Cắt đứt với bố mẹ có phải là bất hiếu....
Mình có mối quan hệ không tốt với gia đình. ...
Mình có mối quan hệ không tốt với gia đình.
Vì nhiều lý do....
Vì mình hướng nội?!
Vì mình cứng đầu và ương bướng.
Vì mình không hòa hợp với bố.
Vì mình có một người anh trai “sống không đủ tốt” như mình mong muốn.
Vì mình có một người mẹ mình thương yêu nhất cuộc đời này. Nhưng vì mình có mối quan hệ không tốt với gia đình, nên mình cảm thấy mình không đủ tốt với mẹ, mình luôn thấy bản thân thiếu sót đủ điều, thế là mình cũng sợ đối diện với mẹ, càng khó khăn để chia sẻ hay thực sự gần gũi với mẹ.
Vì mình có một người chị có thể làm mình thấy yên tâm và tự hào; nhưng đặt mình cạnh chị với sự so sánh của những người xung quanh luôn là một điều gì đó quá sức nặng nề đối với mình; mình luôn kém cỏi, mình không nhanh nhẹn, mình không biết ý, nói chung là không vừa mắt người ta bằng chị. Cả cuộc đời mình cho đến giờ cũng đã 26 năm có lẻ, và xã hội này vẫn chưa dừng lại việc so sánh, cả khi vắng mặt mình, vắng mặt chị mình, hay vắng cả 2, họ vẫn không ngừng nói. Càng nói nhiều mình càng muốn trơ ra, càng không muốn nghe lời hay đi theo cái mà người ta nói rằng nên là như thế, càng không muốn phấn đấu trở thành phiên bản dù cho có tốt đẹp hơn theo chuẩn của xã hội nói. Mình chỉ khao khát cho người ta thấy rằng họ sai rồi, họ đã sai ngay từ cách so sánh chị em mình, thì dù cho cái chuẩn của xã hội mong muốn là gì cũng không có ý nghĩa gì với mình. Mọi điều thốt ra từ miệng họ, với mình đều vô giá trị. Mình không muốn nghe lời. Mình thấy ghê sợ.
Mỗi gia đình là một câu chuyện khác, nhưng chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Lần đầu tiên mình dám nói ra những cảm xúc chân thật này của mình, dù biết có thể sẽ bị người đọc đánh giá.
Trong 3 chị em, mình là đứa duy nhất lên Hà Nội học và ở lại Hà Nội lập nghiệp. Chỉ có mình sống xa quê, thực lòng mình không thấy tủi thân hay cô đơn nhiều. Mỗi năm về quê một vài lần, lúc đi thấy rất nhớ những người mình thương, dần dần lại quen vì vòng quay cuộc sống hối hả với công việc và nhiều dự định cần làm. Mình thực lòng muốn sống ở Hà Nội dù cho tấp nập, ồn ào, vội vã, áp lực. Miễn là sau tất cả những thứ đó, mình được trở về căn phòng của riêng mình, chỉ có mình bình yên đúng nghĩa, chẳng ai biết mình tồn tại, chẳng ai đánh giá hay soi mói, chẳng có không khí căng thẳng khi phải gồng mình lên hay sợ hãi bất cứ thứ gì bên ngoài bản thân mình.
Mình chẳng biết như thế là mình có tệ không. Nhưng mình không muốn gắn bó cả cuộc đời về sau của mình ở một nơi mà người ta sống phán xét, hình thức, làm gì cũng vì để “làng xóm nhìn vào”, vì cái nhìn của thiên hạ. Mình thà ở nơi mà mọi người chẳng quan tâm đến mình, còn hơn là có người để ý từng ly từng tí, chỉ chờ nhà ai có biến để mà 8 chuyện nhưng lại gắn mác quan tâm "hàng xóm tối lừa tắt đèn có nhau”, hay “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Thực tế là bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng, trước mặt có thể chẳng ngớt lời tung hô, sau lưng thì kể xấu kể điêu, thêm mắm dặm muối đủ điều. Sống thế mệt lắm, mới chỉ nghĩ đến thôi mình đã thấy mệt rồi. Đây cũng là một trong những lý do khiến mình càng khó gắn kết với gia đình của mình ở quê.
Nhiều lần mình tự hỏi, mình không yêu quê mình thì có xấu không. Mình không gắn kết với gia đình thì mình có tốt không. Mình không biết những làng quê khác thế nào, nhưng nơi mình sinh ra và lớn lên, cả tuổi thơ ở đó, nhưng mình không thấy yêu…Là do mình tệ, hay quê mình tệ, hay cả xã hội thông thôn Việt Nam thời này đều như thế, chỉ là đó không phải nơi dành cho mình.
Nhưng có lẽ mọi thứ đều không phải là vấn đề nếu bạn có một người bố không đóng vai "toxic father" trong cuộc đời con cái của họ.
Nhân danh tình thương.....
“Văn hóa Việt Nam đề cao đạo hiếu đối với cha mẹ, nhưng trong một vài trường hợp, lạm dụng đạo hiếu lại dung dưỡng cho những hành vi độc hại của bậc phụ huynh. Con cái bị xem là vật sở hữu của cha mẹ, bị áp đặt phải nghe theo ý nguyện của cha mẹ. Việc phản ứng lại những hành vi vô lý của cha mẹ hay chọn rời xa những người thân độc hại để có cuộc sống riêng cho mình có thể bị xem là bất hiếu. Mô hình gia đình độc hại là một mô hình có hệ thống và có tính di truyền. Hệ thống gia đình thiết lập nên toàn bộ thế giới quan của đứa trẻ. Vết thương thể xác sẽ lành nhưng vết thương tâm lý sẽ luôn âm ỉ và dai dẳng.”
Chúng ta không thể phán xét cách giáo dục con cái nào là tốt hay dở, nhưng có những bậc cha mẹ đã, đang, sẽ làm hỏng hoàn toàn cuộc sống của con mình bởi những điều này:
1. Đề cao ý nguyện của bản thân, không quan tâm đến cảm xúc hay quan điểm của con: Bố mẹ độc hại không thích việc tự phản chiếu, vì vậy họ hiếm khi nhận lỗi và xin lỗi. Có thể nói vì chỉ số EQ thấp khiến cho họ không nhất quán, không đáng tin về mặt cảm xúc và mù tịt về nhu cầu của con cái mỗi khi họ xem nhu cầu của chính mình mới là trên hết.
2. Thường có cảm xúc quá khích, giận dữ, phản ứng thái quá, thất thường: Tính khí không tốt của người bố trong gia đình không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sự phát triển tính cách của con mà còn dễ phá hủy sự hòa thuận, êm ấm, làm tổn thương tình cảm vợ chồng, cha mẹ và con cái. Một người bố nóng tính cũng sẽ phá hủy cảm giác an toàn và sự tự tin của con, đồng thời "lây nhiễm" tính khí xấu cho con.
3. Hà khắc với con cái, đánh đập, chỉ trích, bắt lỗi, ít /không khen ngợi con: Các ông bố thường cho rằng bản thân phải có uy quyền, quát mắng thì con mới "nên người". Chính vì vậy, họ không ngại sử dụng bạo lực, đòn roi, chì chiết con. Tuy nhiên, họ cần hiểu khi trẻ sợ hãi, bộ não của chúng sẽ mặc định chuyển sang chế độ chiến đấu hoặc bỏ chạy và các trung tâm học tập trong não của chúng sẽ ngừng hoạt động. Những trận quát mắng, đòn roi để lại rất nhiều hậu quả: Con sợ hãi, tự ti, cho rằng bản thân vô dụng. Trẻ em gặp khó khăn trong việc học cách điều chỉnh cảm xúc của mình nếu cha mẹ không chỉ cho chúng cách cân bằng. Những bậc cha mẹ có xu hướng la hét mỗi khi buồn bã có thể sẽ dạy con mình phản ứng thái quá tương tự khi chúng gặp phải những tình huống khó chịu của riêng mình.
4. Thao túng tinh thần, dùng những lý lẽ tốt đẹp để ngụy biện cho lỗi lầm của mình: Nỗi đau của những đứa trẻ có cha mẹ độc hại nằm ở việc những hành vi độc hại đó của cha mẹ thường được ngụy trang bằng những lý lẽ "cha mẹ đã nói là đúng", "thương cho roi cho vọt"….Không tôn trọng sự riêng tư của con, xâm phạm đời sống cá nhân của con cái, đưa ra những lời khuyên hoặc sự giúp đỡ, mặc cho con cái có cần hay không.
5. Dựa dẫm vào con quá mức, thường xuyên áp đặt lên con cái những vai trò vốn dĩ là của họ
6. Luôn nhắc con về những ân huệ bố mẹ đã trao cho: Họ thường hay phản ứng dữ dội trước những việc không hài lòng, họ luôn cảm thấy con cái của mình không hiểu chuyện. Thường xuyên phàn nàn rằng "Cha mẹ đã làm rất nhiều cho con, nhưng con vẫn không biết ơn cha mẹ”. Có vẻ họ muốn con mình thành công chỉ để thỏa mãn hư vinh của bản thân, để người khác phải ghen tị với họ, con họ thành công thì sẽ mang đến cho họ một cuộc sống thoải mái hơn.
Khi tổn thương nhiều hơn hạnh phúc
Bạn đã nhiều lần cố gắng hàn gắn mối quan hệ với thành viên nào đó trong gia đình nhưng không có kết quả và tổn thương ngày càng nhiều khiến bạn khổ sở, buồn đau; đáng thương hơn khi áp lực đó đến từ chính những người thân yêu.
Những cảm xúc mâu thuẫn, hỗn độn bên trong khiến bạn dùng dằng, khó khăn khi đưa ra quyết định. Bố mẹ sinh ra và nuôi ta khôn lớn, nhưng bạn không thể quên đi những lần mâu thuẫn căng thẳng đến thế nào và tổn thương bạn phải chịu đựng. Sự xung khắc không thể dung hòa theo thời gian có thể làm "đóng băng" mối quan hệ. Dần dần, khi những cuộc trò chuyện đều kết thúc chỉ còn là cãi vã, tức tối, quát mắng, chửi rủa…bạn có thể tự hỏi liệu đã đến lúc nên "hạn chế liên lạc" hay thậm chí là "cắt đứt liên lạc" với họ - những thành viên gia đình độc hại. Tổn thương nhiều hơn hạnh phúc khiến bạn muốn lựa chọn rời xa. Hơn nữa, khi cuộc sống của bạn còn nhiều thứ phải lo toan, căng thẳng vì công việc, sức khỏe, những mối quan hệ…..bạn phải chiến đấu với tất cả để đứng vững.
"Cắt đứt" với gia đình là bất hiếu...
Chúng ta không thể thay đổi cách mình được sinh ra và gia đình của mình, nhưng mình tin chúng ta có quyền lựa chọn và quyền được sống cuộc sống bản thân thấy hạnh phúc nhất.
Nếu bạn không may mắn ở trong hoàn cảnh tương tự với những thành viên gia đình độc hại, điều mình muốn nói trước tiên là hãy bình tâm vì ngoài kia có nhiều người giống bạn, họ cũng có hoàn cảnh, tâm tư và cảm xúc tương tự. Đây là câu chuyện khá phổ biến trong xã hội, trong cuộc sống hàng ngày, nên đừng nghĩ vì bạn thực sự rất tệ. Mong bạn không dằn vặt và chất vấn bản thân quá. Đây cũng là lời mình muốn gửi cho chính bản thân mình.
Mình yêu đời, yêu cuộc sống này lắm, chẳng bao giờ mình dám nghĩ tiêu cực đến việc sẽ tự t* hay gì cho đến khi mình có những mâu thuẫn độc hại với chính những người thân yêu nhất của mình, trong đầu mình đã vài lần thoáng lên suy nghĩ đó (Nhưng mn yên tâm vì mình hèn lắm, nên tất nhiên mình sẽ không làm gì không nên cả ;)) )
Không dễ để hoàn toàn thoát khỏi bầu không khí và những mối quan hệ gia đình độc hại. Không thể kiểm soát các tất cả nhưng ta có thể tạo ra sự hài hòa hơn trong các mối quan hệ của mình, hướng tới việc củng cố và cải thiện các mối quan hệ gia đình. Hãy cởi mớ, trung thực và cảm thông, nhưng cũng đừng ngại đặt ra ranh giới với các thành viên gia đình độc hại đã ngược đãi thể chất và tinh thần của bạn. Bạn không phải chịu đựng sự lạm dụng chỉ vì bạn có quan hệ huyết thống với thành viên đó. Nhà thơ, triết gia nổi tiếng người Đức - Schiller từng nói: "Tình cảm cha con nằm ở trái tim chứ không phải quan hệ ruột thịt".
Các chuyên gia đã đưa ra một số mẹo giúp con cái bảo vệ ranh giới cá nhân của mình và cứu vớt mối quan hệ giữa họ và cha mẹ độc hại:
1. Đầu tiên, cần hiểu rằng:
- Chúng ta không thể thay đổi quá khứ.
- Mối quan hệ giữa cha mẹ độc hại và con cái giống như một căn bệnh mãn tính không thể chữa lành, nhưng hãy cố gắng đừng để phát sinh biến chứng.
2. Con cái cũng có quyền và nhu cầu riêng của mình, không nên cảm thấy xấu hố hay cảm thấy tội lỗi vì làm đúng những gì mình cần phải làm:
- Khi bạn ở trong ngôi nhà riêng của mình, bạn hoàn toàn có thể có những quy tắc riêng của bản thân mình.
- Không tham gia giải quyết các vấn đề của/giữa cha mẹ hoặc những người thân khác nếu điều đó làm bạn cảm thấy không thoải mái
- Bạn có thể hạn chế quyền xâm nhập của cha mẹ vào những khu vực riêng tư.
- Tự mình có những quyết định theo kinh nghiệm của bản thân chứ không xuôi theo cha mẹ bởi vì họ nói rằng "cha mẹ hiểu biết nhiều hơn con".
- Tự quản lý tiền bạc, thời gian và những ước mơ của bạn. Đó là những của cải "bất khả xâm phạm" chỉ cho riêng bạn.
Cha mẹ mắc sai lầm trong quá trình nuôi dạy con cái là bình thường, nhưng trong những gia đình độc hại, hành vi tiêu cực xảy ra trong thời gian dài và tần suất dày, và những vết thương của con không được bù đắp đúng cách, khác với các gia đình lành mạnh.
Mong bạn có mối quan hệ tốt với gia đình, và với chính mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất