Hôm nay tôi đọc lại “Người tình Sputnick”. Tôi từng đọc nó kha khá năm về trước nhưng đầu óc đơn giản của đứa mới lớn chỉ biết đó là câu chuyện về một cô gái yêu một người đàn bà. Chấm hết. Khi suy nghĩ còn sơ sài, nó quờ vội vài tình tiết trên bề mặt, nói trắng ra là đọc nhưng không hiểu. Lần này đọc hiểu nhiều hơn nhưng cảm thấy buồn. À, hóa ra để hiểu câu chuyện hay cuốn sách đôi khi cần những tương đồng đâu đó với các nhân vật, dù là trải nghiệm hay suy nghĩ không hay.
Trong truyện có chi tiết nhân vật “Tôi” nhìn vào gương, bề ngoài chỉ hơi rám nắng so với trước đây nhưng anh ta nhận thức sâu sắc rằng mình đã thay đổi mãi mãi. Phần hồn trong “Tôi” đã biến đổi, đã không còn vẹn nguyên, như thể trong thân xác này là bản dạng khác hoàn toàn, không thể phục hồi nguyên trạng. Đó là sau khi “Tôi“ bay đến hòn đảo nhỏ ở Hy Lạp lúc nghe tin người mà anh ta yêu - Sumire biến mất, như làn khói, như con mèo trèo lên cây rồi không quay trở lại mặt đất, chưa chết nhưng tan biến. “Tôi” yêu Sumire - người không thể yêu lại “Tôi” như cách anh ta muốn. Sumire yêu một người đàn bà nhưng chị cũng không thể hổi đáp tình cảm đó như cách cô mong. Và người đàn bà này chỉ còn một nửa linh hồn sau đêm lạ lùng mắc kẹt trên chiếc đu quay tại Châu Âu. Chị ngồi trên đu quay, dùng ống nhòm quan sát căn phòng của mình, xem chính mình làm tình đầy mê say với gã đàn ông chị e sợ. Chị ghê tởm bản thân, ngất đi và tỉnh dậy với mái tóc bạc trắng. Cái nửa đầy nhục dục đã bỏ thân xác chị, du hành đến thế giới khác. Sumire, vì không nhận được sự hồi đáp ở thực tại đã tìm đến thế giới kia, tìm nửa đã ly khai của người mình yêu…
Sống chính là thay đổi. Những người ta gặp, những chuyện đã xảy ra biến đổi ta vĩnh viễn. Dù thế nào, con người vẫn là sinh vật xã hội. Chúng ta sẽ không bao giờ còn vẹn nguyên như chúng ta đã từng. Chúng ta sống trong mạng nhện của các mối quan hệ. Khi mối tơ nào đó đứt phựt, ta thấy như mình đã mất một phần của chính mình. Đôi khi sự hao hụt không quá lớn lao nhưng nó vẫn đủ làm chúng ta thay đổi mãi mãi. Những đứt gãy lặc lìa của các mối quan hệ làm cái tôi hổng lỗ chỗ. Nó vặn xoắn, cảm thấy mất mát và đến khi bình tâm trở lại, nó trân trân nhìn thẳng vào lỗ hổng hun hút trong mình, thở dài. “Mình không bao giờ còn là mình trước kia nữa” - Nó thừa nhận.
Con người thật cô đơn và luôn tìm cách dùng những mối quan hệ để làm mình đỡ trống rỗng. Khi ở trong mối quan hệ với người khác, bất kể gia đình, tình bạn hay tình yêu ta đều đắm vào những cảm giác được quan tâm, được yêu thương, được cho đi, được cao cả.v.v… Ta là một phần của điều gì đó, và vì thế, ta có ý nghĩa và mục đích.
Tết 2021, tôi nấn ná ở lại Hà Nội lâu hơn mọi năm, chỉ phóng xe về khi lịch trên điện thoại báo sang ngày 30. Tôi có gia đình yêu thương hết mực. Tôi là kẻ may mắn. Ngồi giữa nhà, ngay giữa sum vầy, cái lỗ hổng thành hình sau sự rời bỏ một mối quan hệ hút kiệt mọi sức lực của tôi. Tôi bất lực khi thấy mình không còn cười nói vui vẻ, không còn là tôi của trước đây. Tôi sợ nhìn thấy hạnh phúc, vì nó không phải của tôi, tôi thấy mình thiếu sót. Như thể vì tôi là kẻ khiếm khuyết nên tôi không thể có được điều hạnh phúc bình thường. Tôi đã bị hạnh phúc của người khác kích động, tôi lấy cớ ra Hà Nội vào sáng mùng 2. Đó là cái Tết ngắn nhất trong gần 30 năm của tôi. Bây giờ nhìn lại thấy mình khá ngốc nghếch. Tôi biết cái lỗ nhỏ lại nhưng nó sẽ không biến mất. Nó là một phần của tôi. Và tôi chấp nhận nó.
Đôi lúc tôi nằm mơ, trong mơ là cuộc đoàn viên với bạn bè, những người tôi hiểu có thể sẽ không bao giờ bên nhau thêm lần nữa. Vì quá nhiều lý do, chúng tôi ly tán. Khi tỉnh dậy tôi không thể nhớ chi tiết giấc mơ tận tường nhưng tôi nhớ rất rõ cảm giác thân thuộc và gần gũi. Chúng tôi đã từng ở bên nhau nhiều và lâu, đã từng chia sẻ tất cả. Biết đâu đấy, trong thế giới song song hoặc ngay trong hồi ức chúng tôi luôn ở bên nhau, vẹn nguyên các mắt xích cảm tình.
Điều ta trao đi, điều ta cho là tốt đẹp chưa chắc là điều đối phương cần hay có thể tiếp nhận. Tôi nhìn vào bản thể thủng lỗ chỗ của mình, biết mình đã sai nhiều. Tôi nhìn vào gương, thấy một mình rất khác, nhưng không còn muốn ghét bỏ nó.
Hiện thực sẽ luôn kéo chúng ta lại, dù với bản thể nào. Như “Tôi” trong “Người tình Sputnick”, dù không tìm thấy Sumire, dù đã thế linh hồn cũ bằng linh hồn mới, anh ta về Tokyo trước khi năm học mới bắt đầu. “Tôi” đã khác nhưng “Tôi” cần sống tiếp cuộc đời mình. “Tôi” là giáo viên ở Tokyo. Người đàn bà mà Sumire yêu cũng quay về Nhật Bản, ngồi trên con xe hạng sang, tiếp tục điều hành công ty, đóng tròn vai người thượng lưu dù chị chỉ còn là cái vỏ rỗng không, mất mát. Và đến cuối truyện, cái cô Sumire kia cũng có thể đã tìm thấy cánh cổng trở lại với thế giới thực sau một hồi du hành. Bản thể nào quay về thì chỉ mình cô ta (hoặc tác giả) biết.
Mỗi chuyến du hành đều đầy bất trắc, chúng ta có thể đồng hành với nhiều người, nhiều mình nhưng lúc về, có khi chỉ còn một mình, nửa mình hay vỏn vẹn một chiếc vỏ rỗng. Cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn. Không thể phủ nhận điều đó.