Giáo sư Tạ Quang Bửu - “Điều cốt yếu không phải sống là gì, mà là làm gì trong lúc sống"
Trong lịch sử, có lẽ không có nhiều người có thể đảm đương nhiều vai trò, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như giáo sư Tạ Quang Bửu....
Trong lịch sử, có lẽ không có nhiều người có thể đảm đương nhiều vai trò, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như giáo sư Tạ Quang Bửu. Từ khoa học kỹ thuật, quốc phòng quân sự, ngoại giao đến giáo dục, ông đều đạt được nhiều thành tựu, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Có thể nói, những thành tựu đó bắt nguồn từ sự cống hiến không ngừng nghỉ và tầm nhìn xa trông rộng của giáo sư.
Vài nét về cuộc đời giáo sư Tạ Quang Bửu
Từ khi còn trẻ, giáo sư Tạ Quang Bửu đã nổi trội hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Năm 19 tuổi, sau khi đỗ đầu tú tài Việt và đỗ đầu tú tài Tây ban Toán, ông nhận được học bổng sang Pháp học lớp toán đặc biệt của trường Louis Le Grand. Sau đấy, ông học cử nhân Toán ở Viện Henri Poincaré, tiếp đó theo học chương trình cử nhân khoa học ở Đại học Sorbonne và học về vật lý lượng tử tại Đại học Oxford.
Với học vấn của bản thân, giáo sư Tạ Quang Bửu hoàn toàn có thể tìm kiếm một công việc ổn định để định cư ở nước ngoài. Thậm chí kể cả khi trở về nước, ông vẫn có thể chấp nhận lời mời làm quan, sống cuộc sống an nhàn. Nhưng giáo sư đã từ chối vì không muốn hợp tác với chính quyền thực dân và phong kiến. Thay vào đấy, ông dạy học môn Toán, tiếng Anh ở trường tư thục Thiên Hựu ở Huế.
Ngay từ khoảng thời gian này, tinh thần yêu nước, mong muốn cống hiến cho đất nước đã thể hiện qua việc giáo sư đứng ra thành lập Hội Hướng đạo Huế và đồng sáng lập tổ chức trường Thanh niên tiền tuyến Huế với mục đích là đào tạo một lớp thanh niên có tinh thần yêu nước. Khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam bộ rồi đánh ra Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Thanh niên Tiền tuyến đã làm nòng cốt thành lập một số chi đội Giải phóng quân kịp thời chi viện cho các chiến trường.
Đến năm 1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Từ đó giáo sư Tạ Quang Bửu bắt đầu đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Ông từng giữ chức Tham Nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Khoa học Nhà nước và là bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
Trong khoảng thời gian đương nhiệm, ông cũng được Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất,... được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về khoa học công nghệ.
Để nói về những cống hiến của giáo sư Tạ Quang Bửu, có thể kể đến rõ nhất trong hai lĩnh vực chính là khoa học - công nghệ và giáo dục.
Cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam
Trong thời gian giáo sư Tạ Quang Bửu giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sau đó là thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đều dành sự quan tâm lớn đến khoa học và kỹ thuật. Được xem là "cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam", giáo sư đã để lại nhiều công trình, tác phẩm có giá trị, đóng góp cho sự phát triển khoa học kỹ thuật ngành quân sự nói riêng và sự phát triển khoa học công nghệ Việt Nam nói chung.
Về ngành quân sự, từ những năm tháng du học nước ngoài, giáo sư Tạ Quang Bửu đã nhận thức được tầm quan trọng của tri thức, đặc biệt là việc học hỏi từ các nước phát triển để trở về xây dựng đất nước. Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi tham gia đoàn đàm phán ở Hội nghị Fontainebleau 1946 tại Pháp, ông đã nhân cơ hội tìm mua và đưa về nước rất nhiều sách khoa học kỹ thuật quý giá về quân giới.
Giáo sư Tạ Quang Bửu cũng chính là người tiến cử với Bác Hồ những trí thức Việt Nam đang sinh sống tại Pháp như Phạm Quang Lễ (sau được Bác đổi tên thành Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân... Những người đã góp phần đặt nền móng xây dựng ngành khoa học kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng nước nhà.
Đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước, giáo sư Tạ Quang Bửu cũng đóng vai trò nổi bật trong việc chống lại cuộc chiến tranh điện tử hiện đại của quân đội Mỹ. Năm 1972, khi Tổng thống Nixon ra lệnh ném bom trở lại và phong tỏa bằng thuỷ lôi các cảng ở miền Bắc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông tổ GK được thành lập có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế khí tài phá thuỷ lôi và bom từ trường. Chỉ một thời gian ngắn các nhà khoa học kỹ thuật Việt Nam đã đưa ra chiến trường một loại khí tài đặc biệt, góp phần quan trọng làm thất bại sự phong tỏa bằng thuỷ lôi và bom từ trường.
Các công trình khoa học khác của giáo sư Tạ Quang Bửu cũng được đánh giá là đã định hướng phát triển một số ngành khoa học cơ bản; chỉ đạo kỹ thuật việc rà phá bom mìn phong tỏa Vịnh Bắc Bộ, Hải Phòng và chỉ đạo những nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng khác trong cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bên cạnh những công trình nghiên cứu của mình, giáo sư cũng cho ra mắt những cuốn sách như “Thống kê thường thức”, “Vật lý cương yếu”, “Nguyên tử – hạt nhân – vũ trụ tuyến” và “Sống”. Trong cuốn sách “Sống”, ông đã vận dụng những phát minh mới nhất trong vật lý lượng tử để giải thích sự sống, trình bày cấu trúc phân tử của gen, sự di truyền và biến dị, tính trội và tính lặn, các tác nhân gây đột biến như tia Rơgen, tia vũ trụ...
Phải nói rằng vào những năm tháng chiến tranh, khi điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, những cuốn sách của giáo sư Tạ Quang Bửu đã đóng vai trò quan trọng giúp nhiều nhà khoa học Việt Nam tiếp cận với tương đối luận, lý thuyết mật mã di truyền, toán học lý thuyết cũng như khoa học vũ trụ, tạo nền móng ban đầu cho nền khoa học nước nhà. Như giáo sư Lê Thạc Cán, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, chia sẻ: “Chúng tôi yêu quý những thông tin và kiến thức hiện đại mà tập sách đã mang lại trong hoàn cảnh đất nước đang bị chiến tranh, cách ly hầu như hoàn toàn với khoa học và kỹ thuật của thế giới.”
Có thể nói những đóng góp của giáo sư Tạ Quang Bửu cho nền khoa học công nghệ nước nhà bắt nguồn từ tinh thần ham học hỏi, lòng quý trọng tri thức và mong muốn phát triển thế hệ tương lai cho đất nước của ông. Điều này càng được thể hiện rõ qua những đóng góp của giáo sư cho nền giáo dục Việt Nam.
Giáo dục phải đi đầu để phát triển đất nước
Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, giáo sư Tạ Quang Bửu đã được cử làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Khoa học Nhà nước và Giám đốc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Về giáo dục trung học, giáo sư là một trong những người chủ trương mở các lớp phổ thông chuyên toán ở nước ta vào năm 1965, từ đó đào tạo được mấy thế hệ các nhà khoa học tài năng cho đất nước. Ông mạnh dạn đưa học sinh ta đi dự các Olympic Toán Quốc tế ngay từ mùa hè năm 1974, khi nửa nước còn chiến tranh giải phóng. Nhiều học sinh chuyên toán thời ấy, về sau, đã trở thành những nhà toán học, nhà vật lý, nhà cơ học hay nhà quản lý khoa học và giáo dục có tiếng…
Còn về giáo dục đại học, ngay từ buổi đầu thành lập Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp, giáo sư Tạ Quang Bửu đã có quan điểm rằng giảng dạy ở bậc đại học thực chất là nghiên cứu khoa học, người thầy không chỉ truyền đạt một cách có hệ thống những kiến thức đã có sẵn, mà phải cố gắng trình bày những cái mới, chưa có, nghĩa là phải suy nghĩ và sáng tạo không ngừng; đó cũng là một cách tiếp sức cho thế hệ sau. Ông cũng là người đề xướng và tổ chức thực hiện việc thi tuyển sinh đại học và kiểm tra kiến thức nghiên cứu sinh một cách công bằng, minh bạch.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao trình độ thầy giáo, bằng ảnh hưởng và sự nhạy bén của mình, giáo sư đã thu hút được nhiều nhà khoa học lớn của thế giới đến trao đổi thông tin và góp phần đào tạo những nhà khoa học trẻ Việt Nam. Có thể kể tên những nhà toán học quốc tế đứng đầu những trường phái mới như: Mikusinski (Ba Lan); A.Grothendieck; L.Schwartz (Pháp); N.Chomski (Mỹ)…
Giáo sư Tạ Quang Bửu cũng rất coi trọng việc gắn kết giữa quá trình đào tạo với thực tiễn lao động sản xuất. Ngay trong kháng chiến chống Mỹ, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã cử hàng nghìn lượt cán bộ giảng dạy đi thực tế phục vụ sản xuất và chiến đấu theo ngành nghề. Các trường Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông vận tải kết hợp với bộ đội công binh tham gia thiết kế, thi công đường sá, cầu hầm phà, xây dựng đường Hồ Chí Minh. Trường Đại học Bách khoa thực hiện thành công dự án phá thủy lôi bằng từ trường do ông trực tiếp chỉ đạo và đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công.
Giáo sư Tạ Quang Bửu chủ trương rằng giáo dục phải đi trước để chuẩn bị điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngay trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, dưới sự chỉ đạo của ông, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã gửi hàng nghìn nghiên cứu sinh, lưu học sinh, thực tập sinh du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Việc hoạch định chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước đã được chuẩn bị chu đáo. Do vậy khi chiến tranh kết thúc, nước nhà đã có một lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý đủ sức đảm đương nhiệm vụ xây dựng đất nước. Nhiều cán bộ được đào tạo trong thời gian đó hiện đang giữ vai trò nòng cốt trên các mặt giáo dục, khoa học và quản lý kinh tế - xã hội.
Lời kết
Có thể nói, những cống hiến của giáo sư Tạ Quang Bửu cho nền cách mạng, khoa học và giáo dục Việt Nam là không thể đong đếm được. Cũng như đã chia sẻ trong cuốn sách “Sống”, ông đã học tập, làm việc và chiến đấu đúng với quan niệm của mình:
“Điều cốt yếu không phải sống là gì,
mà là làm gì trong lúc sống"
Nguồn tham khảo:
Báo Tin tức - Giáo sư Tạ Quang Bửu - một trí thức uyên bác Báo Dân trí - Giáo sư Tạ Quang Bửu - một “thiên huyền thoại” (*) Bảo tàng lịch sử quốc gia - Giáo sư Tạ Quang Bửu - Nhà nghiên cứu khoa học có tầm và có tâm Trang tin điện tử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh - Tạ Quang Bửu: Nhà trí thức cách mạng, nhà khoa học tài năng Báo Tin tức - Giáo sư Tạ Quang Bửu - một trí thức uyên bác Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế - Giáo sư Tạ Quang Bửu với ngành Quân giới Zing News - GS Tạ Quang Bửu và những cuốn sách gây kinh ngạc vì kiến thức rộng lớn
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất