Một trong những thể hiện phổ biến nhất khi nói về đặc trưng tính cách dân tộc Việt Nam, đó là có xu hướng "không vui khi chứng kiến thành công của người khác". Trước giờ rất ít người dám thừa nhận điều này, đơn giản bởi đây là suy nghĩ không cần nói ra cũng thấy tồi. 
Dẫu vậy, sự thật vẫn luôn tồn tại. Và đó là lý do vì sao chúng ta thường cảm thấy Hả Hê, Thoả Mãn khi chứng kiến thất bại hay vấp ngã của một ai đó. Ngoài mặt chúc mừng, nhưng trong tâm chỉ mong tìm ra lý do nào đó để hạ thấp thành công của đối phương. Đó chính là thói quen dìm hàng, "hạ thấp vinh quang" khi phản ứng với những thành công đến từ những người xung quanh mình. 
Ví dụ: 
"Con đó/thằng đó không có ông bà già nó thì còn lâu mới leo lên được vị trí đó."
"Ông này lắm tiền thế, khả năng buôn bán phi pháp hay tham nhũng mà ra chứ tao lạ gì?"
"Thằng kia đẹp trai, nhà giàu, nhưng nghe bảo bị ysl mày ạ. Đúng là đời, được cái này thì mất cái kia."
"Bọn nó chỉ làm màu thế thôi. Ra vẻ gia đình hạnh phúc, chứ sau lưng chúng nó chửi nhau như ngoé. Ông ăn chả, bà ăn nem, nát lắm mày ơi!"
...
Nguồn Gốc Của Sự Đố Kỵ
Để lý giải điều này, trươc tiên cần phải hiểu, xã hội chúng ta chỉ bắt đầu phát triển cách đây vài thập niên. Kề từ đó đến nay, mặc cho đất nước vẫn đang ngày càng hiện đại hóa, tư duy con người dường như vẫn chưa thể tiến hóa theo kịp nhịp sống hiện đại. Thay vì học tập và thực hiện nếp sống văn minh, đa số chúng ta vẫn chưa từ bỏ các lề lối cũ, bao gồm thói quen soi mói, đố kỵ, thích ăn thua theo kiểu văn hóa làng xã ngày xưa. 
Thời ông bà mình, gia cảnh đại bộ phận dân chúng có thể nói (nghèo) như nhau, thói quen đố kỵ nhìn chung không có đất dung dưỡng. Sau này kinh tế mở cửa, tầng lớp giàu nghèo bắt đầu phân hoá rõ rệt, cũng là lúc con người trải nghiệm một loạt những thay đổi lớn lao trong cuộc đời. Để từ đó, một trong những lý giải về sự khó chấp nhận/cay cú của người Việt khi chứng kiến sự vươn lên của một ai đó (Đặc biệt những người có mối quan hệ trực tiếp với bản thân như bạn bè, gia đình, làng xóm...) là bởi cách đó không lâu, tôi và anh vẫn đang đứng chung một xuất phát điểm. 
Xóm tôi ngày bé, mỗi lần có nhà nào xây nhà là chắc chắn sẽ có đánh chửi nhau. Ngày thường anh em láng giềng thân thiết là thế, tới lúc xây nhà y như rằng coi nhau còn hơn kẻ thù. Lý do thì vô vàn, từ ầm ĩ, bụi bặm, thậm chí "Ông xây thế này che hết nắng nhà tôi". Nhưng quan trọng nhất, một lý do ai cũng ngầm hiểu: Tất cả đang nhà cấp bốn, bỗng một ngày nhà ông lên tận mấy tấm, sơn phết hoành tráng to đẹp, sàn nhà lót gỗ các kiểu... Thì tốt nhất đừng hỏi vì sao. Cũng chính vì chuyện này, có lần tôi đã bị một bà cô họ hàng trong xóm lấy kéo cắt phăng đôi dép khi đang đá bóng, chỉ vì "Mẹ mày mới xây cái nhà to vật vã thế kia mà để mày đi dép tổ ong à?" Sau này lớn lên, nhớ lại cái cách bà cô hì hục cầm kéo mắm môi mắm lợi dồn hết sức theo kiểu "Cắt cho bằng được" (Thậm chí còn một đoạn không cắt được thì cầm tay giằng cho đứt nốt), lúc này tôi mới phần nào hình dung được sự ghê gớm của tính đố kỵ tiềm ẩn trong mỗi người.
Từ chuyện nhà cửa, xe cộ, người ta bắt đầu so kè đến cả việc nuôi dạy con cái. Các bậc phụ huynh ai cũng muốn con mình cao lớn như Thánh Gióng, mặt đẹp như Phật, học giỏi như Thần Đồng Đất Việt. Mục đích ban đầu phải công nhận ai cũng muốn tốt cho con, lo cho con, nhưng phần nào trong đó là sự thể hiện với họ hàng, với gia đình làng xóm. Ở đó, đứa con giống như một sản phẩm để các ông bố bà mẹ chứng tỏ tài năng cuả mình. Con càng giỏi, càng thành đạt, chính là thành quả to lớn của bố mẹ. Ngay cả việc đầu tư cho con đi học, họ cũng chỉ mong sao sau này con mình thành Ông Này Bà Nọ, để rạng danh gia đình dòng họ, để nở mặt với đời... Chứ ít ai quan tâm đến sở thích thật sự của con mình, hay chú trọng trong việc rèn luyện đạo đức để sau này chúng ra đời trở thành người tử tế. 
Một Số Nhân Tố Hình Thành Tính Cách Đố Kỵ 
Một số nguyên nhân chủ quan
- Tâm lý hơn thua: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tư tưởng đố kỵ cá nhân. Chúng ta thường có thói quen so sánh bản thân với những người xung quanh, bao gồm bạn bè, người thân, gia đình, xã hội trong các tiêu chí về địa vị xã hội, sự nghiệp, hay thậm chí hạnh phúc cá nhân, gia đình, con cái. Nếu có khả năng, đa số chúng ta ai cũng muốn muốn được coi là "Nhất" trong cộng đồng của minh. 
(Lời khuyên: Nếu có thể, ĐỪNG BAO GIỜ hơn thua với bất kỳ ai. Đặc biệt nếu người đó là bạn bè, gia đình, và người thân của mình. Những mối quan hệ này, về bản chất, được xây dựng dựa trên các giá trị tình cảm. Việc hơn thua với họ không chỉ không có nghĩa lý gì, đồng thời bạn đang đánh mất thiện cảm của họ dành cho mình.)
(Note: Bạn bè mà hơn thua nhau về địa vị xã hội, đơn giản không phải bạn.)
- Thiếu lựa chọn về mục đích sống: Rất nhiều người thực sự tin vào cái fact "Cuộc đời là một cuộc đua dài bất tận", để từ đó fix luôn cái mind set theo hướng competitive nhất có thể. Mục đích sau cùng để trở thành người chiến thắng?!
(Bài học rút ra: Cuộc đời, dĩ nhiên không phải cuộc đua. Và cũng không có ai đua với bạn, tất cả chỉ do bạn vẽ ra. Đâu là đích đến? Phần thưởng cho người chiến thắng là gì trong cuộc đua này? Tất nhiên đó cũng là một lựa chọn, nhưng như tôi đã nói, việc hơn thua về thành công không có nghĩa lý gì trừ khi bạn cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang làm.)
Một vài nguyên nhân khách quan 
- Tâm lý thích thể hiện: Người Việt thường không có thói quen khiêm tốn khi thành công. Thậm chí nhiều người còn có sở thích show off mọi thành tựu của họ cho mọi người và cảm thấy hãnh diện về việc đó. Mua nhà, mua xe, du lịch, mua sắm những đồ đắt tiền... cho tới việc tận hưởng cuộc sống sang chảnh bên cạnh vợ đẹp con khôn. Việc làm này vốn dĩ không sai, bởi đó là quyền tự do cá nhân của họ. Nhưng thực tế, việc thể hiện quá lố về bản thân thường sẽ gây mất thiện cảm, dễ tạo sự đố kỵ cho người khác. Đây cũng là sự thể hiện của tư duy trọc phú, kém sang, do đó không nên trở thành một nét văn hóa đại chúng trong cộng đồng. (Hãy thử tưởng tượng, khi chúng ta cập nhật một cách liên tục về cuộc sống phóng khoáng sang chảnh của mình, những người xung quanh không được như vậy sẽ cảm thấy sao? Nếu không đố kỵ, họ cũng sẽ cảm thấy tủi thân vì bạn đang tận hưởng những thứ nằm ngoài khả năng chi trả của họ. Với những người mình coi là bạn, để họ buồn vì sự thể hiện của mình liệu có đáng không?) 
(Quan điểm cá nhân: Những không quen biết, không liên quan đến cuộc sống của mình, thể hiện với họ là một việc không đem lại lợi lộc gì. Thậm chí đôi khi còn mang phiền toái. (Trừ trường hợp cố tình show off để tạo mác phông bạt lừa đảo, gạ chịch...v.v...). Còn lại những người thân thiết xung quanh mình, mình có gì không cần khoe họ cũng biết. Do vậy, cách tốt nhất là bớt thể hiện.)
- Tâm lý sống ảo: Bắt nguồn từ tâm lý hơn thua, thích thể hiện, Facebook là phương tiện không thể tuyệt vời hơn cho các bạn phông bạt, dần dà mang cả những cái không thuộc về mình đem lên trang cá nhân khoe, tô vẽ cuộc sống theo cách đẹp nhất có thể. Họ phải làm vậy, đơn giản bởi cuộc sống bạn bè đã trở nên quá hoàn hảo trên Newfeeds. Một cuộc sống được dàn dựng, hiển nhiên sẽ tạo sự đố kỵ cho những người xung quanh. Điều này vô hình chung còn tạo ra cuộc đua không đáng có khi những người khác cũng theo đó mà follow các giá trị ảo. 
- Hoàn Cảnh Xuất Thân: Có một thực tế, phần lớn những người có hoàn cảnh xuất thân khó khăn sẽ có tâm tính đố kỵ lớn hơn so với những người sinh ra đã có cuộc sống đầy đủ. Thế giới quan những người này ngay từ đầu đã bị chi phối bởi môi trường sống, cảm giác thua thiệt, thiếu thốn, phần nào đó là không hạnh phúc... Một xuất phát điểm thấp tạo cho họ động lực vươn lên lớn hơn người bình thường, nhưng đồng thời cũng làm tâm tính ganh ghét đố kỵ phát triển. Sau này, kể cả khi đã có một cuộc sống tốt hơn, thái độ sống này vẫn không thay đổi vì nó đã ăn sâu vào tâm trí suốt quãng thời gian khó khăn tuổi trẻ. Hơn ai hết, họ hiểu rõ nhất để có được ngày hôm nay, bản thân phải giành lấy mới có được. Để từ đó tạo cho họ cơ sở hạ thấp thành công của người khác, đôi khi chỉ vì người ta được đi con đường dễ dàng hơn. 
(Fact: Ở Việt Nam, đa số những người giàu tự thân (mặc dù tin tưởng sâu sắc vào đức tính đố kỵ là nhân tố giúp họ tạo động lực phát triển), thường có xu hướng không muốn truyền lại suy nghĩ này cho thế hệ kế tiếp. "Cha mẹ không ai muốn con cái phải khổ" là tiền đề trong mối quan hệ gia đình của người Việt Nam. Chữ "khổ" ở đây, không chỉ về vật chất, mà còn về tinh thần. Họ luôn muốn lo cho con cái mình một cuộc sống đầy đủ về mọi mặt để chúng không bao giờ phải suy nghĩ tới cơm áo gạo tiền, cũng như không để con mình phải hơn thua đố kỵ với người khác. Điều này cho thấy, với tư duy không muốn con cái trải qua những gì mình đã từng trải, tính đố kỵ được kỳ vọng sẽ giảm dần theo từng thế hệ. Nhiều dẫn chứng cũng chỉ ra, khi một xã hội trở nên giàu có, tâm tính con người ở đó sẽ trở nên nhân văn và hiền hoà hơn.)
- Bất công xã hội: Đó là khi ta thấy đứa bạn với tư chất không có gì nổi trội, thua kém mình mọi mặt về khả năng nhưng rốt cuộc đạt nhiều thành công hơn trong cuộc sống, đơn giản bởi gia đình nó là gia đình có tiền và thế lực. Bên cạnh đó thì cơ chế hiện giờ cũng tạo ra những bất công có thể nhìn thấy bằng mắt thường, khiến những người nằm ngoài đường dây lợi ích cảm thấy đố kỵ. Trong một xã hội với quá nhiều tấm gương thành đạt nhờ vào sự may mắn, luồn lách, thủ đoạn, ma mãnh như Việt Nam, không đáng trách khi nhiều người mất lòng tin vào cuộc sống, cũng như các giá trị đạo đức căn bản. Tư duy làm ăn cơ hội, Sự tham nhũng, sa đoạ của một bộ phận quan chức cũng là một trong những tấm gương xấu gây ra sự bất mãn cho đại bộ phận dân chúng. 
(Bài học rút ra: Cuộc sống vốn dĩ không công bằng. Chấp nhận nó, không đồng nghĩa với việc bạn đồng tình với những bất công xã hội, cũng không có nghĩa bạn tin những người thành công nhờ may mắn là do phước phần của họ. Bạn chỉ đơn giản sống cuộc sống mà tạo hoá đã ban cho mình. Bởi dù ở vị trí hay hệ thống nào, sự "Bất Công" vẫn luôn tồn tại.)
Các phương tiện truyền thông đại chúng: Rõ ràng, chúng ta đang sống trong một thời đại, nơi giá trị vật chất được tôn thờ, và là thước đo duy nhất dùng để đánh giá thành công về mặt xã hội của từng cá nhân. Truyền thông, về bản chất, cũng chỉ là công cụ để tầng lớp cai trị truyền bá propadanda này tới toàn thể, với mục đích uốn nắn tư tưởng số đông để làm sao phù hợp với xu thế. Theo dõi các bài viết, chương trình, xu hướng, hay các nhân vật được lăng xê trên các phương tiện media thời buổi này, cho tôi cảm giác mục đích sau cùng của cuộc đời, đơn giản chỉ là kiếm được càng nhiều của cải càng tốt. (Không có gì lạ, khi đây cũng là một trong những tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa tư bản.) Thậm chí, trong một chiến dịch diễn ra tại khuôn khổ truyền thông phương tây, slogan "Greedy is Good" đã được sử dụng công một cách công khai, như một điềm báo về một tương lai không mấy tốt đẹp sẽ xảy đến đối với lương tri con người. 
(Fact: Dù bị vùi dập thế nào, không thể và không bao giờ được phủ nhận các giá trị về tinh thần trong việc mang lại hạnh phúc sau cùng của cuộc đời. Hãy luôn tâm niệm, "những gì chúng ta nhìn thấy - chỉ là ảo giác". Điều này chưa bao giờ trở nên đúng đắn hơn, đặc biệt kể từ sự xuất hiện của mạng xã hội và (phần nào đó) là sự biến thái của truyền thông trong việc áp đặt tư tưởng. Nếu không có tâm lý vững vàng, bạn sẽ bị cuốn theo con sóng khổng lồ các giá trị ảo được tạo ra hàng ngày trên mạng. Sự đố kỵ sẽ càng trở nên không có lối thoát.)
- Nhân tố gia đình: Như đã đề cập, các bậc phụ huynh có vai trò rất lớn trong việc hình thành tính cách con cái. Về vấn đề đố kỵ, đa phần họ chưa có ý thức giáo dục tạo nhận thức đúng đắn cho con em mình, sự cạnh tranh giữa các ông bố bà mẹ còn vô tình tác động một cách trực tiếp và rõ rệt lên đứa con. Không khó để một đứa trẻ quan sát và nhận thấy mục đích thực sự của cha mẹ mình, để hiểu những gì bố mẹ làm cho chúng, phần nào đó cũng là để chiến thắng trong cuộc đua của riêng họ. 
Những Hệ Quả Của Tính Đố Kỵ 
Đầu tiên, nhiều người vẫn hay đánh đồng tính đố kỵ (Jealous) với ganh đua (Competitive), để từ đó cho rằng đố kỵ là nhân tố giúp cho xã hội phát triển. Thực tế, ganh đua là tính từ thể hiện xu hướng tâm lý cạnh tranh của một người đối với các mục tiêu trong cuộc sống. "Đố Kỵ" - về bản chất, là thứ cảm xúc nhắm vào cá nhân. Với những người có tâm thế cạnh tranh, họ vượt qua nhau bằng nội lực. Còn trong đố kỵ, mục đích còn có thể đạt được đơn giản bằng cách DÌM NHAU XUỐNG. Ganh đua với mục đích giành lấy một thứ cụ thể, Đố Kỵ chỉ đơn giản là không muốn người khác hơn mình. Sự phát triển nhờ cạnh tranh là khi hai cửa hàng thi nhau nâng cao chất lượng dịch vụ xem quán nào đông khách hơn. Còn khi hai ông chủ tìm cách bóc phốt, mua bài ném đá nhau trên mạng xã hội với chỉ mục đích mong sao cơ sở đối phương dẹp tiệm càng sớm càng tốt, thì đó là hệ quả của sự đố kỵ. 
Do vậy, cần làm rõ hai khái niệm này: Ganh Đua - là nhân tố tạo động lực phát triển. Đố Kỵ - Ngược lại, chính là nhân tố TRIỆT HẠ, KÌM HÃM SỰ PHÁT TRIỂN của cộng đồng.
Theo quan niệm đạo Phật, Đố Kỵ còn là biểu hiện của một tâm hồn không hạnh phúc. Chừng nào còn so đo với đời, chừng đó con người còn khổ. Một người không biết thế nào là đủ, liệu có biết đâu là điểm dừng? Dù ở vị trí nào, một người với tâm tính đố kỵ sẽ luôn tìm ra mục tiêu để so sánh hơn thua. Cảm giác vui sướng khi vượt qua ai đó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, núi cao có núi cao hơn. Và tất nhiên, phần lớn thời gian trong cuộc đời, một người đố kỵ sẽ phải sống trong sự dằn vặt, khó chịu bất an khi luôn cảm thấy mình thua kém thiên hạ.
Ngẫm lại, những hệ quả mà Đố Kỵ đã mang lại cho tới thời điểm này, là một xã hội không có lòng tin, con người ở đó trở nên ích kỷ, thủ đoạn, thậm chí sẵn sàng làm mọi thứ để chà đạp lẫn nhau, chỉ với mục đích không muốn/không cho ai hơn mình. Đây không gì hơn là khởi nguồn của mọi sự bất hạnh cho cả bản thân và xã hội, bởi nó không chỉ huỷ hoại sự trong sáng vốn dĩ trong mối quan hệ giữa người với người, mà còn xoá bỏ hết những ý niệm tốt đẹp về cuộc đời trong tâm hồn của mỗi cá nhân. 
Mặc dù thâm tâm luôn nhận thức đố kỵ là một đức tính đáng xấu hổ, là minh chứng về một con người với lòng dạ hẹp hòi, tính cách tiểu nhân, nhưng khi chứng kiến thành tựu của bạn bè hay một ai đó, bất giác sự đố kỵ lại nhen nhóm lên trong đầu một cách vô thức. Đã có lúc tôi nghi ngờ chính bản thân mình, có lẽ bản chất mình là đứa xấu xa như vậy. Dần dà, mọi thứ trở nên bình thường, khi tôi nhận thấy nhiều người xung quanh cũng có cùng thói quen. Sự đố kỵ diễn ra ở mọi ngóc ngách trong xã hội này. Bất cứ khi nào và bấy cứ đâu, mọi người ai cũng đều nhìn thấy nó, đã từng trải nghiệm nó, và trở nên quen thuộc với nó. Dù là thực tế, nhưng tôi không muốn chấp nhận. Bởi tôi hiểu, "khi con người trở nên bình thường với một thực trạng không mấy tốt đẹp đã và đang diễn ra trong xã hội, đó chính là điểm khởi đầu cho sự kết thúc của xã hội đó."
Kết.
Sau tất cả, thay đổi tư tưởng là một quá trình chưa bao giờ dễ dàng. Việc loại bỏ một lối suy nghĩ đã trở nên quen thuộc đến mức trở thành phản xạ ra khỏi đầu, một cách thực sự, không hề đơn giản chỉ bằng cách tuyên bố: "Tôi không còn ganh ghét đố kỵ nữa". Thậm chí sự phủ nhận tâm tính đố kỵ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều, bởi đó là đạo đức giả. Để thay đổi, đòi hỏi tôi phải đi tìm căn nguyên hình thành tính cách này, thứ trước giờ tôi vẫn luôn đinh ninh là bộc phát không vì lý do nào cả. Đó cũng là lý do tôi liệt kê một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc hình thành tính cách đố kỵ trong phần trên của bài. Mặc dù các nguyên nhân bao gồm chủ quan và khách quan, đồng nghĩa với việc sẽ có những thứ chúng ta không thể thay đổi được. Nhưng việc hiểu chúng đóng vai trò rất quan trọng, bởi chỉ khi đó chúng ta mới có cơ sở để thay đổi tư duy. Nó tương tự như cảm giác khi một người tìm ra một chân lý nào đó của cuộc sống, sự giác ngộ sẽ đến như một lẽ tự nhiên. Tôi đã thành công khi thực hiện theo cách này. 
Cuối cùng, mục đích quan trọng nhất của bài viết này, không gì hơn ngoài việc chia sẻ những gì tôi đã rút ra trong quá trình thay đổi nhận thức. Việc loại bỏ đức tính đố kỵ trong đầu đã thay đổi những quan niệm cơ bản trước giờ của tôi về cuộc sống - Theo đường hướng tích cực, hạnh phúc hơn. Điều tôi mong mỏi, trong tương lai sẽ được chứng kiến đức tính đố kỵ hoàn toàn biến mất, để xã hội Việt Nam trở nên tốt đẹp và trở nên đáng sống hơn. Tới lúc đó, chúng ta sẽ không còn phải lấy các giá trị bên ngoài làm quy chuẩn để dè bỉu lẫn nhau, hạ thấp giá trị nội tại của dân tộc. 
Tôi luôn tâm niệm, với tiềm lực của người Việt, chúng ta không xứng đáng phải xếp sau bất cứ quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á, hay thậm chí là cả khu vực Đông Á. Chúng ta có tất cả, từ phương tiện cho đến con người, để lẽ ra con em đã không phải đi du học các nước lân cận như Singapore, Hàn, Nhật. Cuối cùng, chỉ vì đố kỵ để mà tới tận bây giờ chúng ta vẫn chưa học được cách công nhận thành quả của người khác, nói gì đến việc dám từ bỏ lợi ích cá nhân để phục vụ cho lợi ích chung?