói về người ngu nhưng tử tế, ngay cả họ ta cũng không thể thay đổi được chỉ qua vài còm dạo. Vì hệ thống kiến thức là thứ không thể học xong chỉ trong một sớm một chiều, hơn nữa còn tuỳ ở trí tuệ từng người. Và hệ thống niềm tin thì còn khó khăn hơn, để thay đổi niềm tin một người, ta cần tác động đủ nhiều và đủ lâu tương đương với quãng thời gian trước đó họ tích luỹ, đấy là nếu tự họ muốn thay đổi niềm tin.
Bạn có nhớ lần cuối cùng nói chuyện với người ngu kết thúc như thế nào? Có phải là bạn chán quá im lặng bỏ đi? Nếu đúng thế, thì sau khi biết cái ngu luôn đi theo gói, hãy tìm cách rút ngắn bằng cách nhảy luôn đến bước “im lặng bỏ đi”.
Ngay cả khi giả như có đấng siêu nhiên ban cho tôi một ngày có 34 giờ đi nữa, thì 10 giờ thừa ra tôi cũng không sử dụng cho đám đông, bởi cái chi phí ấy nếu đổi ra thành 10 giờ để làm, chơi, đọc, và nói chuyện với người thông minh, thì sẽ có ích hơn nhiều so với việc dùng nó cho đám đông hay những người ngu. Đó chính là tối ưu hoá.

Ở trên tôi nói không còm dạo, nhưng không có nghĩa là không tranh luận hay không giao lưu với người khác. Mấu chốt ở đây là chọn đúng việc để làm, và chọn đúng người để chơi.
Rất nên tranh luận, nhưng hãy tranh luận với bản thân, với bạn bè, với chuyên gia, chứ không phải với đám đông. Tranh luận là một trò chơi cao quý với luật chơi chặt chẽ mà đám đông không đủ cả nhân cách lẫn trí tuệ để chơi. Cái diễn ra ở dưới còm dạo gọi là tranh khôn thì đúng hơn là tranh luận, nơi một người bắt bẻ với đầy nguỵ biện được đám đông tung hô chỉ vì hợp với cảm xúc họ, hoặc vì đám đông kém đến nỗi không nhìn ra nguỵ biện; còn người chán quá không buồn nói thì mặc định là đuối lí.
Cũng rất nên giao lưu, nhưng cốt tử là chọn người mà chơi. Trong quãng thời gian viết, tôi được quen khá nhiều người giỏi ở các lĩnh vực: dịch thuật, văn chương, triết học, luật pháp. Tôi cũng có tranh luận với họ, nhưng thường tránh tranh luận công khai. Nhiều người mang tư duy nô lệ thấy thằng bạn tôi tranh luận sôi nổi với tôi, lại cứ tưởng nó là chủ nô-tinh thần của họ nên xúm vào tung hô và kích động nó, thế mới bi hài.
Những cuộc tranh luận của tôi thường ngắn vì hai bên dễ hiểu nhau đang bất đồng ở khúc nào trong hệ thống kiến thức, chứ không bóp méo ý nhau như đám đông, và bất đồng này có thể sửa, cũng có thể không. Thỉnh thoảng thì một người nói, một người nghe, không có thắng thua khi kết thúc. Những cuộc tranh luận đúng nghĩa thường tẻ nhạt như vậy.
Nói tóm lại, từ “tranh luận” bây giờ bị lạm dụng đến mức trở thành một sáo ngữ và hiếm khi được thực hiện đúng cách. Với đám đông thì không có tranh luận, chỉ có tranh khôn. Nếu có ai muốn tranh khôn với tôi, tôi luôn cho họ thắng vô điều kiện. Hành động đó gọi là tối ưu hoá.

Cái râu ria ở đây là tất cả những thứ tôi không thể kiểm soát, và chỉ quan tâm đến thứ tôi có thể kiểm soát. Điều này tôi được ảnh hưởng từ triết học Stoicism (Stoicism đúng nghĩa, chứ không phải thứ mà đám Redpill đang bóp méo và bôi nhơ). Nhưng điều quan trọng là làm sao xác định cho đúng đâu là thứ có thể kiểm soát và ngược lại, việc này có thể tốn cả đời. Ví dụ như cho rằng đám đông là thứ có thể kiểm soát, trình độ bản thân là thứ không thể, vậy thì chết dở rồi.
Còn nhớ ở bài gần nhất, một người bạn đã chu đáo soi lỗi và đề nghị tôi sửa dòng “với tư vấn từ giới chuyên môn luật” thành “với tư vấn từ một số người trong giới chuyên môn luật” vì sợ sẽ có người đọc hiểu câu gốc thành “với tư vấn từ tất cả người trong giới chuyên môn luật”. Nhưng tôi không sửa và bảo một tư duy lành mạnh sẽ không hiểu nhầm từ “giới chuyên môn” thành “tất cả người trong giới chuyên môn” được, nếu có ai hiểu như vậy thì kệ. Suy nghĩ và cảm xúc của họ vốn không phải thứ đáng quan tâm. Bài viết của tôi chỉ sửa khi tôi muốn, hoặc được góp ý vấn đề chuyên môn, mà bài viết ấy hiện giờ đang thoả mãn cả tôi và giới chuyên môn rồi.
Khi tôi nói là phớt lờ, thì cũng tức là phớt lờ cả mặt tiêu cực và tích cực mà đám đông đem lại. Điều đó có nghĩa là một lời khen từ đám đông không có giá trị hơn một lời chửi từ họ, mà về bản chất thì cả hai đều sai từ góc nhìn trí tuệ. Đám đông hiếm khi đánh giá đúng một vấn đề trí tuệ, còm nguỵ biện thì tung hô, bọn vô lại thì tôn làm thần tượng, hành động đá cá nhân thì coi như chiến công, v.v. rất nhiều trường hợp đã xảy ra.

Những thứ thoạt nhìn tưởng là tích cực như lượt còm, lượt share, lượt like, lượt view v.v. tuy không phải xấu nhưng không liên quan gì đến việc viết cả. Chất lượng bài viết chỉ tuỳ thuộc ở những gì người viết trình diễn, và có chăng được phản ánh qua nhận xét từ giới chuyên môn. Thậm chí việc bài viết có được nhiều người quan tâm hay không cũng không quan trọng.
Mạng toàn cầu ra đời đi cùng với hình thức kiếm tiền mới: kiếm tiền bằng sự chú ý của người khác. Mà sự chú ý thể hiện qua lượt xem, lượt thích, lượt chia sẻ và lượt bình luận. Vậy là vô hình trung mạng gieo vào đầu người dùng rằng những người tạo nội dung là người làm dịch vụ, người tương tác là khách hàng, mà khách hàng thì là thượng đế.
Người đi còm dạo từ vị trí tồn tại kí sinh bỗng chốc trở thành một thứ tối cần thiết cho người tạo nội dung, và họ nghĩ rằng việc một bài viết có nhiều tương tác là sự ban ơn cho người viết, do đó người viết cũng phải thể hiện lòng biết ơn ngược lại. Chẳng hạn người viết phải trả lời người còm dạo mới là bình thường, không trả lời thì là bất thường và đáng đặt câu hỏi vậy.
Trích từ bài Thời tàn của đối thoại: Một nghịch lí khi còm dạo lên ngôi. [3]
Việc viết là một lạc thú với tôi, nhưng việc giao tiếp với đám đông thì không. Lí do để tôi tiếp chuyện ai đó chỉ đến từ hai thứ: lạc thú và kiến thức. Và vì tôi không tìm được hai thứ này ở đám đông, nên có thể nói rằng họ không xứng đáng được tiếp chuyện, hay thậm chí là, không xứng đáng được để tâm đến.
Đám đông có thể không hiểu điều này, nhưng người viết thì cần hiểu thấu đáo, rằng việc từ chối giao tiếp với bất kì ai là quyền cơ bản của mỗi người, và không có vấn đề gì khi dùng quyền này. Việc khóc lóc nằng nặc đòi người viết phải trả lời mới là có vấn đề, càng có vấn đề hơn trong thời đại các ông lớn công nghệ săn lùng sự chú ý của bạn mỗi phút, nhưng không ai trong số họ khóc lóc ỉ eo cả.
Tất nhiên, đoàn lữ hành phớt lờ là việc của đoàn lữ hành, đàn chó cứ sủa là việc của đàn chó. Nhưng ở vị trí người viết chúng ta nên chủ động trang bị đủ tri thức và học vấn để biết khoan dung và phớt lờ trước hành động của hạng người ít học, hãy cứ coi đó là chuyện ngồi lê đôi mách của những người chỉ giỏi nhất là làm công việc đó.
Những việc đó không thể so sánh được với việc viết, bởi trong khi người viết hành động vì một triết lí nhất định để ngày một cải thiện bản thân, thì đám đông hành động vì ham muốn công kích cá nhân một người, chẳng để làm gì ngoài tăng thêm tính ti tiện trong đầu óc tủn mủn của họ. Đoàn lữ hành tiến lên mỗi ngày, nhưng đàn chó thì mãi giậm chân tại chỗ.

Cuối cùng thì dường như bài viết này đang gò ép người viết vào một quy tắc ứng xử. Tôi công nhận như vậy. Ở bài viết trước, tôi đã nói “Con người không mấy đáng tin, hệ thống đáng tin hơn nhiều.” Bởi con người thì có cảm xúc và khó tránh được những quyết định sai lầm vì bị cảm xúc lấn át, còn hệ thống thì không. Hệ thống xây dựng trên những nguyên tắc vốn được con người tạo ra trong những giây phút tỉnh táo và khách quan nhất. Bằng việc hành xử theo hệ thống đúng đắn, đó chính là chúng ta đang hành xử theo những quyết định ở những phút giây tỉnh táo nhất.
Nó không hứa hẹn cho chúng ta đến một hệ quả toàn hảo và toàn mĩ, nhưng chắc chắn nó tránh cho chúng ta khỏi những hành động thừa thãi và vô ích. Hay nói theo thuật ngữ trong bài viết này là nó dẫn chúng ta đến những hành động đã được tối ưu hoá.



Ba bài sau bổ trợ rất kĩ cho các luận điểm được nhắc qua trong bài này:



TORNAD
11/2/2021
(30 Tết Tân Sửu)