Nhân vật chính phản diện trong "Đội Lốt Da Vàng)" (Yellowface)
Người ta luôn miêu tả sự ganh ghét như một thứ độc địa, xanh lè, sắc lẹm. Là sự ác tâm, chua cay, vô căn cứ. Còn tôi nghĩ sự ganh ghét, đối với các nhà văn, dường như giống nỗi sợ hơn tất thảy.
Một trong những câu hỏi khiến các nhà văn đau đầu nhất trong quá trình sáng tác chính là: Liệu nhân vật chính của truyện có dễ gây thiện cảm hay không?

Hiển nhiên, nhân vật chính phải là người mà độc giả muốn dành thời gian để theo dõi, để đồng hành cùng họ qua câu chuyện dài hơn 300 trang, người mà độc giả có thể dành sự quan tâm và muốn thấy họ có một kết thúc có hậu. Nhưng cũng có nhiều tác phẩm với những nhân vật chính không hề gây được thiện cảm, thậm chí còn vô cùng phản cảm, như Humbert Humbert, hay Amy Dunne. Và Juniper Hayward chắc chắn là một nhân vật chính đáng ghét nhất trong số những nhân vật chính đáng ghét.
Juniper là một người đầy sân si, hay hiềm tị, luôn ganh ghét với sự thành công của bạn. Khi bạn chết thì ăn trộm tác phẩm của bạn rồi tự nhận là của mình. Hả hê khi thấy người khác chê bai tác phẩm của bạn. Đôi co tranh cãi với những dị nghị và những gièm pha trên mạng. Suốt tác phẩm, Juniper không ngừng đưa ra những hành động nhỏ mọn đáng ghét hòng lấp liếm sự giả dối của mình, khiến độc giả khó lòng thông cảm với cô.

Tác giả R. F. Kuang
Xây dựng nhân vật chính phản diện là một canh bạc. Làm khéo thì đó sẽ là điểm nhấn thú vị của tác phẩm, làm không khéo thì độc giả sẽ ném sách vào sọt rác chỉ sau vài chục trang. Và trong Đội Lốt Da Vàng, R. F. Kuang đã làm rất khéo. Dù Juniper đáng ghét, nhưng những hành động của cô, và những tình tiết li kỳ của truyện, khiến người đọc không ngừng dõi theo để có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Thường thì, với một nhân vật bất khả tín, người đọc sẽ phải chú tâm để tìm thấy sự thật đằng sau những tình tiết mơ hồ, mâu thuẫn và rối rắm. Nhưng R. F. Kuang đã sử dụng một lối tiếp cận khác: thay vì che giấu sự thật, cô lại phô bày nó, đặt nó lên kệ, và rọi đèn pha vào nó, nhờ đấy mà người đọc có thể chú tâm vào những khía cạnh khác của tác phẩm: những tình tiết bất ngờ, những câu hỏi nhức nhối về vấn đề sắc tộc, sự chiếm dụng văn hoá, những đặc quyền của người da trắng, về sự “tẩy trắng” và “giả vàng” trong văn hoá.
Dĩ nhiên, Đội Lốt Da Vàng không phải là một tác phẩm hoàn hảo, thậm chí, những người ghét tác phẩm này nhiều không kém những người thích nó. Nhưng không thể thừa nhận rằng nó đã đặt ra một câu hỏi rất thú vị: ai là người có quyền khai thác những khía cạnh văn hoá của một chủng tộc?

Cậu ta có đôi mắt của loài chim ác là chuyên săn đuổi khổ đau. Kỹ năng ấy đã tạo nên tất cả những tác phẩm được đánh giá rất cao của Athena. Cậu ta có thể nhìn xuyên qua lớp bụi bẩn và bùn quánh của thông tin lẫn chi tiết để lôi lên những phần của câu chuyện có khả năng làm rỉ máu. Cậu ta thu thập những lời kể như thu thập vỏ sò, đánh bóng chúng, rồi phô bày chúng, sáng loáng và sắc nhọn, để người đọc phải cảm thấy kinh hoàng và mê mẩn.

Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Nhật Lam
Bài viết hay
- Báo cáo