Nhiều khi, mạnh mẽ là khoảnh khắc bạn xin được giúp đỡ
Tìm kiếm sự giúp đỡ không phải mình yếu ớt hay vô dụng, chỉ là mình đang lắng nghe nhu cầu được yêu thương của mình mà thôi.
Hồi còn đi học, một trong những niềm kiêu hãnh mà mình có, là sự độc lập.
Mình luôn làm mọi thứ một mình và cố gắng xử lí đa số các vấn đề mà không cần sự trợ giúp của người khác.
Kiểu như, từ quê lên mà mang theo cả một thùng đồ nặng, mình sẽ không gọi bạn cùng phòng ra đón mà khệ nệ mang nó từ bến xe bus về nhà trọ, rồi khệ nệ bê tiếp lên căn phòng ở tầng 5. Xe hỏng giữa đường, mình tự dắt suốt một quãng dài đến tiệm sửa xe mà không ngỏ lời nhờ ai giúp. Bị ốm, mình tự mua thuốc uống và mua cháo ăn, có khi khỏi ốm rồi bạn cùng phòng mới biết.
Điều đó làm mình tự hào suốt nhiều năm, rằng mình có thể cáng đáng tất cả - mọi thứ. Trong đầu mình luôn ghi nhớ lời khen của bố “Con gái tôi rất độc lập, bố mẹ không phải lo gì cả”. Thi thoảng mọi người cũng khen mình kiểu vậy. Lời khen khiến mình sướng rơn, rằng “À, thì ra mình rất giỏi”.

20 tuổi, mình có niềm tin mãnh liệt vào sự độc lập của bản thân
Đến năm 3 thì mình chuyển qua ở với hội bạn đại học. Mình còn nhớ như in buổi trưa hôm đó, Cẩm Huyền bắt gặp một bài viết trên Facebook rồi dí vào mặt bắt mình‘đọc. Sau đó nó chốt lại một câu: “Biết chưa Rung Bùi? Bọn tao rất vui khi được giúp đỡ, nên mày phải nhờ bọn tao nhiều vào”. Đại khái bài viết ấy nói rằng “được giúp đỡ người khác là một dạng niềm vui”, và bạn mình sau khi chứng kiến quá nhiều sự “độc lập” của mình, đã phải thốt lên như vậy. Nhưng lúc đó mình chỉ cười trừ, tự tin đáp lại rằng việc không muốn người khác giúp là tính cách sẵn có của mình, và thầm nghĩ trong đầu “Mình thật mạnh mẽ nên mới làm được như vậy”.
Mình đã sống nhiều năm với một niềm tin như thế, đến cả khi không còn ở với Cẩm Huyền, chuyển qua ở với em Hiền, mình cũng ra sức sắm vai một người chị độc lập, mạnh mẽ. Có một lần đi nhổ răng khôn về, má sưng, trán sốt, rất mệt và rất đau, nhưng mình vẫn gượng dậy và tự nấu cho mình một nồi cháo dù em Hiền đang ở cạnh mình. Mãi đến tối, khi cơm nước xong xuôi, em bé mới ngập ngừng nói với mình: “Chị Dung ơi, nếu chị cần giúp gì thì cứ nói với em nha”. Em không biết rằng lúc ấy mình đã thực sự rơi nước mắt, không chỉ vì cảm động trước câu nói của em, mà còn vì mình quá bất lực với sự cứng rắn của bản thân. Nói ra câu cần giúp đỡ là điều quá khó, mình không làm nổi, chỉ vì một niềm tin cố hữu rằng “Mình rất độc lập”.
Vài tháng trước, khi gọi điện cho mẹ, mẹ hỏi mình rằng tại sao con cứ luôn buồn, có phải công việc áp lực quá không con?. Mình đã dành cả một khoảng lặng rất lâu để suy nghĩ, rồi sau đó bật khóc với mẹ: “Con mệt mỏi quá, vì con cứ phải làm mọi thứ một mình.” Mẹ cũng khóc theo, cuối cùng thì để lại một tin nhắn “Con cần gì thì nói với mẹ nhé con”. Giây phút ấy mình thở hắt ra một hơi, thấy có gì đó đè nén bao lâu được giải toả, mình bắt đầu biết cầu cứu người khác rồi.

Chỉ là một bức ảnh hoàng hôn nhìn từ ban công phòng trọ
Thì ra, bao lâu nay mình chỉ đang sống mãi trong lời khen của bố, tự gán nhãn cho mình những tính từ rất xịn, để ảo tưởng rằng mình chính là như thế, mình không thể yếu đuối được. Lời khen của bố không xấu, chỉ là mình quá áp lực phải xây dựng hình tượng đẹp trong mắt người khác, để khi nhìn vào mình người ta sẽ ậm ừ: “À, con bé này giỏi thật, bố nó không nói quá”. Ngoài áp lực phải trở thành một hình mẫu đẹp, mình còn sợ làm phiền người khác “Liệu người ta có thấy mình vô dụng quá không? Liệu họ có muốn giúp một người phiền phức hay không? Mình có thực sự đáng được giúp hay không?”
Nhưng sự thật là, không ai ép mình làm một mình cả, cũng không ai ép mình phải mạnh mẽ cả. Là mình chọn sai cách mà thôi. Nhìn lại những ngày tháng gắng gượng làm mọi thứ một mình, mình nhận ra những giây phút hạnh phúc nhất lại là khi được ai đó đưa tay ra nắm lấy. Không thể kể xiết những người đã xuất hiện trong đời để giúp mình lúc khó khăn, nhưng những bài học đầu tiên và khó quên nhất về sự giúp đỡ đến từ những bạn cùng phòng, trong những điều nhỏ bé thường nhật nhất: Cẩm Huyền chạy xe ra đón mình ở bến xe bus (lần đầu tiên mình không phải tự xách đồ về nhà), Hằng chở mình đi học và mua cho mình bánh mì dân tổ giữa đêm mưa, Chou Chou giúp mình phân loại rác, Hun may cho mình một con rồng may mắn và em Hiền đã nấu cho mình quá trời bữa ăn ngon.

Mình biết ơn những người đã xuất hiện trong đời và đưa tay ra với mình
Bây giờ, mình thôi khổ sở vì phải là một người mạnh mẽ, đã dám khóc lóc ỉ ôi nhiều hơn trong khoảng 2 năm gần đây. Và may thay, mình không còn thấy khóc là yếu đuối nữa. Lần gần nhất, khi đang thất nghiệp và dự định đi làm tình nguyện viên ở đảo xa, bị bố gọi về nhà và hỏi tại sao cứ phải “lông bông” mãi, mình chỉ khóc một hôm duy nhất, và lấy hết can đảm nhắn tin cho bố để “xin được tin tưởng và ủng hộ”. Đó là sự xin trợ giúp dũng cảm nhất mình từng làm, và mình đã làm được. Thì ra, dám nói “xin hãy giúp” mới là mạnh mẽ thực sự.
Khi biết gọi sự trợ giúp, mình sống nhẹ lòng và gắn kết với mọi người xung quanh hơn, thấy mình được yêu thương và xứng đáng với yêu thương. Không dễ để tự gỡ một nhãn dán lâu năm ra khỏi bản thân, như mình đến tuổi 24 mới dám chấp nhận mình yếu đuối. Nhưng mình mong bài viết này ít nhiều giúp bạn cảm thấy nhẹ lòng hơn khi biết rằng tìm kiếm sự giúp đỡ không phải mình yếu ớt hay vô dụng, chỉ là mình đang lắng nghe nhu cầu được yêu thương của mình mà thôi.
We all deserve love or much of love <3

Yêu
/yeu
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

nblelele
em đồng cảm với chị quá. thật sự là đang cố giả vờ mạnh mẽ quá lâu quá nhiều rồi, nên cứ đêm về là lại dành thời gian để khóc.
- Báo cáo

Rung Bùi
@nblelele c hiểu nè, vì mình tỏ ra mạnh mẽ nên nhiều thứ phải làm một mình quá, rất cô đơn và mệt mỏi nữa phải không?
mong là một ngày nào đó e nghe được tiếng lòng của bản thân, hoặc mong một ai đó sẽ xuất hiện để sự yếu đuối của e được bộc lộ mà không sợ hãi gì nữa 🙆♀️
- Báo cáo
SweetPie
giống cuốn sách đừng bao giờ đi ăn một mình vậy, việc kiên cường nhất là việc có thể nhờ vả một ai đó và xây dựng một mỗi quan hệ
- Báo cáo

Rung Bùi
@SweetPie ui cảm ơn b đã gợi ý, mình chưa đọc cuốn này, có lẽ có dịp sẽ đọc thử ạ
- Báo cáo

Tvan.1511_
Trong phim ngắn The Boy, the Mole, the Fox and the Horse có một câu nói mà mình thấy cũng rất thấm thía. Đó là khi cậu bé hỏi chú ngựa rằng: What’s the bravest thing you’ve ever said?
Và chú ngựa đã nói rằng “‘HELP. Asking for help isn’t giving up, It’s refusing to give up.’” Có thể bạn là con gái thì thường là không ai sẽ kỳ vọng bạn phải mạnh mẽ và bình thường hoá việc nhờ giúp đỡ hay là yếu đuối cả. Nhưng với đàn ông bọn tớ thì sẽ khác một chút. Bọn tớ sẽ chịu kỳ vọng và phán xét của mọi người về việc trở nên mạnh mẽ và cáng đáng cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Thực tế là ngay cả trong định nghĩa việc trở thành đàn ông đã bao gồm hàm ý là phải mạnh mẽ và gánh vác rồi. Nhưng mà, well, đúng là ai cũng cần phải nhờ giúp đỡ 1 lúc nào đó thôi, không tránh được.
- Báo cáo

Rung Bùi
@Tvan.1511_ hi bạn. mình cũng rất thích câu thoại trong phim bạn nhắc đến, nhưng thấy bài viết đã quá dài nên không tham đưa vào hic hic.
còn về chuyện cánh đàn ông, mình rất thông cảm và thấu hiểu. với tư cách là một cô con gái (của bố) và bạn gái (của ng yêu mình), mình biết rất khó để họ tỏ ra yếu đuối với xã hội, nhưng mình mong trong cs họ sẽ dám trở về nhà - trong vòng tay gia đình và người thương để được yếu đuối và được giúp đỡ. có thể đàn ông muốn tỏ ra luôn mạnh mẽ trong mắt đàn bà, nhưng nếu gặp đc ng thực sự yêu thương họ, thì họ sẽ hạnh phúc khi được yếu đuối mà vẫn được yêu thương chân thành.
vẫn phải nói lại, điều đó rất khó, mình cảm nhận đc thông qua cuộc đời đơn độc và cực nhọc của bố - rồi cái tính đơn độc đó di truyền cả sang mình nên mình rất hiểu. chỉ mong mỗi chúng ta đều gặp đc ng yêu thương chân thành, để sau khi mang giáp ngoài xã hội, trở về nhà lại được làm đứa trẻ đơn thuần.
cảm ơn b đã đưa ra góc nhìn rất thực tế, làm mình xúc động quá 🥹
- Báo cáo

imneygnaoh_
Muốn ôm chị quá nhưng nhận ra mình còn chưa thay đổi được thói quen này. “Tự làm mọi thứ” đã in đậm vào trong tiềm thức đến mức đôi khi em quên mất làm sao để nói ra lời xin được giúp đỡ, làm sao để xoá tan cái suy nghĩ gây phiền hà cho người khác mỗi khi mình không thể làm 1 mình. Cái tính này làm em càng thêm khép mình, đi làm cũng khó cởi mở với mọi người. Lòng mình cũng dần cô đơn mà đáng sợ hơn là đang dần chai lì với điều đó. Tiếc là em không có tiếng nói chung với bố mẹ nên không được nghe những lời động viên thế kia. Bằng không em sẽ khóc ngập mất thôi…
- Báo cáo