"Sắc đẹp tuỳ thuộc vào đôi mắt của người nhìn" (beauty is in the eyes of the beholder).
Câu nói đó cho thấy quan niệm về cái đẹp và sự đánh giá sắc đẹp phức tạp đến chừng nào. Có thể một số người nhìn nhận về một người, vật nào đó là không đẹp, nhưng một số khác lại thấy người đó, vật đó đẹp. Thế nhưng, sắc đẹp lại là mục đích tối thượng của phẫu thuật thẩm mỹ.
Printerest
Printerest
Chúng ta đã biết, cái đẹp thuộc phạm trù Mỹ học (Aesthetic, Esthétique) và là đối tượng của mỹ học, một ngành khoa học nghiên cứu về cái đẹp, sự phản ánh và sáng tạo cái đẹp. Cái đẹp là vẻ đẹp của sự cân đối hài hoà của mọi sự vật trong thế giới, nó mang lại cho chúng ta những xúc cảm thẩm mỹ, sự thích thú khi nhìn ngắm và chiêm nghiệm về mọi thứ. Như vậy cái đẹp không chỉ bao gồm vẻ đẹp hình thức mà còn là vẻ đẹp thẩm mỹ trong đời sống tinh thần, tâm linh ví như là vẻ đẹp trong hành vi, phong tục tập quán của các nền văn hoá, là vẻ đẹp trong các lĩnh vực thuộc thượng tầng kiến trúc của xã hội như trong văn chương nghệ thuật,...
Cái đẹp là một khái niệm rộng lớn, nó rộng lớn như là toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của con người. Hơn thế nữa, nó tồn tại khách quan trong cái mênh mông vô biên của vũ trụ, tồn tại trong chiều dài vô tận của thời gian.
Trong đời sống hàng ngày, cái đẹp tồn tại ở mọi nơi, cùng với mặt đối lập khác của sự vật, như là những mặt cắt khác nhau của một khối kim cương.
Cái đẹp vừa là mục đích, vừa là cứu cánh của con người trong suốt chiều dài lịch sử. Con người đã tự nâng mình lên, làm phong phú đời sống tinh thần bằng cách sáng tạo ra những phương tiện nghệ thuật với đố tượng chính là cái đẹp, lấy cảm hứng từ cái đẹp, ngợi ca cái đẹp của thế giới, của đời sống và của chính con người.
Trong sự rộng lớn của phạm trù cái đẹp, người ta đã tự giới hạn việc bàn luận trong phạm vi sắc đẹp, cụ thể là nhan sắc của con người, là vẻ đẹp nhìn thấy được, vẻ đẹp ngoại hình,... Phạm vi sắc đẹp này chính là đối tượng, mục tiêu của phẫu thuật thẩm mỹ.
Khái niệm về cái đẹp nói chung và sắc đẹp nói riêng hết sức đa dạng và không phải là bất biến mà luôn luôn thay đổi. Nhận thức của mỗi người về cái đẹp nói chung cũng như sắc đẹp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Nòi giống, địa lý, văn hoá, môi trường, xã hội, tuổi tác, học vấn, bẩm sinh,...
Chính vì vậy, quan niệm sắc đẹp của mỗi vùng đất, mỗi dân tộc khác nhau. Từ đó, dẫn đến dự khác nhau về trang phục, đồ trang sức, trang điểm,...
Những đồ trang sức lỉnh kỉnh trên cổ, trên vai, môi, lưỡi của những người đẹp thổ dân Châu Phi chưa chắc sẽ được các cô gái ở các lãnh thổ khác yêu thích và thấy đẹp. Vóc dáng, dung nhan của những cô gái được coi là biểu tượng tình dục (sex symbol) với những bộ ngực "vĩ đại" hớp hồn cánh đàn ông phương Tây cũng chưa chắc đã có ép-phê (effet) với các đấng mày râu của châu Á. Ngay cả những ngôi sao Hollywood, thậm chí từng được giới truyền thông Mỹ ví von là người đẹp nhất thế giới ở các thời kì khác nhau, cũng chỉ là vẻ đẹp được nhìn nhận theo sở thích Mỹ, văn hoá Mỹ mà thôi.
Tất nhiên trong thực tế mọi chuyện vẫn bị chi phối bởi một quy luật lịch sử: những nền văn hóa lớn hơn luôn có sức mạnh chi phối, thậm chí áp đặt những quan niệm, những tiêu chuẩn của mình lên những nền văn hóa khác. Tuy nhiên “dĩ hòa vi quí” là một khả năng đáng quý của con người trong suốt quá trình tồn tại, phát triển. Sự lấn lướt bề trên ấy nếu ở những mức độ chấp nhận được thì không đưa đến sự phản kháng mà là dung hòa thậm chí được tiếp nhận trên tinh thần xây dựng một thế giới đa dạng về văn hóa. Chẳng hạn việc người Mỹ cứ tự nhiên tung hô những mẫu cô đào Hollywood của họ là những người đẹp nhất thế giới mà cũng chẳng có ai phản đối chính là biểu hiện tinh thần “dĩ hòa vi quí” của các cộng đồng văn hóa khác, như đã nói ở trên.
Sắc đẹp không chỉ phụ thuộc vào không gian địa lý và môi trường văn hóa truyền thống mà còn thay đổi theo thời gian, theo đặc điểm lịch sử của từng thời đại. Ngay ở đất nước chúng ta, vẻ đẹp của người phụ nữ những năm đầu thế kỷ có lẽ không phải là hình mẫu cho các người đẹp bây giờ noi theo. Với những người yêu thích thời trang, chạy theo “mode” thì mọi sự lại còn xoay như chong chóng, thay đổi theo từng năm, từng mùa, từng tháng...
Printerest
Printerest
Khi sáng tạo ra vẻ đẹp của con người, tạo hóa kỳ diệu ở chỗ, đã làm cho tất cả con người được sinh ra trên thế gian này không bao giờ có hai cá thể người hoàn toàn giống nhau, kể cả những người sinh đôi, sinh ba… Họ bao giờ cũng có sự khác nhau, cũng có một cái gì đó để phân biệt người này với người khác. Tuy thế giữa những nhóm người lại có những đặc điểm chung nào đó cho phép người ta nhận ra được những người cùng cha mẹ, cùng gia đình, cùng dòng họ, cùng dân tộc, cùng lãnh thổ, cùng nề văn hóa, cùng những điều kiện xã hội và cùng thời đại với nhau v.v… Đó là phép nhiệm màu của tự nhiên, làm cho xã hội loài người trở nên phong phú đa dạng, đáng yêu và đáng sống biết bao nhiêu. Sự đa dạng đó tạo ra nhiều điều kỳ diệu của lịch sử và xã hội loài người nhưng cũng gây ra những phức tạp khó khăn khi muốn tìm tiếng nói chung cho nhân loại về một vấn đề nào đó.
Thế thì liệu có thể có một khái niệm nào, tiêu chí nào về cái đẹp, về sắc đẹp, mà các cộng đồng dân tộc khác nhau trên thế giới có thể hiểu chung, có thể chia sẻ và đồng cảm với nhau hay không?
Chắc chắn là có thể được, dù chỉ là ở mức độ tương đối,do sự nhường nhịn mang tính cộng sinh, tính “dĩ hòa vi quí” của con người trên thế gian như ta đã nói ở trên. Chính nhờ vậy mà trên thế giới hàng năm đã diễn ra rất nhiều những cuộc thi sắc đẹp, để nhân loại có thể tìm ra mẫu số chung của sắc đẹp, nhằm tôn vinh sắc đẹp của con người.
Khi mạng xã hội ngày một phổ biến, dường như việc dè bỉu, buông lời khiếm nhã về nhan sắc phụ nữ đã trở thành một thói xấu khó bỏ của rất nhiều người.
Có lẽ đây là một trong nhiều lý do dẫn đến hình thành một môi trường, đã tạo cơ hội cho những bình phẩm gồm cả tích cực lẫn tiêu cực đối với phụ nữ.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể dễ dàng gặp những người đàn ông trong buổi “trà dư tửu hậu” lấy thân thể, ngoại hình những người phụ nữ ra để bình phẩm, chế giễu. Trên mạng xã hội, cũng không khó để bắt gặp những bài viết, những dòng bình luận về ngoại hình một người phụ nữ nào đó với những lời lẽ không mấy văn hoá.
Cách đây vài năm, một doanh nhân nữ đã bị chê bai ngoại hình và châm biếm tình yêu với một người đàn ông trẻ hơn. Và rồi hàng loạt bình luận của cộng đồng mạng tát nước theo mưa, thậm chí có không ít bình luận cợt nhả rằng người đàn ông kia yêu nữ doanh nhân vì tiền,... Nhiều người mô tả về một người phụ nữ khác là “máy bay bà già” may vớ được phi công trẻ.
Giờ đây, với sự phát triển của internet, mạng xã hội đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho cái xấu, khi sơ hở của người khác trở thành “miếng mồi” ngon để lên án, chỉ trích, bình phẩm. Không ít người hàng ngày có thói quen thích đùa cợt, chê bai ác ý trên mạng xã hội. Họ không quan tâm tới hậu quả của những lời bình phẩm cay nghiệt.
Có lẽ chưa bao giờ vấn đề sắc đẹp trở thành nỗi lo thường trực với chị em phụ nữ như hiện nay. Nếu thời bao cấp, chỉ lo cái ăn đã là khó thì giờ đây chị em lo cho dáng chuẩn ba vòng, da căng láng mịn, mũi cao thanh tú, mắt to sáng long lanh… Và đây cũng là thời dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ ăn nên làm ra, phát đạt.
Thế nhưng thời gian qua có nhiều nạn nhân bị chết oan uổng vì giải phẫu thẩm mỹ đã làm cho nhiều người giật mình, nhất là vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường của nhiều năm trước trở thành chấn động ngành làm đẹp một thời. Dư luận xôn xao, người người phẫn nộ, khiến cho không ít chị em đang có nhu cầu chỉnh sửa, trùng tu nhan sắc cũng chùng bước, lo lắng.
Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến vấn đề cái đẹp của thời xưa và quan niệm cái đẹp thời nay, liệu rằng có cần phải giải phẫu thẩm mỹ để nhận những cái chết oan uổng hay những khuôn mặt biến dạng như vậy không?
Nhu cầu làm đẹp và sửa sắc đẹp đang ngày càng tăng ở nhiều quốc gia. Tại Hàn Quốc người ta còn nói rằng, mỗi bé gái sau khi thi đỗ đại học phần thưởng bố mẹ dành cho là cắt mắt một mí thành hai mí. Còn giới nghệ sĩ nước này được dư luận cho rằng, đến 90% từng trải qua giải phẫu thẩm mỹ, mà nhiều nhất là cắt mí mắt, nâng mũi, gọt cằm… Nên giờ đây khi xem phim Hàn, chúng ta đều thấy những diễn viên có khuôn mặt hao hao giống nhau. Có thể không chung cha mẹ nhưng lại có chung một khuôn mặt.
Còn những cường quốc sắc đẹp và có truyền thống đạt giải cao tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế như Venezuela thì giải phẫu thẩm mỹ trở thành câu chuyện rất ư bình thường. Hay châu Phi, trong một năm trở lại đây có phong trào tắm trắng cho giống người da trắng. Nó đang trở thành một phong trào và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thật đáng ngại khi họ từ chối chính màu da chủng tộc của mình. Trong khi đen vẫn đẹp theo cách của đen mà, đúng không?
Quan niệm về cái đẹp thì mỗi thời mỗi khác, mỗi nền văn hóa cũng có cách nhìn và đánh giá về cái đẹp khác nhau. Phương Đông nói chung, từ ngàn xưa đã quan niệm, đánh giá vẻ đẹp của một mỹ nữ phải xét trên 4 yếu tố: Hình – sắc – thần – khí. Hình và sắc là cái đẹp dễ nhìn thấy, thần và khí là cái đẹp tiềm ẩn. Khoa Tướng mệnh học Đông phương luận về 4 yếu tố này như sau: hình mà tệ, tất làm việc gì cũng hỏng. Sắc mà tệ thì mặt mày như có tro bụi. Thần mà tệ, tất tâm địa u mê. Khí mà tệ thì tiếng nói mệt nhọc. Cả hình, sắc, thần, khí không trệ thì trăm việc mưu sự đều hanh thông.
Tất cả các bộ phận trên cơ thể con người đều biểu hiện Hình – sắc – thần – khí. Có bộ phận biểu hiện rõ một, hai yếu tố; có bộ phận thể hiện rõ cả ba, bốn yếu tố. Một người đàn bà như thế, về sắc đẹp còn gì để mà chê? Nhưng thử hỏi, một phụ nữ có tấm thân và gương mặt hoàn hảo mà nói giọng ồm ồm như giọng đàn ông hoặc chát chúa thì có coi người ấy là mỹ nhân được không? Cổ nhân dạy: Lời nói là âm thanh của con tim, âm thanh là ngoại biểu của lá phổi, ngôn ngữ là cửa ngõ của họa phúc. Bàn kỹ thế cho vui chứ trong thực tế tìm được một người đàn bà hoàn hảo thì rất hi hữu.
Xét về đại thể thì số đông yêu cái đẹp theo khuôn mẫu ấy. Nhưng cũng vô khối đàn ông mang khiếu thẩm mỹ khá lạ. Họ cũng yêu những phụ nữ có nhan sắc dị kỳ.
Trong các tiểu thuyết xưa, khối chàng công tử thư sinh con nhà nề nếp gia phong lại chết mê chết mệt vì những nữ nhân nghịch tặc, ma quái, kỳ dị, lúc ẩn lúc hiện. Đấy là trong truyện. Còn trong đời thực, cũng có những đấng mày râu mỗi khi có cảm giác nhàm chán, tình vợ chồng cạn kiệt cũng tìm đọc những tiểu thuyêt xưa để được thả hồn theo những bóng hồng ma quái kinh dị trong đó.
Nói về cái đẹp, Bạch Cư Dị viết tặng mỹ nhân Dương Quý Phi, mở đầu có các câu:
Trong thiên hạ không có chính thanh
Hễ êm tai cho là vui
Trong thiên hạ không có chính sắc
Hễ vừa mắt cho là đẹp…
Đúng vậy, chỉ cần vừa tai vừa mắt là được rồi. Chạy đi đâu xa để tìm mua cái đẹp xa xỉ, đau đớn làm gì?
Lại nói, trong Mỹ học thì có câu: “Cái đẹp không ở trên đôi má hồng của người phụ nữ mà ở trong mắt kẻ si tình”. Do đó, mỗi đấng mày râu si tình mỗi kiểu khác nhau. Có người thích phụ nữ mảnh mai, dáng như tơ liễu, cũng có chàng thích những nàng cá tính, bản lĩnh, mạnh mẽ, nhưng cũng có chàng thích những cô nàng mập mạp, dễ thương.
Thời đại ngày càng văn minh thì nhu cầu làm đẹp càng lớn nhưng nếu chỉ lo cái sắc bên ngoài mà quên tu bổ khối óc, nhân cách thì liệu rằng nhan sắc ấy có bền vững qua thời gian.
Mong rằng, các chị em phụ nữ hãy tỉnh táo, sáng suốt trước khi quyết định dùng đến dao kéo để chỉnh trang khuôn mặt và cơ thể. Không nên lạm dụng giải phẫu thẩm mỹ vì làm không khéo thì dễ để lại di chứng lâu dài. Trên thực tế nhiều người có dung nhan xấu hơn nhiều trước khi giải phẫu, nhưng có hối hận cũng đã muộn màng.
Có một câu bông đùa nhưng ở khía cạnh nào đó, có lẽ rất đúng: 
" Có thể bạn chưa phải là mỹ nhân ở Quốc gia bạn, nhưng ở nơi nào đó trên thế giới, bạn chính là biểu tượng nhan sắc."
Đừng cố ăn thua nhau để chạy đua với quan niệm vẻ đẹp tạc tượng nhan nhản ngoài kia, liều cả mạng sống để làm đẹp. Cái chính vẫn là cốt cách bên trong. Cái đẹp trường tồn là vẻ đẹp tự nhiên toát ra từ khí chất.
" Có thể bạn chưa phải là mỹ nhân ở Quốc gia bạn, nhưng ở nơi nào đó trên thế giới, bạn chính là biểu tượng nhan sắc."