Trong suy nghĩ của tôi, thời sinh viên có lẽ là quãng thời gian rảnh rỗi nhất cuộc đời một con người. Khi ai đó bảo rằng thời sinh viên rất bận rộn, nghĩa là họ biết tận dụng và lấp đầy khoảng thời gian rảnh đó để làm những điều có ích. Bốn năm đại học của tôi trôi qua nhanh như một giấc mơ. Bốn năm qua, tôi thấy tôi chẳng lớn lên một chút nào. Bởi vì tôi phí phạm thời gian, không biết sử dụng thời gian một cách có hiệu quả. Những điều tôi kể ra sau đây, tôi hy vọng rằng các bạn sẽ nhìn vào đó và có những bài học cho riêng mình.

1. Không biết cách đặt mục tiêu

Tôi háo hức khi bước vào năm 1 đại học và đặt ra rất nhiều mục tiêu cho bản thân. Đang tận hưởng cảm giác sung sướng vì trải qua một kỳ thi như mong muốn, có khoảng thời gian trống mà khi còn học phổ thông chưa bao giờ có được, tôi vẫn ý thức rằng 4 năm đại học là quãng thời gian quý giá, và tôi cần lên kế hoạch phát triển bản thân theo như những kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước. Tôi biết rằng 4 năm này là tiền đề cho tương lai. Tôi vẫn chưa hình dung sau này tôi sẽ làm nghề nghiệp gì. Vì vậy, tôi muốn sau 4 năm phải có câu trả lời tôi sẽ trở thành người như thế nào.
Tôi vẫn nhớ những đầu việc tôi ghi ra trong chiếc điện thoại cũ:
- Học tiếng Anh bằng việc đọc báo nước ngoài và xem Youtube hằng ngày
- Mỗi ngày phải đọc ít nhất 1 bài viết trên nghiencuuquocte.org
- Đọc, xem những trang web, fanpage và kênh Youtube bổ ích 
- Đăng ký những khóa học online trên các trang Coursera, edX, FutureLearn…..
Thế nhưng, tôi không làm được bất cứ điều gì: Tôi không học tiếng Anh để bây giờ kỹ năng nói vẫn rất kém. Tôi chưa bao giờ đọc trọn vẹn bất kỳ bài viết nào trên nghiencuuquocte.org. Tôi không đọc bất cứ quyển sách nào liên quan đến ngành quan hệ quốc tế trong suốt 4 năm qua mặc dù đó là ngành học của tôi. Tôi không hoàn thành một khóa học online nào của Coursera hay edX, FutureLearn. Tôi đọc được một vài dòng trên các trang báo tiếng Anh rồi lại tắt vì chán. Tôi không bao giờ chuẩn bị bài trước khi lên lớp. Tôi đã không làm được bất cứ điều gì mà tôi đã đề ra.
Tôi muốn nói với bạn rằng: Trước khi lên danh sách các đầu việc cần làm, thì phải có mục tiêu; mục tiêu càng cụ thể, càng dễ làm thì càng tốt. Để biết mục tiêu của mình là gì, thì phải hiểu được rằng bản thân khi ấy cần chú tâm vào lĩnh vực nào. Làm việc nhỏ trước, rồi việc lớn sau. Ví dụ mục tiêu là “Học tốt tiếng Anh ở đại học”, thì đây là mục tiêu lớn, rất chung chung. Bạn cần:
(1) Xem lại trình độ tiếng Anh đang ở mức nào: Beginner (Người mới học, không có kiến thức nền tảng, ghét môn Anh văn), Intermediate (Có nền tảng tốt, thích học Anh văn) hay là Advanced (Đã giỏi rồi nay muốn giỏi hơn)?
(2) Xem lại kỹ năng nào bạn tốt nhất, tệ nhất.
(3) Với mỗi kỹ năng, bạn đề ra mục tiêu phải giỏi lên trong bao nhiêu thời gian? Bao nhiêu ngày để đạt được điều gì đó? Bao nhiêu tháng? Không học riêng lẻ từng kỹ năng mà phải học bổ trợ nhau, không có kỹ năng nào được yếu hơn kỹ năng nào.
(4) Sau khi có mục tiêu ngắn hạn trong khoảng thời gian nhất định, bạn ghi ra danh sách những việc cần làm cho từng kỹ năng.
(5) Cho phép bản thân thử và sai. Tôi thấy điều này là quan trọng nhất. Sau 1 – 2 tuần cảm thấy chán hoặc thấy những điều đang làm có vẻ không hiệu quả, bạn hoàn toàn có thể linh hoạt thay đổi mục tiêu, thời gian biểu và cách làm. Bạn nên cho bản thân ít nhất 1 tháng để cố gắng làm điều gì đấy. Những mục tiêu khác cũng có trình tự gần như thế. Nghĩa là bạn cần biết bạn đang ở đâu, bạn mong muốn trở thành như thế nào, bạn phải làm gì để đạt được điều đó và MỖI NGÀY bạn phải làm những công việc nhỏ hơn để đạt được mục tiêu.
Nhưng nếu bạn không biết mục tiêu của mình là gì? Hoặc có quá nhiều mục tiêu nên không biết bắt đầu từ đâu? Thì tôi nghĩ rằng hãy cứ làm thôi. Còn hơn là ngồi đó nghĩ vẩn vơ, tưởng tượng ra thành quả nhưng không bao giờ bắt tay vào thực hiện. Cứ thử làm, thất bại rồi lại làm tiếp.
0408e2e2c28c969c1127b0659d6bc28d


Đọc thêm:

Cái sai của tôi khi ấy là đề ra nhiều mục tiêu, mong muốn thực hiện TẤT CẢ các mục tiêu trong CÙNG MỘT LÚC; không hiểu bản thân thực sự muốn gì, chỉ biết nghe theo những lời khuyên chung chung trên mạng. Tôi đã đề ra mục tiêu quá lớn, trong khi đó lại lên danh sách những việc cần làm một cách SƠ SÀI. Đáng lẽ, từ mục tiêu lớn phải đề ra được mục tiêu nhỏ hơn, cụ thể hơn, rồi thực hiện mục tiêu nhỏ trước. Đáng lẽ tôi phải ghi rõ những việc cần làm và theo sát nó. Quan trọng nhất, tôi không có kỷ luật và nhanh chán, để rồi không làm được điều gì cả. Không được như tôi nhé!

2. Cho phép bản thân nghỉ ngơi quá lâu

Ngày đầu tiên của năm 2, tôi háo hức lên lấy sách vở và đặt ra mục tiêu phải học thật tốt. Chính thức bước vào những môn chuyên ngành, tôi muốn bản thân phải thực sự trở nên xuất sắc. Sau 2 tuần học, bỗng dưng hôm đó tôi bị đau bụng dữ dội và hóa ra đó là đau ruột thừa, phải cắt bỏ. Thực ra tôi hay bị đau bụng từ những năm cấp 3. Vậy mà tôi không hề quan tâm, chỉ mua thuốc giảm đau uống cho qua ngày (Đó là điều rất nguy hiểm mà tôi mong rằng, nếu bạn đang có vấn đề sức khỏe dai dẳng mà không thể giải quyết được, thì nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt). Tôi nằm viện và ở nhà tổng cộng gần 2 tuần. Cái cảm giác nghỉ ngơi ở nhà, cả ngày chỉ nằm và nằm xem điện thoại thật là thích. Tôi nghĩ, đó chính là khoảnh khắc làm tôi mất hết động lực học tập, làm việc, vì tôi đã quen với sự nghỉ ngơi và không có điều gì để tôi phấn đấu. Trở lại trường lớp, mặc dù không rớt môn nào, tôi vẫn mất một lượng kiến thức kha khá, nhất là môn Lịch sử quan hệ quốc tế. Từ đó tôi đâm ra chán học, học tàng tàng để qua môn vì tôi biết, không khó để qua môn ở trường đại học.
Thứ 2, có lẽ điều này đã làm thay đổi tất cả trong tôi. Kỳ thực tập Bắc tiến năm ấy được tổ chức gần với thời gian nghỉ Tết. Nghĩa là sau khi tận hưởng chuyến “du lịch” miền Bắc gần 2 tuần, chúng tôi tiếp tục được nghỉ HƠN 1 THÁNG cho đến hết Tết để đi học lại. Thật sự rất thoải mái khi được đi chơi, sau đó lại được nghỉ học ở nhà như thế. Tôi không hề nhớ quãng thời gian được nghỉ ấy tôi đã làm những gì. Vì đó là khoảng thời gian chết. Tôi làm những điều vô bổ mà không hề có ích cho tôi. Đã quen với việc tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi dài ngày như thế, khi trở lại trường học, tôi chây lười hẳn ra. Chương trình học nghe qua thì nặng nề đấy nhưng đây là đại học mà, học hay không học là chuyện của cá nhân và không ai bỏ thời gian để nhắc nhở bạn phải tập trung học hành, theo dõi từng bước đi của bạn. Lịch học thì dễ thở, giãn cách: chỉ học một buổi rồi về nhà. Làm việc nhóm thì có đứa khác giỏi hơn gánh team. Không có áp lực từ bất kỳ phía nào. Không ai quản lý và tôi có được sự tự do mà hồi cấp 3 chưa bao giờ có được.
35584363b9ed49f956833f648b3e08be


Đọc thêm:
Đó chính là cuộc sống sau khi học phổ thông. Khi học phổ thông, chúng ta được thầy cô từ trên chỉ xuống, lên kế hoạch cho mọi việc: học sinh phải học bài này, học chương trình này, làm những bài kiểm tra này, làm bài thi học kỳ này để lên lớp. Học sinh có sẵn một khung chương trình, chỉ cần làm đúng theo những gì được bảo. Còn khi lên đại học, không còn ai thiết kế cuộc đời cho chúng ta nữa. Chúng ta phải tự lên kế hoạch thôi. Đó cũng là lúc tôi thấy rất bối rối vì chẳng biết đi đâu về đâu, loay hoay trong những dự định và những cám dỗ của sự nghỉ ngơi đã làm tôi bỏ bê tất cả.
Dù vậy, đây chỉ là câu chuyện cá nhân tôi. Tôi vẫn biết là hiện nay, có những bạn học sinh dù nhỏ tuổi nhưng đã biết suy tính cho tương lai. Ngoài việc học ra, họ còn làm những việc mà họ yêu thích. Tôi vẫn biết là có những bạn học sinh cũng giống tôi ngày xưa, nghĩa là đi theo một lộ trình sẵn có và khi tốt nghiệp phổ thông, dễ dàng sa ngã như tôi. Tất cả không phải do chương trình giáo dục. Tất cả nằm ở tư duy và nhận thức của mỗi người. Nghĩa là chúng ta phải tự giúp chúng ta thôi. Vì vậy, khi làm một việc mà không thành công, bạn đừng cho phép bản thân nghỉ ngơi quá lâu, hãy tiếp tục làm. Làm sai thì làm lại, làm cái khác. Nghỉ ngơi hôm nay thì mai sau sẽ cực khổ. (Tôi nói mạnh miệng thế thôi, chứ hiện tại tính đến thời điểm này tôi vẫn còn nghỉ ngơi rất nhiều và đang gồng mình theo một lộ trình tôi tự vạch ra).

3. Không biết sử dụng thời gian

Cấp 3 học lớp chuyên, trường chuyên, lại muốn thi vào trường đại học công lập với ngành học lấy điểm chuẩn cao, từ năm lớp 10 đến lớp 12 tôi chỉ biết học và học, không có phút nghỉ ngơi nào, cũng chẳng dành thời gian chăm sóc bản thân. Lên đại học bỗng dưng có nhiều thời gian rảnh, tôi đâm ra…bối rối. Tôi cho phép bản thân tận hưởng quãng thời gian tuyệt vời ấy, điều mà tôi chưa hề có khi còn học cấp 3.
Vào năm 1, với ước muốn trở thành một con người hoàn toàn mới, tôi nhanh chóng đăng ký tham gia câu lạc bộ (CLB) tôi yêu thích, tham dự tất cả sự kiện trong trường và ngoài trường. Khi bước chân vào CLB, tôi nhận thấy tôi không yêu thích nơi đây, không hợp với những con người ở đó. Tôi thấy mệt mỏi vì những ngày chạy deadline, thức khuya dậy sớm làm nội dung và chạy chương trình. Lúc đó tôi không hiểu được, CLB thời sinh viên chính là một trong những hoạt động ngoại khóa có giá trị, vào đây không hẳn để chơi bời mà vào đây sẽ làm việc thực sự. Điều đó sẽ giúp ích phần nào cho những bước chân đầu tiên tìm việc làm. Không hợp chỗ này thì nên tìm chỗ khác hợp hơn. Ngẫm lại, nhờ tham gia CLB vào năm 1, tôi đã “lấp đầy” thời gian rảnh. Nếu như tôi sống buông thả ngay từ năm 1 thì mọi việc bây giờ còn tệ hơn. Lên năm 2, tôi dứt khoát ra đi khỏi CLB, chỉ vì một lý do là tốn thời gian. Tôi muốn có nhiều thời gian rảnh hơn, tôi muốn tập trung vào việc học nhiều hơn và đơn giản tôi không muốn làm việc. Bạn có bao giờ lâm vào tình trạng từ chối làm một việc, với lý do là muốn dành thời gian đó để làm những điều khác mà bạn cho là tốt hơn, có ích hơn. Nhưng rồi bạn chẳng làm gì cả, để thời gian rảnh trôi qua? Đó chính là tình trạng của tôi khi ấy. Có nhiều thời gian hơn, tôi nghĩ tôi sẽ làm nhiều việc hơn hẳn. Nhưng không. Tôi không biết sử dụng thời gian và bệnh “háo hức một phút” đã gây nên tác hại rất nhiều.
Nếu bạn hỏi tôi “Làm thế nào để sử dụng thời gian một cách có hiệu quả?”, thì tôi…xin chịu, vì đến tận bây giờ tôi vẫn đang loay hoay trong quãng thời gian vô giá nữa mà. Dù vậy, tôi nghĩ rằng, sử dụng thời gian như thế nào phụ thuộc vào mục đích của bạn. Nghĩa là bạn đang muốn làm gì nhất?
- Ví dụ, bạn đang muốn vóc dáng đẹp hơn => Thế thì bạn phải dành thời gian để tập luyện thể dục và ăn uống điều độ. Bất cứ việc gì khi làm đều cần nghiên cứu và lên kế hoạch càng chi tiết càng tốt. Trong quá trình làm, bạn sẽ biết điều chỉnh sao cho hợp lý. 
Hoặc ví dụ bạn đang muốn đẹp lên từ trong ra ngoài => Thế thì bạn hãy lên danh sách những việc cần làm. Tôi chắc chắn rằng đẹp từ trong ra ngoài là việc cần thời gian nhiều đấy.
- Bạn đang muốn nói tiếng Anh lưu loát => Lại là một việc cần thời gian, không phải một sớm một chiều.
- Tôi nghĩ rằng, bạn nên hiểu mình trước đã. Bạn muốn gì? Bạn cần làm gì? Bạn thích làm điều gì nhất? Thời sinh viên đâu có gì để mất ngoài thời gian đâu đúng không? Thử làm những gì bạn muốn, không phải cứ học tập hay phát triển bản thân mới đúng là sử dụng thời gian có hiệu quả.
- Bạn muốn làm Youtuber? Bạn muốn làm Blogger? Bạn muốn làm Streamer? Bạn muốn tự làm dự án gì đó cho xã hội? Bạn thích một chủ đề gì đấy và muốn viết về nó trên Facebook? Bạn thích review phim? Bạn thích review sách? Bạn muốn nấu ăn, làm bánh, may vá, thêu thùa, du lịch, bán hàng? Làm thử tất cả những gì bạn muốn mà khi còn học phổ thông bạn không hề có thời gian để làm. Và quan trọng là không được để “thời gian chết” như lời khuyên từ 1 video tôi thấy khá bổ ích.
unnamed


Đọc thêm:

4. Loay hoay trong hoang mang

Sau chuyến đi Bắc tiến và kỳ nghỉ Tết dài đằng đẵng, lớp chúng tôi bắt đầu học môn Phương pháp nghiên cứu khoa học, và từ đây mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Bài vở và kiến thức mới nhiều hơn. Tôi đã hiểu vì sao các anh chị khóa trên “ghen tức” khi nhìn thấy những lứa năm 2 đi thực tập Bắc tiến: “Ừ cứ vui lên đi mấy cưng. Để lên năm 3 chạy deadline trối chết nè”. Đúng là như vậy, sau chuyến đi Bắc tiến ấy, việc học đã nặng hơn rất nhiều. Có nhiều nỗi lo hơn cho tương lai. Tôi bắt đầu nghĩ về công việc thực tập, nghĩ về chuyện sẽ làm ngành nghề gì sau khi ra trường. Mà làm ngành gì bây giờ khi học Quan hệ quốc tế?
– Nhiều khi tao cũng chẳng biết vì sao tao chọn cái ngành này luôn đó.
– Tao chẳng biết học xong ra làm gì nữa mày ơi.
Biết bao câu hỏi tương tự như thế diễn ra trong các cuộc hội thoại hàng ngày. Tôi tự hỏi những môn học này giúp ích được gì cho cuộc đời thật? Tôi bực bội khi học về chính trị để rồi tôi cũng chẳng thay đổi được gì. Tôi căm ghét những lý thuyết chính trị, tôi ghét tranh cãi, ghét đọc thật nhiều bài nghiên cứu chứa đầy luận điểm chủ quan của tác giả. Tôi chẳng biết tin vào đâu. Tôi hoang mang với việc học.
Cái sai của tôi khi ấy, là hoang mang rồi không làm gì cả. Cứ để ngày tháng trôi qua. Lẽ ra, khi bản thân hoang mang thì phải tự đi tìm lời giải cho chính mình (Như là bài viết “Khi chênh vênh người trẻ phải dấn thân” mà tôi chèn link ở đây). Mục tiêu, lời giải đáp cho sự hoang mang sẽ không có sẵn, mà trong quá trình chúng ta làm việc, học hỏi, thử và sai, dần dần chúng ta sẽ hình thành tư duy và hiểu được nên làm gì. Có phải một số bạn trẻ đang quá thực dụng không, hay là bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài, khi cứ thắc mắc học cái này thì có làm ra tiền không, học cái này – làm cái này thì giúp ích được gì cho tương lai chứ? Học cái này có tìm được việc làm không? Tôi dần hiểu được rằng, học cái gì cũng làm được cả, quan trọng mình thích làm gì. Tôi ghét tranh cãi, phản biện, đó là một hệ quả xấu của việc quá ngoan ngoãn, vâng lời, không có chính kiến riêng và không có tư duy phản biện. Đâu có ai bắt tôi nghe theo những argument của các bài nghiên cứu. Đọc để tham khảo, để hiểu cách thế giới vận hành, và đọc để xem họ khác mình thế nào, giống mình ra sao. Từ việc đọc, sau đó buộc phải có ý kiến riêng của bản thân. Cuối cùng tôi cũng hiểu sự quyết đoán và tư duy quan trọng thế nào khi vào đời. Bốn năm đại học tôi có cơ hội rèn luyện sự phản biện, vậy mà tôi lại từ chối cơ hội ấy.
Tôi muốn nhắn với những bạn đang loay hoay, bức bối trong việc học đại học, nghĩ rằng những kiến thức này là đồ bỏ đi khi vào đời, rằng: Không bao giờ có kiến thức đáng bị bỏ đi. Không bổ ngang thì bổ dọc. Sẽ có một giây phút nào đó những thứ mà bạn đang học giúp ích cho bạn rất nhiều trong cuộc sống. Hãy tiếp tục học thật tốt. Nếu như bạn nghe câu nói “Ngoài việc học trên trường ra, bạn phải tham gia những hoạt động xã hội”, thì có nghĩa là bạn cần nỗ lực gấp đôi: Không được bỏ bê kiến thức trên trường, nhưng cùng lúc đó phải tích lũy kỹ năng sống. Sau này nhìn lại, có những điều đáng được coi trọng hơn việc CHỈ học giỏi trên trường. Vừa học tốt, lại vừa rèn giũa kỹ năng sống, thế mới đúng là chuẩn bị cho tương lai. Đừng nghĩ phải tham gia hoạt động ngoại khóa, đi làm thêm thì mới là cách nâng cao kỹ năng xã hội. Hãy nghĩ rộng ra hơn thế. Tất cả những điều xảy ra với bạn ngay lúc này, những người bạn gặp hàng ngày: gia đình, bạn bè, thầy cô, người dưng trên đường, người dưng trên mạng xã hội,… bạn đều có thể học được nhiều điều từ họ. Dành thời gian để suy ngẫm về những việc bạn gặp trên đường, những con người bạn từng tiếp xúc, đó cũng là một cách nâng cao tư duy và kỹ năng.

5. Nghiện ngập mạng xã hội

Bốn năm đại học là quãng thời gian sung sướng của tôi. Một quãng thời gian tuyệt vời vì tôi được chơi bời thỏa thích. Không cần phải “bay lắc” đâu, nằm ườn ở nhà không làm gì cũng là một cách chơi bời đấy. Các bạn có đồng ý với tôi, quãng thời gian sau khi thi đại học xong là quãng thời gian hạnh phúc nhất: không học hành gì cả, vui chơi thỏa thích. Khi ấy, mạng xã hội như Facebook (FB) và Instagram bắt đầu phát triển mạnh. Tôi dành cả ngày để khám phá Instagram (mặc dù giao diện Instagram khi ấy vẫn chưa đẹp mắt, không có nhiều tính năng và người dùng như bây giờ): Xem đi xem lại những hình ảnh về nails (chăm sóc – sơn móng tay),… Tôi xem rất nhiều, như là một thế giới mới mở ra vậy. Tôi xem nhiều thứ đến nỗi tôi không nhớ tôi đã xem những gì, chỉ nhớ mỗi nails là chủ đề tôi hay xem nhất. Lên năm 1 thì ít xem hơn một chút vì deadline ở CLB chiếm hết thời gian của tôi rồi. Nhưng sau khi ra khỏi CLB, tôi bắt đầu nghiện mạng xã hội: Ngồi trong phòng lướt FB một cách vô thức. Giờ giải lao ở trường là lấy điện thoại ra xem, mặc dù biết rằng chẳng có gì để coi nhưng thôi cứ coi đã, cảm thấy rất khó chịu nếu không coi. Tự dưng cái cảm giác cầm chiếc iPhone rồi ngồi lướt thấy ngầu lắm.
Ngày nọ tôi bị giựt mất chiếc iPhone. Nhưng sau đó tôi vẫn có điện thoại mới, dung lượng ít hơn một tẹo nhưng vẫn đủ để cài FB và Instagram. Vào năm 1, năm 2, tôi follow rất nhiều page tôi nghĩ là bổ ích. Tôi follow các báo nước ngoài. Tôi share lại những bài post mà tôi cho là hay ho, để chế độ only me, định bụng khi nào rảnh sẽ xem lại. Tôi còn tạo một FB khác chỉ để like những page bổ ích. Tôi nghĩ là tôi sử dụng FB hiệu quả lắm: Chỉ follow những page hữu ích, có thông báo về những cơ hội việc làm, trao đổi nước ngoài. Nhưng kết quả, tôi chỉ share về chế độ only me và không bao giờ đọc lại. Tôi không áp dụng được tips nào từ những bài post hữu ích. Tôi không tiếp thu được bất cứ thông tin gì từ những page ấy. Tôi cứ lướt FB một cách vô thức, để giết quãng thời gian rảnh rỗi. Vậy mà tôi vẫn một mực tin rằng tôi biết được những thông tin hữu ích thông qua FB.
Mọi việc trở nên tệ hơn khi tôi sa đà vào Instagram và Youtube. Sau khi kết thúc công việc thực tập, tôi quay lại trường học và học cho hết năm 4. Năm cuối đại học mà rất rảnh rang. Không làm luận văn tốt nghiệp như những trường khác. Còn quá ít môn để học. Chỉ học mỗi buổi sáng. Trước khi ngủ trưa tôi lại bật Youtube lên xem. Và một bầu trời mới lại mở ra. Tôi coi hết video này đến video khác. 3-4h chiều mỏi mắt quá thì đi ngủ. Và tôi vẫn một mực tin rằng xem Instagram và Youtube là phục vụ cho sở thích, công việc làm blog và review của tôi. Tôi đã lầm. Tôi không hề áp dụng được điều gì ở FB, Instagram và Youtube vào cuộc sống thật, mà chỉ mất thời gian cho chúng. Không có chúng, tôi làm được rất nhiều điều.
fe2fbe38d08e9fb892f01034c8b4e4ee


Đọc thêm:

Tôi sẽ viết một bài riêng nói về mạng xã hội, vì tôi chính là một “con nghiện” những nền tảng này. Tôi rất hạnh phúc và thanh thản vì giờ đây tôi đã (tạm) cai nghiện được nó, nhưng tôi vẫn sử dụng nó, chỉ là không còn sự ham thích một cách mù quáng như trước đây. Mạng xã hội không sai, chúng ta sai! Tôi chắc chắn sẽ dành một bài viết chi tiết hơn nói về mạng xã hội.
— — — — — — — — — —
Bước chân vào cuộc sống đại học với nhiều tự do hơn, tôi như cá gặp nước, bởi vì ba năm cấp 3 chỉ biết vùi đầu vào học và bận bịu đến nỗi không có một phút dành cho bản thân. Lên đại học thì thời gian rảnh quá nhiều, tôi muốn chơi cho thỏa những ngày phổ thông đã học miệt mài. Từ việc có quá nhiều thời gian rảnh => không biết sử dụng thời gian một cách hợp lý => tính vô kỷ luật, lười biếng và nhanh chán, cộng thêm hoang mang, mất niềm tin về ngành học => dẫn đến việc sa ngã, lùi một bước thật dài. Thói quen xấu hình thành rất nhanh và khó bỏ. Thói quen tốt cần nhiều thời gian và kỷ luật để phát triển. Tôi không xấu xa, tôi không thất bại so với ai khác, nhưng tôi thất bại so với chính tôi của ngày hôm qua.
Sẽ có một ngày bạn nhận ra những thói quen xấu gây hại đến cuộc sống bản thân như thế nào. Khi nhận ra thì có thể đã muộn, có thể hơi muộn nhưng cũng có thể chưa muộn. Lúc đó bạn sẽ quyết tâm làm lại từ đầu. Sẽ rất khó khăn nhưng cứ nghĩ đến việc vài năm nữa cuộc đời sẽ tệ hại thế nào nếu như cứ tiếp tục lười biếng, vô kỷ luật, nghiện mạng xã hội, phung phí thời gian, thì bạn sẽ có một chút động lực để luyện tập những thói quen tốt. (Thực ra thì, người ta khuyên cứ nghĩ đến hậu quả thì sẽ có động lực thay đổi. Nhưng hậu quả sao mà nhìn thấy trước được. Thế là tôi lại sa vào những thói quen xấu như trên). Những ai còn là sinh viên, đừng như tôi nhé. Những ai sắp ra trường mà lâm vào trường hợp như tôi, hãy tỉnh ngộ vì thời gian không còn nhiều. Đúng là không có một độ tuổi giới hạn nào cho cuộc đời con người, nhưng nếu bạn bắt đầu làm những việc bạn muốn, càng sớm thì càng tốt chứ sao. Còn những ai đã vào đời mà vẫn còn tính ì ạch hoặc vẫn có những thói quen xấu giống tôi, tôi hy vọng bạn sẽ dần thay đổi, vì những thói xấu ấy chỉ mang lại tác hại khôn lường cho bản thân bạn.
Sự thật là, bạn đọc bài viết này và có động lực chút ít để rèn luyện thói quen tốt, nhưng có thể vài ngày sau bạn sẽ quay lại với cuộc sống như cũ với những thói xấu khó bỏ. Không sao đâu, vì tôi cũng đã như vậy mà. Ngay bây giờ tôi vẫn chưa biết sử dụng thời gian, vẫn đang đi tìm chính mình và vẫn chưa có công việc full time. Rất nhiều người ngoài kia cũng như vậy. Nhưng tại sao chúng ta lại phải giống nhau? Chắc chắn sẽ có một thời điểm nào đó bạn buộc mình phải ngừng chơi, khi nhìn thấy bố mẹ ngày một già đi, nhìn mái tóc điểm bạc, nhìn những cơn đau của tuổi già hành hạ đấng sinh thành. Khi ấy, chắc chắn bạn sẽ từ bỏ được những thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày và trở thành một con người mà bạn muốn.
Tôi viết bài này với mong muốn kể lại chuỗi ngày sa ngã trong những thói quen xấu của tôi trong suốt 4 năm đại học. Tôi muốn nhìn lại những thói quen xấu ấy đã có tác động mạnh mẽ thế nào đến cuộc sống của tôi. Tôi muốn chia sẻ với những bạn sinh viên cũng đang trượt dài trong những thói quen xấu như tôi ngày đó, rằng các bạn hãy nhìn vào tôi mà lấy làm bài học. Nếu các bạn đang từng ngày nỗ lực để vượt qua những thói quen xấu khó bỏ ấy, thì bạn hãy tiếp tục đi đừng bỏ cuộc giữa chừng, thành quả sẽ rất ngọt ngào. Nếu bạn nhận thức được phải vượt qua sự sa ngã, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, hoặc bạn đang rất buồn và hối hận vì đã không sống hết mình trong 4 năm sinh viên, thì bạn hãy bắt đầu làm điều bạn muốn ngay bây giờ, tắt bài viết của tôi đi, đừng suy nghĩ gì nữa cả. Bắt đầu từ việc nhỏ nhất: không ngủ nướng, tập thể dục, cai nghiện mạng xã hội, làm việc nhà, không bị mất tập trung, không tiêu xài hoang phí, không ngồi đọc status hay coi Youtube của ai đó xa lạ trên mạng xã hội nữa mà hãy làm theo ý mình.
Thói quen xấu khó bỏ, thói quen tốt khó hình thành. Nhưng điều gì cũng sẽ làm được một khi bạn muốn. Khi không muốn, người ta tìm lý do. Khi mà muốn, người ta tìm cách. Bạn thấy đó, tôi không hoàn hảo và tôi kể lại 4 năm đại học trượt dài của tôi chỉ với mong muốn bạn sẽ lấy đó làm bài học, để đừng sa ngã như tôi. Sau ngày hôm nay, cùng nỗ lực với tôi nhé và tôi rất mong muốn được nhìn thấy thành quả của bạn. Các bạn không một mình.
d63083b5ed97a53a391896e7e9bd1873