Nhật ký học tiếng Trung (P1)
*Seri này lưu lại hành trình chinh phục tiếng Trung của tôi, hoàn toàn là kinh nghiệm của một người tự học, có vấp ngã và sai sót,...
*Seri này lưu lại hành trình chinh phục tiếng Trung của tôi, hoàn toàn là kinh nghiệm của một người tự học, có vấp ngã và sai sót, nhưng cũng thú vị và đi theo tiếng gọi của bản năng =))).
Hôm nay đã là ngày thứ 4 tôi học tiếng Trung. Cảm giác đầu tiên của tôi đó là ngôn ngữ này có nhiều kết nối với bản thân mình hơn mình tưởng. Và thực ra là khi học thì khá là ghiền. Có lẽ không phải chỉ mình tôi cảm thấy mình đang ở trong dòng chảy khi học tiếng Trung. Tôi hóng hớt được ở trên mạng rằng các bạn ấy có thể dành cả ngày để học cũng được, hoàn toàn là thích thú và tự nguyện. Có một cảm giác khác hẳn với học tiếng Anh, đó là tôi thấy xúc động một cách kì lạ khi được giải nghĩa các ký tự và thốt lên "Ủa, quen thế". Hóa ra tuy có cái vỏ là hệ chữ Latin, nhưng cái ruột của tiếng Việt là chữ Hán, là hình ảnh và cách nhìn của văn hóa Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sẽ khôn ngoan khi dùng sợi dây liên kết này để chinh phục tiếng Trung.
Khi ngắm tranh, người ta thường chú ý đầu tiên đến điểm nổi bật, hoặc cảm giác thân thuộc từ một chi tiết nhỏ nào đó. Đối với tôi học một ngôn ngữ cũng như ngắm một bức tranh vậy. Tôi muốn có một cái nhìn tổng thể, và lựa chọn ra điểm thú vị nhất để bắt đầu. Khi tôi tham khảo các video có nhiều lượt xem trên youtube, họ chủ yếu trình bày cách học từ vựng, phát âm, các bài nghe theo một giáo trình nào đó, hoặc chia sẻ kinh nghiệm học chung chung không khác là bao với học tiếng Anh. Tôi nghĩ rằng những video này đã bỏ qua một khía cạnh, có thể nói là một ưu thế lớn của riêng người Việt học tiếng Trung, đó là các từ Hán Việt. Với đặc tính là từ mượn, những từ này mang trọn ý nghĩa của tiếng Trung và được phát âm theo kiểu người Việt, mà thực ra cũng giông giống nhau đáng kể. "Aha", tôi thầm kêu lên trong đầu, quả này thì tôi biết nên học như thế nào cho dễ vào rồi.
Thế là tôi mày mò video liên quan đến chữ Nho, chữ Nôm. Trong đó chủ yếu dựa trên sự giải nghĩa các bộ thủ theo nội dung cuốn Chữ Nho tự học - Đào Mộng Nam. Tới đây thì tôi bắt đầu hình dung ra được là chữ Hán được cấu tạo từ những bộ thủ, và viết chữ Hán phải theo thứ tự các nét của bộ thủ này, nếu không sẽ thành "vẽ chữ". Thay vì nhìn chúng giống như đám gium loe ngoe trêu ngươi "Đố em hiểu được anh!" như trước, tôi đã được khai sáng rằng "Hiểu anh cũng được, nhưng phải có chiêu!". Tôi thì chưa tán trai bao giờ, nhưng cái thế bây giờ thì phải chủ động thôi =))
Vậy là rút ra được yếu tố quan trọng đầu tiên, đó là phải học thuộc bộ thủ.
Nhưng bây giờ học thế nào nhỉ, trên mạng nói là có tổng cộng có tới 214 bộ để học. Tôi đắc ý, "214 cũng không phải số nhiều!". Nhưng sớm thôi, trở ngại đầu tiên của tôi đó là học xong thì quên và không nhận diện được những nét này nằm trong chữ . Một phần vì các font chữ hiển thị khác nhau khiến các nét này ít nhiều bị xê dịch, một phần vì chưa quen nhìn. Vậy thì cách học chay một lèo 214 bộ là không ổn rồi. Hơn nữa, 214 bộ là quá nhiều. Tôi nghe ngóng được rằng chỉ cần học 50 bộ là cũng đã hiểu được kha khá từ. Với trình độ newbie hiện tại, thì tôi gia giảm xuống còn 20 bộ có lẽ ổn. Nghĩ vậy, tôi lên mạng tải bộ thẻ Anki bộ thủ chữ Hán mà ai đó làm hết sức có tâm. Trong đó không chỉ có những nội dung như: Hán tự, Pinyin, phiên âm Hán Việt, ví dụ mà còn có cả giải nghĩa và hình ảnh minh họa như trong cuốn sách của Đào Mộng Nam. Hết sức tuyệt vời, công sức làm ra bộ này chắc hẳn thuộc về một người vô cùng chỉnh chu và yêu thích tiếng Trung. Tôi sử dụng bộ thẻ này với 2 mục đích:
- Học thuộc
- Tra cứu bộ thủ mỗi lần gặp bộ thủ mới, hoặc cũ mà tôi tưởng là mới =))) (Đa số tôi dùng cho mục đích này, vì như tôi đã nói, học chay bộ thủ khá nhàm chán)
Như vậy với dự đoán của mình, cách học này sẽ khiến tôi dần dần quen với mặt chữ và không ngại khi nhìn thẳng vào chúng thay vì chỉ nhìn Pinyin nữa. Vì nó kích thích tôi rằng: "Ê nhìn anh đi và đoán xem anh là ai". Đôi khi cũng nhầm anh này với anh nọ, nhưng mới yêu mà, cũng phải làm quen từ từ thôi.
Trên youtube có một kênh dạy tiếng Trung mà tôi rất thích, tôi thích vì người dạy thể hiện được sự yêu thích tiếng Trung và luôn tìm cách dạy dễ hiểu, gần gũi nhất có thể. Từ phân tích lời bài hát, thoại phim, truyện tranh, đọc báo, dạy phát âm cho tới từ vựng HSK... Ty tỷ thứ được Lê Gia Huynh Đệ trình bày rất hấp dẫn. Tôi nghĩ để duy trì việc học, thì nguồn tài liệu phải đủ thú vị khiến mình không dứt được.
Tới đây thì tôi bắt đầu đặt mục tiêu cho giai đoạn này của mình là: Biết đọc càng sớm càng tốt.
Nói chung tôi vẫn còn đang lọng cọng giữa việc nhìn mặt chữ và nhớ phát âm của từ. Với số lượng từ vựng ít ỏi, tôi mới chỉ có thể nhìn mặt chữ - nhớ nghĩa tiếng Việt nhưng quên cách đọc pinyin hoặc nhớ cách đọc pinyin- nghĩa tiếng Việt nhưng không nhớ mặt chữ.
Lúc này tôi thấy mình vẫn chưa nhạy cảm với các bộ thủ. Tôi nghĩ mình cần tạo ra một cách học từ vựng riêng, chủ động hơn, như vậy sẽ khiến não phải hoạt động nhiều hơn, kích thích hơn là học theo bài học có sẵn hoặc list từ có sẵn. Tôi nảy ra ý định học theo kiểu dựa trên từ Hán Việt. Nó cũng giống như một trò chơi để tập luyện hơn là học. Đó là tôi lựa chọn những từ Hán Việt và tìm ngược lại tiếng Trung là gì. Ví dụ như:
Với từ "cảm động":
- cảm: cảm xúc, cảm giác, dũng cảm, nhạy cảm, cảm kích
- động: chuyển động, xúc động, di động, hoạt động, vận động, phát động, động vật, khởi động
Cái tôi muốn tìm là chữ "cảm" và "chữ "động" có thể ghép được với những từ nào. Từ đó phân tích các bộ thủ chứa trong đó. Ngoài ra, tôi cũng muốn biết những từ này có thường được sử dụng rộng rãi hay không, và cách người ta phát âm như thế nào trong thực tế. Vì vậy tôi copy những từ này vào trang youglish.com. Trang web này tìm kiếm những từ ngữ trong nhiều video khác nhau trên Youtube, và hiển thị cả tần suất xuất hiện trên các video. Ví dụ với danh sách các từ như trên, thì không tìm thấy từ 感戴 (cảm kích), 肝胆 (dũng cảm) hoặc những từ xuất hiện nhiều là 活动 (di động), 自动 (tự động), 动员 (động viên), 行动 (hành động), 动物 (động vật), 启动 (khởi động). Như vậy tôi cũng lọc ra được những từ thông dụng theo cách riêng của mình. Ngoài ra, cách này còn giúp luyện tai nhạy hơn là chỉ nghe phát âm từ từ điển.
Ghi nhớ và ghi chép
Theo tôi 2 thứ tạo nên sự ổn định cho việc học ngoại ngữ, nghĩa là hạn chế bớt sự phụ thuộc vào cảm hứng, hay bị áp lực từ thành quả của người khác, đó là phải tạo dựng được hệ thống ghi nhớ và hệ thống ghi chép hiệu quả. Hiệu quả ở đây nghĩa là dễ dàng tra cứu lại những thứ tôi nhớ "mang máng" theo cách của riêng mình, đã được qua bộ lọc của tôi 1 (vài) lần.
a, Về ghi nhớ
Tính cách quan trọng nhất của mình mà tôi luôn lợi dụng nó khi học bất cứ điều gì, đó là sự tò mò. Tôi tò mò từ này được dùng trong những ngữ cảnh nào? Người nói đang ở trên sân khấu, hay ngoài đường, hay trong quán ăn? Ngữ điệu của họ ra sao? Họ có phát âm giống nhau không? Có nói nuốt chữ không? Tất cả những điều này giúp tôi nhận ra rằng, mỗi người sẽ có một phong cách nói riêng. Và mình không thể nói chuẩn như người bản địa, nhưng cũng không cần lo lắng về điều đó, vì miễn là không có sự sai khác quá lớn thì người khác có thể hiểu được.
Vậy điều đó giúp gì cho việc ghi nhớ?
Đó là tôi không lựa chọn việc học theo list nhiều lần, mà chỉ ghi chép, sau đó khi đọc hay xem những video, tôi sẽ lưu ý chúng. Lúc này tôi sẽ thấy "Từ này quen quen, check phát xem đã học chưa nhỉ". Nếu đã học rồi thì tôi sẽ đọc lại các ghi chép của mình và củng cố thêm lần nữa. Nếu chưa tôi sẽ bổ sung vào, tra cứu nghĩa, phiên âm và tạo câu chuyện về từ ấy.
Một đặc điểm của chữ tượng hình đó là có thể kể chuyện bằng hình ảnh. Bằng trí tưởng tượng của mình, bạn sáng tác những câu chuyện riêng và dễ dàng để ghi nhớ chúng hơn. Câu chuyện có bựa, đôi khi hơi tục nhưng đừng lo lắng, nó sẽ chỉ nằm ở trong đầu của bạn mà thôi =))). Có một số ý kiến cho rằng, tạo ra hay nhớ 1 câu chuyện thì còn lâu hơn học chữ. Điều đó có thể đúng với những từ đơn giản, hoặc khi bạn đã học đủ lâu để không phải đánh vật với từng từ. Nhưng với một người mới bắt đầu, thì đây là cách hiệu quả để không sợ hãi khi học từ vựng. Chúng ta không nên coi nhẹ trí tưởng tượng, nó có thể không dẫn ta đến đâu, nhưng cũng có thể dẫn ta tới một con đường tốt hơn tất cả những gì đã biết.
b, Ghi chép
Tôi lựa chọn ghi chép bằng google sheet. Lý do tôi không dùng tập vở như bình thường là vì để viết được chữ Hán cần tốn thời gian luyện tập, và sẽ làm giảm đi tốc độ học từ mới của mình. Giai đoạn này mục tiêu của tôi vẫn là nhớ mặt chữ, chứ không nhớ cách viết, và bộ gõ tiếng Trung hỗ trợ điều này rất tốt. Việc dùng google sheet với nhiều sheet sẽ thuận tiện để quản lý và tìm kiếm khi cần.
Tôi là một newbie và lựa chọn việc tự học. Vì vậy mà tôi vẫn đang thử nghiệm nhiều cách khác nhau, những gì tôi đúc rút ở trên đều dựa vào 2 thứ: 1, Quan sát điểm mạnh của mình và tìm cách áp dụng nó vào việc học; 2, Coi cách học truyền thống là sự tham khảo, để cho bản thân một không gian vẫy vũng và từ đó tự rút ra quy luật thay vì áp dụng công thức sẵn có.
Hi vọng với thử thách chinh phục tiếng Trung này, tôi sẽ có thêm nhiều câu chuyện để kể, không chỉ về việc đạt mục tiêu giao tiếp được, mà còn hiểu hơn về con người mình.
Các tài liệu tôi đề cập trong bài:
Improve your Mandarin/Chinese pronunciation using YouTube (youglish.com)
-
Giáo dục
/giao-duc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất