Năm 1911, Việt Nam khi ấy vẫn còn là một nước thuộc địa nửa phong kiến, hoàn toàn nằm dưới ách thống trị và bóc lột của thực dân Pháp. Đất nước bị chia cắt, dân chúng bị áp bức, bao nỗ lực phản kháng đều bị đàn áp một cách tàn bạo. Gọi tình cảnh nước Việt Nam bấy giờ là “đêm trường tăm tối” thật không sai chút nào. Trong tình cảnh ấy, có một anh thanh niên tuy tuổi mới đôi mươi nhưng đã đau đáu trong lòng quyết tâm giải phóng đất nước. Quyết tâm ấy lớn đến mức khiến anh sẵn sàng rời bỏ quê hương mà dấn thân vào một chuyến hành trình đầy rẫy khó khăn kéo dài đến hơn ba thập kỷ, qua hàng chục quốc gia lớn nhỏ. Từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây; người thanh niên ấy đã trải qua không biết bao nhiêu hiểm nguy và vất vả, tất cả vì một mục tiêu duy nhất: tìm ra con đường cứu nước.
Là một người Việt Nam, hẳn là không ai lại không biết người thanh niên ấy và cuộc hành trình huyền thoại đã đi vào lịch sử. Người ấy rời quê hương đất nước và sử dụng tới hàng trăm bí danh suốt mấy chục năm hoạt động. Thế nhưng với người dân Việt Nam, chúng ta gọi người ấy bằng một cái tên vừa thân thương, vừa kính trọng - Bác Hồ, vị cha già của dân tộc, cứu tinh của đất nước.
Và nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hãy cùng điểm lại một cách vắn tắt hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Bác qua bài viết sau nhé.

Thuở thiếu thời

Theo tiểu sử chính thống ở Việt Nam thì Hồ Chí Minh có tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung (hoặc một số tài liệu ghi là Nguyễn Sinh Côn). Cậu bé Cung sinh ngày 19/5 năm 1890 tại quê ngoại ở làng Hoàng Trù; bấy giờ thuộc xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Quê nội của Nguyễn Sinh Cung là làng Kim Liên, cũng thuộc xã Chung Cự và chỉ cách quê ngoại cậu tầm 2km.
Cha của Nguyễn Sinh Cung là một nhà Nho tên Nguyễn Sinh Sắc, vốn xuất thân từ gia đình nông dân, mồ côi cha mẹ sớm, từ nhỏ đã chịu khó làm lụng và ham học. Vì vậy ông được cụ Hoàng Đường ở làng Hoàng Trù xin họ Nguyễn Sinh đem về nuôi. Ông vừa lao động vừa tiếp tục học tập. Khi trưởng thành, ông thành hôn với người con gái đầu của cụ là bà Hoàng Thị Loan. Ông Sắc và bà Loan lần lượt có với nhau các con là Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1884), Nguyễn Sinh Khiêm (1888) và đến Nguyễn Sinh Cung là người con thứ ba.
Trong mấy năm đầu đời, Nguyễn Sinh Cung sống cùng cha mẹ và anh chị tại quê ngoại. Đến năm 1894, ông Sắc thi đỗ Cử nhân. Do đó, ông đưa vợ cùng hai con trai vào Huế để chuẩn bị thi Hội. Thời kỳ này từ Nghệ An vào Huế chưa có đường xe lửa và ôtô. Do đó, gia đình ông Sắc chỉ có thể đi bộ và phải vất vả nhiều ngày mới tới được kinh thành Huế.
Năm 1895, ông Sắc tham dự thi Hội nhưng không đỗ. Quyết tâm ở lại chờ đến kỳ thi sau, ông xin được làm một chức quan nhỏ là hành tẩu bộ Hộ để có tiền trang trải. Thế nhưng khoa thi năm 1898 ông tiếp tục không đỗ. Nhờ được một số đồng liêu giúp đỡ, ông Sắc được nhận vào học trong Quốc Tử Giám để tiếp tục dùi mài đến kỳ thi sau. Trước kỳ thi, với tư cách là một quan chức của triều đình Huế, ông còn tham dự Hội đồng giám khảo chấm thi Hương tại Thanh Hóa năm 1900.
Điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành Huế cuối thế kỷ 19
Điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành Huế cuối thế kỷ 19
Thế nhưng trong thời gian ông vào Thanh Hóa chấm thi và dẫn theo con trai cả Khiêm, bà Hoàng Thị Loan ở lại Huế ốm nặng. Bấy giờ bà lại còn đang mang thai người con thứ tư nữa. Lúc này chỉ có cậu bé Cung ở cạnh. Tuy được mọi người xung quanh tận tình giúp đỡ, bà Loan không qua khỏi và mất sau khi sinh con trai út. Đứa bé sơ sinh cũng mất sau đó ít lâu, khiến cậu bé Cung mới hơn 10 tuổi đã một lúc chịu nỗi đau mất mẹ và em. Sau khi trở về lo liệu xong xuôi, ông Sắc gửi hai con về quê ngoại rồi lại tất tả lên Kinh thi Hội. Tại khoa này, cuối cùng ông Sắc cũng đỗ Phó bảng; sau đó thì hai anh em Khiêm Cung cùng theo cha về quê nội. Tại quê nội, cha ông đã làm "lễ vào làng" cho hai người con trai với tên mới là "Tất Đạt" cho Nguyễn Sinh Khiêm và "Tất Thành" cho Nguyễn Sinh Cung.
Ở quê nhà, Nguyễn Tất Thành được cha gửi theo học một số nhà nho có tiếng ở vùng, trong đó có cử nhân Hoàng Phạm Quỳnh. Đến năm 1906, Tất Thành theo cha vào Huế lần nữa và học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba. Trong kỳ thi tốt nghiệp năm 1908, Tất Thành là một trong 10 học trò giỏi nhất của trường được thi vượt cấp vào hệ Thành chung trường Quốc Học.
Đầu năm 1910, Nguyễn Tất Thành vào Phan Thiết; tại đây anh dạy thể dục và chữ Quốc ngữ cho học sinh tại Trường Dục Thanh của Hội Liên Thành - vốn là một tổ chức được các sĩ phu yêu nước thời bấy giờ thành lập. Trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành thường gặp gỡ một số nhà nho yêu nước đương thời. Anh cũng tham gia các công tác bí mật, nhận công việc liên lạc và có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào.
Cũng nhờ tiếp xúc với các nhà nho yêu nước mà Nguyễn Tất Thành được biết nhiều hơn về những nỗ lực đánh đuổi thực dân Pháp của các bậc tiền bối. Tuy khâm phục ý chí của những người như Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh hay Phan Bội Châu; nhưng anh không cho rằng đường lối của họ là tối ưu. Theo quan điểm của Tất Thành, Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải cách, điều đó chẳng khác nào "xin giặc rủ lòng thương". Phan Bội Châu thì lại muốn được Đế quốc Nhật Bản giúp đánh đuổi Pháp, vậy thì cũng không khác nào “đuổi hổ cửa trước, rước báo cửa sau”. Cũng vì thế, Nguyễn Tất Thành đã xác định từ sớm rằng nếu muốn cứu nước thì phải tìm một đường lối khác.
Tàu "Đô đốc Đô đốc Latouche-Tréville", con tàu mà Nguyễn Tất Thành làm việc để bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước của mình.
Tàu "Đô đốc Đô đốc Latouche-Tréville", con tàu mà Nguyễn Tất Thành làm việc để bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước của mình.
Đầu năm 1911, Tất Thành nghỉ dạy và vào Sài Gòn. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Liên Thành, anh theo học trường Bá Nghệ - nơi đào tạo công nhân hàng hải và công nhân chuyên nghiệp cho xưởng Ba Son. Song song với đó, Tất Thành còn đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và đồng thời tìm hiểu đời sống công nhân. Nhưng chỉ sau ba tháng, anh quyết định nghỉ học và muốn tìm việc trên một tàu viễn dương với mục đích sang các nước phương Tây để học hỏi. Muốn đánh đuổi kẻ địch, phải hiểu kẻ địch, đó là suy nghĩ của anh. Do đó, đích đến của Tất Thành đầu tiên phải là Pháp - đế quốc đã gây bao đau khổ cho đồng bào anh.
Có lẽ ngay thời điểm đó; không một ai, kể cả bản thân Nguyễn Tất Thành; lại tưởng tượng được rằng quyết định ra đi ấy rồi sẽ thay đổi lịch sử của cả một đất nước, một dân tộc.

Từ Bến Nhà Rồng tới phương Tây

Ngày 5/6 năm 1911, từ Bến Nhà Rồng tại thành phố Sài Gòn, hành trình bôn ba vạn dặm tìm đường cứu nước của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành mới ngoài 20 tuổi bắt đầu. Anh lấy tên là Nguyễn Văn Ba và xin được làm phụ bếp trên tàu “Đô đốc Latouche-Tréville” của hãng vận tải Hợp nhất. Quyết định mạo hiểm dấn thân vào một cuộc hành trình đầy khó khăn và hiểm nguy như vậy hoàn toàn không phải một ý nghĩ bốc đồng. Sau nhiều năm chứng kiến tình cảnh nước nhà, có dịp tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước; anh thanh niên Tất Thành đã quyết định rằng muốn tìm ra cách để đánh đuổi kẻ địch thì trước tiên phải hiểu kẻ địch. Vì thế nên chỉ còn cách mạo hiểm tìm đường sang phương Tây để học hỏi mọi điều có thể.
Sau này khi đã là Hồ Chí Minh - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã có nhiều dịp trả lời phỏng vấn từ các phóng viên nước ngoài về quyết định năm xưa. Với nữ nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, Bác nói rằng:
"Nhân dân Việt Nam, trong đó có cha tôi, thường tự hỏi ai sẽ giúp họ loại bỏ ách thống trị của Pháp. Một số cho rằng Nhật Bản, người cho là Anh, người lại cho là Mỹ. Tôi đã thấy rằng tôi phải ra nước ngoài để tự nhìn. Sau khi tôi hiểu được họ sống như thế nào, tôi sẽ về giúp đồng bào tôi."
Còn với nhà báo Liên Xô là Ossip Mandelstam, Bác nói:
"Hồi khoảng 13 tuổi, tôi được nghe lần đầu các từ tiếng Pháp 'tự do', 'bình đẳng', 'bác ái'. Khi đó tôi nghĩ tất cả những người da trắng đều là người Pháp. Vì người Pháp đã viết những từ này, tôi đã muốn làm quen với văn hóa Pháp để hiểu được ý nghĩa chứa trong các từ đó."
Nguyễn Tất Thành khi làm việc trên tàu, lấy tên Văn Ba
Nguyễn Tất Thành khi làm việc trên tàu, lấy tên Văn Ba
Khi mới sang Pháp, Nguyễn Tất Thành có làm đơn xin được vào học tại Trường hành chính thuộc địa, nhưng không được chấp thuận (trong đơn này anh tự ghi là sinh năm 1892). Khoảng đầu tháng 12 năm 1912, Nguyễn Tất Thành đến Mỹ. Ngày 15 tháng 12 năm 1912, từ New York, anh viết thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ tìm giúp địa chỉ cũng như hỏi thăm tình hình sức khỏe của cha mình. Thư này anh có ký tên là Paul Tất Thành. Đến cuối năm 1913, Nguyễn Tất Thành rời nước Mỹ sang nước Anh làm nghề cào tuyết cho một trường học, đốt lò rồi phụ bếp cho khách sạn. Cũng trong thời gian ấy, anh bắt đầu học tiếng Anh.
Thời gian này, Nguyễn Tất Thành cũng có thư từ qua lại với Phan Châu Trinh (bấy giờ đang ở Pháp). Trong đó có một bức thư được gửi hồi tháng 8 năm 1914 khi Thế chiến thứ nhất mới nổ ra. Và ngay từ bức thư ấy, đã sớm thấy được Nguyễn Tất Thành có những cái nhìn và kiến giải riêng về cục diện cuộc chiến. Bức thư ấy như sau:
“Kính gửi Nghi bá đại nhân, Tiếng súng đang rền vang và thây người đang phủ trên đất. Năm cường quốc đã vào vòng chiến và chín nước đang đánh nhau. Cháu chợt nhớ đến thư cách đây mấy tháng đã viết về cơn giông bão này. Định mệnh sẽ dành cho chúng ta nhiều bất ngờ và không thể nói trước được ai sẽ là người thắng. Các nước trung lập đang còn lưỡng lự và các nước tham chiến chưa rõ được ý họ. Tình hình như vậy, ai nhúng mũi vào thì chỉ có thể đứng về phía này hoặc phía kia. Hình như người Nhật có ý nhúng tay vào. Cháu nghĩ trong vòng ba, bốn tháng nữa, số phận châu Á sẽ thay đổi và thay đổi nhiều.”
Đến cuối năm 1917, Tất Thành trở lại Pháp; ở lại đây đến năm 1923. Những năm này có thể được coi là giai đoạn hoạt động thật sự đầu tiên của anh. Khoảng đầu năm 1919 anh vào Đảng Xã hội Pháp. Nhờ thế, anh có cơ hội gần gũi và hoạt động cùng một số nhà hoạt động chính trị và văn hóa có tiếng thời bấy giờ.
Ngày 18/6 năm 1919, nhân danh một nhóm người Việt Nam yêu nước; anh viết tác phẩm nổi tiếng mang tên “Yêu sách của nhân dân An Nam”. Bản yêu sách này gồm 8 điểm, viết hoàn toàn bằng tiếng Pháp, nội dung chủ yếu nằm ở việc đòi chính phủ Pháp ân xá chính trị phạm, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Anh ký tên trên tác phẩm là Nguyễn Ái Quốc và gửi đến Hội nghị Hòa bình Versailles. Anh cũng gửi thư riêng kèm theo bản yêu sách cho các đoàn đại biểu Đồng Minh dự hội nghị, nhưng không gây được sự chú ý.
Dù bản yêu sách bị gạt bỏ thẳng thừng, nhưng nó đã khiến giới cầm quyền ở Paris chú ý. Ngày 23/6, Tổng thống Pháp đã báo cho Toàn quyền Đông Dương là Albert Sarraut về bản yêu sách và đề nghị ông xem xét vấn đề và xác định xem tác giả là ai. Tháng 8, Albert Sarraut điện sang Paris, báo rằng bản yêu sách đã được lan truyền trên đường phố Hà Nội và khiến dư luận xôn xao. Đến tháng 9, Nguyễn Tất Thành công khai nhận rằng mình chính là Nguyễn Ái Quốc trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên Mỹ của một tờ báo tiếng Trung ở Paris. Ngày 6 tháng 9, Nguyễn Tất Thành được gọi đến Bộ thuộc địa để phỏng vấn, tại đây, cảnh sát mật của Pháp chụp ảnh và bắt đầu tìm kiếm thông tin về danh tính thực của anh. Cũng từ lúc này trở đi, Tất Thành bắt đầu hoạt động với bí danh nổi tiếng bậc nhất của mình - Nguyễn Ái Quốc.
Nguyễn Ái Quốc trong thời gian dự Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Marseille
Nguyễn Ái Quốc trong thời gian dự Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Marseille
Khoảng tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lenin được đăng trên báo L’Humanité (tức báo Nhân đạo). Bản “Sơ thảo” đã để lại những ấn tượng rất mạnh với Nguyễn Ái Quốc, và nó góp phần khiến anh xác định được con đường của mình là đi theo Chủ nghĩa Cộng sản để cứu nước. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại Tours với tư cách là đại biểu Đông Dương, trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp.
Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà yêu nước của các thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp Thuộc địa. Đến năm 1922, anh cùng một số nhà cách mạng thành lập báo Le Paria (tức Người cùng khổ). Báo này trước sau ra được tổng cộng 38 số, mỗi số bán được vài nghìn bản - một con số khá ổn. Năm 1923, với tư cách đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc ra tranh cử vào Hạ viện Pháp, nhưng thất bại.
Tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc rời Pháp để đến Nga - cái nôi của Chủ nghĩa Cộng sản thời ấy. Đến thủ đô Moscow, anh theo học tại Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội lần thứ 5 Quốc tế Cộng sản, anh được cử làm ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam.
Về đường lối hoạt động, Nguyễn Ái Quốc quan tâm nhiều đến những cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và vấn đề thuộc địa. Trong Tham luận trình bày tại Đại hội 5 của Quốc tế Cộng sản năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra sự thật rằng các thuộc địa vẫn còn hiện diện với số lượng lớn, và số người được coi là dân thuộc địa thậm chí lên tới 1,2 tỷ người - không giảm là bao so với thế kỷ 19. Đây rõ ràng là một vấn đề bức thiết mà anh nghĩ Quốc tế Cộng sản cần lưu tâm. Đến ngày 23/6 khi phát biểu tại phiên họp thứ 8 của Đại hội 5; Nguyễn Ái Quốc một lần nữa nhấn mạnh về vấn đề thuộc địa:
"Tôi đến đây không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, gợi ra những vấn đề và nếu cần, tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa.”
Trong thời gian ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc cũng viết nhiều bài báo tập trung nói về các vấn đề liên quan đến giai cấp công nhân và cuộc đấu tranh của họ ở các thuộc địa; mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng thuộc địa. Cũng trong khoảng thời gian này, Nguyễn Ái Quốc cũng viết tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của mình - “Bản án chế độ thực dân Pháp”, sau được xuất bản ở Paris năm 1925. Tác phẩm dựa trên cơ sở là các bài viết của anh trong giai đoạn từ 1921 - 1924, gồm 12 chương và tập trung tố cáo chính sách thực dân tàn bạo của Pháp và đề cập đến phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa.
Khoảng cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô tới Quảng Châu, lấy tên là Lý Thụy, làm phiên dịch trong phái đoàn cố vấn của chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Dân quốc. Chặng đường hoạt động cách mạng ở phương Tây tạm ngừng lại, và Nguyễn Ái Quốc chuyển hướng về các nước châu Á - những nơi gần với đất nước và đồng bào của mình hơn.

Thời kỳ ở châu Á và sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương

Thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đã có cơ hội gặp mặt một số nhà cách mạng lão thành người Việt đang sống và hoạt động lưu vong trên đất Trung Quốc. Đặc biệt trong đó có cả cụ Phan Bội Châu, và nhờ đó Nguyễn Ái Quốc đã gặp được 14 người Việt Nam đã cùng hoạt động với cụ bấy lâu. Trong nhóm 14 người này có một số thành viên của Tâm Tâm xã – một tổ chức cấp tiến hoạt động từ 1923 với một số thành viên tiêu biểu như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Lâm Đức Thụ,...
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc lấy bí danh là Vương; ông lựa chọn một số phần tử tích cực của Tâm Tâm xã, huấn luyện thêm và trên cơ sở đó, lập ra Cộng sản đoàn. Đến tháng 6, ông tiếp tục thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (hay còn gọi là Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên). Hội này phái người về nước vận động và đưa thanh niên sang Quảng Châu đào tạo. Cho tới 1927, hội mở được 3 khoá gần 10 lớp huấn luyện, đào tạo 75 hội viên, mỗi khóa chỉ kéo dài 2–3 tháng. Nguyễn Ái Quốc đứng lớp, Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn phụ giảng. Việc làm quan trọng nhất của hội trong thời gian này là cử được người đi học tại Đại học Phương Đông (Liên Xô) và trường Quân chính Hoàng Phố của Quốc dân Đảng Trung Quốc.
Giai đoạn này, Nguyễn Ái Quốc cũng thành lập tờ báo Thanh niên làm cơ quan phát ngôn của hội. Cùng năm 1925, Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Hội này do Liêu Trọng Khải là một cộng sự thân tín của Tôn Dật Tiên làm hội trưởng, còn ông làm bí thư. Một tác phẩm nổi danh nữa của ông cũng được xuất bản trong thời gian này là cuốn Đường Kách mệnh. Đây là tác phẩm tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc, được Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản năm 1927. Trong tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc cho rằng để cách mạng thành công, phải coi học trò, nhà buôn, điền chủ nhỏ đều là bầu bạn của cách mạng. Tư tưởng này của Nguyễn Ái Quốc trong đầu thập niên 1930 đã vấp phải sự phê phán của nhiều người cộng sản khác. Ngoài ra, một trong những quan điểm của ông về cách mạng là: cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có thể bùng nổ và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.
Tháng 5 năm 1927, việc hoạt động cách mạng bắt đầu khó khăn do chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố những người cộng sản là đối tượng ngoài vòng pháp luật. Do đó, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Hồng Kông, rồi từ đó quay lại Moscow. Tháng 11 năm 1927, ông được cử đi Pháp, rồi từ đó đi dự cuộc họp Đại hội đồng của Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc tại Bruxelles, Bỉ.
Năm 1928, Nguyễn Ái Quốc về Thái Lan hoạt động, lấy bí danh là Thầu Chín. Chủ trương của ông là tuyên truyền cho kiều bào và tổ chức họ vào những hội thân ái, tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa cho họ, xin chính phủ cho mở trường dành cho Việt kiều. Đến cuối năm 1929, ông tìm cách trở lại Trung Quốc bằng cách đi vòng qua Singapore.
Bấy giờ tại Đông Dương đã tồn tại ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ba tổ chức này tuy mới thành lập nhưng đã lập tức xảy ra mâu thuẫn rõ rệt và đều tập trung vào tranh giành sự ủng hộ của quần chúng. Nhận thấy tình hình như vậy không có lợi cho cách mạng, Đệ Tam Quốc tế Cộng sản đã thông qua Đông Phương Bộ ra chỉ thị hợp nhất ba tổ chức ấy lại. Việc hợp nhất sẽ được giao cho Nguyễn Ái Quốc - thành viên của Quốc tế Cộng sản.
Ngày 3/2 năm 1930,  tại Cửu Long thuộc Hương Cảng, Nguyễn Ái Quốc tổ chức hội nghị thống nhất ba tổ chức đảng cộng sản tại nhà một người công nhân. Tham dự hội nghị có 2 đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng, 2 đại biểu An Nam Cộng sản Đảng, còn đại biểu phía Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không đến kịp. Ngoài ra, hội nghị còn có sự tham dự của Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn; cùng Nguyễn Ái Quốc trên cương vị đại biểu của Quốc tế Cộng sản. Hội nghị quyết định thành lập một tổ chức cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 24/2 năm 1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chính thức gia nhập. Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hồng Kông từ ngày 14 đến 31 tháng 10 năm 1930, tên của đảng được đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương theo yêu cầu của Quốc tế Cộng sản; sau đó Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên.
Trong giai đoạn này, những cuộc nổi dậy trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh do Đảng Cộng sản lãnh đạo bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp dữ dội. Những thành viên lãnh đạo đều bị truy bắt và tử hình. Riêng Nguyễn Ái Quốc đã bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt đến hai lần vào tháng 10 năm 1929 và tháng 2 năm 1930.
Tháng 4 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đến Thái Lan, Singapore và Malaysia hoạt động thời gian ngắn. Trong thời gian ở Singapore, ông lấy bí danh là Tống Văn Sơ và đến tháng 5 năm 1930, ông trở lại Hồng Kông.

Bị bắt tại Hồng Kông

Những năm đầu thập niên 1930, mạng lưới tình báo của Anh và Pháp bắt đầu tăng cường hoạt động giám sát khu vực châu Á - đặc biệt là Đông Nam Á - để chống lại Quốc tế Cộng sản. Bấy giờ có một đặc phái viên của Quốc tế Cộng sản là Joseph Ducroux đã bị Sở Mật thám Đông Dương đọc trộm thư từ liên lạc rồi thông báo cho cơ quan tình báo Anh. Ngày 1/6 năm 1931, Ducroux bị bắt cùng 16 thành viên khác khi đang hoạt động tại Singapore.
Từ sổ tay và thư từ của Ducroux, tình báo Anh lần ra thông tin những thành viên Quốc tế Cộng sản đang hoạt động tại Trung Quốc và Hồng Kông. Cũng chính do việc này mà nơi ở của Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông bị lộ. Vào lúc 2 giờ sáng ngày 6/6 năm 1931, tại nhà số 186 phố Tam Kung, Cửu Long, một tốp cảnh sát ập vào bắt giữ Nguyễn Ái Quốc. Thời điểm đó giấy tờ tùy thân của ông ghi tên là Tống Văn Sơ và quốc tịch Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc bị bắt với nghi vấn tuyên truyền chống chính quyền Anh quốc theo "Sắc lệnh cấm xuất bản tài liệu chống chính quyền năm 1914" của chính quyền thuộc địa Hồng Kông rồi bị đưa về Nhà tù Victoria.
Sau khi bắt giữ, chính quyền Hồng Kông lục soát nơi ở của Tống Văn Sơ. Thế nhưng họ không tìm được tài liệu nào chứng minh ông có liên quan đến các hoạt động của Quốc tế Cộng sản, và đương nhiên ông cũng không vi phạm luật pháp Hồng Kông. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương bấy giờ là René Robin khi nhận được tin báo đã đề nghị chính quyền Anh tại Hồng Kông thực hiện dẫn độ Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương để xét xử. Tuy nhiên vì giữa Anh và Pháp lúc đó không có hiệp ước dẫn độ riêng đối với các phạm nhân chính trị, nên chính quyền thuộc địa Anh chỉ có thể tìm cách trục xuất Nguyễn Ái Quốc ra khỏi lãnh thổ Hồng Kông.
Sau 6 ngày tạm giam, chính quyền Hồng Kông ra quyết định trục xuất Nguyễn Ái Quốc. Ông sẽ bị áp giải với lính canh trên một chiếc tàu của Pháp đến một điểm được định trước, cụ thể là Việt Nam.
Ngày 19/6 năm 1931, dưới sự hậu thuẫn thông tin từ Quốc tế Cộng sản, báo L’Humanité thuộc Đảng Cộng sản Pháp cùng nhiều báo khác đồng loạt đưa tin về vụ bắt giữ Tống Văn Sơ. Đến ngày 22 và 23 tháng 6 thì có thêm hai tờ báo lớn ở Hồng Kông là Hương Cảng Điện Báo và Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin về vụ việc. Ngày 23 tháng 6, báoThe Times của Anh đưa tin cáo buộc Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Hồng Kông bắt theo yêu cầu của Pháp. Bộ Thuộc địa Anh khi ấy là cơ quan nhà nước có trách nhiệm xử lý các vấn đề thuộc địa đã bày tỏ quan ngại và phản đối việc dẫn độ.
Theo luật pháp thời ấy, chính quyền phải thực hiện thẩm vấn để xác định nhân thân và nơi sinh nghi phạm trước khi chính thức trục xuất. Chính quyền Anh ở Hồng Kông đã tổ chức một cuộc thẩm vấn (hoặc theo nhiều sử gia đánh giá thì tính chất như một cuộc lấy cung) bằng tiếng Anh với Tống Văn Sơ vào ngày 10/7 năm 1931. Theo lời khai, ông phủ nhận việc mình tên là Nguyễn Ái Quốc cũng như việc mang quốc tịch Việt Nam. Ông khẳng định mình là Tống Văn Sơ và là người Trung Quốc, sinh ra ở một thị trấn nhỏ ở tỉnh Quảng Tây gần biên giới Việt Nam, từng đến Pháp nhưng chưa từng đến Liên Xô, và cũng chưa bao giờ liên hệ với nhóm Quốc tế Cộng sản. Ông phủ nhận việc quen biết Ducroux nhưng có hừa nhận đã ký tên trên tấm bưu thiếp được tìm thấy tại nơi ở người này. Ngoài ra, ông cũng liên tục phản đối việc bị trục xuất đến Đông Dương mà muốn được trục xuất đến Anh. Nếu đối chiếu với quy định thời đó thì cuộc thẩm vấn này đã trái luật, vì Tống Văn Sơ bị bắt ngày 6/6 nhưng mãi đến hơn một tháng sau thì nhà chức trách mới thẩm vấn. Hơn nữa, người lấy cung không phải là người của tòa án mà là một người Anh làm việc tại Vụ Hoa kiều Hồng Kông.
Để cứu Tống Văn Sơ, phía Quốc tế Cộng sản đã tìm cách liên hệ và thuê luật sư Francis Henry Loseby hỗ trợ pháp lý. Loseby cảnh báo với chính quyền Hồng Kông rằng nếu bị trục xuất, Tống Văn Sơ sẽ bị Pháp bắt giữ ngay khi vừa rời khỏi đất Hồng Kông để đưa về Đông Dương xét xử. Đồng thời Loseby cũng yêu cầu chính quyền Hồng Kông phải thả Tống Văn Sơ ra và cho phép Tống tự do đến nơi mà ông muốn.
Gia đình luật sư Loseby sau này khi có dịp tới Việt Nam thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Gia đình luật sư Loseby sau này khi có dịp tới Việt Nam thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thống đốc Hồng Kông William Peel đành phải miễn cưỡng chấp thuận yêu cầu của luật sư Loseby. Trong bức điện tín báo cáo với Bộ Thuộc địa Anh tại London, Thống đốc Peel đề nghị nên thả tự do Tống Văn Sơ với điều kiện Tống phải rời Hồng Kông trong vòng 7 ngày. Theo ông, việc trục xuất Tống Văn Sơ về Đông Dương sẽ trông giống như một vụ dẫn độ trá hình và đi ngược lại những nguyên tắc công pháp của Anh quốc.
Tuy nhiên, phía chính quyền Pháp cũng quyết tâm thực hiện kế hoạch dẫn độ Tống Văn Sơ. Đại sứ Pháp tại London là Jules Cambon đã bày tỏ quan điểm với chính phủ Anh rằng: "Tống Văn Sơ (tức Nguyễn Ái Quốc) là một 'mối hiểm họa trên bình diện quốc tế’ và đề nghị không được thả tự do". Bộ Ngoại giao Anh quốc muốn làm hài lòng phía chính phủ Pháp vì hai bên sẽ cùng hợp tác trong những hoạt động đàn áp nổi dậy trong khu vực Châu Á, nên đề nghị phải trục xuất Tống về Việt Nam như ý Pháp mong muốn. Do đó, Thống đốc Hồng Kông buộc phải ban lệnh trục xuất thứ hai cho Tống Văn Sơ.
Để ngăn cản lệnh trục xuất của Thống đốc Hồng Kông, ngày 31/7 năm 1931, luật sư Loseby đệ đơn kiện yêu cầu đình quyền giam giữ lên Tòa án tối cao Hồng Kông (hay còn gọi là lệnh bảo thân). Mục đích của ông là làm sao để đưa vụ bắt giữ Tống Văn Sơ ra xét xử phiên tòa công khai. Như thế thì ông tin rằng chính phủ Anh và Pháp sẽ không thể bí mật tìm cách trục xuất Tống Văn Sơ được.
Từ 14/8 đến 11/9 năm 1931, Toà án Tối cao Hồng Kông tổ chức tổng cộng 9 phiên tranh tụng vụ án giữa bên nguyên đơn là Tống Văn Sơ với bên bị đơn là Tổng đốc các trại giam Hồng Kông cũng như Thống đốc Hồng Kông. Nhóm luật sư do Loseby dẫn đầu cùng với 2 luật sư tranh tụng Jenkin và Soares đứng ra bảo vệ bên nguyên đơn.
Sau hai phiên tranh tụng đầu tiên trong ngày 14 và 15 tháng 8, Thẩm phán tối cao Joseph Kemp cảnh báo với bên bị đơn rằng có thể tòa sẽ bác lệnh trục xuất ban đầu của Thống đốc Hồng Kông. Ngay trong ngày 15 tháng 8, Thống đốc Hồng Kông tống đạt lệnh trục xuất mới dành cho Tống Văn Sơ ngay tại tòa, viện dẫn một điều khoản khác trong "Sắc lệnh Trục xuất năm 1917". Luật sư Jenkin lập tức phản đối lệnh này và gọi nó là "một sự lạm dụng quyền hành pháp" của chính quyền Hồng Kông.
Đến ngày 11 tháng 9, sau nhiều phiên tranh tụng, Toà án Tối cao Hồng Kông xác nhận tính hợp pháp cho lệnh trục xuất thứ hai của chính quyền Hồng Kông. Tòa cho rằng, tuy lệnh trục xuất này có thể liên quan đến việc dẫn độ nếu xét trên phương diện chính trị, nhưng hoàn toàn không vi phạm luật Anh quốc. Lệnh bảo thân của Tống Văn Sơ bị tòa án bác và ông lại đứng trước nguy cơ bị trục xuất đến Đông Dương.
Phía luật sư của Tống Văn Sơ ngay lập tức kháng án đến Ủy ban Tư pháp thuộc Viện Cơ mật Vương quốc Anh, nơi có thẩm quyền tối cao đối với các vụ án xảy ra tại các xứ thuộc địa của Anh. Họ cho rằng lệnh trục xuất Tống Văn Sơ không có giá trị pháp lý theo luật Hồng Kông và tiếp tục cho rằng đây là một sự lạm dụng quyền hành pháp đáng bị lên án.
Ủy ban Tư pháp Cơ mật viện Anh quốc tại London
Ủy ban Tư pháp Cơ mật viện Anh quốc tại London
Vì lịch làm việc của Viện Cơ mật chỉ có thể xử vụ việc của Tống Văn Sơ sớm nhất là tháng 11 nắm 1932, nên trong thời gian chờ đợi ông vẫn phải bị giam ở Hồng Kông. Thế nhưng do Tống Văn Sơ không vi phạm luật pháp Hồng Kông nên ông được chuyển từ nhà tù Victoria về bệnh xá nhà tù Bowen Road. Thời điểm ấy sức khỏe ông rất suy nhược do lao phổi và thường hay nôn ra máu. Tuy thế, ông cũng được các bạn đồng chí giúp đỡ, đặc biệt có cả hoàng thân Nguyễn Phúc Cường Để - một nhà hoạt động cách mạng bấy giờ ở Nhật cũng gửi thư và 300 yên hỗ trợ viện phí.
Đến đầu năm 1932, đơn kháng cáo của Tống Văn Sơ được đưa ra xét xử tại Ủy ban Luật pháp thuộc Viện Cơ mật Hoàng gia Anh. Lần này, luật sư đại diện Tống Văn Sơ là Denis Nowell Pritt - một luật sư danh tiếng và là thành viên Công Đảng Anh. Còn đại diện Cơ mật viện là Richard Stafford Cripps - người đang giữ cương vị Phó Chưởng lý và cũng thuộc Công Đảng Anh. Sau khi tìm hiểu vụ kiện, Cripps cho rằng đơn kháng cáo của nguyên đơn đối với lệnh trục xuất từ chính quyền Hồng Kông sẽ được ủng hộ tại tòa Cơ mật viện và Tống Văn Sơ sẽ được thả tự do.
Ngày 27/6 năm 1932, Cripps thay mặt Bộ Thuộc địa và chính quyền Hồng Kông, dàn xếp ngoài tòa với luật sư Pritt. Sau đó, phía nguyên đơn của Pritt chủ động rút đơn kháng án với điều kiện kết quả phải có lợi cho Tống Văn Sơ. Phiên tranh tụng giữa hai bên do vậy mà chưa bao giờ diễn ra trước tòa Cơ mật viện. Ngày 21/7 năm 1932, vì bên nguyên đơn đã rút kháng án, Cơ mật viện đưa ra phán quyết với 4 điều khoản. Thứ nhất, bỏ việc chỉ định "áp giải bằng tàu biển" trong lệnh trục xuất. Thứ hai, sau khi trục xuất, nơi đến không được là lãnh thổ Pháp, thuộc địa bảo hộ của Pháp, hoặc đi bằng tàu biển của Pháp. Thứ ba, chính quyền Hồng Kông sẽ nỗ lực tối đa đảm bảo nguyên đơn được trục xuất đến nơi mà nguyên đơn mong muốn. Cuối cùng, chính quyền Hồng Kông sẽ góp 250 bảng Anh vào chi phí tố tụng cho bên nguyên đơn.
Ngày 28/12 năm 1932, Tống Văn Sơ được thả ra khỏi bệnh xá nhà tù Bowen Road. Ông lập tức xuống tàu sang Singapore, song vẫn bị mật thám theo dõi. Tàu vừa cập bến Singapore, cảnh sát đã lập tức đón bắt và áp giải Tống Văn Sơ xuống tàu Hồ San quay về Hồng Kông. Họ tuyên bố rằng, chính quyền Singapore không phụ thuộc vào bất cứ lệnh nào của các chính quyền khác, bởi thế, cũng không bắt buộc phải thi hành việc đảm bảo của chính quyền Hồng Kông. Sau khi bị bắt, Tống Văn Sơ tìm cách liên lạc được với luật sư Loseby. Loseby khẩn cầu Thống đốc Hồng Kông William Peel can thiệp. Thống đốc Peel ra lệnh thả Tống Văn Sơ và yêu cầu ông phải rời khỏi Hồng Kông trong vòng 3 ngày.
Ngày 22 tháng 1 năm 1933, với sự hỗ trợ của Loseby, ông cải trang thành một thương nhân giàu có và rời Hồng Kông bí mật trên một chiếc thuyền nhỏ; đi qua eo biển Lý Môn để ra tàu lớn An Huy ngoài khơi. Sau khi lên tàu thành công, ông an toàn rời Hồng Kông đến Hạ Môn vào ngày 25/1 năm 1933. Sau khoảng 5-6 tháng, ông đến Thượng Hải và từ đây được Đảng Cộng sản Trung Quốc hỗ trợ đưa đi Liên Xô.

Quay lại Liên Xô và Trung Quốc

Thoát khỏi Hồng Kông trong đường tơ kẽ tóc, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô kịp để tham dự Đại hội lần 7 của Quốc tế Cộng sản (từ 25/7 đến 20/8). Tuy vậy trong Đại hội này ông không được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương của Quốc tế Cộng sản. Theo ý kiến của nhà nghiên cứu William Duiker thì thời gian này Nguyễn Ái Quốc gần như bị giam lỏng tại Liên Xô, hoặc nói giảm nói tránh đi thì là bị kỷ luật. Lý do là bởi Quốc tế Cộng sản nghi ngờ về việc tại sao ông được nhà cầm quyền tại Hương Cảng thả tự do.
Trong thời gian ở Liên Xô, ông phụ trách chung những người cộng sản Việt Nam và theo học khóa ngắn hạn tại trường Lenin là trường Đảng cao cấp dành cho các lãnh tụ cộng sản nước ngoài. Năm 1935 ông được bầu làm đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Thế nhưng trong khi nhiều nhà hoạt động cách mạng khác người Việt Nam về nước từ năm 1936 và các học sinh người Việt Nam không tiếp tục sang Liên Xô nữa thì Nguyễn Ái Quốc vẫn phải ở lại. Thời gian này ông có theo học lớp nghiên cứu sinh sử học của Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa nhưng sau đó không tốt nghiệp. Mãi đến năm 1938 thì Nguyễn Ái Quốc mới rời Liên Xô.
Nguyễn Ái Quốc (hàng đầu, thứ 2 từ phải) tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5 tại Moscow
Nguyễn Ái Quốc (hàng đầu, thứ 2 từ phải) tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5 tại Moscow
Ngoài ra, cũng trong khoảng thời gian từ năm 1931 đến năm 1935, ông bị Trần Phú và sau đó là Hà Huy Tập nhiều lần chỉ trích, phê phán về tư tưởng không đúng với đường lối đấu tranh giai cấp của Quốc tế Cộng sản. Sở dĩ có việc phê phán này là do bất đồng giữa Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí của ông về các lực lượng tham gia, cần tranh thủ trong hoạt động cách mạng, dẫn đến suy nghĩ cho rằng Nguyễn Ái Quốc ưu tiên giải phóng dân tộc hơn là đấu tranh giai cấp. Vào thời điểm đó, Quốc tế Cộng sản dưới sự lãnh đạo của Stalin chủ trương đặt đấu tranh giải phóng dân tộc đi cùng với đấu tranh giai cấp. Hà Huy Tập thậm chí còn công khai phê phán Nguyễn Ái Quốc trên tạp chí Bolshevik số ngày 8/12 năm 1934 như sau:
"...chúng ta không được quên những tàn tích quốc gia chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quốc và những chỉ thị sai lầm của đồng chí ấy về những vấn đề căn bản của phong trào cách mạng tư sản dân quyền và những lý luận cơ hội của đồng chí ấy bám rễ vào đầu óc của phần đông đồng chí chúng ta, giống như những tàn tích tư sản vẫn sống dai dẳng trong đầu óc những hội viên Thanh Niên, Tân Việt và Vừng Hồng. Nguyễn Ái Quốc không hiểu được những chỉ thị của Quốc tế cộng sản; không hợp nhất được ba tổ chức cộng sản từ trên xuống dưới... Tài liệu Sách lược vắn tắt của Đảng và Điều lệ của Đảng hợp nhất không theo đúng chỉ thị của Quốc tế cộng sản. Ngoài ra Nguyễn Ái Quốc còn chủ trương một sách lược cải lương và hợp tác: "trung lập tư sản và phú nông", "liên minh với địa chủ nhỏ và vừa", v.v. Vì những sai lầm đó, nên từ tháng Giêng đến tháng 10 năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đi theo một chiến lược có nhiều điểm trái với những chỉ thị của Quốc tế cộng sản, tuy trong thực tế đã lãnh đạo quần chúng kiên quyết đấu tranh cách mạng.”
Năm 1938, Nguyễn Ái Quốc trở lại Trung Quốc. Trong vai thiếu tá Bát Lộ quân có bí danh Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc đến công tác tại văn phòng Bát Lộ quân Quế Lâm. Sau đó ông đi Quý Dương, Côn Minh rồi đến Diên An, căn cứ đầu não của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hồng quân Trung Quốc vào mùa đông 1938. Bấy giờ đang là giai đoạn Quốc - Cộng hợp tác trong cuộc kháng chiến chống Nhật, Tưởng Giới Thạch có đề nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc cử một đoàn cán bộ đi hướng dẫn cho Quốc Dân Đảng về kỹ thuật chiến đấu du kích. Từ tháng 6 năm 1939, ông được gửi tới phái đoàn này làm người phụ trách chính trị. Trên thực tế, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương lúc này cũng mất liên lạc với ông tới tận tháng 1 năm 1940.

Trở lại quê hương - dẫn dắt cách mạng đi đến thắng lợi

Đầu tháng 1 năm 1941, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương bấy giờ là Hoàng Văn Thụ đã từ Việt Nam sang Quảng Tây gặp Nguyễn Ái Quốc để báo cáo kết quả xây dựng và củng cố An toàn khu Cao Bằng. Hoàng Văn Thụ đề nghị ông về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua lối Cao Bằng. Nguyễn Ái Quốc cũng nhận định Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng, và ông quyết định trở về nước sau 30 năm bôn ba nước ngoài.
Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam vào ngày 28/1 năm 1941; đem theo hành lý chỉ vỏn vẹn một chiếc vali nhỏ đan bằng mây tre để đựng quần áo và một chiếc máy chữ xách tay. Ngày 8/2 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc tới ở tại hang Cốc Bó, bản Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện cán bộ, cho in báo, tham gia các hoạt động. Tài liệu huấn luyện và tuyên truyền chủ yếu là sách do ông dịch và viết về nhiều chủ đề. Từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ 8 (mở rộng) của Trung ương Đảng họp tại Pác Bó, Cao Bằng. Một trong những kết quả của hội nghị này là nghị quyết về việc thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh - tức Việt Minh.
Ngày 13/8 năm 1942, ông lấy tên là Hồ Chí Minh và sang Trung Quốc với danh nghĩa đại diện của cả Việt Minh và Hội Quốc tế Phản Xâm lược Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Hoa Dân quốc. Đây là lần đầu tiên trong các giấy tờ cá nhân ông sử dụng tên Hồ Chí Minh - cái tên rồi sẽ gắn liền với cả cuộc đời ông.
Hồ Chí Minh bị chính quyền địa phương của Trung Hoa Dân quốc bắt giữ ngày 29/8 khi đang đi cùng một dẫn đường và bị giam hơn một năm, trải qua khoảng 30 nhà tù. Trong khoảng thời gian bị giam giữ và thuyên chuyển liên tục, Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Nhật ký trong tù” gồm hơn 100 bài thơ do ông sáng tác. Bấy giờ do tin tức đưa về có sai sót nên các đồng chí trong nước như Phạm Văn Đồng hay Võ Nguyên Giáp đều tưởng là ông đã hy sinh. Phải mãi đến vài tháng sau, nhờ thư do chính ông viết và bí mật đưa về mà mọi người mới biết được sự thật.
Ngày 25/10 năm 1943, Hội Quốc tế Chống Xâm lược ở Đông Dương gửi 2 bức thư cho Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và cho chính Tưởng Giới Thạch đề nghị trả tự do cho Hồ Chí Minh. Song song với đó, đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trùng Khánh cũng liên hệ với các sĩ quan thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược Hoa Kỳ nhờ họ can thiệp với lý do là có thể khiến Hồ Chí Minh hợp tác với phe Đồng Minh. Sau khi thảo luận với Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, Cơ quan Tình báo chiến lược Hoa Kỳ và cơ quan ngoại giao Mỹ thương lượng với chính phủ Trung Hoa Dân quốc để giải thoát Hồ Chí Minh khỏi nhà tù và thuyết phục ông cộng tác. Cuối cùng, Hồ Chí Minh cũng được thả tự do vào ngày 10/9 năm 1943, nhưng vì nhiều lý do mà ông chưa thể về nước ngay.
Phải đến cuối tháng 9 năm 1944 Hồ Chí Minh mới có cơ hội quay lại Việt Nam. Bấy giờ các đồng chí ở Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng như Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng đã quyết định tiến hành chiến tranh du kích ở ba tỉnh này. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cho rằng thời cơ chưa chín muồi nên đã ngăn kế hoạch này lại. Thay vào đó, ông ra lệnh tổ chức lập lực lượng vũ trang và căn cứ địa cho chặt chẽ và hiệu quả hơn. Điều này dẫn tới quyết định thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12 năm 1944. Cuối năm đó, ông quay lại Côn Minh hoạt động cho tới đầu năm 1945.
Ngày 9/3 năm 1945 xảy ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp và giành quyền kiểm soát bán đảo Đông Dương. Phản ứng trước sự kiện ấy, vào ngày 12/3 Ban Thường vụ Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" nhằm phát động cao trào kháng Nhật cứu nước. Cụ thể sẽ là thay đổi hình thức tuyên truyền, tổ chức đấu tranh để thích hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa, tập dượt quần chúng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 29/3 năm 1945, Hồ Chí Minh gặp Trung tướng Mỹ Chennault tại Côn Minh. Chennault cảm ơn Việt Minh đã giúp đỡ chống Nhật và sẵn sàng viện trợ những gì có thể theo yêu cầu. Còn Hồ Chí Minh khẳng định quan điểm của Việt Minh là ủng hộ và đứng về phía Đồng Minh chống phát xít Nhật. Theo ông, việc được tướng Chennault tiếp kiến được xem là một sự công nhận chính thức của Mỹ, là bằng chứng cho các đảng phái Quốc gia thấy Mỹ ủng hộ Việt Minh.
Hồ Chí Minh nhận thấy Hoa Kỳ đang muốn sử dụng các tổ chức cách mạng người Việt vào các hoạt động quân sự chống Nhật tại Việt Nam. Do đó, ông đã thiết lập mối quan hệ với các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, đồng thời chỉ thị cho Việt Minh làm tất cả để giải cứu các phi công gặp nạn trong chiến tranh với Nhật Bản, cung cấp các tin tức tình báo cho Mỹ. Đổi lại, Cơ quan Tình báo chiến lược Hoa Kỳ sẽ cung cấp vũ khí, phương tiện liên lạc, giúp đỡ y tế, cố vấn và huấn luyện quân đội quy mô nhỏ cho Việt Minh.
Thời gian này, ở miền Bắc Việt Nam xảy ra nạn đói quy mô lớn cực kỳ khủng khiếp; kéo dài từ tháng 10 năm 1944 đến tận tháng 5 năm 1945 và khiến hơn 2 triệu người chết. Đây là thời cơ để Việt Minh xây dựng lực lượng lớn khắp cả nước, họ tập hợp nhân dân phá các kho thóc Nhật để lấy gạo phát cho dân đói. Đồng thời, một đại hội đại biểu toàn quốc họp trên chiến khu, thành lập Quốc dân Đại hội, tức quốc hội lâm thời.
Ở chính trường quốc tế thì bấy giờ Thế Chiến II đã đi đến hồi kết. Ở mặt trận châu Âu, Phát xít Đức đầu hàng quân Đồng Minh ngày 7/5 năm 1945. Còn ở mặt trận Thái Bình Dương, sau khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki lần lượt vào ngày 6 và 9 tháng 8, Phát xít Nhật cũng đầu hàng vào ngày 15/8. Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Việt Minh nhận thấy đây là thời cơ quý giá để phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước. Ngày 16/8, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Đại hội quốc dân tại Tân Trào, cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng (tức Chính phủ Lâm thời), do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Rất nhanh chóng, ngọn lửa khởi nghĩa bùng nổ và lan ra khắp cả nước. Với khí thế không gì lấn át nổi, chỉ trong vòng trên dưới 10 ngày, cơ sở chính quyền Việt Minh đã được thiết lập trên toàn bộ các tỉnh lỵ. Hầu hết địa phương trên cả nước đều thuộc quyền kiểm soát của Việt Minh; trong khi ở Huế thì Hoàng đế Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị vào ngày 25/8, chính thức chấm dứt triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam.

Kết

Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền chính thức thắng lợi và kết thúc bằng sự kiện Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” trên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội vào ngày 2/9 năm 1945; đồng thời tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy rằng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối mặt với vô vàn khó khăn cũng như thù trong giặc ngoài; và con đường hướng tới độc lập tự do hoàn toàn vẫn còn rất dài ở phía trước, nhưng đó sẽ là nội dung của một bài viết khác. Còn hành trình vạn dặm tìm đường cứu nước kéo dài hơn ba thập kỷ của Hồ Chí Minh đã khép lại một cách viên mãn.