Vào thế kỷ 15, sau khi nhà Hồ thất bại trước cuộc chiến chống quân Minh, đất nước ta rơi vào cảnh lầm than, dân tình rơi vào cảnh cơ cực. Cổ nhân thường có câu “thời thế tạo anh hùng”. Trong bối cảnh lịch sử rối ren này, một minh chúa đã xuất hiện tại đất Lam Sơn, đó chính là Lê Lợi. Nhưng để làm nên chiến thắng và sự nổi bật của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, thì không thể không nhắc đến một người đó là quân sư Nguyễn Trãi.

Loạn thế sinh tuấn kiệt

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm Canh Thân (1380), tại Thăng Long, mất năm Nhâm Tuất (1442).
Thời thơ ấu, Nguyễn Trãi sống với ông ngoại là quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán ở Thăng Long. Ông là con trai của Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái. Từ năm 1385, Nguyễn Trãi theo ông ngoại và thân mẫu về sống ở Côn Sơn. Sau khi quan Tư đồ Trần Nguyên Đán qua đời năm 1390, ông về làng Nhị Khê ở với cha. Được hai người thầy lớn là ông ngoại và thân phụ dạy dỗ, Nguyễn Trãi đã sớm phát tài năng và hoàn thiện nhân cách, nuôi hoài bão lớn.
Từ nhỏ, Nguyễn Trãi đã thông minh hơn người. Năm Canh Thìn (1400) niên hiệu Thánh Nguyên thứ nhất thời nhà Hồ mở khoa thi đầu tiên, Nguyễn Trãi ra ứng thí và ông đã đỗ Thái học sinh khi mới 20 tuổi. Sau khi thi đỗ, ông được Hồ Quý Ly trao cho chức ngự sử đài chánh chưởng, làm việc ngay tại Tây Đô (kinh đồ nhà Hồ ở Thanh Hoá). Thế là hai cha con cùng làm quan ở triều đình và cùng giúp nhà Hồ trong việc cải cách kinh tế - chính trị và văn hoá. Đây là một điều vô cùng đặc biệt.

Vận nước lâm nguy

Trong lúc vương triều nhà Hồ đang thực hiện chính sách cải cách, thì quân Minh do Trương Phụ chỉ huy mở cuộc xâm lược vào nước ta với danh nghĩa là “phù Trần diệt Hồ”. Hồ Quý Ly cùng con là Hồ Nguyên Trừng mang quân ra chống cự nhưng bị thất bại và bị bắt về Trung Quốc. Trong số triều thần bị bắt có Nguyễn Phi Khanh thân phụ của Nguyễn Trãi. 
Dã sử lan truyền,  Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng đã tìm đến chỗ quân Minh giam giữ tù binh để tìm cha, rồi hai anh em theo đoàn xe áp tải tù binh lên ải Nam Quan với ý định phụng dưỡng cha già. Nguyễn Phi Khanh biết rằng có thể chuyến đi này ông không bao giờ trở về tổ quốc được nữa, cho nên nhân lúc vắng vẻ ông bảo với Nguyễn Trãi rằng: “Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu, cứ phải theo cha khóc lóc như đàn bà thì mới là hiếu hay sao”. 
Nói xong, Nguyễn Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi quay về và chỉ cho Nguyễn Phi Hùng theo sang Trung Quốc mà thôi. Nguyễn Trãi gạt nước mắt từ biệt cha già và em rồi quay trở lại tìm đường cứu nước. Về đến Đông Quan, thì ngay lập tức ông bị giặc bắt. Tướng tổng chi huy quân xâm lược của quân Minh là Trương Phụ, biết Nguyễn Trãi là người có tài nên tìm cách dụ dỗ ông ra làm quan. Nhưng Nguyễn Trãi kiên quyết từ chối; thấy khó mua chuộc được ông, hắn đã tính đem ông đi chém đầu, nhưng viên thượng thư là Hoàng Phúc gian ngoan hơn, hắn can Trương Phụ đừng chém Nguyễn Trãi mà chỉ nên bắt Nguyễn Trãi giam lỏng ở kinh thành Thăng Long, hòng mua chuộc ông một cách từ từ.

Anh hùng tương ngộ

Hiện tại vẫn chưa rõ, Nguyễn Trãi đã trốn thoát khỏi cảnh bị giam lỏng bằng cách nào và vào thời điểm nào cụ thể, chỉ biết ông đã đến gặp Lê Lợi và tham gia khởi nghĩa Lam Sơn trong những ngày chuẩn bị khó khăn gian khổ nhất. Tháng 5 năm 1420 khi Lê Lợi vào đến Lỗi Giang thì Nguyễn Trãi vào yết kiến và xin dâng “Bình Ngô sách”, Lê Lợi khen hay và cho là phải dựa vào đấy để cùng Nguyễn Trãi bàn kế vạch ra chiến lược.
Ngay sau khi xem “Bình Ngô sách”, Bình Định vương Lê Lợi đã cho Nguyễn Trãi làm tham mưu quân khởi nghĩa và trao Nguyễn Trãi chức Tuyên Phụng đại phu hàn lâm thừa chỉ và luôn giữ ông bên mình để bàn mưu kế đánh giặc. 
Khi quân Minh được tin Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa, Mã Kỳ là tướng quân Minh đang đóng tại Tây Đô liền kéo quân đến đánh dẹp. Thấy quân giặc quá đông đảo và ồ ạt tới, Lê Lợi liền dời hết nghĩa quân sang Lạc Thuỷ ở vùng Quảng Hoá (Xứ Thanh) làm căn cứ, chúng không biết đây là kế trá bại, Mã Kỳ xua binh đuổi theo để phải lọt vào trận địa phục kích của nghĩa quân. Lê Lợi liền truyền lệnh cho chư tướng ở ba bề đổ ra đánh. Lê Thạch, Lê Ngân, Lê Lý, Đinh Bồ lập tức tung quân vây đánh, chém được 3000 quân Minh. Sau trận này, quân Đại Việt cấp tốc dời sang vùng núi Chí Linh (nay là Thuỵ Nguyên, Thanh Hoá). Đó là chiến thuật chiến tranh du kích của Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Từ đó trở đi có thắng có khi bại, nhưng đến khi Nguyễn Trãi dâng kế sách “Bình Ngô”, quân Minh ngày một thua tới mãi. Khi quân khởi nghĩa vây Đông Quan, bọn Mã Kỳ tướng quân Minh phải dâng biểu về nước xin viện binh. Nguyễn Trãi không chỉ là người vạch ra kế hoạch chiến lược mà còn là người trực tiếp chỉ huy thực hiện một cách tài ba. Ông là tác giả của cuốn “Quân trung từ mệnh tập”, là tác phẩm gồm một tập hợp những văn kiện quân sự xuất sắc, viết trong thời kì khi tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Đích thân Nguyễn Trãi đã từng “bao phen lăn mình vào miệng cọp”, tiếng nói và ngòi bút tuyệt vời của Nguyễn Trãi có sức mạnh chẳng kém gì “cả trăm vạn quân thiện chiến”. Hàng chục thành trì kiên cố của giặc, kể cả sào huyệt nguy hiểm cuối cùng của chúng là thành Đông Quan, đều phải hạ vũ khí đầu hàng bởi loại hình tấn công đặc biệt này.

Khai quốc công thần, vì đâu đến nỗi!

Ngay sau khi vừa giành được độc lập, được sự uỷ thác của Lê Lợi và bộ chỉ huy Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã viết bài “Bình Ngô Đại Cáo”, một trong những áng thiên cổ anh hùng văn, có giá trị thiêng liêng như là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước nhà.
Năm 1428, triều Lê tiến hành định công ban thưởng cho những người có công trong sự nghiệp đánh đuổi quân Minh. Bấy giờ, có 221 người được ban thưởng và trong 221 người ấy có 43 người được ban tước vị theo thứ tự 9 bậc cao thấp khác nhau. Rất tiếc là Nguyễn Trãi chỉ được xếp vào số một trong 26 người của hàng thứ 7 với tước vị khiêm nhường là Á Hầu mà thôi.
                “Chỉnh đốn càn khôn tòng thử liễu
                  Thế gian na cánh sổ anh hùng”.
Hai câu trên có nghĩa là: khi đã chỉnh đốn xong càn khôn, thì thế gian mấy ai còn nghĩ tới bậc anh hùng. Với sự trợ giúp đắc lực của Nguyễn Trãi, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu đã giành thắng lợi “sấm vang chớp giật”, “trúc chẻ tro bay”, khiến quân Minh bạt vía, kinh hồn, Vương Thông phải bỏ thành Đông Quan đầu hàng để được toàn mạng rút quân về nước. Nếm mật nằm gai cùng Lê Lợi dựng nên đại nghiệp, tiếc rằng đến cuối đời vị công thần khai quốc nhà Hậu Lê vướng vào vụ án “Lệ Chi Viên” khiến 3 họ bị tru di. 22 năm sau vụ án oan thấu trời xanh này, năm 1464 vị vua thứ 4 của nhà Hậu Lê là Lê Thánh Tông mới giải được nỗi oan khuất cho Nguyễn Trãi. Sau đó, Lê Thánh Tông cho tìm lại hậu duệ của Nguyễn Trãi phải chạy trốn sau vụ án oan để bổ làm quan.


Năm 1980, nhân kỉ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, tổ chức của Liên Hiệp Quốc về giáo dục, khoa học và văn hoá (UNESCO) đã trân trọng ghi tên Nguyễn Trãi vào hàng danh nhân văn hoá của nhân loại. Ông là người Việt Nam thứ hai có được vinh dự lớn lao này.


Nội dung: Tạ Đức Thụy